Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm và hướng đi tiếp theo của dòng phim kinh dị
Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · VLynd ·
Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm là một chiến thắng của dòng kinh dị hiện đại và cần thiết cho thế hệ khán giả tiếp theo, vì nó minh chứng cho sự thật rằng khán giả yêu thể loại này hơn là những con quái vật.
Hầu hết các tín đồ của kinh dị đều nhớ đến khoảnh khắc họ yêu thích thể loại này. Với một số người, sự mê hoặc với những sinh vật ẩn mình trong bóng tối, hay lướt qua trần nhà đều bắt đầu từ thời thơ ấu, khám phá những câu truyện về ông Ba bị, bà Kẹ, truyện cổ Grimm, Fear Street và Goosebumps của R.L. Stine, hay Are You Afraid of the Dark? Của Nickelodeon. Dĩ nhiên, là không thể thiếu Scary Stories to Tell in the Dark của Alvin Schwartz và Stephen Gammell.
Những câu truyện kinh dị trên đều dẫn dắt người đọc qua từng góc tối, có chỗ đứng đặc biệt trong lòng người hâm mộ. Nhưng khi nói đến điện ảnh, nó như một món ăn hiếm trên bàn tiệc kinh dị đang trở nên bão hoà và đó lại là điều giúp Scary Stories to Tell in the Dark (Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm) trở nên thú vị. Bộ phim của đạo diễn Andre Ovredal (The Autopsy of Jane Doe), do bậc thầy quái vật Guillermo del Toro đồng viết kịch bản và sản xuất, là một mở đầu hoàn hảo cho thế hệ kinh dị tiếp theo, một bộ phim có ý nghĩa xã hội và dữ dội một cách ngạc nhiên, hướng đến những khán giả trẻ mà không còn e sợ những nỗi sợ hãi. Thay vào đó, giống như bộ sưu tập câu truyện của phim, nó thách thức khán giả bước chân vào bóng tối.
Thật thông minh, Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm không bám theo toàn bộ tuyển tập; thay vào đó, phim kể lại một vài câu truyện đáng nhớ từ cuốn sách như: Harold, The Big Toe, The Red Spot, The Haunted House, Me Tie Dough-ty Walker! và The Dream; để liên kết mạch truyện của 6 thiếu niên tại một vùng ngoại ô năm 1968. Nhưng khác với Goosebumps (Câu Chuyện Lúc Nửa Đêm – 2015) tập trung vào hướng hài hước hơn là hù doạ, Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm sử dụng chính những con quái vật và các tai nạn trong phim để tô vẽ nên một nước Mỹ bất an và bị những câu truyện đắt giá chi phối mà thậm chí trẻ em cũng không được an toàn. Là nhân vật chính kiêm tín đồ của kinh dị, Stella (Zoe Margaret Colletti) đã nói trong đoạn mở đầu phim rằng: “có những câu truyện mang lại đau thương và cũng có những câu truyện sẽ chữa lành”. Một yếu tố chính của kinh dị, điều mà ít người đi theo thể loại này nhận ra, đó là nó thường phụ thuộc vào sự phản ánh và đồng cảm. Không quan trọng con quái vật hay lượng máu me tuôn tràn, phần lớn yếu tố kinh dị của phim vươn đến những ý tưởng lớn lao hơn, nghiêng về phạm trù đạo đức hay xã hội.
Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm lấy bối cảnh vào Halloween nhưng ngữ cảnh chính của kinh dị chính là cuộc bầu cử của Richard Nixon. Những tấm poster chiến dịch được dán ngoài các cửa hàng bị bôi nhọ bằng ký hiệu chữ vạn, như một lời lên án đến chủ nghĩa phát xít trong chính phủ, cũng có nét tương đồng với tình hình chính trị ngày nay. Chiến tranh Việt Nam cũng đóng vai trò nhất định thông qua màn hình tivi. Bạn của Stella là Ramon Morales (Michael Garza) cố gắng thoát khỏi sự chú ý của sự phân biệt chủng tộc tế nhị lẫn lộ liễu của cảnh sát địa phương, của những đứa trẻ trâu da trắng. Bản thân Stella cũng chịu áp lực từ những lời bàn ra tán vào của nguyên thị trấn về việc mẹ cô đã bỏ rơi 2 cha con cô, mà với họ, nguyên nhân chủ yếu là từ chính cô bé. Trước khi đến với sát nhân huyền thoại Sarah Bellows cùng bộ sưu tập câu truyện kinh dị của cô, phim đã giới thiệu đến những nõi sợ hãi lớn nhất của các nhân vật, mà chúng ta thừa biết nó hiện diện trong chính cuộc sống ngày hôm nay chứ không phải hư cấu. Phân loại PG-13 của Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm chỉ là yếu tố trá hình với khán giả trẻ để rồi cuối cùng họ khám phá được những yếu tố kinh dị hiện đại trưởng thành mà đã xuất hiện trong những bộ phim như The Invitation (2015), Green Room (2015), Get Out (Trốn Thoát – 2017), The Shape of Water (Người Đẹp và Thuỷ Quái – 2017) và Us (Chúng Ta – 2019).
Những sinh vật như The Toe Monster (Javier Botet), The Pale Lady (Mark Steger) và The Jangly Man (Troy James), được tạo hình từ những bức vẽ của Stephen Gammell và sự chăm chút của del Toro, đã đóng vai trò là cơn ác mộng, thậm chí là dành cho người lớn. Những tình huống trớ trêu ngoài đời thực mà Stella và Ramon gặp phải đã cân bằng với những người bạn của họ như Auggie (Gabriel Rush), Chuck (Austin Zajur) và Ruth (Natalie Ganzhorn), những cô cậu đảm nhận các khoảnh khắc rùng rợn thường thấy trong các Tv series ngày xưa như Goosebumps và Are You Afraid of the Dark?, hoặc các phim kinh dị vỡ lòng của thời kỳ trước như Poltergeist (1982) và Gremlins (1984).
Thay vì để lại những sang chấn như các phim thời thập niên 80 và 90, bộ phim này có một sự cân bằng thanh lịch giữa kinh dị giải trí và kinh dị sâu sắc hơn. Yếu tố ma thuật đen xuất hiện khi Stella và bạn cô bé tìm Lou Lou (Lorraine Toussaint) – người phụ nữ từng hầu hạ cho gia đình Bellows, tuy nhiên việc đi sâu vào ma thuật lại tránh được đề cập. Thay vào đó, khán giả trở lại với thực tại rằng người phụ nữ da màu này – người mà cuộc đời tưởng chừng như bị phá huỷ vì các câu truyện phù thuỷ của Sarah, lại sống yên ổn bên gia đình và chẳng dính líu gì đến các hiện tượng siêu nhiên. Các bạn thiếu niên trong phim mắc kẹt giữa những con quỷ trong cuốn sách của Sarah và những con quái vật từ thế giới thật mà chỉ chực chờ thoát ra, để rồi dẫn dắt chúng trở thành chính bọn quái vật này.
Mỗi câu truyện đều có cái giá của nó và Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm vẫn đi theo yếu tố này. Tuy cái kết có phần nào tươi sáng, nhưng nó không thật sự là một cái kết có hậu. Một vài nhân vật tưởng chừng như đang hướng đến một nơi nào đó tốt hơn, nhưng thực tế thì lại không. Phim kết thúc cho các khán giả trẻ thấy rằng hiểm hoạ từ những con quái vật đang lắng xuống nhưng với chiến thắng của Nixon, Việt Nam tiếp tục bị tấn công, các vết sẹo vẫn còn đó và những người bạn vẫn ra đi. Những con quái vật thật sự vẫn còn hiện hữu trong thế giới này, điều mà đã thể hiện rõ dấu ấn làm phim của del Toro.
Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm là một chiến thắng của dòng kinh dị hiện đại và cần thiết cho thế hệ khán giả tiếp theo, vì nó minh chứng cho sự thật rằng khán giả yêu thể loại này hơn là những con quái vật và tập trung vào những con người, vào thế giới mà chúng ta đang sống.