5 anime siêu hay mà các game thủ không nên bỏ qua

Tin điện ảnh · SarahTran ·

Khi xã hội ngày càng hiện đại, game và điện ảnh ngày càng có mối liên hệ mật thiết với nhau thì game không còn là giải pháp duy nhất để giải trí nữa, bởi có rất nhiều tác phẩm điện ảnh đưa thế giới trong game lên màn ảnh rộng lẫn nhỏ.

Game thủ - những con người tìm cách giải tỏa nỗi buồn và căng thẳng bằng cách đắm mình vào thế giới trong game. Nhưng khi xã hội ngày càng hiện đại, game và điện ảnh ngày càng có mối liên hệ mật thiết với nhau thì game không còn là giải pháp duy nhất để giải trí nữa, bởi có rất nhiều tác phẩm điện ảnh đưa thế giới trong game lên màn ảnh rộng lẫn nhỏ. Dưới đây là danh sách những phim anime nói về thế giới trong game hay nhất mà Moveek đã tổng hợp cho các độc giả, nếu là game thủ chính hiệu thì chắc chắn không nên bỏ qua nhé!

1. Sword Art Online The Movie: Ordinal Scale (Sword Art Online: Ranh Giới Hư Ảo – 2017)

Sword Art Online The Movie: Ordinal Scale là anime phiêu lưu kỳ ảo dựa trên bộ light novel Sword Art Online được Reki Kawahara viết và abec. minh họa, xoay quanh công nghệ VRMMORPG (Virtual Reality Massively Multiplayer Online Role-Playing Game – Game nhập vai thực tế ảo trực tuyến nhiều người chơi). Phiên bản điện ảnh lần này vẫn xoay quanh hai nhân vật chính là Asuna và Kirito, nhưng không lấy bối cảnh năm 2022 khi thiết bị Nerve Gear đang làm mưa làm gió, mà tập trung vào thiết bị Augma – được phát hành để thay thế hệ thống AmuSphere. Augma sử dụng công nghệ Augmented Reality (AR – Công nghệ tương tác thực tế), cho phép mô phỏng thực tế trong khi người chơi vẫn còn giữ được ý thức và an toàn hơn so với công nghệ FullDive. Độ an toàn và thân thiện với người dùng khiến cho thiết bị này gây sốt trên thị trường. Trò chơi chiến đấu nổi bật nhất là Ordinal Scale với khả năng xếp hạng khả năng của người chơi, đã thu hút hàng triệu người gia nhập.

Sword Art Online The Movie: Ordinal Scale được chính cha đẻ của bộ light novel viết kịch bản hoàn toàn theo hướng mới, đồng thời giải thích những chi tiết còn khuất mắt trong các phần phim trước. Hơn nữa, hiệu ứng đồ họa của những trận đánh trong phim cực kỳ đẹp mắt. Vì thế phim được khán giả ca ngợi là hấp dẫn, kịch tính hơn những phiên bản trước, được giới phê bình đánh giá rất cao và đứng đầu doanh thu phòng vé sau tuần đầu tiên công chiếu tại Nhật. Ngoài ra, phim còn được xem là hiện tượng anime tiếp nối your name. vào năm 2016 và là đại diện xuất sắc khác đưa nền điện ảnh anime đi chinh phục khán giả trên toàn cầu.

2. Log Horizon (Chân Trời Ký Lục – 2013-2015)

Log Horizon cũng có cốt truyện khá giống với Sword Art Online nhưng thay vì tập trung vào chủ đề sinh tồn như Sword Art Online, thì Log Horizon đào sâu hơn vào những yếu tố trong game, mà cụ thể là trò chơi Elder Tale. Series anime Log Horizon dài 2 phần dựa trên bộ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Mamare Touno, do Kazuhiro Hara minh họa. Câu chuyện trong phim xảy ra trong một vũ trụ nơi mà 30,000 game thủ Nhật Bản và hàng trăm nghìn game thủ trên khắp thế giới bị giam cầm trong một thế giới ảo trực tuyến có tên là Elder Tale. “Thế giới của kiếm và ma thuật” giờ đây đã trở thành thế giới thật. Nhân vật chính của phim – Shiroe, đã liên lạc với người bạn cũ của cậu là Naotsugu và một sát thủ tên là Akatsuki để có thể sống sót trong thế giới này.

Mặc dù không có đồ họa đẹp như của Sword Art Online nhưng Log Horizon là cốt truyện có chiều sâu, hài hước và nhiều bài học sâu sắc. Bên cạnh light novel và anime, Log Horizon còn được chuyển thể thành 4 quyển manga mang tên Log Horizon Gaiden: Honey Moon Logs, Log Horizon, Log Horizon: The West Wind BridgadeLog Horizon Gaiden: Nyanta-hancho Shiawase no Recipe.

3. Accel World (Thế Giới Gia Tốc – 2012)

Phim xoay quanh anh chàng lùn thừa cân tên là Arita Haruyuki – một người không tiếp xúc nhiều trong cuộc sống thật và hay bị bắt nạt nhưng lại xử lý tình huống tốt trong thế giới ảo. Kuroyukihime – cô bạn đẹp nhất trường, đã chú ý đến Arita và mời cậu tham gia vào chương trình bí mật gọi là Brain Burst. Từ một người thấp kém nhất trường, Arita trở thành một Burst Linker – hiệp sĩ đầy dũng cảm đứng lên bảo vệ cho công chúa. Dần dần cậu nhận ra Brain Burst không phải là một trò chơi trực tuyến bình thường khi nó có thể tác động lên cuộc sống thật bằng cách làm ngừng thời gian. Hơn nữa, nó còn là nơi mọi người tranh giành nhau từng điểm để đổi lấy những năng lực đặc biệt có thể dùng được trong thế giới thật. Sau đó Arita và nhóm của anh quyết định đi xa hơn để gặp người tạo ra chương trình này.

Accel World là series anime dài 24 tập được chuyển thể bởi đạo diễn Obara Masakazu, dựa trên loạt light novel cùng tên. Tác giả của Accel World cũng chính là tác giả của Sword Art Online – Reki Kawahara. Chính vì thế mà Accel World cũng nhận được khá nhiều lời khen như Sword Art Online. Tuy nhiên, cách mà Reki Kawahara xây dựng thực tế ảo trong Accel World không được đánh giá cao như trong Sword Art Online.

4. .hack//SIGN (2002)

Đúng như cái tên của nó, .hack//SIGN có cốt truyện khá phức tạp và khó theo dõi. Anime dài 26 tập này chứa đựng nhiều chủ đề trong lĩnh vực tâm lý học và xã hội học như sự lo âu, mong muốn thoát khỏi thực tại và những mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau. Phim xoay quanh một Wavemaster (người sử dụng phép thuật) tên là Tsukasa – game thủ của trò chơi thực tế ảo tên là The World. Một ngày, Tsukasa tỉnh dậy trong The World và bắt đầu đi tìm “chính mình” trong thế giới ấy. Cậu có thể cảm nhận được tất cả những gì xung quanh mình như thể mình đang thực sự ở đó, nhưng rồi Tsukasa lại mất trí nhớ và không biết mình đang ở đâu và tại sao lại đến được đó. Tình hình ngày càng tệ hơn khi Tsukasa không thể nào thoát ra khỏi trò chơi này. Từ đó, Tsukasa cùng những người chơi khác dấn thân vào cuộc hành trình để tìm ra sự thật đằng sau sự việc kì lạ này.

Nhờ cốt truyện phức tạp và bí ẩn nên .hack//SIGN thực sự là một anime kích thích trí tò mò của người xem. Tuy không có nhiều cảnh hành động, chủ yếu là những cuộc nói chuyện xung quanh các nhân vật nhưng phim chứa đựng nhiều tầng lớp ý nghĩa. Bên cạnh đó, .hack//SIGN còn nhận được nhiều đánh giá tích cực về mặt kĩ thuật và hình ảnh. Nhưng trên hết, phần trang phục của nhân vật và âm nhạc mới được đánh giá là xuất sắc nhất.

5. No Game, No Life: Zero (Trò Chơi Sinh Tử: Điểm Bắt Đầu – 2017)

No Game, No Life: Zero dựa trên bộ light novel No Game, No Life của tác giả Yuu Kamiya. Trước đó, bộ tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành series anime dài 12 tập, kể về hai anh em Sora và Shiro là hai huyền thoại game thủ khi trở thành quán quân trong tất cả các bảng xếp hạng game. Nhưng ngoài đời thực, họ lại là những NEET chính hiệu – những người không có việc làm, không ăn học, cách ly với thế giới bên ngoài và cho rằng mình được sinh ra ở nhầm thế giới. Còn phiên bản movie No Game, No Life: Zero thì kể về sự việc xảy ra 6000 năm trước khi Sora và Shiro xuất hiện. Chiến tranh nhấn chìm dải đất Disboard, thiêu đốt thiên đường, hủy diệt những vì sao và đe dọa xóa sổ nhân loại. Giữa làn khói của chiến tranh, chàng trai trẻ tên là Riku với hoài bão mãnh liệt về tương lai, hứa hẹn dẫn dắt cứu vớt cả nhân loại. Một ngày kia, giữa tàn tích của thành Elf, Riku tình cờ bắt gặp Shuvi – Nữ thần Robot đang chịu số phận lưu đày và cô đã nhờ Riku dạy ý nghĩa của việc làm người.

No Game, No Life: Zero đã được công chiếu tại Nhật từ tháng 7 và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả cũng như giới phê bình. Mặc dù phiên bản movie không hề có sự xuất hiện của Sora và Shiro mà bị thay thế bằng hai nhân vật hoàn toàn xa lạ là Riku và Shuvi, nhưng bộ phim không hề mất đi sức hấp dẫn. Hơn nữa, nhà sản xuất cũng có lý do riêng của họ khi xoay quanh Riku và Shuvi, vì thế chắc chắn khán giả sẽ không phải thất vọng.  

“Cơn bão” mang tên No Game, No Life: Zero đã đổ bộ vào Việt Nam từ ngày 24.11 và hiện đang được công chiếu tại các rạp Lotte.