Bạn đã từng biết đến những nền điện ảnh tưởng không hay nhưng hay không tưởng này chưa?

Tin điện ảnh · Maii ·

Những nước ở vùng Trung Đông hoặc Châu Phi cũng có những bộ phim và cách làm phim rất độc đáo, nhưng chưa được nhiều người biết đến, như Nigeria chẳng hạn.

Những cái tên nổi bật của điện ảnh thế giới đối với nhiều người là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ý, Pháp... và có thể là Việt Nam (nếu đó là khán giả Việt). Thế nhưng, ngoài những nền điện ảnh kể trên thì những nước ở vùng Trung Đông hoặc Châu Phi cũng có những bộ phim và cách làm phim rất độc đáo, nhưng chưa được nhiều người biết đến, như Nigeria chẳng hạn.

Mặc dù là một trong những nền công nghiệp phim ảnh lớn nhất trên thế giới, có lịch sử phát triển lâu đời kể từ thời còn là thuộc địa, đi qua thời hoàng kim, và đang bước sang thời kỳ mới của điện ảnh Nigeria, rất ít khán giả quan tâm nền điện ảnh đến từ Châu Phi này. Cũng giống như Ấn Độ, phim ảnh của Nigeria được chia thành các nền điện ảnh nhỏ hơn tùy theo vùng miền và tôn giáo.

Có một điều đặc biệt là Nigeria làm rất tốt các phim hài và tình cảm, vì thường các nhà làm phim Nigeria hiểu thể loại phim mình đang làm và hướng sự tập trung toàn bộ vào việc khiến khán giả cười một cách thoải mái nhất, không nhất thiết phải quá cố gắng truyền tải một thông điệp cảm động nào đó. Năm 2016, bộ phim The Wedding Party trở thành phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Nigeria. Xoay quanh những rắc rối trước và sau đám cưới của Dozie Onwuka và Dunni Coker, dù cốt truyện không có gì mới lạ hơn so với các bộ phim Âu – Mỹ, nhưng cách dẫn dắt nhẹ nhàng và cực kỳ hài hước vẫn khiến khán giả cười lăn cười bò.

Sau Nigeria thì Trung Đông cũng là một trong những nơi có nền công nghiệp điện ảnh phát triển. 3 nước ở Trung Đông có điện ảnh phát triển nhất bao gồm Ai Cập, Iran và Thổ Nhỹ Kỳ.

Trang thiết bị công nghệ làm phim ảnh ở Ai Cập luôn được cập nhật và cải tiến nhằm đưa đến khán giả những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Hiện nay, đã có khoảng 64 studio với công nghệ hiện đại ở Ai Cập, phim ảnh Ai Cập cũng đã thoáng hơn khi các vấn đề nhạy cảm hơn được bàn luận trên phim một cái cởi mở, từ tình dục cho đến việc phê phán chính quyền, dù vậy việc hạn chế trong cốt truyện vẫn còn tồn tại. Phim nghệ thuật của Ai Cập cũng khá kén người xem, gây được sự chú ý ở nước ngoài nhưng bị khán giả nội địa “ghẻ lạnh”.

Dù vậy, có những phim nghệ thuật hay vẫn gây được tiếng vang do truyền tải thông điệp nóng hổi về các vấn đề xã hội, như Asmaa chẳng hạn. Asmaa xoay quanh một người phụ nữ mắc phải căn bệnh thế kỷ AIDS, thay vì từ bỏ thì cô quyết định chống chọi với căn bệnh này. Đây là phim Ai Cập đầu tiên truyền tải cái nhìn cảm thông về bệnh nhân AIDS đến khán giả. Bộ phim mang đến niềm cảm hứng và cỗ vũ cho hành trình chống chọi bệnh tật, ca ngợi tình yêu, lòng can đảm, đấu tranh giành quyền con người trong mỗi chúng ta. Vì sự chân thành và cảm động trong cách dẫn dắt mà Asmaa trở thành một trong những bộ phim hay nhất của phim ảnh Ai Cập.

Ngược lại với Ai Cập, phim nghệ thuật Iran rất nổi tiếng, đặc biệt là phim điện ảnh và được rất nhiều nền điện ảnh khác trên thế giới học hỏi. Bên cạnh Trung Quốc, Iran là nước có xuất khẩu phim điện ảnh nhiều nhất trên thế giới trong những năm thập niên 1990. Trong tầm 20 năm trở lại thì các bộ phim Iran được vinh danh ở các giải thưởng quốc tế càng lúc càng nhiều.

Một trong những phim kinh điển và nổi tiếng nhất của điện ảnh Iran đối với khán giả Việt Nam là Children from Heaven – Những Đứa Trẻ Đến Từ Thiên Đường. Dù cho cốt truyện phim có đôi phần hơi đơn giản, chỉ đơn thuần là về 2 đứa trẻ và cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ của chúng vì một đôi giày bị mất, nhưng thông điệp nhẹ nhàng và tình cảm cũng như thấp thoáng những bài học đạo đức đã khiến đây là bộ phim dễ thương không chỉ dành cho người lớn mà còn dành cho trẻ con.

Ngoài ba nước trên thì điện ảnh Trung Đông cũng bao gồm một số nước khác như Ả Rập Saudi, Syria, phim thuộc các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất… Thường thì những phim đến từ các đất nước này rất hiếm khi được nhập về và trình chiếu ở Việt Nam. Nhưng may mắn là sắp tới đây, khán giả Việt sẽ được thưởng thức một bộ phim của xứ sở Trung Đông: Bilal: A New Breed of Hero. Đây là bộ phim hoạt hình được đầu tư rất hoành tráng, mất đến 7 năm để phát triển bối cảnh, phát triển tính cách nhân vật cũng như nghiên cứu rất kỹ các sự kiện lịch sử.

Đồng thời, để làm được bộ phim này thì Ayman Jamal – đồng đạo diễn và đồng sản xuất của bộ phim đã phải lập ra và phát triển một studio hoạt hình ở Dubai, cũng như cùng lúc phát triển cả bộ phim nữa. Phim dựa trên cuộc đời của Bilal, người anh hùng xứ Ả Rập từ một nô lệ đã vùng lên, trở thành chiến binh bậc nhất và quả cảm nhất lịch sử vương quốc này. Dù được diễn giải dưới hình thức phim hoạt hình, nhưng đây là phim không dành cho trẻ em vì tính triết lý, sử thi mà các vấn đề tôn giáo được truyền tải.

Đến từ một vương quốc không nổi tiếng bởi phim hoạt hình, nhưng hình ảnh của phim vẫn rất đẹp, ngang ngửa cả phim của Disney và Pixar dù đây là hoạt hình đầu tiên của Dubai. Các góc quay đậm chất điện ảnh, nhạc phim cũng cực kỳ bi tráng. Phim mang nhiều thông điệp về các vấn đề sắc tộc, bình đẳng và đặc biệt là tự do cho mỗi con người được sinh ra trên mỗi đất nước. Nếu trước giờ bạn vẫn cho rằng phim hoạt hình chỉ dành cho trẻ con thì chắc chắn, sau khi xem xong Bilal: A New Breed of Hero, bạn sẽ thay đổi suy nghĩ.

Phim được công chiếu chính thức vào ngày 02.02.2018