Đặc điểm nhận dạng một bộ phim Ghibli - Nghệ thuật thổi sức sống cho các khung tranh
Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·
Ghibli cho ra đời các bộ anime rất khác với chính anime. Vậy đâu là cách thức nhận dạng một bộ phim của studio này?
Kể từ ngày thành lập 16/05/1985, Ghibli – cái tên nói lên nhiệm vụ đem đến cơn gió sáng tạo không ngừng nghỉ của studio đến cho nền công nghiệp anime – đã nhiều lần thành công trong việc đảm bảo anime dưới cái mác của studio luôn có chỗ đứng trong lòng người. Đó là một thành tựu không hề dễ dàng khi cơn lốc anime đang du hành xuyên biên giới. Thế nhưng, có lợi thế về mặt sáng tạo là một vũ khí với quyền năng lớn lao. Ở trường hợp của Ghibli Studio, nói đến dòng phim của kỹ thuật phác họa và máy tính, không nơi đâu làm hoạt hình như Nhật và không ai làm hoạt hình như Ghibli.
Ở mọi khía cạnh, Ghibli là một vũ trụ riêng biệt và độc đáo với những phần hồn phức tạp hơn ý tưởng “…và họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau”. Ba yếu tố trụ cột cấu thành nên vũ trụ này là kỹ thuật hình ảnh, tạo hình nhân vật và nội dung gắn liền với tinh thần của chủ nghĩa hiện thực ẩn mình trong tính siêu thực. Nghe phức tạp nhỉ? Nhưng tôi cá là bạn đã nhận ra điều này nếu xem đi xem lại những bộ phim của Ghibli từ trước đến giờ.
Nét vẽ của anime và manga không phải là một thứ xa lạ đối với nền điện ảnh quốc tế. Theo lịch sử phát triển, các bộ phim hoạt hình Tây lẫn Đông từ lâu tiếp thu nhiều đặc trưng của lối vẽ hoạt họa Nhật Bản, ví như loạt phim Avatar: The Last Airbender (Tiết Khí Sư Cuối Cùng) thuộc nhà đài Nickelodeon. Cho nên, Ghibli thiết lập một phong cách khẳng định bản sắc độc nhất để trở nên dễ nhận biết trong tức thì, ngay cả khi so với các bộ anime đến từ chính xứ sở hoa anh đào của họ: World – building. Đây không chỉ đơn thuần là xây dựng cảnh quan, mà là cách thổi sự sống vào các cảnh vật bất động.
Đặt những dự án như Your Name (2016), The Garden of Words (2013) (Tạm dịch: Khu Vườn Ngôn Từ), hay A Silent Voice (2016) (Dáng Hình Thanh Âm) và các bộ phim Ghibli lên bàn cân, đặc tính này của studio hiện rõ hơn bao giờ hết. Ngoài sự hiện đại tương phản với nét cổ điển giữa 2 bên, studio này có tình yêu mãnh liệt với những thứ tròn trịa và ám ảnh với chi tiết, và chứa chấp góc nhìn không nhượng bộ về thế giới phức tạp nhưng thích thể hiện điều đó dưới ánh mắt ngây thơ của trẻ em.
Không nương tựa vào việc sử dụng kỹ thuật 3D, các khung hình 2D của Ghibli có sức sống nhờ vào chuyển động, chuyển động của sự vật và chuyển động của con người. Đó là cách tóc của Sophie (Howl’s Moving Castle) bay trong gió, đoàn tàu di chuyển trên mặt nước, để lại phía sau các gợn sóng lăn tăn, chuyến tàu hút tài nguyên dưới đáy biển (Ponyo (2008)), cách một chiếc máy bay lượn trên bầu trời, cách đi của đám bọ khổng lồ ở Nausicaa of the Valley of The Wind (1984)… Ghibli tạo nên một chuỗi các chuyển động sống động và có độ thực tế cao với logic và nguyên tắc vật lý, thay vì phóng đại một số chi tiết – phương thức rất được các họa sĩ anime hiện hành yêu thích.
Các khung hình cũng trở nên sống động thông qua phân đoạn các hoạt động dễ bị bỏ qua trong cuộc sống hằng ngày của con người, như thay quần áo, mang giày, cánh phụ nữ làm việc nhà trong Princess Mononoke – những thói quen có phần kém hấp dẫn so với các trường đoạn hành động tai to búa lớn thường thấy. Nhưng chúng lại là các chi tiết tạo nên sức sống cho thế giới của Ghibli. Lấy Spirited Away (2001) (Vùng Đất Linh Hồn) làm ví dụ. Bộ phim dành kha khá thời lượng cho các hoạt động thường thường này, điển hình nhất là phân cảnh các hạ nhân của Yubaba chuẩn bị nhà tắm cho một ngày làm việc. Điều đó chứng tỏ dù cho câu chuyện của Ghibli mang đậm hơi thở viễn tưởng hay thần bí đến đâu, ở các ngóc ngách, người ta vẫn tìm được sợi dây liên kết một thế giới viễn tưởng với thế giới thực.
Quá trình làm nên các trường đoạn này là một quá trình dài và cố tình “hành xác” nhau của studio. Các công đoạn từ vẽ khung ban đầu cho đến tạo hình, thêm màu, đến lúc đưa lên phim đều được vẽ tay. Nghĩa là các họa sĩ sẽ vẽ từng khung một rồi thực hiện chồng lớp lên nhau để tạo nên ảo ảnh các nhân vật trên ấy chuyển động. Ghibli hiếm khi nhờ đến công nghệ, nếu có thì sự can thiệp đó cũng chiếm một tỷ lệ nhỏ (Princess Mononoke). Khi thành quả là một kiệt tác nghệ thuật hình ảnh với sự sống rỉ ra từ mọi nhân vật, thì rất đáng để người ta bỏ công.
Nhưng các khung hình đẹp đến đâu, nếu không có hồn thì cũng không khác gì thú vui vẽ hình rồi góc tập và lật trang cho vui. Và đây là lúc các câu chuyện thể hiện giá trị tượng đài của Ghibli.
Studio rất biết cách thêu dệt những câu chuyện có bề ngoài trong sáng và đơn giản xung quanh những chủ đề phức tạp và đôi khi vô cùng nặng nề. Cái tài ở đây là họ không bao giờ làm người xem nhận thức được điều đó cho đến khi bạn vô tình xem lại bộ phim vào một ngày thương nhớ. Đó là một công cuộc lừa dối thượng thừa được xây dựng từ đồ họa bắt mắt và kịch bản dễ hiểu.
Trên bề mặt, Spirited Away chỉ đơn giản là một câu chuyện về Chihiro và hành trình giải cứu gia đình, Princess Mononoke là chuyện chàng Ashitaka đi tìm lời giải cho lời nguyền chàng mắc phải, Howl’s Moving Castle là chuyện tình giữa chàng phù thủy Howl và Sophie, Kiki Delivery Service (1989) là chuyện về cô phù thủy nhỏ Kiki… Nhưng nếu nhìn sâu hơn, chúng lần lượt là cách nhìn về bản thân và nhân dạng, mối quan hệ đẫm máu nhưng phụ thuộc lẫn nhau giữa con người và tự nhiên, nữ quyền, con người và chiến tranh, tính cách trân trọng những điều nhỏ nhoi đem lại niềm vui cho con người, chưa kể đến các tuyến nhân vật phụ cũng được dành tặng một câu chuyện riêng khiến người xem phải tự chiêm nghiệm. Dù là viễn tưởng hay hiện thực, Ghibli chưa bao giờ rời giá trị cốt lõi của studio – một nền điện ảnh lấy nhân tính dưới cái nhìn của người Nhật làm gốc.
Bạn biết câu nói nổi tiếng hay được lưu truyền giữa các bậc phụ huynh rồi đấy! Rằng hoạt hình chỉ dành cho những đứa trẻ con. Ghibli là một ngoại lệ (Facebook sẽ bảo chứng cho điều này). Ở bất kỳ độ tuổi nào, thế giới của lâu đài biết bay, máy bay phi thường hay vùng đất của thần linh vẫn đem lại những cung bậc cảm xúc và các góc nhìn khác nhau mỗi khi được bật lên, bất kể bao nhiêu lần.
Tóm lại, nếu bộ phim hoạt hình ấy có nhân vật chính diện tròn trịa hoặc làm bạn liên tưởng đến khối tròn, đồ họa 2D vô cùng chi tiết, và một cốt truyện, có khi là tình cảm đơn thuần, có khi thuộc thể loại siêu nhiên hay kỳ ảo, làm bạn có cảm giác muốn xem đi xem lại nhiều lần và mỗi lần đều làm bạn ngạc nhiên khi khám phá ra bí ẩn nào đó ẩn mình trong phim, thì đó là đứa con của Ghibli, dù đồ họa có khi đặc biệt hơn một chút, ví như dự án The Tale of the Princess Kaguya (2013). Nên tốt nhất khi phân biệt một bộ phim Ghibli, tốt nhất không nên tách rời yếu tố nào.