Doraemon và hành trình 49 năm đồng hành cùng các bạn nhỏ

Tin điện ảnh · Maii ·

Doraemon: Nobita Và Đảo Giấu Vàng do đạo diễn Kazuaki Imai chỉ đạo chính, tiểu thuyết gia Genki Kawamura (Thế Gian Này, Nếu Chẳng Còn Mèo…) sẽ chấp bút cho phần kịch bản.

Ra đời từ năm 1969, Doraemon là nhân vật đã trở thành tuổi thơ của nhiều thế hệ. Do tác giả Fujiko Fujio (bút danh chung của 2 họa sĩ Fujimoto Hiroshi và Abiko Motoo, nhưng truyện này là của Fujiko F. Fujio) sáng tác dành cho thiếu nhi vào năm 1969. Là một trong những nhân vật nổi bật của Châu Á và là biểu tượng của xứ sở mặt trời mọc, nhân dịp tập phim điện ảnh mới của Doraemon sắp sửa ra mắt, mời các bạn cùng nhìn lại lịch sử 49 năm chú mèo máy Doraemon.

Tập truyện Doraemon đầu tiên được nhà xuất bản Shogakukan phát hành đồng loạt trên 6 tập san dành cho trẻ em. Truyện được lấy ý tưởng kết hợp từ một chú mèo và một chú lật đật, tạo ra hình dáng của Doraemon. Sau khi công phá tại Nhật Bản, Doraemon bắt đầu trở thành hiện tượng ở các nước Châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc và cả Việt Nam… Tuy vậy, Doraemon có vẻ không phù hợp với trẻ em phương Tây cho lắm do tính cách và phương pháp giáo dục khác biệt giữa các nước Châu Á và Châu Âu.

Bối cảnh chính của Doraemon là xã hội Nhật Bản thu nhỏ trong một con phố ngoại ô Tokyo với đủ mọi tầng lớp và các nhân vật với tính cách khác biệt. Nhân vật chính giữa bối cảnh đó là cậu bé Nobita học lớp 5, hậu đậu, nhiều tật xấu và làm gì cũng thất bại. Chính vì tính cách này mà Nobita lớn lên có một cuộc sống vô cùng khốn khổ. Cháu của Nobita ở thế kỷ 22 sau đó đã phát minh ra một chú mèo máy hiện đại, biết nói và suy nghĩ như người rồi gửi về quá khứ để giúp Nobita tiến bộ hơn.

Nhân vật Doraemon là chú mèo máy có nước da xanh và rất sợ chuột, do một lần bị chuột gặm mất đôi tai. Cậu bị chê cười và rất buồn vì điều đó, vì thế mà nước da của Doraemon chuyển từ màu vàng xanh màu xanh biển. Cậu có “mối thâm thù” với loài chuột, mỗi khi thấy chuột là cậu sẽ nhảy toáng lên và tìm đủ mọi bảo bối để tiêu diệt chúng. Ngoài ra, thức ăn ưa ích của Doraemon là bánh rán. Cậu rất tốt bụng nhưng hay cả tin và dễ mềm lòng khi Nobita năn nỉ hoặc “mua chuộc” bằng bánh rán để dựa dẫm vào các bảo bối của cậu. Mặc dù là mèo máy, nhưng Doraemon có suy nghĩ, hành động và tính cách giống như một người bình thường. Cậu cũng biết buồn, biết vui, biết cảm động cũng như cũng biết cuống cuồng cả lên khi gặp rắc rối. Phía trước bụng Doraemon có một chiếc túi gọi là Túi thần kỳ, chứa tất cả mọi loại bảo bối mà cậu mua được từ cửa hàng bách hóa tương lai. Vì ảnh hưởng đặc biệt của mình mà Doraemon được cấp cả giấy chứng nhận công dân Nhật vào ngày 3 tháng 9 năm 2012.

Manga Doraemon là một tuyển tập bao gồm những câu chuyện nhỏ với tình huống trớ trêu khác nhau xoay quanh Doraemon, Nobita và những người bạn, được giải quyết khá đơn giản. Thông qua những rắc rối và các giải pháp được đưa ra, các độc giả nhí sẽ học được một bài học đạo đức ý nghĩa và sâu sắc mà không quá giáo điều. Doraemon rất có ảnh hưởng về mặt giáo dục và xã hội đối với cả trẻ em và người lớn ở Nhật, không chỉ ở thời điểm năm 1970 mà còn cho đến tận bây giờ. Truyện khuyến khích cũng như khơi gợi cho các bạn nhỏ tuổi niềm đam mê và tiềm năng theo đuổi khoa học, ước mơ, đồng thời đề cao các mối quan hệ gia đình, bè bạn, sự đồng cảm, cố gắng và tiến bộ từng ngày trong mỗi người.

Trẻ em yêu thích Doraemon sẽ nhận ra nhiều điều trong cuộc sống mà có thể bị cha mẹ hoặc trường lớp thường vô tình bỏ qua như sự khác biệt về giới tính, hay bắt nạt bạn bè như Jaian hoặc lười biếng như Nobita là sai, biết giúp đỡ cha mẹ, bảo vệ bạn bè và yêu thương động vật là điều nên làm… Nhiều bảo bối trong truyện được tác giả sáng tạo ra từ những năm 69-70 đến nay đã có thể hiện thực hóa bằng khoa học kỹ thuật hiện đại. Tránh xa cái xấu và học hỏi cái tốt là bài học nhân văn mà Doraemon mang lại. Người Nhật rất tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức con người và Doraemon đã truyền tải được đúng những thông điệp đó, chính vì thế mà đã trải qua mấy mươi năm, Doraemon vẫn còn đứng vững và đã luôn là một biểu tượng của đất nước này.

Không chỉ hiện diện trong manga chính, Doraemon còn xuất hiện trong nhiều phần ngoại truyện, anime chuyển thể, thú nhồi bông, quà lưu niệm, trò chơi điện tử, trang trí xe lửa, tàu điện ngầm… Thậm chí người ta còn có các phiên bản Doraemon mặc các trang phục siêu anh hùng Mỹ như Batman, Captain America, Iron Man… một sự kết hợp Đông – Tây rất thú vị.

Hằng năm, người ta vẫn đều đặn cho ra một phần phim điện ảnh về Doraemon, tiếp tục những cuộc phiêu lưu của Nobita và những người bạn dễ thương, mang lại cho các bạn những bài học quý báu. Năm ngoái, chúng ta đã có dịp thưởng thức Doraemon phiên bản điện ảnh lần thứ 37 mang tên Doraemon: Nobita và chuyến thám hiểm Nam Cực Kachi Kochi. Khung cảnh màu sắc, thông điệp dễ thương về tình bạn và cuộc phiêu lưu kỳ thú mà phần phim này mang lại đã giúp Doraemon thu về được $6.1 triệu, đứng đầu ngay tuần ra mắt trên bảng xếp hạng phòng vé Nhật, tổng doanh thu phim đạt $38.2 triệu.  

Năm 2018, Doraemon bản điện ảnh số 38 mang tên Doraemon: Nobita Và Đảo Giấu Vàng sẽ nối tiếp câu chuyện của phần phim số 37. Phim xoay quanh cuộc phiêu lưu mới của Nobita sau khi hùng hồn tuyên bố sẽ tìm ra hòn đảo châu báu. Sử dụng bảo bối Bản đồ truy tìm kho báu của Doraemon, Nobita đã tìm thấy hòn đảo mà cậu nghĩ rằng sẽ chứa đựng rất nhiều bí ẩn. Thế nhưng, trên hành trình, Nobita, Doraemon và nhóm bạn Jaian, Suneo, Shizuka bị hải tặc tấn công. Shizuka bị bắt cóc, cả nhóm quyết định cùng nhau đi giải cứu Shizuka, đồng thời tìm ra bí mật ẩn giấu trên hòn đảo châu báu.  

Doraemon: Nobita Và Đảo Giấu Vàng do đạo diễn Kazuaki Imai chỉ đạo chính, tiểu thuyết gia Genki Kawamura (Thế Gian Này, Nếu Chẳng Còn Mèo…) sẽ chấp bút cho phần kịch bản.

Phim đã ra mắt tại Nhật vào tháng 3 vừa rồi và sẽ ra mắt khán giả Việt vào ngày 25.05.2018.