Benedict Cumberbatch và tình yêu cho những kẻ dị biệt

Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·

Với khuôn mặt xương xẩu, đôi mắt sáng và một giọng nói “đẹp tuyệt vời” (trích lời biên kịch Steven Moffat), Benedict đã tạo ra cơn sốt Sherlock trên toàn cầu.

Bạn có thể biết đến Benedict Cumberbatch qua series Sherlocks lừng lẫy, hay qua Khan trong Star Trek Into Darkness, và cũng có thể là Alan Turing trong The Imitation Game… Dù ở vai diễn nào, thì Benedict cũng đều đem đến sự yêu thích cho người xem. Và điều tuyệt vời nhất là qua những vai diễn ấy, Benedict đã giúp cho người xem có được cái nhìn thiện cảm hơn, thậm chí là sự yêu quí dành cho những cá nhân dị biệt, tách mình khỏi xã hội.

Tên đầy đủ của anh là Benedict Timothy Carlton Cumberbatch, sinh ngày 19/07/1974. Bennedict đã theo học tại đại học Manchester và tiếp tục học lên cao hơn ở Học Viện Âm Nhạc và Kịch Nghệ Luân Đôn. Ban đầu anh đi theo con đường kịch sân khấu, nhưng tài năng của anh đã tỏa sáng và thu hút những nhà sản xuất phim, cả điện ảnh lẫn truyền hình, cả Anh lẫn Mĩ tìm đến. Kết quả là khán giả thế giới có thêm một diễn viên sáng giá để yêu mến và mong chờ các tác phẩm mới.

Một trong những vai diễn phim truyền hình đầu tiên của anh là vai thiên tài Stephen Hawking trong series Hawking năm 2004. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên thủ vai thiên tài để rồi Benedict dần được các nhà làm phim chú ý khi muốn tìm một người có thể diễn tả được chất “dị”, “độc” cần có ở nhân vật của họ.

Cảnh phim trong Hawking khi Stephen Hawking cố gắng giải thích ý tưởng của mình về Big Bang.

Trong rất nhiều phim của phương Tây, người ta thường nhắc đến câu nói, “Con người sợ những gì mà họ không hiểu.” Đặc biệt là khi những thứ “không hiểu nổi” lại mang hình dáng giống họ. Những kẻ ấy có khi là những thiên tài cống hiến những thành tựu phi thường, cũng có khi là kẻ tâm thần phân liệt bị nhốt sau song sắt. Sự dị biệt của họ khiến cho làn ranh phân biệt thiên tài và tên điên đôi khi thật khó nhận ra, nói gì đến hiểu và có tình cảm với họ.

Chính vì thế, mà diễn xuất thiên tài của Benedict là một món quà vô giá cho người xem. Thông qua phim ảnh, nền nghệ thuật có khả năng gây ấn tượng cao, Benedict đã giúp cho khán giả hiểu thêm về những kẻ dị biệt, và tuyệt vời hơn nữa, là hiểu thêm về bản thân của chính họ.

Ví dụ điển hình nhất có lẽ là vai Sherlock Holmes trong series Sherlock nổi tiếng của BBC.

Nếu đã từng đọc qua bộ tiểu thuyết Sherlock Holmes của Sir Athur Conan Doyle, bạn sẽ thấy trí tuệ của Sherlock Holmes có phần nào “vô đối”, “không tưởng”. Ngoài ra, những khác biệt về văn hóa, tư tưởng có thể khiến cho bạn khó mà hiểu hết được con người của vị thám tử này. Chính vì thế, khi quyết định dựng lại series Sherlock với màu sắc hiện đại, các nhà biên kịch đã phải đương đầu với một khó khăn trong việc chọn ra một người có thể khắc họa tài năng của Sherlock sao cho “sát nguyên bản” nhất và đồng thời có thể mang những nét cá tính độc đáo của Sherlock Holmes đến thời hiện đại.

Và rồi với khuôn mặt xương xẩu, đôi mắt sáng và một giọng nói “đẹp tuyệt vời” (trích lời biên kịch  Steven Moffat), Benedict đã tạo ra cơn sốt Sherlock trên toàn cầu.

Nên nhớ, cùng thời điểm những năm 2010, người ta đã có một Sherlock Holmes do Robert Downey Jr. của Mỹ đóng, và một series Elementary do John Lee Miller thủ vai chính. Vậy điều gì đem đến thành công vượt trội của Benedict so với hai người đồng nghiệp kia?

Có lẽ, đó là ở sự khai thác trọn vẹn mối quan hệ giữa Sherlock và xã hội loài người xung quanh anh, đặc biệt là nhân vật Watson.

Trong phiên bản điện ảnh, Robert Downey Jr. đã làm tốt chất “điên”, tài năng trí tuệ lẫn võ lực của Sherlock. Tuy nhiên do thời lượng có hạn và phải tập trung vào những cảnh hành động, cũng như dấu ấn quá nặng của Iron Man, mà Sherlock của Robert Downey Jr. vẫn bị đóng khung vào hai chữ “người hùng”.

Còn trong phiên bản Elementary cũng khai thác đề tài “Sherlock thời hiện đại”, nhân vật Sherlock tạo ấn tượng đầu tiên là ở sự nghiệp ngập quá mức, và mối quan hệ theo kiểu “huynh đệ” lại trở thành quan hệ lãng mạn nam nữ do Watson đã trở thành nhân vật nữ (Lucy Liu đóng).

Ở Sherlock của Benedict, người ta thấy được một con người, khác biệt với hầu hết xã hội, hiểu rõ sự khác biệt và chẳng thèm bận tâm thích nghi. Benedict thành công nhất, có lẽ là ở những đoạn phim mà trong đó Sherlock “cố gắng” biểu thị ra cảm xúc trên khuôn mặt mình.

Nếu đó là khi Sherlock đang cố gắng “diễn” để đạt được mục đích, thì đó là biểu cảm giả tạo nhất mà một con người có thể tạo ra.

Nhưng nếu đó là biểu cảm giành cho Watson, Molly … những người mà Sherlock quan tâm, thì đó là khuôn mặt chân thành nhất. Khuôn mặt ấy có tình yêu thương, và cả sự bất lực của một thiên tài “gì cũng làm được” trong việc bày tỏ tình yêu thương.

Vì vậy mà nói không ngoa, người ta sẽ cảm thấy dễ cảm thông hơn với những kẻ khác người, cõi trên… trong cuộc sống của họ nhờ có Sherlock của Benedict. Bởi vì Sherlock của Benedict rốt cuộc cũng chỉ là con người, vượt trội về trí lực nhưng luôn khó khăn để hiểu rõ những lẽ thường tình trong mối quan hệ với cả loài người.

Còn ở một bộ phim khác, bằng vào việc hóa thân vào một thiên tài khác, Benedict Cumberbatch đã đi xa hơn trong công cuộc “nối kết” loài người và những thiên tài.

Trong bộ phim The Imitation Game (tựa Việt: Người Giải Mã), Benedict tiếp tục thủ vai một thiên tài. Lần này là nhà toán học Alan Turing, người có công giải mã Enigma để quân Đồng Minh “bắt bài” Đức Quốc Xã, kết thúc sớm chiến tranh thế giới lần 2.

Nếu Sherlock là một thiên tài được yêu mến và vị nể nhờ vào thành tích chống tội phạm, thì Alan Turing lại vô cùng đáng thương: luôn bị bắt nạt khi đi học, yêu bạn học đồng tính và phải nhìn người ấy ra đi vì bệnh tật. Những điều đó tạo nên sự cô lập ở bất kì nơi đâu Alan đi đến. Anh ta không cần người ta hiểu, vì anh chỉ còn một mối quan tâm duy nhất: toán học.

Khi nhân vật Joan Clarke do Keira Knightley đóng xuất hiện, người ta những tưởng cuộc đời của Alan sẽ tươi sáng theo hướng anh và Joan yêu nhau, cùng nhau giải mã và kết thúc chiến tranh. Thế nhưng không, chiến tranh kết thúc, Alan vãn tiếp tục cô độc. Vì bảo mật an ninh, Alan không những không được vinh danh sau khi chiến tranh kết thúc, thậm chí cuộc đời anh kết thúc trong sự ghẻ lạnh và tủi nhục vì định kiến dành cho người đồng tính. Có lẽ vì tính cách bẩm sinh, mà Alan không phản kháng phán quyết, cũng không tức giận hay thù hận loài người. Và chính điểm đó làm nên điểm nhấn của bộ phim: nếu như trong phim Joan tức giận và tìm cách giúp anh nhưng bị từ chối; thì ở phía người xem, đặc biệt là những ai mang định kiến với giới tính thứ ba, họ sẽ cảm thấy cần phải nhìn nhận lại quan điểm của mình.

Xuyên suốt bộ phim, ánh mắt của Benedict khi thì đau đáu nhớ về quá khứ, khi lại tràn đầy ý chí quyết chinh phục Enigma, và sự mệt mỏi ở những năm tháng cuối cùng làm người ta xót và thương nhân vật Alan nhiều hơn. Ánh mắt đó như muốn chất vấn chúng ta, rằng cuộc đời vốn rất ngắn ngủi và tàn bạo, tại sao còn dành thêm thời gian để ghen ghét vô lý đối với những người trót mang dị biệt?

Với một sự nghiệp gắn liền với các vai diễn thiên tài cổ quái, khác người, khán giả đang mong chờ điều gì ở Benedict? Và bản thân anh sẽ đi tiếp con đường diễn xuất như thế nào?

Có lẽ là một khía cạnh mới, một mẫu hình nhân vật mới.

Vì vậy mà sắp tới đây, chúng ta sẽ gặp lại anh trong Doctor Strange của Marvel.

Dr. Strange, theo những gì được giới thiệu trong trailer cũng là một nhân vật thuộc mẫu thiên tài: là bác sĩ phẫu thuật tài ba, và học pháp thuật cũng rất nhanh. Vậy, thông qua Dr. Strange, Benedict sẽ đem đến sự “khác lạ” nào cho người xem?

Câu trả lời chỉ có ở ngày 28 tháng 10 sắp tới, khi bộ phim ra mắt khán giả Việt Nam. Hãy chia sẻ với Moveek cảm nhận của bạn sớm nhất nhé, các Cumberbabes (fan của Cumberbatch) tại Việt Nam!