Phim siêu anh hùng - Dòng phim không có nhu cầu đổi mới?
Phim Siêu Anh Hùng · Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·
Thất bại của DCEU và thành công của Marvel đang củng cố nhận định thể loại siêu anh hùng không có nhu cầu đổi mới.
Mặc dù nhận về những review khen chê lẫn lộn và chê nhiều hơn khen, Người Kiến Và Chiến Binh Ong: Thế Giới Lượng Tử vẫn dẫn đầu trong tuần đầu trình chiếu. Đây không phải là hiện tượng lạ. Trước đây, Doctor Strange in the Multiverse of Madness, Thor: Love and Thunder dù nhận được những lời chê bai vẫn có một doanh thu ấn tượng và được coi là cú hit phòng vé năm đó. Spider-Man: No Way Home có doanh thu gần $2 tỷ, nhưng có ý kiến cho rằng nó thành công nhờ vào những easter egg và sự hoài niệm khi có sự góp mặt của hai Người Nhện là Tobey Maguire và Andrew Garfield.
MCU vẫn có những cú sảy chân khá đau như Eternals trở thành phim thứ hai có doanh thu thấp nhất lịch sử MCU. Black Widow năm 2021 vẫn được xem là một bộ phim với chất lượng thấp, không xứng đáng với công sức nữ diễn viên Scarlett Johansson đã cống hiến cho MCU. Song, bất chấp những lời chỉ trích thiếu sáng tạo, lối mòn, không nhất quán trong cách xây dựng nhân vật, tấu hài quá độ, những bộ phim siêu anh hùng MCU luôn được chào đón nhiệt tình.
Ở chiều ngược lại, chúng ta thấy sự chật vật của nhà DC với DCEU của họ. Man of Steel năm 2013 khiến fan tranh cãi nảy lửa vì hành động “vặn cổ” kẻ thù của Superman – biểu tượng cho những phẩm chất tốt nhất của con người. Batman v Superman sau đó quy tụ bộ ba huyền thoại trong lịch sử comics và phim ảnh là Superman, Batman và Wonder Woman nhưng vẫn không thể thúc đẩy DCEU đến được nơi cần đến, Justice League bản chính thức bị chìm trong mớ rắc rối đổi đạo diễn, chỉ để ra rạp một phiên bản khiến fan sục sôi tức tối. Suicide Squad (2016) nhận về cơn mưa lời chê với kịch bản khiếm khuyết và một phiên bản Joker dị thường.
Black Adam vẫn nằm trong danh sách không tệ với Shazam. DCEU vẫn có những điểm sáng như Wonder Woman, Aquaman, và gần đây nhất là Suicide Squad (2021) The Batman và Joker – dù trường hợp này gây vẫn tranh cãi liệu đó có phải là phim siêu anh hùng hay không. Nhưng chúng không ngăn được DCEU bị reboot thành DCU trong thời gian sắp tới, lấy cột mốc là bộ phim The Flash ra mắt năm nay.
Câu chuyện của MCU và DCEU vẽ nên một bức tranh khó hiểu về dòng phim siêu anh hùng. Marvel trung thành với công thức đặt ra, bất chấp những lời phê bình và gặt hái được thành công thương mại đáng kể, Trong khi đó, DCEU khởi đầu với một định hướng khác biệt nhưng không mấy thành công. Chỉ khi DCEU trở lại với công thức mặc định cho một phim siêu anh hùng (Aquaman, Wonder Woman), mọi thứ mới khởi sắc. Ngược lại, khi MCU thử những cái mới (Eternals), MCU có bộ phim thất bại.
Có vẻ như cả MCU và DCEU đều đang vô tình gửi gắm một thông điệp đến cho các mọt phim rằng thể loại siêu anh hùng không có nhu cầu đổi mới.
Còn chủ nghĩa thoát ly thì không có nhu cầu đổi mới
Thể loại phim siêu anh hùng phát triển từ những cuốn truyện tranh thường được gọi là comics. Còn những cuốn truyện này phản ánh thời đại mà chúng sinh ra và lý do chúng được sinh ra, nhưng điểm chính vẫn là đáp ứng nhu cầu con người muốn tìm kiếm một phương tiện giải trí mới, thực tế quá nhàm chán hoặc chán nản.
Trong lịch sử của truyện tranh siêu anh hùng, nhiều người thường nhầm lẫn Superman là siêu anh hùng đầu tiên được sáng tạo, nhưng thực tế là danh hiệu siêu anh hùng đầu tiên thuộc về The Phantom, nhân vật được Lee Falk sáng tạo cho DC Comics vào năm 1936. Anh được mô tả là người đàn ông mặc đồ bó màu tím, đeo mặt nạ viền đen, lòng trắng, không có sức mạnh đặc biệt nào ngoài bộ óc nhanh nhạy và tài ứng biến. Anh có thể khéo léo đột nhập vào bất cứ đâu mà không được phát hiện, nên được gọi là Phantom, nghĩa là bóng ma. Đặc biệt, người hùng này đem theo một khẩu súng ngắn. Chiếc mặt nạ của The Phantom là khởi nguồn của nhiều chiếc mặt nạ của các anh hùng sau này, như Green Arrow, Batman, Robin…
Superman, Người Đàn Ông Thép, được sinh ra vào năm 1938, là siêu anh hùng đầu tiên sở hữu những quyền năng phi thường. Điều đáng nói là trước đó, cái tên Superman được dành cho một kẻ sử dụng khả năng phi thường xuất phát từ một loại thuốc để làm lợi cho bản thân. Để có một truyện tranh thành công hơn, tác giả Jerry Siegel và Joe Shuster đã biến Superman thành một thế lực cho cái thiện và cho anh nhiều khả năng phi thường hơn như nhảy qua một tòa nhà cao tầng hay chạy nhanh hơn động cơ xe lửa. Và những cuốn comic về Superman bán chạy như tôm tươi thời bấy giờ. Thời điểm ấy, phi thường là mong ước của nhiều người. Một anh hùng có thể cứu bạn khỏi những sự kiện tai hại thì ai mà không muốn tồn tại chứ?
Năm 1939 Batman được tạo ra và anh là hình mẫu người thường có thể làm những điều phi thường như đối mặt với tội phạm tràn lan ở Gotham – một góc nhìn hiện thực về xã hội năm 1938, năm mà những tổ chức Mafia ở Mỹ đang trở nên lớn mạnh. Mặc dù được xem là nhân vật ăn theo cơn sốt Superman, Batman được yêu thích theo cách của riêng anh, với tư cách là người làm những điều không thể.
Sau đó, cách Batman vài tháng tuổi là Captain Marvel, sau này được gọi là Shazam. Một năm sau, The Comet được tạo ra và cũng là siêu anh hùng đầu tiên tử vong trong lịch sử thể loại. Đây cũng là năm thể loại chào đón nữ siêu anh hùng đầu tiên là Fantomah chiến đấu chống lại tội phạm. Captain America được sinh ra một năm sau đó và nhiều cái tên nữa được sáng tạo. Họ chia sẻ điểm chung là có sức mạnh phi thường và giỏi ở một lĩnh vực riêng theo chiều hướng tăng dần.
Trong Thế Chiến II, Superman trở thành biểu tượng của hy vọng và chủ nghĩa anh hùng khi đối mặt với Phát xít, đặc biệt là Hitler, đồng thời là người bảo vệ kẻ yếu. Một anh hùng trong thời chiến có sức mạnh chấm dứt chiến tranh – một lần nữa, những cuốn truyện này lại đắt hàng. Tại thời điểm ra đời của mình vào năm 1941, Thế Chiến I đang nổ ra ở lục địa già nhưng vẫn khiến nước Mỹ bất an, Wonder Woman ra đời không chỉ đáp ứng nhu cầu tìm một siêu anh hùng truyền cảm hứng của phái nữ đang đâu tranh cho quền bình đẳng, mà còn là hình ảnh nhẹ nhàng giữa thời đại bất ổn. Nên vào thời điểm này, lý tưởng lớn nhất Wonder Woman đại diện là tình yêu, sự thật, hòa bình và vẻ đẹp, tất nhiên là có cả thông điệp phụ nữ cũng có thể làm việc lớn dành cho độc giả nữ trẻ.
Comics về những cá nhân phi thường được tạo ra tại thời điểm mà con người đang tìm kiếm những gì khác biệt và phi thường như vậy trong cuộc sống thường nhật của họ. Đây là điểm mấu chốt làm nên tính thoát ly của comics đời đầu. Nên khi thành phim, chủ nghĩa thoát ly hiện thực ấy cũng được mang theo và lồng ghép vào gốc rễ của một bộ phim siêu anh hùng dù có vô tình hay hữu ý.
Các bộ phim siêu anh hùng đời đầu như Superman (1978) đều có phong cách tràn đầy hi vọng như vậy, nhẹ nhàng và đơn giản, quan trọng nhất là người hùng luôn chiến thắng. Công thức của những bộ phim là hình mẫu mà chúng ta thấy rất nhiều ở hiện tại. Một anh hùng ra đời, chống lại một phản diện, anh ta/cô ta sẽ thất bại lần đầu, trải qua mất mát và đến trận chiến cuối cùng là chiến thắng và học được một bài học mang tính thay đổi. Ngay cả những siêu anh hùng nghiêm túc và đen tối như Batman vẫn có những bộ phim truyền thống như thế này. Ngay cả Joker, phản diện của anh thời ấy cũng được "pha loãng" bớt tính điên loạn của mình. Những bộ phim Marvel sau này đã đem công thức này phát triển thành công hơn nữa.
Thực tế phũ phàng hơn là cảm nhận nghệ thuật trong phim là điều cuối cùng mà khán giả đại chúng nghĩ đến. Chỉ một số người xem hướng đến nghệ thuật phim ảnh. Vì giá trị đầu tiên và lý do đầu tiên mà phim ảnh được sáng tạo là để giải trí. Người xem đại chúng tìm đến những bộ phim để được giải trí và điều đó có nghĩa là một câu chuyện có thể giúp họ tạm thời quên đi cuộc sống thường nhật, được vui vẻ.
Có lý do mà thể loại khoa học viễn tưởng, fantasy và siêu anh hùng được yêu thích mọi lúc, mọi nơi. Chúng mang tính giải trí và thoát ly cao. Thậm chí, tính siêu thực của một số bộ phim này còn trở thành một phần của văn hóa đại chúng, ví như Star Wars và tất nhiên, các siêu anh hùng như biểu thị cho nhu cầu được tách rời vời với thực tế và làm cuộc sống thường trực thú vị hơn, tồn tại song song với mong muốn được trở thành những nhân vật như vậy.
Giống như những độc giả tìm đến comics như một cách đi tìm những gì khác lạ với cuộc sống bình thường tẻ nhạt, lựa chọn giữa một phim nhắc đến thực tế phũ phàng bạn đang sống và một bộ phim đậm chất giải trí và trưng bày một hình mẫu có thể trở nên vĩ đại hơn bạn hoặc đơn giản là có những chiến thắng khiến bạn thỏa mãn, trừ khi bạn là một fan cứng của nghệ thuật điện ảnh, loại phim thứ hai chắc chắn được chọn. Đây cũng là lý do những bộ phim Marvel luôn có một lượng khán giả trung thành. Họ không nhất thiết phải là fan của Marvel Comics, họ chỉ đến xem vì mong mỏi được giải trí và tạm thời ly khai thực tại và Marvel làm rất tốt điều này.
Tại sao Marvel phải mạo hiểm phá vỡ công thức và chịu rủi ro thử sức với những phong cách mới khi phong cách hiện tại đem lại cho họ quá nhiều thành công. Rõ ràng là Marvel không có ý muốn làm một phim nghệ thuật, thứ họ hướng đến là lợi nhuận và điều đó đồng nghĩa là nắm bắt tâm lý số đông. Những bộ phim Marvel dù tuân thủ lối mòn cũng không thể đánh giá là tệ về nội dung, nó luôn ở mức trung bình chấp nhận được. Nói tóm gọn là chừng nào phần lớn khán giả vẫn yêu thích tính toát ly và giải trí của những bộ phim siêu anh hùng, dòng phim này sẽ không có nhu cầu thay đổi.
Những bộ phim đi trước đã chứng minh lối suy nghĩ của Marvel có cơ sở. Cú ngã ngựa của Watchmen (2009) tại phòng vé phải được gọi tên. Thời điểm bộ phim ra rạp. đối với những ai yêu thích nguyên tác truyện tranh mới quan tâm đến bộ phim nặng nề này. Trailer hiện lên như một lời cảnh báo về việc phim sẽ tha hóa nhân vật của nó như thế nào, chứ đừng nói đến hiệu ứng truyền miệng của khán giả sau khi xem phim. Trong khi Iron Man (2008) thu hút một lượng khán giả đông đảo hơn nhờ câu chuyện đơn giản mang tính giải trí cao và dễ hiểu hơn. Doanh thu của Watchmen chỉ vỏn vẹn $185 triệu so với số tiền bỏ ra làm phim $150 triệu, màn ra mắt của Tony Stark thu về $585 triệu so với ngân sách $140 triệu.
Những bộ phim gần đây của MCU cũng chứng tỏ lượng khán giả đông đảo vẫn sẵn sàng chào đón các câu chuyện đầy lỗ hổng, xây dựng nhân vật như đùa và tính không mục đích của chúng. Ngắn gọn là thể loại phim siêu anh hùng sẽ tiếp tục có những bộ phim mới, những anh hùng được lấy từ truyện tranh, những chuyến phiêu lưu CGI, và dù nó có bạo lực hơn nữa, bóng dáng của công thức cũng sẽ tồn tại. để đáp ứng nhu cầu giải trí của số đông.
Nếu đặt nặng sáng tạo, hãy nhớ rằng, Marvel đã sáng tạo rồi. Đó là cách họ xâu chuỗi các bộ phim của mình thành một vũ trụ lớn hơn. MCU – Vũ trụ Điện ảnh Marvel – khiến những thất bại riêng lẻ trở nên vô nghĩa khi nó chính thức hình thành. Mọi bộ phim có vai trò riêng của nó trong vũ trụ này ngoài việc giải trí số đông, đó là “vì một viễn cảnh lớn hơn”. Như Avengers (2012) hướng về cuộc chiến lớn nhất MCU là cuộc chiến với trùm cuối Thanos, Người Kiến Và Chiến Binh Ong: Thế Giới Lượng Tử hướng đến mục tiêu chung của Phase 5 và 6 – Avengers: The Kang Dynasty và Secret Wars. Từng bộ phim của MCU là một chương truyện của cuốn comics được diễn giải bằng phim ảnh là MCU comics. Chính điểm mấu chốt ấy đã thúc đẩy sự tò mò của chúng ta, đồng thời củng cố một đế chế đang trở nên quá lớn để thất bại.
Thay đổi công thức là mạo hiểm
MCU trên thực tế đã thực hiện khá nhiều thay đổi về những nhân vật của nó. Ví dụ, Iron Man mang tính biểu tượng của MCU rất khác với comics, như trong truyện tranh, người hùng này có tính cách rất nghiêm túc. Đơn giản là một bộ phim siêu anh hùng có thể dựa trên nhiều đầu truyện và chịu ảnh hưởng của kịch bản riêng, nên một phim chuyển thể trọn vẹn các đầu truyện là không thể.
Ngay cả trilogy The Dark Knight cũng tuân thủ công thức này, kết hợp với nhân vật ấn tượng và được xây dựng tốt hơn. Endgame là một phim siêu anh hùng truyền thống và Infinity War không có ý định dịch chuyển gì khỏi khuôn mẫu. Marvel có thể lựa chọn nhân vật nào làm trung tâm, làm mới những ai, ai sẽ kế nhiệm, thay đổi những đầu truyện sao cho phù hợp với kịch bản, nhưng thay đổi công thức là một chuyện khác. Ví dụ điển hình là Batman v Superman (2016).
Năm ra mắt, Batman v Superman quy tụ Trinity gồm Superman, Batman, và Wonder Woman, bộ phim không chỉ là phần phim chính thức mở ra DCEU kể từ Man of Steel, mà còn cạnh tranh với Captain America: Civil War của Marvel. Tiếp tục tầm nhìn mạo hiểm của mình, Zack Snyder đã chống lại công thức, bằng cách “phá vỡ” những gì nguyên bản và tái cấu trúc nó lại từ đầu theo góc nhìn của ông. Nên về phong cách, bộ phim này nổi bật hơn các anh chị em. Nhưng về cách người xem đón nhận phim là một vấn đề khác.
Batman v Superman đến thời điểm vài năm kể từ khi nó ra mắt mới được đánh giá đúng đắn về giá trị mà nó mang lại cho thể loại siêu anh hùng. Hình ảnh của nó và tông giọng mang tính nhất quán hơn Civil War. Phim kết hợp các tư tưởng triết học nói về vị trí của con người, các tư tưởng chính trị đối lập thực tế và một xã hội chia rẽ.
Về nhân vật, lối tiếp cận của Snyder đối với các nhân vật cũng khác xa. Snyder muốn “nhân hóa” nhân vật mà đạo diễn đảm nhận. Superman mới vào “nghề” nhưng phải gáng vác một trách nhiệm nặng nề đầy bỡ ngỡ, sự giằng xé của tay lão thành Batman và sự mâu thuẫn trong nhân sinh quan giữa cả hai. Con người chia phe vì sự xuất hiện của anh. Một bên xem anh là đấng cứu thế, trong khi phe còn lại khiếp sợ những cá nhân thần thánh nằm ngoài luật lệ của họ.
Về bối cảnh, người ta có thể cảm nhận được mức độ nghiêm trọng của thiệt hại người và của khi những cá nhân phi thường đụng độ. Ngay cả góc nhìn về trách nhiệm của các cá nhân này cũng cho thấy Batman v Superman tiếp cận nó nghiêm túc và nhất quán hơn (đó là lý do mà quốc hội trong phim, Batman và Luthor đều nhằm vào Superman). Người xem hiểu được tại sao cần đặt giới hạn lên Người Đàn Ông Thép, nhưng cũng đứng trước tranh cãi là nếu như việc đó ngăn cản anh cứu người. Trong khi điều này đã bị lãng quên vì sự xuất hiện của Zemo và việc đi cứu Bucky trong Civil War.
Cái kết của Batman v Superman chấm dứt sự chia rẽ và đoàn kết hai phe đối đầu nhau vì sự hiện diện của Superman trên Trái Đất. Trong khi đó, Civil War đã bỏ quên vấn đề lớn nhất mà nó phải nói tới là mâu thuẫn về hiệp định Sokovia. Đến cuối, phe phản đối chỉ đơn giản là…bỏ đi, còn hiệp định bị bỏ ngỏ. Phiên bản truyện tranh của Steve Roger đã trở thành kẻ tử vì đạo vì lý tưởng của mình.
Song, thực tế phải thừa nhận là Batman v Superman khó xem hơn đối thủ Civil War rất nhiều. Civil War có kịch bản nhẹ nhàng và thẳng thắn hơn. Nó tuân thủ một công thức mà người xem đã quen mắt khi nói đến phim siêu anh hùng. Vì vậy, nó dễ cảm hơn đối phương. Ngay cả các góc quay Batman v Superman cũng khiến chủ đề tôn giáo Snyder cài cắm vào đó nổi bật, như khi Batman đứng trước một Superman gục ngã với ngọn thương Kryptonite – trong Kinh Thánh, Jesus cũng bị một ngọn thương giết chết. Nội dung đề cao tính hiện thực. Các nhân vật đều phức tạp, lớp lang.
Thời gian đã chứng minh Marvel được lòng đại đa số khán giả hơn. Batman vs Superman đã chật vật khá nhiều ở phòng vé và từ đó, khiến DCEU lung lay, cũng như mất đi sự nhất quán vì WB khi đó không còn thấy tự tin với đường lối gai góc của Snyder nữa. Sự chuyển dịch có thể thấy rõ với Aquaman và Wonder Woman.
Thất bại của DCEU cũng một phần do lối quản trị không giống ai của WB, nhưng lựa chọn một đường lối đặc thù trong thời đại mà khán giả đã có sẵn một khuôn mẫu dành cho phim siêu anh hùng thì rủi ro là rất lớn. Và thật trớ trêu là comics và phim ảnh cũng mang tính thời đại, nhưng khi được đem vào các bộ phim siêu anh hùng thì nguy cơ bị chối bỏ bỗng nhiên tăng cao. DCEU ngã ngựa có lẽ cũng khiến Marvel càng tin tưởng vào sự lựa chọn của họ trong việc tiếp cận các siêu anh hùng họ đang nắm giữ.
Phim siêu anh hùng vẫn có chỗ cho sáng tạo
Nắm bắt nhu cầu của số đông kết hợp với chiến lược làm phim hiệu quả giúp Marvel vươn lên làm kẻ dẫn đầu của thể loại siêu anh hùng, đồng nghĩa với việc MCU của họ sẽ không biến mất vào một ngày không xa, nhưng MCU sẽ không thay đổi công thức của họ vì những lời bình luận chê bai. Đơn giản là chúng không là gì so với doanh thu phòng vé chứng tỏ bộ phim vẫn được đông đảo khán giả đại chúng đón nhận. Trừ khi bộ phận này thay đổi ý kiến của họ về MCU, vũ trụ siêu anh hùng Marvel sẽ tiếp tục mở rộng, ít nhất là đến khi Secret Wars ra mắt. Nhưng dòng phim siêu anh hùng vẫn còn hy vọng.
Màn ảnh nhỏ trở thành cứu tinh cho thể loại phim. Các series về siêu anh hùng được tự do hơn khi lên màn ảnh nhỏ. Với cấu trúc dài tập, series cho phép các siêu anh hùng trở nên gai góc, drama, bồi đắp nhân vật, thậm chí mỉa mai hoặc trào phúng một cách thoải mái mà không cần lo đến giới hạn thời gian như phim chiếu rạp, đồng thời dễ dàng tìm được bộ phận khán giả phù hợp hơn. The Boys chắc chắn là series bạn nghĩ đến đầu tiên.
Tính hiện thực gai góc pha trộn lối kể chuyện trào phúng ẩn ý của The Boys là một điểm sáng khiến câu chuyện về các siêu anh hùng trở nên cuốn hút hơn. Thật là một làn gió mát lành chứng kiến những các nhân quyền năng bộc lộ hết những bản tính tồi tệ trong khi kẻ tồi tệ lại đang cố gắng trở thành anh hùng. Invincible cũng là một loạt hoạt hình cho thấy tính sống chết thực sự của nghiệp siêu anh hùng. Hoặc Daredevil đưa người xem trở lại với cuộc chiến chống tội phạm truyền thống nhưng nhân vật được bồi đắp đàng hoàng nhờ vào tính dài tập của series. WandaVision đứng riêng lẻ là một góc nhìn về hội chứng tâm lý hậu chấn thương của siêu anh hùng. Peacemaker, chủ nghĩa anh hùng kiểu Mỹ không có bộ lọc đạo đức. The Umbrella Academy khám phá cuộc sống của những đứa trẻ siêu anh hùng, thường không có kết cục tốt đẹp.
Còn phim chiếu rạp thì sao? Bội thực siêu anh hùng là một chứng chán phim có thật và đang diễn ra hằng ngày. Trong thời điểm ấy, chẳng có gì bằng những bộ phim siêu anh hùng sáng tạo. Thực tế là sáng tạo trong thể loại này đã diễn ra và được tiếp nhận nhiệt tình từ khán giả. Chúng ta phải quay lại những câu chuyện của Hiệp Sĩ Bóng Đêm để thấy điều đó.
Trong một câu chuyện đã được kể đi kể lại hàng ngàn lần, làm thế nào để lần kề này trở nên đáng nhớ? Nhân vật, nhân vật là tài sản quý báu của một bộ phim chỉ sau kịch bản. Có thể kịch bản không thể trở nên độc đáo, nhưng bồi đắp nhân vật là điểm sáng có thể cứu rỗi cả bộ phim. The Dark Knight Trilogy làm điều đó không thể tốt hơn, sau đó, The Batman (2022) thực hiện một màn bổ sung đúng điệu cho nhân vật Người Dơi lâu năm bằng cách nhấn mạnh khía cạnh thám tử của anh. Joker (2019) đánh dấu sự sinh ra của một ác nhân trở nên đáng nhớ với tính đào sâu tâm lý được thực hiện khéo léo. Đây là những thay đổi mang sức nặng nhưng nhẹ nhàng và dễ chấp nhận hơn lối tiếp cận của Snyder.
Bên ngoài phạm vi DC và Marvel, Hellboy của đạo diễn Guillermo del Toro là cái tên không thể không nằm trong danh sách những bộ phim siêu anh hùng hay nhất bạn từng xem. Chuyến phiêu lưu của Hellboy đã chiến thắng khi nó thuyết phục được chúng ta yêu mến anh hùng lẫn phản diện trong đây.
Thiếu vắng màn xây dựng nhân vật cũng là điểm yếu khiến Người Kiến Và Chiến Binh Ong: Thế Giới Lượng Tử và bất cứ những bộ phim Phase 4 trở thành những bộ phim đi xem chỉ để chờ credit, thay vì những bộ phim thực sự đáng nhớ. Nhưng như người viết đã nói, đó là ý kiến của một bộ phận thiểu số. Nhưng điều đáng nói là có vẻ như bộ phận thiểu số này đang ngày một đông đảo hơn mỗi lần một phim MCU mới ra mắt, nên chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một ngày MCU cũng chịu tiếp thu lời chỉ trích dù ngày đó sẽ còn rất xa.
Song, chính trong thời buổi những bộ phim siêu an hùng như Watchmen, Batman v Superman, Man of Steel, Hell Boy (2004, 2008)...trở nên đáng trân trọng hơn bao giờ hết.
[Phân tích] Vũ trụ điện ảnh Marvel – Quá lớn để thất bại
Fanbase – Chiếc nền quá chắc để MCU không còn biết đến hai từ thất bại?
Vì sao Ant-Man And The Wasp: Quantumania không được lòng giới phê bình?
Ant-Man and The Wasp: Quantumania (Người Kiến Và Chiến Binh Ong: Thế Giới Lượng Tử) là bộ phim thứ 2 của MCU nhận số điểm thấp trên Rotten Tomatoes, chỉ xếp ngay sau Eternals với 58% cà chua thối.