[PHÂN TÍCH] Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm và Foreshadowing trong điện ảnh
Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · Maii ·
Foreshadowing được sử dụng rất nhiều trong Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm. Vậy Foreshadowing là gì?
Kéo xuống để xem tiếp
Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm (Scary Stories to Tell in the Dark) cuối cùng đã may mắn vượt qua kiểm duyệt và đến với khán giả Việt Nam vào những ngày đầu tiên của tháng 8. Phim do André Øvredal chỉ đạo, Guillermo del Toro sản xuất và vị đạo diễn của bộ phim đoạt giải Oscar The Shape of Water cũng là người chấp bút kịch bản cùng với Dan và Kevin Hageman.
Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm lấy bối cảnh những năm thập niên 60 khi nền chính trị nước Mỹ gặp nhiều biến động và khói lửa xuất phát từ chiến tranh đang leo thang. Ở một thị trấn nhỏ, có một nhóm thiếu niên bao gồm Stella, Ramón, Auggie và Chuck vô tình tìm được một tập truyện ma dành cho trẻ con của Sarah Bellows – người phụ nữ đã chết cả trăm năm trước và được đồn đại là đã trở thành hồn ma ám ảnh cả thị trấn. Điều gì sẽ xảy ra khi các câu chuyện kinh dị trong cuốn sách trở thành sự thật, và từng người một trong nhóm bạn bắt đầu gặp nguy hiểm?
Được biết, trong quá trình làm phim thì André Øvredal nhận được khá nhiều gợi ý từ Toro, tuy vậy, Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm vẫn là bộ phim của vị đạo diễn người Na Uy và Toro vẫn giữ vai trò là nhà sản xuất. Thế nhưng, không thể không phủ nhận rằng Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm là bộ phim mang nhiều ảnh hưởng từ Guillermo del Toro, nhất là trong khâu biên tập/dựng phim/hậu kỳ. Theo đạo diễn Øvredal thì sau khi ông đưa Toro xem các cảnh đã quay, Toro đã bảo rằng “Tuyệt đấy, giờ ngồi xuống đây và tôi sẽ chỉ anh cắt bớt 20 phút của bộ phim đi như thế nào.” (Theo Syfy)
Vị đạo diễn sau đó đã để Toro chỉ đạo việc cắt ghép và dựng phim theo ý đồ của mình, giúp các cảnh phim rời rạc trở nên mạch lạc với nhau và có thời lượng rút xuống còn 2 tiếng. Tuy vậy, cảm thấy 2 tiếng sẽ làm phim trở nên chậm chạp và dài dòng, họ tiếp tục cắt bớt và chúng ta có thời lượng phim như công bố chính thức từ studio.
Cũng bởi vì ảnh hưởng khá nhiều của vị đạo diễn từng đoạt giải Oscar ở khâu dựng phim và cả kịch bản nên Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm có lối kể chuyện rất thu hút, khác biệt nhiều so với đa phần các phim kinh dị xuất hiện gần đây kể từ sau Us của Jordan Peele. Đương nhiên, chúng ta không phủ nhận công sức của các biên kịch khác và nhất là André Øvredal. Để có được những thước phim như hiện tại, hiển nhiên phải nhờ đến bàn tay của vị đạo diễn.
Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm sử dụng dày đặc thủ pháp/kỹ thuật Foreshadowing. Đây là một thuật ngữ trong điện ảnh, hiểu đơn giản là các chi tiết xuất hiện trong cảnh quay này sẽ là ẩn dụ, “điềm báo” mơ hồ hoặc rõ ràng cho các sự kiện ở các cảnh sau. Foreshadowing là một trong những kỹ thuật làm phim khá khó, cần sự tinh tế của các nhà làm phim để góp phần giúp các cảnh quay có ý nghĩa và liên kết với nhau chặt chẽ hơn, thay vì chỉ là sự xuất hiện của các nhân vật hoặc tình tiết rời rạc. Các cảnh quay đến từ quá trình làm việc của đạo diễn, và việc sắp xếp, lựa chọn các cảnh quay, âm thanh, sự kiện... để ghép nối lại nằm ở khâu biên tập.
Kỹ thuật này rất hiệu quả trong phim kinh dị bởi nó làm tăng sự kịch tính. Khán giả mặc dù biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, tình tiết tiếp theo sẽ như thế nào, nhưng vẫn không thoát khỏi cảm giác hồi hộp. Đây được xem là một hình thức “thao túng cảm xúc" người xem của các nhà làm phim, và Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm đã thực hiện điều này rất tốt mà không cần phải sử dụng đến các yếu tố jump-scare quá nhiều đến mức khó chịu như Annabelle Comes Home, hoặc máu me, đâm chém nhằm “né” được nhãn R hoặc NC17 (tại Mỹ, phim có nhãn PG13, tại Việt Nam là C18).
Nếu hay xem phim và để ý kỹ tình tiết thì hẳn bạn sẽ nhận ra không ít thì nhiều các chi tiết Foreshadowing trong Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm. Chẳng phải tự nhiên mà Stella chọn hóa trang thành mụ phù thủy trong đêm Halloween với mấy nốt mụn trên mặt và một đường cắt ngay cổ bằng son đỏ, hoặc như việc nhân vật Chuck chọn hóa trang thành người-nhện. Chỉ trong một cảnh quay của Stella và riêng cảnh Chuck xuất hiện ở khoảng 10-15 phút đầu của phim thôi mà chúng ta đã có “điềm báo” cho 3-4 sự kiện quan trọng. Ở các cảnh sau, “ma thuật đen” ("black magic", chơi chữ "black", vừa nói đến ma thuật, vừa nói đến màu da của nhân vật Lou Baptiste) và câu chuyện về phù thủy được nhắc đến, má trái của Ruth xuất hiện một nốt đỏ do nhện cắn hay Sarah Bellows được đồn đại là tự vẫn bằng cách treo cổ, tất cả đều có liên kết với cảnh trang điểm đầu tiên của Stella.
Tại sao lại là phù thủy? Tại sao lại nhắc đến ma thuật và phép thuật? Những thứ vốn có vẻ chẳng liên quan gì đến câu chuyện về những con quái vật? Chi tiết này hẳn liên hệ đến những cuộc săn phù thủy ở thời Trung cổ. Bất cứ ai có vẻ khác biệt về hình dáng, lối sống... đều có thể bị gán tội là phù thủy và bị đem ra tòa kết án, sau đó là treo cổ, ném đá hoặc thiêu sống.
Từ khóa ở đây mà chúng ta cần chú ý là "sự khác biệt". Trong phim, chúng ta có ba nhân vật mang đặc điểm "khác biệt" so với phần đông các nhân vật da trắng còn lại là Lou Baptiste (da màu), Ramón (người Châu Mỹ Latin, cụ thể là Mexico. Đây là chi tiết tri ân đến quê nhà của Guillermo del Toro) và Sarah Bellows (bị bệnh bạch tạng). Ba nhân vật này đều có số phận nhìn chung không mấy tốt đẹp và cuộc sống không được suôn sẻ. Đây là một ẩn ý khác của các nhà làm phim về sự phân biệt đối xử, không chỉ với sắc tộc, nguồn gốc mà còn là bệnh tật của những người trông không giống chúng ta.
Tần suất lặp lại các chi tiết giúp cũng "nén" nhịp phim và đưa cao trào bùng nổ, cho thấy vai trò quan trọng của việc nhắc đi nhắc lại các sự kiện này như thế nào. Chẳng hạn như tông màu đỏ xuất hiện gần như xuyên suốt phim.
Màu đỏ cùng các sắc thái của nó trở thành một trong những tông màu chủ đạo của Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm ngay từ lúc quảng bá với poster nhân vật The Pale Lady hay poster The Red Spot của nhân vật Ruth. Đây là tông màu mang hàm ý đối đầu, giận dữ, nguy hiểm, ẩn ý cho mối thù của hồn ma Sarah Bellows. Màu đỏ được các nhà làm phim khéo léo đưa vào các chi tiết rất nhỏ và trông có vẻ mờ nhạt như cái ghi-đông xe đạp, cái áo đỏ sọc đen của Stella, cái quần Chuck đang mặc, cái nồi súp của Auggie, cái thảm trải sàn, bộ váy hồng và vết nhện cắn của Ruth… sắc độ cũng đa dạng nhưng ít thu hút sự chú ý. Tuy vậy, mỗi khi có bất cứ một nhân vật nào gặp nguy hiểm, màu đỏ tươi sẽ trở nên nổi bật. Bạn có để ý cánh cửa trong phòng ngủ mà Auggie đang trốn có màu đỏ? Hay khi The Jangly Man chuẩn bị xuất hiện, ánh sáng đỏ mờ mờ hiện diện trong cảnh sử dụng toàn tông xanh?
Ban đầu thì sắc đỏ có tần suất hiện diện (tạm hiểu) là khoảng 3-4 cảnh sẽ có một chi tiết mang màu đỏ, nhưng càng gần cao trào thì màu đỏ xuất hiện càng nhiều, dễ thấy nhất trong trong câu chuyện của nhân vật Chuck. Nhân vật Chuck được chọn làm điểm nhấn với tông đỏ do sự biến mất của Chuck đánh dấu bước ngoặt hành động tiếp theo của Stella và Ramón.
Với cảnh Chuck, Stella và Ramón đang ở trong bệnh viện và sắp tách nhau ra, nếu để ý kỹ, khán giả sẽ thấy hành lang theo hướng nhìn của Chuck về phía Stella và Ramón có rất nhiều căn phòng với cửa đỏ. Phim sau đó cắt sang cảnh Chuck đối mặt với Stella, giữa họ là một cái cột sắt đỏ lần nữa. Cái cột vừa có chức năng chia khung hình ra làm hai, ngầm chỉ sự chia cắt của nhóm bạn, vừa có chức năng cảnh báo nguy hiểm mà Chuck sắp gặp phải. Nhân vật nhìn các bảng chỉ dẫn và liên tục thấy xuất hiện từ "R.E.D" (red - đỏ).
Cảnh cao trào mà Chuck gặp The Pale Lady như chúng ta đã biết, toàn bộ màn hình chiếu ngập trong sắc đỏ và Chuck gần như hóa điên trong bệnh viện tâm thần. Đây là đoạn được dựng rất hay khi âm thanh, nhịp điệu, hình ảnh phối hợp với nhau vô cùng ăn ý.
Nếu bạn chưa biết thì cái chết của Chuck đã được Foreshadowing từ trước ngay lúc đám Stella xuất hiện ở căn nhà của Sarah Bellows lần đầu tiên, sau đó là một số cảnh mô tả thói quen của cậu. Lúc Chuck nấp trong tủ, mở cửa ra và thấy một căn phòng đỏ với một bà già tóc dài (The Old Lady) và con chó, khoảnh khắc ấy báo hiệu cho ba tình huống: một là câu chuyện của chính Chuck với The Pale Lady, hai là ký hiệu cho The Jangly Man xuất hiện, và ba là báo hiệu cho câu chuyện The Haunted House của Stella.
The Pale Lady với hình dáng mập mạp và nuốt chửng Chuck là mối liên kết với sở thích ăn uống của nhân vật mà chúng ta thấy đầu phim, khi thì là hot-dog, khi thì là chuối (lúc Chuck kêu lên “Chuối của em!” là chi tiết chơi chữ, ý cậu nói đến quả chuối cậu đang ăn, ý bóng gió còn lại của các nhà làm phim là chỉ bộ phận sinh dục nam).
Một chi tiết nữa mang tính Foreshadowing là chuyện đi nghĩa vụ và tham gia vào chiến tranh tại Việt Nam cứ xuất hiện xuyên suốt bộ phim làm người xem tự hỏi ngoài việc thể hiện tính lịch sử, chính trị của bối cảnh và thời đại thì còn có vai trò gì khác? Cuối cùng, thân thế bí ẩn của Ramón được tiết lộ thì khán giả mới hiểu được ý nghĩa của nó, đồng thời nhận ra mối tương quan giữa nhân vật Ramón với nhân vật Tommy.
Tommy có thời lượng lên hình kha khá so với một nhân vật phụ ở đầu phim, không phải là sự tình cờ mà trái lại, cậu ta có nhiều chức năng và được các nhà làm phim gán cho nhiều vai trò.
Tommy vừa gián tiếp là nguyên nhân đẩy nhóm bạn đến căn nhà của Sarah Bellows, vừa là người mở đầu cho chuỗi các sự kiện rùng rợn liên quan đến tập truyện ma, vừa là nhân vật châm biếm (một tên nhóc bạo lực, hay bắt nạt và xay xỉn như Tommy lại vui mừng khi trúng tuyển nghĩa vụ tham gia chiến tranh Việt Nam – việc được cho là sẽ đem lại “vinh quang” cho đất nước), đồng thời báo hiệu cho thân thế của Ramón ở đoạn Tommy và Ramón gặp nhau lần đầu ở rạp chiếu phim ngoài trời.
Tính cách của Tommy bị mỉa mai bằng Foreshadowing khi đám Stella đến căn nhà ma lần đầu. Chuck lúc ấy nói Auggie là “con gà” (chicken) vì Auggie có vẻ sợ hãi. “Chicken” là từ lóng trong tiếng Anh để chỉ những đứa hèn nhát, tương tự như từ “thỏ đế” trong tiếng Việt.
Đây là một chi tiết Foreshadowing rất buồn cười nếu bạn hiểu nghĩa của nó. Ở các cảnh sau, đoạn Tommy phải đi giao “trứng gà” rồi đi ngang qua cánh đồng ngô (ngô tiếng Anh là “corn”, từ này có khá nhiều nghĩa bóng, nhưng nghĩa bóng mà người viết thấy hợp ngữ cảnh của bộ phim là "xấu xí", "kỳ dị", "ngu ngốc"… ý nói bù nhìn Harold trông ghê tởm mà cũng là đang mỉa mai Tommy). Cậu ta gặp Harold rồi bỏ chạy, hét toáng lên “Mẹ ơi! Cứu con!”. Tommy có thể khiến người xem thấy "đồng cảm” (một nghĩa khác của từ “corn”), nếu cậu ta không phải là một kẻ bắt nạt “ngu ngốc” và “hèn nhát” (chicken).
Hình ảnh “con gà” cũng Foreshadowing cho nhân vật Ramón khi The Jangly Man gọi cậu ta là “coward" (đồng nghĩa "hèn nhát"). Trước lúc The Jangly Man xuất hiện, Ramón tâm sự với Stella và nói rằng anh mình từng tham chiến ở Việt Nam và trở về "không nguyên vẹn" ("in pieces", tức là "thành từng mảnh"), đó là lý do tại sao The Jangly Man lại là con quái vật có khả năng tách thân ra thành nhiều mảnh rồi ghép lại với nhau.
Một cảnh khác cho thấy sự tài tình trong Foreshadowing của Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm là Stella trước đêm gặp The Jangly Man đã nói chuyện với cha mình. Cha cô đã an ủi cô rằng việc mẹ cô bỏ đi không phải tại cô, mà vì bà ấy cảm thấy bị “mắc kẹt" (nhân vật dùng từ "trap", có nghĩa là “cái bẫy” hoặc chỉ một tình huống khó khăn không lối thoát). Câu thoại này Foreshadowing cao trào khi Stella “bị nhốt” vào trong câu chuyện của Sarah Bellows và căn phòng mà Sarah từng ở.
“You don’t read the book. The book reads you” (Bạn không đọc cuốn sách, cuốn sách đọc bạn). Các chi tiết Foreshadowing ấy đều củng cố cho câu nói này khi câu chuyện của mỗi nhân vật đều gắn liền với một đặc điểm, một tính cách hoặc một nỗi sợ hãi nào đó trong họ.
Foreshadowing là kỹ thuật không phải dễ sử dụng bởi nếu báo hiệu lộ liễu thì sẽ làm mất tính bất ngờ của phim, nhưng nếu quá ẩn ý, ẩn dụ quá "cao siêu" thì sẽ gây nhầm lẫn hoặc khó hiểu cho khán giả. Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm đã sử dụng thủ pháp này rất tốt, hé lộ vừa đủ để khán giả biết được chuyện gì sắp xảy ra tiếp theo, tăng sự kịch tính, nhưng vẫn che lấp vừa đủ để tạo bất ngờ cho nội dung câu chuyện. Mặc dù là PG13, nhưng nếu so với mặt bằng chung các phim cùng thể loại thì phim có thể coi là “không phải dạng vừa.”
Còn chi tiết Foreshadowing nào khác mà bạn phát hiện ra không? Cùng chia sẻ nhé!