[PHÂN TÍCH] Parasite - Giải mã những ẩn ý chính trị tinh tế bạn có thể chưa biết

PhanNguyenSangSang ·

Cùng điểm qua một vài chi tiết ngầm thể hiện tình hình chính trị - bối cảnh xã hội được lồng ghép vô cùng tinh tế trong Parasite.

Kéo xuống để xem tiếp

Có thể nói trong bất kỳ lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nào, sự ảnh hưởng đến từ bối cảnh lịch sử, tình hình chính trị, văn hóa, xã hội luôn mang những tác động đáng kể đối với tầm nhìn định hướng hình thành cũng như sự thành bại của tác phẩm trong lòng công chúng. Có rất nhiều những tác phẩm điện ảnh đã thành công rực rỡ và ghi được những dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả khi thông qua nó, các nhà làm phim đã phản ánh được những bối cảnh, hiện thực xã hội đương thời đang diễn ra xung quanh mình. Một trong số đó phải kể đến bộ phim được xem là “kỳ tích Châu Á” khi đã đưa nền điện ảnh thế giới bước sang trang mới. Parasite (Ký Sinh Trùng), một cơn sốt Hàn Quốc đã và đang làm mưa làm gió trong suốt những năm vừa qua.

Bộ phim được các nhà phê bình nước ngoài đánh giá là có sự tương đồng với Us của Jordan Peele, Parasite khai thác những chủ đề về: xã hội, mâu thuẫn giai cấp và tầng lớp cùng những góc khuất, sự ấm ức, chịu đựng của con người. Phân tích Parasite và các ẩn ý của nó vì thế là việc lý thú không kém thưởng thức phim. Một trong số đó, trong phim còn có những chi tiết thú vị ẩn ý về tình hình chính trị được lồng ghép vô cùng khéo léo và tinh tế đến mức nếu không để ý, bạn sẽ có thể bỏ qua một cách đầy đáng tiếc. Vậy bạn đã biết đó là những chi tiết nào chưa? Cùng Moveek giải mã nhé!

Parasite - Ký sinh trùng (2019) (Photo credit: Slashgear)
Parasite - Ký sinh trùng (2019) (Photo credit: Slashgear)

Trong đoạn sau của Parasite, khi đối diện với ông Kim ở dưới tầng hầm, chồng của người quản gia cũ đã dùng cách nói chuyện Bắc Hàn để nói chuyện với ông Kim, hay cách mà ông ấy tán dương giám đốc Park cũng rất giống kiểu mà người Bắc Hàn thường tán dương ông Kim Jong-un. Dáng vẻ của người đàn ông ấy dường như đã thích ứng hoàn toàn với cuộc sống dưới tầng hầm và đã bị tẩy não, chẳng khác gì thân phận người dân Bắc Hàn dưới thời Kim Jong-un. Nếu đoạn sau chúng ta khi đọc phụ đề tiếng Anh sẽ thấy có phần nhạo báng Bắc Hàn với tên lửa và Great Leader, thì đoạn đầu phim cũng đầy hàm ý mỉa mai. Khi ông Kim nói rằng “Dưới vĩ tuyến 38 (Parallel 38) này thì chỗ nào ông cũng biết”, vĩ tuyến 38 ở đây ám chỉ một chi tiết về tình hình chính trị vô cùng nổi bật ở Hàn Quốc lúc bấy giờ. Năm 1948, đường phân cách vĩ tuyến 38 đã trở thành ranh giới chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai quốc gia là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc). Sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), đường biên giới này được ấn định là vùng phi quân sự cắt chéo qua vĩ tuyến 38 theo hướng Đông-Bắc Tây-Nam.

CinemaBlend
CinemaBlend

Dưới vĩ tuyến 38 ở đây chính chỉ cho đất nước Đại Hàn Dân Quốc (Nam Hàn). Trong phim còn nhắc khá nhiều về việc “không đi quá giới hạn” (cross the line), nhân vật chính theo người viết nghĩ cũng không phải vô tình mà mang họ Kim: “Mr. Kim never cross the line, but his smell…”. Đúng thật là vậy, mùi của ông Kim trong phim đã phủ khắp nơi dù đúng là ông ta chưa từng đi quá giới hạn, đây như một hàm ý mỉa mai chỉ việc sự ám mùi và cái bóng của ông Kim Jong-un hầu như đã phủ sóng khắp mọi nơi ở Đại Hàn Dân Quốc, mặc cho ông chưa từng vượt qua ranh giới giữa hai quốc gia này.

Tương tự nhân vật chính họ Kim, cũng không phải tự nhiên mà nhân vật gia đình nhà giàu lại họ Park. Nếu dưới thời lúc ông Park Chung Hee còn là tổng thống, Đại Hàn Dân Quốc đã tạo ra được kỳ tích sông Hàn, đưa Hàn Quốc đi lên và phát triển vượt bậc thì đến thời bà Park Geun-hye lại chính là tổng thống đầu tiên bị phế truất, nguyên nhân chính liên quan đến việc “tham nhũng”. Cùng là họ Park nhưng hai nhà lãnh đạo lại mang hai số phận khác nhau, có thể đây chính là lý do mà đạo diễn Bong Joon-ho chọn họ Park cho gia đình giàu trong bộ phim, như một biến tướng của cái giàu mà nhà làm phim người Hàn muốn gợi nhắc.

Mr. Kim never cross the line, but that smell… (Photo credit: Quora)
Mr. Kim never cross the line, but that smell… (Photo credit: Quora)

Tiếp theo, một số chi tiết ám chỉ tình hình chính trị khác trong Parasite có thể nhìn thấy là hình ảnh của “Thổ dân da đỏ Mỹ”. Trò chơi hướng đạo sinh mà Da Song thích chơi là hóa thân thành người da đỏ. Đây là một ẩn dụ theo thuyết thực dân (colonialism), thường được đan cài trong phim ảnh để gợi nhắc về giai đoạn xâm thực thuộc địa của các nước châu Âu. Trước khi Christopher Columbus đặt chân đến châu lục mới và đặt tên nó là châu Mỹ, vùng đất đó vốn thuộc về người da đỏ. Sau năm 1815, Mỹ tăng cường bành trướng lãnh thổ bằng cách chiếm đất của người da đỏ. Chính phủ Mỹ thông qua Đạo luật xóa bỏ người da đỏ năm 1830, xua đuổi tất cả người da đỏ sống ở phía đông sông Mississippi đến "Lãnh thổ người da đỏ" (nay là bang Kansas và Oklahoma).

Đạo luật này là một ví dụ cho sự diệt chủng có hệ thống, bởi nó áp dụng việc phân biệt đối xử chống lại một nhóm sắc tộc và tiến tới tiêu diệt một số lượng lớn dân số của sắc tộc này. Trong cuộc xâm lấn đất đai của các bộ lạc da đỏ Bắc Mỹ, người Mỹ đã tiến hành hàng trăm vụ thảm sát đẫm máu, quân Mỹ đã tàn phá không nương tay, nhiều khi tàn sát cả phụ nữ và trẻ em, tận diệt cả một bộ lạc da đỏ.

Yahoo Movie UK
Yahoo Movie UK

Trong phim, chính hai vợ chồng người quản gia cũ đã ở dinh thự này qua 2 đời chủ đại diện cho các thổ dân da đỏ. Khi mảnh đất đó trở thành "tài sản" của người da trắng, tức vợ chồng nhà Park, họ bắt đầu mở cửa và tạo cơ hội cho những người nhập cư từ khắp nơi đổ về. Những người nhập cư ở đây chính là nhà Kim, bằng nhiều mưu mô, thủ đoạn nhưng vẫn đường đường chính chính bước vào và trở thành những người chủ mới. Người thổ dân ngày trước buộc phải lùi dần vào bóng tối, sống lay lắt và không còn ai nhớ mặt đặt tên (cuộc sống tâm tối dưới tầng hầm về sau của vợ chồng quản gia cũ trong phim).

Photo credit: Vulture
Photo credit: Vulture

Parasite đã phản ánh tình hình chính trị - xã hội một cách đầy khéo léo qua những hình ảnh, câu thoại mang hàm ý châm biếm, không trực tiếp phê phán bất kỳ một tầng lớp xã hội nào mà chỉ đẩy sâu ánh nhìn vào bản chất sự việc là khoảng cách tầng lớp giữa họ cũng như gợi mở trong ý thức của người xem những tầng ý nghĩa sâu xa, đáng suy ngẫm ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, trong đó có tình hình chính trị. Theo lời đạo diễn Bong Joon Ho từng chia sẻ, ông chưa từng muốn gửi gắm bất kỳ thông điệp nặng nề nào trong tác phẩm của mình mà chỉ cố gắng phản ánh một cách chân thực xã hội Hàn Quốc theo một hướng hài hước và hấp dẫn nhất. Đây chính là cái hay của đạo diễn và cũng là “chìa khóa vàng”, là kim chỉ nam giúp Parasite gặt hái được vô số thành công cũng như ghi được dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả.