Flashback - "Món ăn lạ" cực kỳ hấp dẫn của Game of Thrones season 6

Tin điện ảnh · Luke from GoTVN ·

Season 6 của series hùng tráng nhất màn ảnh nhỏ Game of Thrones đang chứng kiến một “cuộc lột xác” đầy ngoạn mục ở mạch truyện Bran Stark. Đây vốn là nhân vật không mấy được quan tâm ở các mùa trước, thậm chí cậu từng bị lược bỏ hoàn toàn khỏi season 5. Tuy nhiên chỉ trong vòng 3 tuần lễ mới đây, Bran đã liên tục đem lại những tình tiết vô cùng đắt giá khiến người xem không ngừng bàn tán. Bí quyết của sự trở lại hết sức lợi hại này chính là những cảnh flashback, tuy ngắn ngủi nhưng ẩn chứa vô vàn ẩn số mà hai nhà biên kịch David Benioff và D.B. Weiss đã khéo léo lồng ghép vào mạch truyện.

Flashback (cảnh hé lộ quá khứ) và flash-forward (cảnh hé lộ tương lai) vốn là hai “vũ khí” đã được rất nhiều series truyền hình Mỹ sử dụng thường xuyên trong nhiều năm trở lại đây. Đối với những series đòi hỏi diễn biến nhanh, duy trì kịch tính xuyên suốt như How To Get Away With Murder, Once Upon A Time... thì cảnh flashback hay flash-forward thậm chí còn đóng vai trò cú sốc cao trào của cả season, tạo ra mối dây liên kết các tập phim lại với nhau. Bất chấp xu hướng này, các nhà sản xuất của Game of Thrones dường như lại không mấy mặn mà với cặp vũ khí lợi hại flashback/flash-forward. Bằng chứng là xuyên suốt 5 season trong quá khứ, chỉ có duy nhất một cảnh mở đầu season 5 nói về thời thơ ấu của bà hoàng Cersei Lannister là áp dụng flashback. Có nhiều lý do để lý giải sự đi ngược xu hướng này của nhà sản xuất, trong đó nguyên nhân lớn nhất có lẽ là: Nội dung Game of Thrones vốn đã bao gồm rất nhiều mạch truyện riêng rẽ, tất cả đều có những diễn biến hồi hộp và thu hút riêng nên việc sử dụng flashback là hoàn toàn không cần thiết.

Bước sang season 6, có vẻ vì không còn sự hỗ trợ từ “bậc thầy kịch tính” George R.R. Martin nên bộ đôi biên kịch của Game of Thrones đã thay đổi thái độ, bắt đầu sử dụng nhiều hơn phương pháp flashback. Nhờ vậy nên dù chỉ mới trải qua 3 tập phim nhưng người xem đã được chứng kiến 2 cảnh flashback, cả hai đều nằm trong giấc mơ tiên tri của cậu bé Bran. Ở tập 1, cảnh flashback đã hé lộ thời thơ ấu của cha Bran – lãnh chúa tương lai Ned Stark, cùng với đó là cậu khổng lồ Hodor và người cô Lyanna. Sang đến tập 3, flashback về cuộc đọ sức giữa Ned cùng đồng đội chống lại hai hiệp sĩ huyền thoại – Arthur Dayne và Gerold Hightower thậm chí còn khiến người hâm mộ háo hức hơn. Ký ức này, mang tên Tower of Joy (“Tháp Niềm Vui”) là một trong những khoảnh khắc “kinh điển” nhất của bộ sách A Song of Ice and Fire – nguyên tác Game of Thrones.

Lý do gì đã khiến hàng triệu fan của Game of Thrones trên khắp thế giới sốt sắng với những flashback đến vậy? Hay nói đúng hơn, tại sao hai biên kịch lại chọn season 6 làm thời điểm đưa những cảnh quá khứ vào nội dung series? Đó là vì câu chuyện xứ Westeros không chỉ đơn thuần gói gọn trong phạm vi series Game of Thrones, mà ngược lại, tác giả George R.R. Martin đã mất rất nhiều năm xây dựng một miền đất hư cấu với đầy đủ bề dày lịch sử không kém gì thế giới thực. Những tập phụ bản, ngoại truyện mà tiêu biểu nhất là A World of Ice and Fire đã giới thiệu cho người đọc hàng loạt sự kiện hấp dẫn mà bộ tiểu thuyết chính không đề cập đến, trong đó đáng chú ý hơn cả là cuộc khởi nghĩa của Robert diễn ra không lâu trước khi câu chuyện chính mở màn. Tất cả những nội dung này đều được tác giả xây dựng vô cùng chi tiết, gay cấn và hấp dẫn không kém gì các tình tiết trong series Game of Thrones hiện tại. Bởi vậy, “tranh thủ” khả năng quan sát quá khứ của Bran để giới thiệu những flashback cuộc chiến nhiều năm trước là một nước cờ rất thông minh. Qua đây, nhà sản xuất đã cải thiện đáng kể mạch truyện đang nhàm chán, đồng thời từ từ móc nối với những mạch truyện khác, bật mí những bí ẩn đang được đông đảo người hâm mộ hết sức quan tâm.

Các cảnh flashback được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện trong 7 tập còn lại của season 6. Tập 4 với tựa đề Book of the Stranger sẽ lên sóng truyền hình Mỹ vào tối chủ nhật (15/5) tức sáng thứ hai (16/5) giờ Việt Nam.