Phim điện ảnh Việt nửa đầu năm 2024 - Chất lượng chênh lệch rất lớn
Nửa đầu năm 2024, phim điện ảnh Việt Nam chiếu rạp đi từ khởi sắc đến chật vật đủ đường. Và bộ phim nào đạt doanh thu cao nhất, bộ phim nào có thất bại ê chề nhất?
Theo số liệu thống kê đến từ trang Box Office Vietnam, ngành điện ảnh Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đã có những giai đoạn lên xuống đáng kể. Về doanh thu, chỉ trong vòng nửa năm, lần đầu tiên phim Việt chạm ngưỡng 1570 tỷ đồng.
Đây được coi là một kỷ lục mới của nền điện ảnh nước nhà. Đặc biệt, điểm đáng nói là trong vô số tác phẩm được ra mắt, chỉ riêng Mai của Trấn Thành và Lật Mặt 7: Một Điều Ước của Lý Hải đã đóng góp gần 1000 tỷ đồng trong tổng doanh số phim Việt giai đoạn này.
Hãy cùng Moveek điểm qua top 10 tác phẩm điện ảnh Việt Nam đã ra mắt nửa đầu năm 2024 và tình hình doanh thu phòng vé biến động ra sao trong khoảng thời gian này nhé.
Năm 2024, nền điện ảnh Việt Nam có phát súng đầu vô cùng khởi sắc với Mai của Trấn Thành. Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn cũng như công chúng, tác phẩm điện ảnh tiếp nối đà thành công của “vũ trụ phim Trấn Thành” để tạo nên một làn sóng hưởng ứng cực kì tích cực.
Điều ấy được thể hiện qua doanh số cao ngất ngưởng chạm mốc gần 551 tỷ đồng. Mai nhanh chóng trở thành tác phẩm có con số thu về cao nhất của nam đạo diễn và xác lập kỷ lục phim đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại tại rạp chiếu Việt Nam.
Tiếp tục với chủ đề xoay quanh những số phận con người gần gũi khán giả đại chúng, Mai đã khai thác lối sống của những người lao động ở các tầng lớp xã hội. Đồng thời chúng được cài cắm cùng các yếu tố kết nối xã hội có thể kể đến như gia đình, tình yêu tương đối tiêu biểu.
Mai được đánh giá là đã có sự phát triển đáng kể trong cách kể chuyện. Không còn quá nhiều những tình huống cao trào, thậm chí có phần hơi “ồn ào” của quá khứ, bộ phim giờ đây đã có thể đón bắt cảm xúc khán giả tốt hơn thông qua sự cân bằng giữa tĩnh và động kết hợp với việc nỗ lực sử dụng ngôn ngữ hình ảnh.
Màn ra mắt của Mai đã để lại những tín hiệu tích cực đối với điện ảnh Việt Nam trong năm 2024. Nó đem đến cho khán giả sự kỳ vọng về một năm bùng nổ của phim Việt.
Lật Mặt 7: Một Điều Ước - Top 2 phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại (479 tỷ đồng)
Bên cạnh “vũ trụ phim Trấn Thành” chúng ta lại có một đối chọi vô cùng sáng giá đó chính là “vũ trụ Lật Mặt” của Lý Hải. Vào dịp lễ 30-4 như truyền thống các năm,, vị đạo diễn đã tiếp tục cho ra mắt phần tiếp theo trong series Lật Mặt mang tên Lật Mặt 7: Một Điều Ước.
Cùng với sự tâm huyết với nghề và độ đầu tư khủng của Lý Hải, bộ phim đã nhanh chóng thống lĩnh rạp chiếu và trở thành tác phẩm có doanh thu khủng ước tính lên đến hơn 479 tỷ đồng. Bộ phim chính thức trở thành phim Việt Nam có doanh thu đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng doanh thu phim chiếu rạp Việt Nam mọi thời đại. Và bộ phim cũng đánh dấu cột mốc đầy vượt bậc trong sự nghiệp làm phim của đạo diễn Lý Hải.
Sức hút của kịch bản Lật Mặt 7 đến từ câu chuyện xoay quanh chủ đề gia đình. Đạo diễn khéo léo dẫn dắt người xem qua những tình huống dễ bắt gặp trong cuộc sống, từ đó khơi gợi sự đồng cảm. Đặc biệt hơn nữa, Lý Hải biết cách lấy nước mắt khán giả thông qua việc tập trung xây dựng yếu tố dễ chạm, đó chính là tình mẫu tử. Việc mang vẻ đẹp của Việt Nam lên màn ảnh rộng cũng là điểm cộng lớn cho tác phẩm.
Thành công của Lật Mặt 7 vô cùng xứng đáng khi được xuất phát từ câu chuyện chữa lành và sự tử tế trong cách làm phim của đạo diễn Lý Hải. Tác phẩm tuy còn sạn nhưng lại vừa vặn cho nhu cầu giải trí cũng như giao tiếp cùng khán giả đại chúng thông qua những thông điệp gần gũi, đậm dấu ấn nhân văn.
Gặp Lại Chị Bầu - Vừa chạm mốc trăm tỷ sau khi rời rạp mùa Tết (105,3 tỷ đồng)
Ra mắt cùng thời điểm với Mai, Gặp Lại Chị Bầu tưởng chừng sẽ gặp nhiều bất lợi nhưng bộ phim vẫn đạt được con số ấn tượng trong bối cảnh khốc liệt ở các rạp chiếu vào thời điểm “vàng”.
Gặp Lại Chị Bầu thu về 92,7 tỷ đồng. Sau đó, tác phẩm điện ảnh này tiếp tục được công chiếu trên nền tảng VOD và phát hành ở Úc vào giữa tháng 5.2024. Tổng doanh thu từ các thị trường mới mang lại cho phim hơn 13 tỷ đồng.
Tính đến ngày 17.6,2024, tổng doanh thu của phim là 105,3 tỷ đồng, giúp phim chính thức gia nhập câu lạc bộ phim trăm tỷ của điện ảnh Việt Nam, trở thành tác phẩm thứ hai của đạo diễn Nhất Trung vượt cột mốc này, sau Cua Lại Vợ Bầu (191,8 tỷ đồng).
Nắm được đà thắng lợi của Cua Lại Vợ Bầu, đạo diễn Nhất Trung lại tiếp tục khai thác câu chuyện xoay quanh chủ đề người mẹ, đặc biệt trong thời kỳ mang thai, nhưng lần này có sự kết hợp với yếu tố xuyên không đầy bất ngờ. Tuy nhiên, cũng chính yếu tố xuyên không lại trở thành điểm yếu của tác phẩm này.
Những tình tiết giải thích cho hàng loạt sắp đặt ở đầu phim cần sự logic thì lại được diễn giải chưa đủ chặt chẽ. Chúng gây nên những “hạt sạn” không đáng có ở khâu kịch bản và đứt quãng trong bố cục phim đi cùng sự mơ hồ của thông điệp. Bên cạnh đó, bối cảnh cũng chưa thực sự chỉn chu khi nó vẫn quá hiện đại so với câu chuyện ở những năm 90s.
Dẫu thế, khán giả vẫn có những lý do nhất định để đến với Gặp Lại Chị Bầu. Bộ phim đã phục vụ rất tốt cho nhu cầu giải trí của khán giả bởi các tình huống hài hước, dàn diễn viên như Lê Giang, Ngọc Phước, Quốc Khánh hay cameo Kiều Minh Tuấn đều thể hiện tròn trịa vai trò của mình. Đặc biệt hơn nữa chính là sức nóng của cặp đôi Diệu Nhi - Anh Tú cùng những “phản ứng hóa học” cực nhạy đã khiến cho khán giả thích thú.
Cái Giá Của Hạnh Phúc - Thất bại đầu tiên của ông hoàng phòng vé Thái Hòa (26 tỷ đồng)
Cái Giá Của Hạnh Phúc nhận được khá nhiều kỳ vọng bởi sự xuất hiện của “bảo chứng phòng vé” Thái Hòa nhưng tác phẩm lại không thể đáp ứng được niềm tin ấy nơi khán giả. Vẫn là một câu chuyện muôn thuở của phim Việt, kịch bản là đòn chí mạng dẫn đến sự thất vọng của người xem khi tiếp cận bộ phim. Doanh thu Cái Giá Của Hạnh Phúc đạt hơn 26 tỷ đồng là con số chưa đáng là bao với vốn đã đầu tư.
Bộ phim đẩy các nhân vật vào bi kịch rồi tạo ra cú twist, một cách tiếp cận không mới. Tuy nhiên, nó cần một lối dẫn dắt mạch lạc và lớp lang thay vì lan man vào các tình tiết câu nước mắt và bi kịch quá mức. Nhân vật nói đạo lý nhiều nhưng quá dài dòng và không có điểm nhấn để khán giả nhớ sau khi rời rạp.
Điểm sáng có thể kể đến của tác phẩm này chính là Thái Hòa. Nam diễn viên đã cho thấy một phong độ diễn xuất ổn định. Tuy nhiên, nếu xét trên cả hành trình của nam diễn viên thì đây được coi là bước thụt lùi khá đáng tiếc khi bộ phim ra mắt không thực sự thành công cả về danh tiếng lẫn doanh số.
Quý Cô Thừa Kế 2 - Mở màn cho chuỗi lỗ nặng của phim Việt (6,4 tỷ đồng)
Quý Cô Thừa Kế 1 đã bị chê khá nhiều do các miếng hài cũ kỹ, gượng ép, và đến năm 2024, đạo diễn Hoàng Duy vẫn tiếp tục muốn thử sức một lần nữa với Quý Cô Thừa Kế 2. Tuy có sự xuất hiện của những những diễn viên quen mặt với khán giả rạp Việt như Trang Nhung, Huy Khánh với câu chuyện tình yêu “dễ nuốt” nhưng bấy nhiêu là chưa đủ để giúp cho bộ phim này bật lên.
Quý Cô Thừa Kế 2 liên tục mắc lỗi kịch bản. Bộ phim bị đánh giá là tham thông điệp khi lạm dụng nhiều tình tiết giật gân nhưng thiếu các cảnh khai thác nội tâm nhân vật. Tuyến phản diện khá cũ với biểu cảm cường điệu. Phim đánh dấu sự trở lại của Trang Nhung sau 10 năm vắng bóng điện ảnh, song vai của cô còn nhạt nhòa, diễn xuất hạn chế.
Tác phẩm điện ảnh đã phải rút khỏi rạp sau 20 ngày công chiếu với doanh thu khiêm tốn chỉ đạt mức khoảng 6,4 tỷ đồng. Theo chia sẻ từ đạo diễn, bộ phim đã chịu lỗ hàng chục tỷ đồng do phải thu 40 tỷ mới hòa vốn, là một trong những phim Việt có doanh thu kém nhất từ đầu năm.
Móng Vuốt - Cú ngã ngựa của hai nhân tố phim trăm tỷ (3,8 tỷ đồng)
Móng Vuốt là thành quả của sự kết hợp giữa hai nhân tốt phim trăm tỷ - đạo diễn Lê Thanh Sơn và diễn viên Tuấn Trần. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng là ngọn cờ tiên khởi cho thể loại phim sinh tồn tại Việt Nam. Bất kể hai yếu tố trên, Móng Vuốt vẫn vô cùng ế ẩm với mức doanh thu chỉ chạm mốc 3,8 tỷ đồng.
Điểm trừ đầu tiên của bộ phim là một phần mở đầu quá lê thê. Từ cách nhân vật dành quá nhiều thời gian để giới thiệu bản thân đến việc lạm dụng miếng hài đã khiến phim không tạo dựng được bầu không khí căng thẳng khi hiểm họa ập tới. Do đó, yếu tố hồi hộp, kịch tính then chốt của dòng phim sinh tồn không hiện rõ trong Móng Vuốt.
Ngoài ra, cốt truyện của phim bị nhận xét là không hấp dẫn và khá đơn điệu. Nhiều người cho rằng chủ đề sinh tồn, chiến đấu "quái thú" là món ăn nhàm chán vì Hollywood đã khai thác từ lâu nhưng ở Móng Vuốt lại không có thêm bất kì sự sáng tạo hay biến tấu nào cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Cuối cùng, mặc dù đã dành rất nhiều tâm huyết cho phần kỹ xảo (chiếm 30% tổng kinh phí đầu tư), chú gấu - visual chính trong phim vẫn “hơi giả” ở những thước phim cuối khi bắt cận.
B4S - Trước Giờ Yêu - Lỗ nặng do liều lĩnh nhưng chưa hiệu quả (3,8 tỷ đồng)
B4S - Trước Giờ Yêu là một phép thử thú vị của điện ảnh Việt Nam khi chủ động khai thác sâu về vấn đề tình dục. Ngay từ bản trailer, bộ phim đã gây ra khá nhiều tranh cãi bởi những phân cảnh nóng bỏng và lời thoại khá thô. Đội ngũ làm phim đã đặt cược vào một bước đi táo bạo nhưng có lẽ nó chưa thực sự hiệu quả khi chỉ đạt tổng doanh thu khoảng 3,8 tỷ đồng.
Nhìn chung, B4S - Trước Giờ Yêu là một bộ phim có ý tưởng tốt và dũng cảm khi dám khai thác chuyện tình yêu và tình dục từ góc nhìn của giới trẻ. Đây là những điều xảy ra hàng ngày nhưng thường bị chúng ta làm ngơ, lên án hoặc không muốn đề cập đến. Ngoài ra, phim còn xử lý tốt về mặt tạo hình như trang phục, kiểu tóc và trang điểm,... tạo nên nét thu hút riêng cho nhân vật.
Tuy nhiên, mọi thất bại đều có nguyên nhân của nó. Bộ phim gặp vấn đề trong việc xây dựng nhân vật không sát với thực tế, khiến nhiều chi tiết trở nên gượng gạo và vô lý. Việc để cho nhân vật trực tiếp đọc lên thông điệp của phim cũng là một điểm trừ khá lớn.
Sáng Đèn - Đủ tốt nhưng chưa đủ hồi vốn (3,4 tỷ đồng)
Sáng Đèn là một trường hợp khá đáng tiếc của rạp chiếu Việt Nam nửa đầu năm 2024 khi chất lượng của tác phẩm “đủ dùng” nhưng khán giả lại không mấy mặn mà. Khác với đề tài kinh dị, tâm lý như các phim trước của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, bộ phim xoay quanh câu chuyện về thịnh - suy, giao thời của cải lương và những gánh hát lưu diễn khắp miền Tây. Tuy đã có sự đầu tư đúng mức nhưng Sáng Đèn vẫn nhận thất bại trên mặt trận doanh số với 3,4 tỷ đồng.
Sáng Đèn lấy điện ảnh kể chuyện cải lương như cách Song Lang đã từng thử nghiệm. Song, bộ phim này lại có những điểm khác biệt trong cách thể hiện chủ đề. Bằng việc đưa nghệ thuật cải lương vào tầm nhìn của công chúng thông qua bộ phim, tác phẩm không chỉ kể câu chuyện mà còn lưu giữ được nhịp thở của quá khứ.
Điều quan trọng hơn, nó mở ra cánh cửa cho thế hệ trẻ - gen Z, để họ có thể tiếp xúc và hiểu rõ hơn về di sản văn hóa truyền thống. Sự xuất hiện của Sáng Đèn không chỉ là một ánh sáng rực rỡ, mà còn làm phong phú thêm cho ngành điện ảnh Việt Nam.
Dẫu cho Sáng Đèn còn gặp vấn đề “đầu voi đuôi chuột” trong khâu kịch bản hay màu sắc chưa chuẩn bối cảnh thì bộ phim vẫn là một tác phẩm ý nghĩa và đáng ghi nhận hơn so với doanh số nó đạt được.
Án Mạng Lầu 4 - Lọt top phim thất bại thảm nhất rạp chiếu Việt 2024 (1,9 tỷ đồng)
Án Mạng Lầu 4 nằm trong top những bộ phim có doanh thu tệ nhất năm 2024 với vỏn vẹn chỉ 1,9 tỷ đồng. Tác phẩm điện ảnh lấy bầu không khí căng thẳng, nghẹt thở từ đầu đến cuối thông qua dàn dựng làm chìa khóa thành công nhưng họ lại không thể mở khóa chính cánh cửa mà mình sắp đặt. Thậm chí bộ phim còn nhận về một vài phản ứng tiêu cực cho rằng chất lượng bộ phim chỉ ở mức độ phim sinh viên.
Án Mạng Lầu 4 gây thất vọng không chỉ vì diễn xuất của các tuyến diễn viên chính như Trương Thế Vinh, Lương Bích Hữu mà còn do các nhân vật liên tục đưa ra nhiều quyết định khó hiểu từ đầu đến giữa phim. Bên cạnh đó, thoại trong phim cũng bị đánh giá thấp khi chúng quá thừa thãi nhưng lại không đánh được vào vấn đề chính của câu chuyện.
Đạo diễn cố ý xây dựng và định hướng suy nghĩ của người xem theo nhiều giả thuyết khác nhau để dẫn đến một cú quay xe bất ngờ. Tuy nhiên, cách diễn giải lòng vòng và thiếu logic đã khiến khán giả mất kiên nhẫn, không thể chờ đến "plot twist" mà ê-kíp đã dày công chuẩn bị.
Tuy nhiên, đánh giá bộ phim là một tác phẩm dừng lại ở mức độ sinh viên hay tệ hơn là thảm họa thì lại chưa thực sự thỏa đáng. Các khâu dàn dựng như bối cảnh, trang phục, dựng phim đều tương đối chỉn chu.
Đào, Phở Và Piano - Case study đầy thú vị của phim Nhà nước (21 tỷ đồng)
Đào, Phở Và Piano là một trường hợp khá thú vị thậm chí có phần hy hữu của điện ảnh Việt Nam. Theo lẽ thông thường, những bộ phim Nhà nước thường ít khi được lấy ra làm thương mại mà chủ yếu sẽ phát hành giới hạn với mục đích tuyên truyền cho công chúng về một vấn đề xã hội nào đó. Nhưng Đào, Phở Và Piano đã cho chúng ta thấy nó làm được nhiều hơn thế.
Từ một clip review viral trên nền tảng TikTok, bộ phim đã lập tức nhận được làn sóng phản ứng tích cực. Những suất chiếu ít ỏi không còn đủ đáp ứng nhu cầu của khán giả dẫn đến việc phim Nhà nước đã đến với các rạp tư nhân và mang tính thương mại.
Ngày 11.4.2024, đề cập đến thành công của phim Đào, Phở Và Piano, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - ông Vi Kiến Thành cho biết, phim do Nhà nước đặt hàng, chiếu thí điểm và có doanh thu 21 tỷ đồng sau gần 3 tháng công chiếu. Với con số trên, tác phẩm điện ảnh đã hòa vốn.
Đào, Phở Và Piano là tác phẩm chính kịch và lịch sử tương đối kén người xem. Tuy nhiên, nó lại đánh mạnh vào được tiềm thức yêu nước đã có sẵn trong lòng công chúng. Bên cạnh đó việc nỗ lực trong khâu xây dựng bối cảnh những năm tháng chiến tranh cũng là rất đáng ghi nhận dù vẫn còn nhiều cảnh quay chưa thực sự sát sườn với thực tế.
Tác phẩm điện ảnh đã khôi phục con đường đến với công chúng cách nhanh chóng của loại hình phim Nhà nước đã từng rất được ưa chuộng trong quá khứ. Nó kích thích những nhà làm phim cũng như nhà đầu tư tiếp cận mạnh dạn hơn nữa đối với đề tài lịch sử nước nhà, vốn là một địa hạt rất màu mỡ.
Tóm lại, trong 6 tháng đầu năm 2024, nền điện ảnh Việt Nam đã xác lập được những kỷ lục đáng ghi nhận. Tuy nhiên, xét về chất lượng phim mặt bằng chung vẫn chưa thực sự ổn định. Số lượng tác phẩm thành công chỉ chiếm một phần thiểu số so với những phim gặp thất bại nặng nề.
Dẫu thế, điện ảnh Việt Nam vẫn có thể hy vọng vào những tác phẩm chất lượng khác sẽ được ra mắt vào nửa cuối năm nay như Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình (Trịnh Đình Lê Minh), Kính Vạn Hoa (Võ Thanh Hòa), Linh Miêu (Lưu Thành Luân)...
Thị trường phim Việt là không gian vô cùng rộng mở và đa sắc. Vì thế, chúng ta có quyền đặt niềm tin vào sự phục hồi và phát triển của nó sau những thất bại ê chề.
Nguồn: Doanh thu trong bài, người viết tham khảo từ nguồn Box Office Vietnam