Châu Tinh Trì - Kẻ thao túng sự phi lý

Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·

Dù là tác giả trong lĩnh vực nào đi nữa, thì sáng tác là một hành động thỏa mãn bản thân. Chính vì thế, mà những bộ phim của Châu Tinh Trì là sự thăng hoa của những phi lý trong cuộc đời ông ta.

Châu Tinh Trì là bạn của ngôi sao Lương Triều Vỹ. Tuy họ Châu là người thuyết phục Lương Triều Vỹ theo nghiệp diễn, nhưng sự nghiệp của anh lại lận đận. Và rồi khi anh càng nổi tiếng, người ta càng biết đến anh như một kẻ phụ tình bạc nghĩa. Thế thì đâu mới là con người thật của ông? Một tâm hồn đã tạo ra những tác phẩm đầy tính nhân văn, hay tên khốn lừa tình lẫn tiền? Câu trả lời vốn nằm trong tác phẩm của ông ta!

Nếu bạn có xem qua một số phim cũ của Châu Tinh Trì, giai đoạn đầu khi Châu Tinh Trì “thực sự” có đất diễn trong phim chính là những phim hành động xã hội đen đầy rẫy thị trường Hong Kong lúc bây giờ. Tiêu biểu trong đó là bộ phim “Final Justice” năm 1988, trong đó anh đã được đề cử giải Kim Mã cho vai diễn mang đậm tính bi kịch này.

Tuy nhiên, Châu Tinh Trì thực sự tỏa sáng khi được tham gia sản xuất và đóng vai chính trong những bộ phim hài của mình.

Công chúng Việt Nam biết đến anh qua những băng phim lậu do Vân Sơn lồng tiếng. Chất giọng nhừa nhựa của anh Vân Sơn cùng với tính cách “bá đạo trên từng hạt gạo” của nhân vật khiến khán giả thời bấy giờ gọi hài của anh là “hài nhảm”. Nhưng thực sự, phim của Châu Tinh Trì hàm chứa những triết lý nhân sinh, tôn giáo sâu sắc và đã được anh “đơn giản hóa” bằng biện pháp hài. Thật sâu sắc mà cũng thật thô tục, đó là sự phi lý thứ nhất.

Bên cạnh đó, mô tuýp quen thuộc cũng là một điểm đặc trưng của phim “anh Tinh”. Trong phim của anh thường có hai loại nhân vật chính (do anh thủ vai). Một loại là kiểu nhân vật kiêu ngạo, ỷ vào chút tài năng mà vênh váo (vai Stephen trong “Thần Ăn”, hay Tô Khất Nhi trong “Võ trạng sư Tô Khất Nhi”).

Và một loại là kiểu nhân vật có tài năng khác người, không ngừng đi lên chinh phục đỉnh cao (“Đội bóng thiếu Lâm”, “Thần bài”). Không khó để nhận ra cả hai loại nhân vật này đều là những góc cạnh khác nhau trong con người Châu Tinh Trì (qua việc các nhân vật luôn tên “Tinh” như “Châu Tinh Tinh”, “Lưu Tinh” thậm chí là...“Bao Lung Tinh”) .

Và anh đã khai thác hai loại nhân vật này suốt mấy chục năm, nhưng vẫn được yêu thích. Đó là sự phi lý thứ hai.

Từ hai sự phi lý ở trên, ta thấy được sự phi lý lớn nhất: Một con người có tư duy vượt trội, có khả năng khắc họa được những thăng trầm, vô thường trong cuộc sống, lại là một kẻ phụ tình, bạc nghĩa.

Đạo diễn Vương Tinh hé lộ: "Anh ta (Châu Tinh Trì) chắc chắn là yêu tiền hơn tất cả…Anh ta tham tiền và ti tiện hơn tôi nhiều dù tôi bị mang tiếng vua làm phim thương mại. Do tính khí chả coi ai ra gì mà Châu Tinh Trì chẳng thể kết bạn với ai lâu dài”.

Vậy câu trả lời cho những sự phi lý này là ở đâu?

Người ta thường cho rằng phán xét một người khi chưa gặp mặt, chưa thấy thái độ của họ là sai lầm. Nhưng với các tác giả trong nghệ thuật, tác phẩm của họ chính là phần tâm hồn mà họ muốn thể hiện ra nhất. Nếu để ý kỹ những bộ phim của Châu Tinh Trì, ta thấy rõ câu trả lời của những sự phi lý này rất rõ ràng.

Cách xây dựng nhân vật của Châu Tinh Trì, như đã nói ở trên, hoàn toàn không có sự đột phá. Điều thu hút là cái cách mà các nhân vật đó “ứng biến” trong hoàn cảnh khác nhau. Nói cách khác, những bộ phim do Châu Tinh Trì làm ra, chính là thể hiện suy nghĩ “tôi sẽ làm thế nào nếu tôi là nhân vật chính”. Điều này thể hiện rõ cả trong những phim sau này khi anh làm đạo diễn. Trong “Tây Du” bản 2013, Châu Tinh Trì thể hiện sự ngạo mạn của mình qua nhân vật “Hư Không công tử”.

Một kẻ có thực tài, nhưng luôn phải tìm cách tung hô bản thân theo cách phù phiếm nhất. Và như trong tác phẩm “Mỹ Nhân Ngư” mới nhất, ta thấy Lưu Hiên, nhân vật chính của phim, cũng chỉ là một cái bóng của Châu Tinh Trì. Khác chăng là cái bóng lần này không có tác phong diễn giống họ Châu 100%, và có thêm nét trọc phú của giới nhà giàu Trung Quốc. Sự thiếu đột phá này cho thấy sự tôn sùng bản thân của họ Châu: ta cứ làm phim về chính ta, khán giả không thể nào từ chối ta được.

Và họ Châu đã thành công. Vì anh ta hiểu đám đông muốn gì ở mình. Anh ta tạo ra những kịch bản mà thông điệp rõ “mồn một” cho đám đông có thể tiếp thu, nhưng cũng tạo ra những khoảng lặng, những đoạn triết lý để đời tạo dấu ấn riêng cho mình. Sự thành công này khiến cho Châu Tinh Trì lại càng ỷ lại vào cái Tôi quá lớn của mình, dẫn đến những hành động mất lòng người trong cuộc sống. Điểm khác nhau giữa nhân vật của Châu Tinh Trì và anh ta, đó là nhân vật của anh ta có sự giác ngộ và thay đổi triệt để. Điều đó thể hiện mong muốn thay đổi trong nội tâm của anh ta, nhưng tiếc thay, những mong muốn đó chỉ có thể trở thành hiện thực trong một thế giới mà người ta có thể dùng kungfu để nấu ăn, đá bóng, hay tham gia những trận đánh sinh tử v.v. Và ở thế giới thực của Châu Tinh Trì, anh ta có tiền dù không cần phải chiến đấu và thay đổi bản thân.

Nếu bạn cảm thấy nhận định của tôi chưa đúng, bạn có thể kiểm chứng nó bằng cách theo dõi “Mỹ Nhân Ngư”, tác phẩm mới ra mắt của Châu Tinh Trì. Tin tôi đi, bạn sẽ “gặp lại cố nhân” trong tác phẩm hoàng tráng này.

Ngân Long.