Những bộ phim được tâng bốc quá mức và những bộ phim bị chê sấp mặt trong năm 2016 (P1)
"Bạn không thực sự hiểu được một người cho đến khi bạn yêu cầu họ chọn một bộ phim mà họ cảm thấy nó được tâng bốc quá mức và một phim mà họ cảm thấy bị chê sấp mặt".
Từng có một câu nói trên Playlist Mansion: "Bạn không thực sự hiểu được một người cho đến khi bạn yêu cầu họ chọn một bộ phim mà họ cảm thấy nó được tâng bốc quá mức và một phim mà họ cảm thấy bị chê sấp mặt". Điều này nghe có vẻ bình thường nhưng lại có thể cho thấy sự sáng suốt và uyên thâm của họ khi nhận xét về một bộ phim nào đó. Dưới đây là ý kiến của những cá nhân đóng góp cho trang The Playlist về những bộ phim mà họ nghĩ được đánh giá quá cao và những phim bị đánh giá thấp.
Người đầu tiên là Kevin Jagernauth.
Được đánh giá cao: Everybody Wants Some!!
Nếu có một bộ phim được cho là không phù hợp với thời đại này, thì chắc chắn đó là bộ phim của Richard Linklater - Everybody Wants Some!!. Công bằng mà nói, đây không phải là lỗi của đạo diễn khi bộ phim mới nhất của ông được ra mắt ngay sau trào lưu để hashtag #OscarsSoWhite và nhiều tranh cãi về việc đòi hỏi phải có sự đa dạng về sắc tộc trên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, Linklater hoàn toàn có lỗi khi bộ phim chỉ xoay quanh một nhóm (hầu hết) những chàng trai da trắng mong chờ được vào đại học và chơi bóng chày. Đây thực sự là một câu chuyện nhàm chán và vô vị kinh khủng. Việc gọi nó là “phần hồn” của Dazed and Confused vào năm 1993 chỉ nhấn mạnh rằng Linklater đã hoàn toàn hiểu sai tác phẩm nổi tiếng của ông. Trong khi Dazed and Confused mang đến cho khán giả câu chuyện về tuổi dậy thì từ quan điểm của những người bị ruồng bỏ và những kẻ chống lại truyền thống ở vùng ngoại ô, thì Everybody Wants Some!! lại kể về những một nhóm những anh chàng điển trai hoàn toàn đã hiểu rõ những điều liên quan đến tuổi dậy thì, và những nhân vật nữ trong phim dường như chỉ để làm nền. Everybody Wants Some!! chỉ thích hợp cho những ai muốn xem một bộ phim về (hầu hết) những anh chàng da trắng, tán tỉnh các cô gái, khám phá ra rằng punk rock tồn tại. Nhưng khán giả đừng nên trông mong gì vào cái cách mà bộ phim phác họa giai-đoạn-trước-khi-vào-đại-học, bởi giai đoạn này ngoài đời thực chứa đựng rất nhiều điều sâu sắc.
Bị đánh giá thấp: Phenom
Một bộ phim mà nhiều người có thể quên nó đã được phát hành hoặc thậm chí biết nó đã từng tồn tại. The Phenom là bộ phim bóng chày nhưng lại không thực sự nói về bóng chày, đó có thể là lý do tại sao nó không có nhiều khán giả. The Phenom được Noah Buschel (Glass Chin) viết kịch bản và làm đạo diễn, kể về Hopper Gibson (Johnny Simmons) – một cầu thủ ném bóng chày bị suy sụp tinh thần và nghi ngờ về tài năng của mình. Anh đã đến gặp bác sĩ tâm lý Mobley (Paul Giamatti) để được giúp đỡ. Hopper đã từng bị chính người cha (Ethan Hawke) hành hạ, thúc ép để tài năng của anh đạt đến đỉnh cao nhất. The Phenom chứa đựng một thông điệp mà nhiều người sẽ không đồng tình, rằng đôi khi tình yêu thô bạo lại có thể tạo ra được nhiều điều có ích. Bộ phim đã được thể hiện rất xuất sắc với nhiều cảnh quay đẹp (nhất là cảnh ghi bàn cho Tchaikovsky) nhưng lại không được nhiều người chú ý. Tác phẩm này thật sự là một viên ngọc quý bị chôn vùi – đầy tính nhân văn và cực kỳ độc đáo. Khán giả không nên bỏ lỡ bộ phim này.
Gary Garrison cũng có danh sách của riêng mình.
Được đánh giá cao: Star Trek Beyond
Star Trek Beyond quả thực là một thảm họa với những thước phim hoàn toàn từ CG mặc dù được chỉ đạo bởi người đã từng thực hiện không dưới bốn phần phim Fast And Furious. Nó không hoàn toàn là một bộ phim dở kinh khủng nhưng cũng không xứng đáng để được gọi là bom tấn hay nhất trong hè. Không chỉ có Star Trek Beyond mà những bộ phim được mong đợi khác trong năm 2016 đều cho thấy: các nhà sản xuất liên tục cho ra hàng tá bộ phim vô nghĩa và ngu ngốc đồng thời còn hạ thấp tiêu chuẩn xem phim của khán giả. Kịch bản của Beyond được Simon Pegg và Doug Jung viết, rất hài hước và dí dỏm nhưng nó giống như một câu chuyện được học thuộc lòng và thuật lại bởi cả dàn diễn viên, cộng thêm nhân vật phản diện nhạt nhẽo và được xây dựng một cách tệ hại. Tất cả những điều này khiến cho bộ phim không có gì thú vị hay đáng để bàn tới. Nói chung là một thất bại thảm hại với Star Trek.
Bị đánh giá thấp: The Dark Horse
Công bằng mà nói, The Dark Horse không hẳn là bộ phim bị đánh giá thấp bởi những người đã xem nó. Bộ phim của James Napier Robertson, được phát hành vào năm 2014 ở New Zealand, đã nhận được rất nhiều lời phê bình, và đa số là tích cực. Tuy nhiên, bộ phim đã bị quên lãng. Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật của kỳ thủ người Maori - Genesis Potini (Cliff Curtis), người bị chứng rối loạn lưỡng cực trầm trọng và lập ra một câu lạc bộ cờ vua nổi tiếng dành cho trẻ em nghèo khó được gọi là The Eastern Knights. The Dark Horse là một bộ phim cảm động nhưng lại bị đánh giá thấp. Một bộ phim chứa đựng lòng trắc ẩn với màn diễn xuất vừa mạnh mẽ vừa tinh tế của Curtis và có nhiều chi tiết vui buồn lẫn lộn. Và đối với một bộ phim nói về cờ vua, thì The Dark Horse không bao giờ lạm dụng các ẩn dụ, cũng không hề để khán giả thất vọng. Bộ phim không hề cố gắng phơi bày hiện thực của sự nghèo đói và mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm. Thay vào đó, The Dark Horse cho thấy bên trong mỗi con người là một thiên tài tiềm ẩn và thậm chí ở những nơi tăm tối nhất vẫn còn nhiều điều tốt đẹp.
Katie Walsh hiển nhiên có phim mình hài lòng và phim làm cô cảm thấy khó chịu.
Được đánh giá cao: Rules Don’t Apply
Tháng 11 năm 2016 quả thật là thời điểm ngàn năm có một để Warren Beatty cho ra mắt bộ phim tiểu sử dài lê thê về Howard Hughes: Rules Don’t Apply. Những gì mà khán giả thực sự cảm thấy khi xem bộ phim là 2 giờ đồng hồ ngồi xem một kẻ thừa kế có vấn đề về thần kinh chỉ yêu bản thân mình và thừa hưởng được một món tiền lớn từ người cha, sau đó dùng số tiền này để làm lũng đoạn nền công nghiệp giải trí và chính phủ liên bang. Không thể đổ lỗi cho khán giả khi họ không cảm được cái không khí chính trị trong Rules Don’t Apply bởi chính bản thân bộ phim đã không thể thể hiện được điều đó. Tác phẩm lộn xộn kể về đời sống quyền lực của một con người ở Hollywood này là kết quả của phần biên tập tồi tệ với sự tham gia của hơn bốn biên tập viên, cộng với phần âm nhạc kinh khủng như thể Beatty lấy từ một cái đĩa CD cũ mà ông nhặt được. Chưa kể đến cảnh sex lúng túng giữa Beatty và Lily Collins (Quả Cầu Vàng được đề cử cho những nỗ lực của cô). Mặc dù có rất nhiều diễn viên yêu thích hoàn thành tròn các vai diễn (Paul Schneider với làn da rám nắng giả tạo, cô gái từ Smash và phần hay nhất của bộ phim với màn diễn xuất của Annette Bening trong 20 phút). Mặc cho Alden Ehrenreich và Collins đã cố gắng nhưng vẫn không thể cứu vớt được tác phẩm này.
Bị đánh giá thấp: Warcraft
Tác phẩm underrated ban đầu mà người viết lựa chọn là How to Be Single, nhưng cuối cùng lại đặt Warcraft lên đầu danh sách. Người viết đã dành cho Warcraft đánh giá tích cực khi nó mới ra mắt, thậm chí khi xem đến lần thứ hai vẫn thấy nó thật thú vị. Khi xem bộ phim mang tính sử thi nói về loài orc này của Duncan Jones, khán giả sẽ cảm thấy giống như bước vào thế giới của một album heavy metal thập niên 80. Đó là cảm giác mà người viết đã trải nghiệm. Khán giả có muốn nhìn thấy một tên orc cưỡi con sói tuyết khổng lồ trong khi chặt những con người trong bộ áo giáp bóng loáng? Đương nhiên là có rồi. Những người trong giới phê bình đều chê bai bộ phim được chuyển thể từ game online này, vì thế không ai cho nó cơ hội. Nhưng Travis Fimmel thật sự quá tuyệt và Ben Schnetzer xứng đáng được có một phần spinoff. Chưa kể đến việc Jones đã rất thành công khi tạo ra các nhân vật orc đầy cảm xúc: Toby Kebbell trong vai Durotan xứng đáng được nằm trong danh sách những diễn viên xuất sắc nhất trong năm nay. Mặc dù bộ phim này hơi giống một phim hoạt hình với quá nhiều yếu tố kỳ ảo nhưng nếu nhận xét một cách khách quan thì nó vẫn rất thú vị và đáng xem. Tóm lại, Warcraft là bộ phim bị đánh giá thấp nhất trong năm 2016 và sẽ rất đáng tiếc nếu như bạn chưa xem qua bộ phim này.
Người thứ 4 đưa ra danh sách này là Oktay Ege Kozak.
Bị đánh giá thấp: Pete's Dragon
Nếu được cho ra mắt những năm 80, hoặc thậm chí đầu những năm 90, bộ phim Pete's Dragon của David Lowery chắc chắn sẽ được ca ngợi là một tác phẩm cổ điển ấm áp và chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa về gia đình. Nó còn có thể được sánh với E.T hay những chương trình giải trí phổ biến khác dành cho trẻ em của Spielberg, và sẽ không bị chế nhạo hay đánh giá thấp. Thật không may, trong thế giới hiện đại của chúng ta, nơi mà con người lúc nào cũng chỉ luyến tiếc những thứ trong quá khứ liên quan đến bản thân mình và ác cảm đối với việc trải nghiệm những cảm xúc cơ bản nhất, đã khiến cho tác phẩm đáng yêu này bị lép vế bởi The Jungle Book – bộ phim mà sau khi xem xong khán giả chẳng còn đọng lại chút ký ức gì. Lowery đã giữ lại giá trị cốt lõi của một tác phẩm màu mè, ngớ ngẩn và câu chuyện về tình bạn giữa đứa bé mồ côi với một con rồng thành tác phẩm nói về khát khao của đứa trẻ có được một gia đình. Bằng các đưa vào các chi tiết thể hiện nỗi luyến tiếc những kỉ niệm đẹp trong quá khứ, Lowery đã tạo ra một tác phẩm điển hình giống như các chương trình giải trí nói về gia đình và trường học mà ông đã từng yêu thích.
Được đánh giá cao: The Jungle Book
Dĩ nhiên phần CGI của bộ phim này rất đáng khen ngợi và đạo diễn Jon Favreau đã thành công khi nhào nặn ra một bộ phim hiện đại đầy tính giải trí từ tác phẩm kinh điển của Disney. Tuy nhiên, The Jungle Book là ví dụ điển hình cho thấy trong tương lai những tác phẩm kinh điển khác của Disney không nên có bản live action và được giới chuyên môn đánh giá quá cao. The Jungle Book chỉ ở mức làm cho khán giả hài lòng và cũng giống như nhiều bộ phim gia đình phổ biến khác. Mặc dù tông màu trong bản live action đen tối hơn bản nguyên tác nhưng nó chỉ thuật lại tất cả các chi tiết mà khán giả yêu thích từ phiên bản năm 1967 mà không hề có chi tiết nào mới mẻ và đặc sắc. Bộ phim quá chú trọng vào sứ mệnh đem lại cảm giác hoài cổ cho khán giả khi cố nhồi nhét một vài đoạn nhạc nổi tiếng từ bản nguyên tác mà không quan tâm liệu nó có phù hợp với sắc thái đen tối, lạnh lẽo của bản live action hay không. So với bộ phim xuất sắc và cảm động Pete’s Dragon, The Jungle Book chỉ là bộ phim có phần hình ảnh đẹp nhưng chỉ mang tính giải trí.
Thành viên: SarahTran & Bat1412
Nguồn: The Playlist