Những bài học đắt giá Cô Ba Sài Gòn dạy chúng ta

Tin điện ảnh · SarahTran ·

Bên cạnh dàn diễn viên đắt giá, hình ảnh và phục trang đậm chất vintage, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị truyền thống của chiếc áo dài, Cô Ba Sài Gòn còn chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa và những bài học đắt giá.

Cô Ba Sài Gòn – một trong những tác phẩm của điện ảnh Việt được nhiều người đón chờ nhiều nhất trong năm nay cuối cùng cũng đã được ra mắt vào ngày 10.11 vừa qua. Theo những phản ứng ban đầu của khán giả, cho đến hiện giờ, Cô Ba Sài Gòn được cho là phim Việt đáng xem nhất trong năm nay. Bên cạnh dàn diễn viên đắt giá, hình ảnh và phục trang đậm chất vintage, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị truyền thống của chiếc áo dài, Cô Ba Sài Gòn còn chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa và những bài học đắt giá.

Đừng học chạy trước khi học bò

Nhân vật chính của Cô Ba Sài Gòn là Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) – nàng tiểu thư đài các của hiệu may Thanh Nữ nức tiếng Sài Thành lúc bấy giờ. Trái ngược với truyền thống 9 đời may áo dài của gia đình, Như Ý không biết may áo dài, thậm chí là căm ghét chiếc áo dài. Cô chỉ có niềm đam mê với Âu phục và ấp ủ mở một tiệm Âu phục thay vì làm truyền nhân của hiệu may Thanh Nữ. Trớ trêu thay, Như Ý lại bị bẽ mặt trước công chúng chỉ vì một chiếc áo dài! Ở thời điểm đó, Madame Kiều Bảo Hân (Thủy Hương) là đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn – một nhân vật quyền lực đến nỗi nếu bà diện trang phục nào thì bộ đồ đó sẽ trở thành mốt và nhà thiết kế của bộ trang phục đó sẽ nổi tiếng. Thay vì chọn bộ sưu tập Âu phục mà Như Ý thiết kế, Madame Kiều Bảo Hân lại chọn chiếc áo dài do một cô nàng từ Pháp về thiết kế. Đối với một người nằm trong gia đình có truyền thống 9 đời may áo dài thì đây quả thực là một nỗi nhục.

Không chỉ vậy, cho đến tận 48 năm sau, Như Ý của năm 2017 (lúc này đã đổi tên thành An Khánh) vẫn không thể nào may được áo dài và để cho hiệu may Thanh Nữ sụp đổ. Thậm chí những bộ Âu phục mà cô thiết kế cũng chẳng có ai thèm mặc và bị vứt trong nhà kho của công ty Helen. Rồi khi bị Helen (Diễm My 9X) nắm được điểm yếu và bị bắt phải thực hiện cả một bộ sưu tập áo dài, Như Ý (xuyên không) rơi vào bế tắc và phải nhờ đến Thanh Loan (Diễm My) chỉ dạy mới hoàn thành được bộ sưu tập.

Núi cao còn có núi cao hơn

Như Ý được mệnh danh là Cô Ba Sài Gòn nhờ phong cách thời trang thanh lịch, tân thời nổi tiếng khắp Sài Gòn vào năm 1969. Chính vì thế mà cô nàng này vô cùng kiêu kỳ và xem thường những người khác. Cô xem thường đối thủ trước khi trình bày bộ sưu tập của mình cho Madame Kiều Bảo Hân, và rồi lại thua chính đối thủ đó. Cô nghĩ mình là người giỏi nhất, nhưng thực chất chẳng là gì so với một người được sinh sống và học tập ở Pháp.

Câu nói “Núi cao còn có núi cao hơn” không chỉ dành riêng cho một mình Như Ý mà còn rất đúng với Helen. Helen là nhà thiết kế nổi tiếng nhất Sài Gòn ở thời hiện đại, tài giỏi và phong thái sang trọng. Khi nhìn thấy Như Ý với chiếc áo dài thêu phượng, cô tỏ ra khinh thường. Nhưng về sau, Như Ý đã bộc lộ tài năng cho dù đến từ một thời đại khác.

Học cách gạt bỏ sự ích kỉ, ganh ghét đối với người khác

Một trong những phân cảnh khiến nhiều khán giả bất ngờ nhất chính là ở đoạn cuối khi tên của Như Ý được xướng lên với tư cách là nhà thiết kế. Trước đó, Helen đã có ý định tranh giành công sức của Như Ý bằng cách gạch tên cô và thay bằng cả team thiết kế Helen. Thế nhưng cuối cùng người được xướng tên là Như Ý. Lúc đó, khán giả nhận ra rằng cô nàng Helen không hoàn toàn là người nhỏ nhen, ích kỉ mà cô vẫn là người biết gạt bỏ sự ganh ghét của bản thân để chấp nhận tài năng và công sức của người khác. Đây cũng là một trong những chi tiết giúp cho bộ phim có chiều sâu hơn.

Cách dạy dỗ của bậc phụ huynh ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của con cái

Xem phim, khán giả sẽ thấy Thanh Mai (Ngô Thanh Vân) là người rất nghiêm khắc, mặc dù thương con nhưng lúc nào cũng tỏ ra lạnh lùng. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến cho Như Ý căm thù chiếc áo dài, bởi suốt cả tuổi thơ mẹ của cô chỉ dành thời gian cho chúng mà không quan tâm đến đam mê của con gái mình. Bà muốn truyền lửa cho Như Ý để cô trở thành người kế thừa hiệu may Thanh Nữ nhưng lại quá giáo điều mà không cư xử nhẹ nhàng hơn. Có lẽ nếu như ngay từ lúc Như Ý còn nhỏ được mẹ yêu thương, dạy dỗ đúng cách và có nền tảng để được phát triển đam mê thì mọi chuyện đã khác.

Chưa bao giờ là quá trễ để làm lại từ đầu

Khi xuyên không đến năm 2017, Như Ý được nhìn thấy chính mình trong tương lai. Nhưng ở thời điểm đó, Như Ý đã không còn là Như Ý nữa mà phải đổi tên thành An Khánh để chối bỏ thất bại, chối bỏ thật và chối bỏ chính con người mình. Chỉ khi đối mặt với chính bản thân mình (theo đúng nghĩa đen), An Khánh mới nhận ra lỗi lầm và chấp nhận thay đổi, chấp nhận làm lại từ đầu trước khi quá trễ. Hành trình học may chiếc áo dài cũng là hành trình mà Như Ý và An Khánh tìm lại bản thân mình.

Đừng mải mê chạy theo thời thượng

Cô Ba Sài Gòn không những tôn vinh những giá trị truyền thống mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh việc ham thích những điều mới lạ, cho dù là ở bất cứ thời đại nào. Như Ý chính là đại diện cho nhiều bạn trẻ - yêu thích Âu phục, đam mê những thứ được cho là tân thời, chối bỏ áo dài vì cho rằng nó đã lỗi thời và không thể sáng tạo được nữa. Mải mê chạy theo thời thượng, cô đánh mất tất cả, mất đi hiệu may Thanh Nữ, mất đi căn nhà, thậm chí đánh mất cả chính bản thân mình. Xã hội không ngừng phát triển, việc đi theo xu hướng cũng là điều tất yếu, nhưng nhiệm vụ của giới trẻ không phải là chối bỏ những giá trị truyền thống, mà phải biết cách biến tấu chúng sao cho phù hợp với thời hiện đại để bản sắc dân tộc không bị đánh mất.