Người Mỹ gốc Á cần nhiều bộ phim hơn, thậm chí là những bộ phim tầm thường

Tin điện ảnh · KNTT ·

Đối với những người Mỹ gốc Á, một bộ phim có thể có sức ảnh hưởng to lớn vô cùng.

Bài viết dưới đây được dịch từ bài đóng góp ý kiến trên tờ New York Times của Nguyễn Thanh Việt, một người Mỹ gốc Việt, tác giả của The Sympathizer, cuốn tiểu thuyết đã đoạt giải Pulitzer cao quý của nước Mỹ về văn học vào năm 2016.

Nếu bạn là một người Mỹ gốc Á, chắc hẳn bạn đã nghe đến một bộ phim có tên là Con Nhà Siêu Giàu Châu Á (Crazy Rich Asians), dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Kevin Kwan. Nếu bạn không phải là người Mỹ gốc Á, có lẽ bạn đang tự hỏi rằng tại sao một bộ phim hài lãng mạn đang tạo ra nhiều sự háo hức tới như vậy. Nếu bạn đang tự nói với bản thân rằng nó chỉ đơn giản là một bộ phim, bạn có vẻ như không hề bận tâm đến việc có rất nhiều bộ phim với sự xuất hiện của những con người giống như bạn. Tuy nhiên, đối với những người Mỹ gốc Á, một bộ phim có thể có sức ảnh hưởng to lớn vô cùng.

Dàn diễn viên của Con Nhà Siêu Giàu Châu Á (Ảnh: The New York Times)
Dàn diễn viên của Con Nhà Siêu Giàu Châu Á (Ảnh: The New York Times)

Một ngôi sao của bộ phim là Ngô Điềm Mẫn (Constance Wu) giải thích rằng tầm quan trọng của Con Nhà Siêu Giàu Châu Á, với dàn diễn viên đều là người Mỹ gốc Á, đến từ mong muốn có được “sự phong phú hình thức kể chuyện.”

Việt đã nghĩ ra ý tưởng trên trong cuốn sách của anh Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War. Sự phong phú hình thức kể chuyện chính là thứ khiến cho Hollywood có thể làm ra nhiều bộ phim về chiến tranh Việt Nam như vậy, không chỉ Apocalypse Now, The Deer Hunter mà còn cả Platoon, Full Metal Jacket và Rambo. Những bộ phim trên đều lấy bối cảnh ở Việt Nam và một trong số đó là những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, nhưng tất cả đều là những bộ phim kịch tích về sự lực lưỡng của người Mỹ da trắng. Người Việt Nam là diễn viên quần chúng trong những bộ phim này, tồn tại chỉ để càu nhàu, cằn nhằn, rên rĩ, chửi rủa và huyên thiên một cách khó hiểu cho đến khi họ được giải cứu, bị hãm hiếp hoặc bị giết chết.

Người Việt trong bộ phim Rambo: First Blood Part II (Ảnh: Internet Movie Firearms Database)
Người Việt trong bộ phim Rambo: First Blood Part II (Ảnh: Internet Movie Firearms Database)

Có thể bạn sẽ nói là: “Nhưng đây là những bộ phim Mỹ cơ mà. Dĩ nhiên chúng nên kể về những người Mỹ chứ!” Điều đó không giải thích tại sao người da màu, Latinh, người bản địa châu Mỹ, phụ nữ và tất nhiên, người Mỹ gốc Á, những người đều đã phục vụ trong quân đội Mỹ, hầu như chẳng xuất hiện trong những bộ phim này.

Con Nhà Siêu Giàu Châu Á quan trọng bởi vì Việt và hầu hết những người Mỹ gốc Á khác, lớn lên và vẫn đang sống đối nghịch với “sự phong phú hình thức kể chuyện”. Họ sống trong một nền kinh tế với sự khan hiếm hình thức kể chuyện. Họ cảm thấy bị tước đoạt và buộc phải đấu tranh để kể những câu chuyện của riêng họ và chống đối những câu chuyện có ý định xuyên tạc hay loại bỏ họ. Nhiều người Mỹ sẽ đem những hình ảnh về người châu Á này – những hình ảnh thông thường rất tồi tệ và đối chiếu chúng với bất cứ người Mỹ gốc Á nào mà họ bắt gặp.

Tất cả diễn viên của Con Nhà Siêu Giàu Châu Á đều là người gốc Á (Ảnh: CBS News)
Tất cả diễn viên của Con Nhà Siêu Giàu Châu Á đều là người gốc Á (Ảnh: CBS News)

Những ví dụ điển hình nhất đó là nhân vật như ông chủ nhà người Nhật trong bộ phim Breakfast at Tiffany’s năm 1961, thủ vai bởi một Mickey Rooney có răng vẩu và mắt xếch, hay anh chàng học sinh ngoại quốc với một chất giọng nặng Long Duk Dong của bộ phim Sixteen Candles năm 1984, người ít nhất cũng được thủ vai bởi một người Mỹ gốc Á là Gedde Watanabe. Nhiều người Mỹ gốc Á đã nhăn nhó trước những vai diễn này, nhận biết rằng họ có thể sẽ bị chế nhạo bởi những người bạn cùng lớp hoặc một người lạ nào đó, bao gồm cả người lớn.

Đây là sự khan hiếm hình thức kể chuyện – sự thiếu hụt những nhân vật có bề ngoài giống với người Mỹ gốc Á, và khi mà những nhân vật đó có bề ngoài giống như người Mỹ gốc Á, họ không phải thực sự là con người.

Từ trái qua: Mickey Rooney và Gedde Watanabe
Từ trái qua: Mickey Rooney và Gedde Watanabe

Một giải pháp đó là thay đổi cách các câu chuyện được kể. Việt nhớ lại sự ngỡ ngàng và niềm vui của anh khi đọc The Joy Luck Club, tiểu thuyết bán chạy nhất của Amy Tan, lúc anh 18 tuổi. Anh không hề biết đến sự tồn tại của những cây viết người Mỹ gốc Á (thực ra trước bà ấy đã có rất nhiều người). Sau đó Wayne Wang đã làm một bộ phim dựa trên cuốn sách này và trong một giây phút ngắn ngủi, người Mỹ gốc Á được trải nghiệm việc có được sự phong phú hình thức kể chuyện – cả một cuốn sách và một bộ phim đầy rẫy những nhân vật và câu chuyện phức tạp về người Mỹ gốc Á.

Tuy nhiên, The Joy Luck Club không phải là sự đột phá mà họ đã mong đợi. Những bộ phim thị trường với người Mỹ gốc Á thủ vai chính đã lẩn tránh họ. Trong khi đó, Hollywood tiếp tục làm lại các bộ phim châu Á với những diễn viên da trắng, để những nhân vật với tên châu Á được thủ vai bởi những diễn viên da trắng và làm những bộ phim có bối cảnh ở châu Á với diễn viên chính là người da trắng.

Một cảnh trong bộ phim <em>The Joy Luck Club</em> năm 1993 (Ảnh: marcusgohmarcusgoh)
Một cảnh trong bộ phim The Joy Luck Club năm 1993 (Ảnh: marcusgohmarcusgoh)

Bài học ở đây là kể những câu chuyện của riêng họ thực chất là không đủ nếu như họ không nắm trong tay một phần nào đó của nền kinh tế. Họ không có sức ảnh hưởng nào ở Hollywood trong thế kỷ 20, có rất ít hoặc không có sức ảnh hưởng nào trong việc xuất bản, chính trị, những tập đoàn ở cấp độ cao nhất.

Đấy là lí do vì sao một sự đột phá riêng lẻ không thể nào, bằng chính bản thân nó, tạo ra một nền kinh tế với sự phong phú hình thức kể chuyện. Nếu Con Nhà Siêu Giàu Châu Á thành công trong việc thay đổi cách Hollywood nhìn nhận và thể hiện người châu Á và người Mỹ gốc Á, đó sẽ không chỉ vì bộ phim này được đánh giá tốt, hay ít nhất là thu được lợi nhuận, mà còn do những công việc dài lâu và chậm rãi đã được thực hiện trong hàng thập kỷ ở Hollywood bởi hàng trăm diễn viên, tác giả, đạo diễn, nhà sản xuất, người đại diện là người Mỹ gốc Á và nhiều hơn nữa.

Niềm hy vọng mới dành cho những người Mỹ gốc Á ở Hollywood (Ảnh: You Offend Me You Offend My Family)
Niềm hy vọng mới dành cho những người Mỹ gốc Á ở Hollywood (Ảnh: You Offend Me You Offend My Family)

Con Nhà Siêu Giàu Châu Á chỉ nên là một bộ phim giải trí thư giãn về những con người giàu có một cách ghê tởm thuộc dòng dõi Trung Hoa đến từ Đảo quốc sư tử và tình cờ có sự tham gia của những diễn viên người Mỹ gốc Á. Nhưng họ vẫn chưa có đủ các bộ phim về những người châu Á nghèo khổ, hay những nguời châu Á lành mạnh, hay những người Singapore không phải gốc Hoa, hay những nhà cách mạng châu Á muốn lật đổ một hệ thống chủ nghĩa tư bản toàn cầu, chấp thuận lối sống của những người châu Á giàu có một cách ghê tởm và không để tâm đến những thứ xung quanh, những con người cũng rắc rối không kém nếu như họ là người da trắng. Vì vậy Con Nhà Siêu Giàu Châu Á sẽ trở nên nhiều hơn thứ mà nó cần phải đạt được nếu như bộ phim chỉ là về những người da trắng siêu giàu.

Đối với những người Mỹ gốc Á, nếu Con Nhà Siêu Giàu Châu Á thành công, họ đều thành công; nếu nó thất bại, họ cũng đều thất bại. Đây là định nghĩa của việc sống trong một nền kinh tế với sự khan hiếm hình thức kể chuyện.

Nếu và khi họ đạt được một nền kinh tế với sự phong phú hình thức kể chuyện, một bộ phim tồi về người Mỹ gốc Á sẽ chỉ là một bộ phim tồi. Một bộ phim xuất sắc sẽ rất tuyệt vời, nhưng một bộ phim tầm thường cũng sẽ không phải là một vấn đề quá to lớn. Một bộ phim tầm thường về người Mỹ gốc Á sẽ không huỷ hoại sự nghiệp hay được nhìn nhận như một thất bại của và đối với người Mỹ gốc Á, cũng như một bộ phim được thực hiện bởi và về người da trắng không nói lên bất cứ điều gì về người da trắng.

Một bộ phim tầm thường cũng không phải là vấn đề quá to lớn (Ảnh: IMDB)
Một bộ phim tầm thường cũng không phải là vấn đề quá to lớn (Ảnh: IMDB)

Thử thách thật sự của sự phong phú hình thức kể chuyện là khi họ có quyền được làm ra những bộ phim tầm thường. Và sau khi đã làm ra những bộ phim tầm thường, họ sẽ được trao cơ hội để làm nhiều bộ phim tầm thường hơn nữa, cũng như Hollywood tiếp tục làm ra vô số những bộ phim tầm thường về người da trắng, và đặc biệt là đàn ông da trắng.

Đó là một thước đo của sự bình đẳng – quyền lợi được trở nên tầm thường và được tưởng thưởng vì điều đó, hơn là yêu cầu, được đặt lên người Mỹ gốc Á và Con Nhà Siêu Giàu Châu Á, phải trở nên khác biệt chỉ để mọi người phải xem nó.

Nguồn: The New York Times