Phong cách hình ảnh trong các bộ phim của Wes Anderson
Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · KNTT ·
Trước khi đến với The French Dispatch, hãy cùng tìm hiểu về phong cách hình ảnh đặc trưng được thể hiện trong phim của Wes Anderson.
Wes Anderson, một vị đạo diễn lạ thường đến nỗi mà cái tên của ông có thể được đặt tên cho một thể loại hay một phong cách riêng. Lớn lên ở Houston, Texas trong một gia đình với 3 anh em và ba mẹ ly hôn khi mới tám tuổi, các bộ phim của Wes đều được thể hiện dưới góc nhìn của ông khi còn là một đứa trẻ, qua những nhân vật với vấn đề về gia đình, những đứa trẻ hành xử như người lớn hay ngược lại, những người đàn ông hành xử như một đứa trẻ. Thế nhưng, bản thân Wes không chỉ được thể hiện qua những câu chuyện, nhân vật mà còn được thể hiện qua phong cách hình ảnh vô cùng đặc trưng mà đều có thể tìm thấy trong mỗi bộ phim, một phong cách luôn khiến người xem cảm thấy thích thú với những thế giới mà ông tạo nên, cũng như gợi cho họ cảm giác hoài niệm về quá khứ.
Hãy cùng tìm hiểu về những yếu tố tạo nên phong cách hình ảnh rất đặc trưng của vị đạo diễn này nhé.
1. Bố cục đối xứng
Wes Anderson đã từng nói rằng, nếu như ông không theo nghiệp đạo diễn thì có thể ông sẽ trở thành một kiến trúc sư. Và tuy Wes không thể giúp tạo nên những công trình kiến trúc ở ngoài đời, ông đã áp dụng khiếu thẩm mĩ của mình vào việc kiến tạo nên những khung hình mà luôn khiến người xem thán phục vì sự đối xứng hoàn hảo. Mỗi một khung hình có cảm giác như được lấy ra từ một quyển sách có tranh minh họa, được ghép lại với nhau để tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Mỗi một khung hình cho thấy một quá trình chuẩn bị rất tỉ mỉ, từ giai đoạn lên ý tưởng, vẽ storyboard, cho đến việc sắp đặt bối cảnh, các đồ vật, diễn viên cũng như máy quay sao cho mọi thứ đều hài hòa nhất có thể. Cái cách mà Wes sắp đặt bố cục không chỉ mang lại sự thỏa mãn về mặt thị giác mà còn khiến cho cảnh quay phần nào đó trở nên hài hước hơn rất nhiều.
2. Những kĩ thuật quay phim quen thuộc
Nếu có một điều gì đó không thay đổi trong tất cả các bộ phim của Wes Anderson (ngoại trừ hai tác phẩm hoạt hình stop-motion là Fantastic Mr. Fox và Isle of Dogs) thì đó chính là nhà quay phim Robert D. Yeoman. Robert đã giúp tạo nên mặt hình ảnh cho tất cả các bộ phim người đóng (live action) của Anderson, từ bộ phim dài đầu tiên của ông là Bottle Rocket, cho đến những Rushmore, The Royal Tenenbaums, The Life Aquatic, The Darjeeling Limited, Moonrise Kingdom và tác phẩm nhận được nhiều đề cử Oscar nhất của Wes Anderson là The Grand Budapest Hotel, cũng như bộ phim mới nhất là The French Dispatch.
Trong mỗi bộ phim đó, người xem đều có thể nhận thấy một số kĩ thuật quay phim quen thuộc: những cú lia máy bất chợt từ trái sang phải hay từ phải sang trái (whip pan) để nhanh chóng chuyển đổi giữa hai cảnh khác nhau, những cú phóng to/nhỏ (zoom), những cú máy chuyển động phối hợp (tracking shot), những góc máy trên cao (birds-eye-view shot/overhead shot),... Những kĩ thuật quay phim này tuy đều lặp đi lặp lại nhưng không thể phủ nhận rằng nó đã giúp tạo nên thứ ngôn ngữ điện ảnh rất mang tính cá nhân của Wes Anderson.
3. Bảng màu của Wes Anderson
Màu sắc trong các bộ phim của Wes Anderson rất đa dạng, được phối một cách hài hòa với nhau và được vị đạo diễn này sử dụng một cách có chủ đích. Wes Anderson sử dụng màu sắc để xây dựng bối cảnh, kết nối người xem với những gì đang xảy ra ở địa điểm đó, thời gian đó và những cảm xúc mà các nhân vật đang phải trải qua. Ví dụ như trong The Grand Budapest Hotel, Wes đã sử dụng những bảng màu khác nhau để tạo sự phân biệt giữa những khoảng thời gian trong bộ phim. Đối với những phân đoạn diễn ra vào những năm 1960, Wes sử dụng màu xanh ô-liu và cam (cá nhân Wes nghĩ rằng hai màu này đại diện cho chủ nghĩa cộng sản), màu nâu lặng (nâu kết hợp với xám) vào những năm 1980, còn với phần còn lại của bộ phim diễn ra vào những năm 1930, Wes đã sử dụng tông màu chủ đạo (hồng, trắng, xanh, tím) của một chiếc bánh kem dành cho lễ cưới. Bên cạnh đó, Wes cũng sử dụng tông màu đen và trắng để thể hiện một trong những giây phút đen tối nhất cuộc đời của nhân vật Zero trong bộ phim.
4. Xây dựng trang phục cho các nhân vật
Bên cạnh việc được truyền cảm hứng bởi các đạo diễn như Roman Polanski hay Alfred Hitchcock, Wes Anderson còn chịu sự ảnh hưởng bởi các đạo diễn từ Làn Sóng Mới của Pháp như François Truffaut và Jean-Luc Godard. Một trong những yếu tố mà Wes Anderson học hỏi được từ Godard đó là xây dựng đồng phục cho các nhân vật. Ý nghĩa của việc này đó là sẽ cho khán giả biết tính cách của một nhân vật như thế nào qua những bộ đồ mà họ khoác lên mình.
Thay vì chỉ đưa ra những gợi ý về đặc điểm của một nhân vật qua vẻ bề ngoài, Anderson đã thẳng thắn thể hiện nhân vật của phim qua những bộ đồ mà ông diện cho họ. Nếu như Wes muốn ta nghĩ rằng nhân vật của Willem Dafoe trong The Grand Budapest Hotel là một tên ghê rợn và đáng sợ, ông sẽ cho Willem mặc một chiếc áo khoác da màu đen và đeo một cái nắm đấm gấu trên tay. Nếu như Wes muốn ta nghĩ rằng nhân vật của Willem Dafoe trong The Life Aquatic là một người cộng sự ngốc nghếch, ông sẽ cho Willem mặc những chiếc quần ngắn và đội một cái mũ beanie ngốc nghếch với một quả bông trên đỉnh.
5. Sử dụng một số phông chữ nhất định
Wes Anderson rất thích sử dụng phông chữ Futura trong các tác phẩm của ông, cũng như Helvetica, Tilda, Didot hay Archer, những phông chữ được cho là phù hợp với phong cách đạo diễn của Wes: đơn giản, mạnh mẽ và thẳng thắn. Chúng ta thường thấy những phông chữ này xuất hiện trên các poster phim và các sản phẩm quảng bá khác, thế nhưng chính bản thân chúng cũng xuất hiện trong các bộ phim của Wes. Có phải chỉ vì bản thân Wes rất thích những phông chữ này nên ông mới sử dụng chúng?
Thật ra thì đó chỉ là một phần lý do. Nếu bạn để ý kĩ thì Wes sử dụng rất nhiều chữ trong các bộ phim, từ những đoạn tiêu đề, những bảng hiệu cho đến những lá thư. Wes muốn bạn đọc cho dù là những mẫu thông tin nhỏ nhất bởi vì khi đó bạn sẽ hình thành một mối liên kết với những thông tin đó, bởi vì trong từng mẫu thông tin nhỏ đó đều chứa đựng những chi tiết về câu chuyện và thế giới của bộ phim. Thế nên còn cách nào khác để bạn có thể dễ dàng nhìn thấy và đọc những dòng chữ đó ngoài việc sử dụng những phông chữ đơn giản, rõ ràng và mạnh mẽ.
Tuy nhiều người cho rằng các bộ phim của Wes Anderson đều có tính khuôn mẫu, thế nhưng bạn khó có thể tìm được nhiều đạo diễn ở Hollywood có phong cách làm phim đặc trưng như ông cả. Vậy nên hãy cũng chờ đợi bộ phim tiếp theo của Wes, The French Dispatch, để được gặp lại những khung hình với bối cục đối xứng, những cú lia máy và phóng to/nhỏ khiến bạn bật cười, những tông màu đẹp đẽ, những trang phục lạ thường và dĩ nhiên, phông chữ Futura quen thuộc.
Nguồn: Tham khảo/Tổng hợp từ Studio Binder,...