[REVIEW] Dark Phoenix (X-Men: Phượng Hoàng Bóng Tối)

Phim Siêu Anh Hùng · Đánh giá phim · Maii ·

X-Men: Dark Phoenix - Kết thúc đáng thất vọng cho Vũ trụ dị nhân của Fox.

Dark Phoenix (X-Men: Phượng Hoàng Bóng Tối) đáng tiếc là kết thúc đáng thất vọng cho Vũ trụ dị nhân đã từng làm biết bao nhiêu người say mê.

Hóa trang "xấu đau xấu đớn" của nhân vật Mystique. (Ảnh: IMDb)
Hóa trang "xấu đau xấu đớn" của nhân vật Mystique. (Ảnh: IMDb)

Dark Phoenix, như tên gọi của nó, xoay quanh nguồn gốc và sức mạnh của Jean Grey – một trong những nhân vật dị nhân được các nhà làm phim yêu thích. Jean Grey trong một cuộc giải cứu ngoài vũ trụ, vô tình tiếp nhận năng lượng cực lớn từ một cơn bão mặt trời. Bỗng nhiên nắm giữ sức mạnh khủng khiếp, nhưng mặt tối của Jean cũng theo đó thức tỉnh theo. Nhóm X-Men liệu sẽ phải làm gì để ngăn chặn sự diệt vong của nhân loại cho Jean Grey và Phoenix Force gây ra?

Điều đáng thất vọng nhất mà biên kịch kiêm đạo diễn Simon Kinberg đã “háo hức” mang đến cho người xem chính là phần nội dung của Dark Phoenix. Tiếp tục làm phim tập trung vào nhân vật Jean Grey và sức mạnh hủy diệt của cô, Simon Kinberg mong muốn làm một phần dựa trên The Dark Phoenix Saga (2000 - 2006) do X-Men: The Last Stand mà anh tham gia đồng biên kịch không được đánh giá cao. Nhưng đáng tiếc, nỗ lực “cố đấm ăn xôi” của Simon Kinberg làm Dark Phoenix trở nên tệ hại hơn The Last Stand ở nhiều mặt, và người xem chỉ có thể mong phim sớm kết thúc, nhanh chóng reboot và hi vọng studio đừng để Simon Kinberg động vào bất cứ phần phim X-Men hoặc siêu anh hùng nào nữa.

Một đám dị nhân không có chính kiến. (Ảnh: IMDb)
Một đám dị nhân không có chính kiến. (Ảnh: IMDb)

Tình tiết của Dark Phoenix đáng lẽ đã có thể khá hơn nếu thế lực ngoài hành tinh trong phim có lý do gì đó chính đáng để tiêu diệt Trái Đất, làm người xem chợt nghĩ không biết loài người đã gây ra tội lỗi gì với chúng. Sự xuất hiện của phản diện thứ 2 này, dần dần trở thành phản diện chung của các dị nhân không nhằm mục đích nào khác ngoài việc cố gắng tạo ra khác biệt giữa The Last StandDark Phoenix, nhưng đáng tiếc đã không làm tròn “bổn phận” mà nó đáng lẽ phải thực hiện được, đó là tạo nên một cao trào hấp dẫn và kết nối tình tiết sao cho logic.

Dark Phoenix có khoảng 2/3 câu chuyện tập trung vào Jean Grey, đến 1/3 cuối của phim bỗng dưng “cua gắt” sang chuyện dị nhân đối đầu với người ngoài Trái Đất có phần khiên cưỡng. Nếu ở Bộ Tứ Siêu Đẳng 2015 (cũng do Simon Kinberg viết kịch bản), người ta có thể đổ lỗi cho nhiều “thế lực” khác tạo nên thảm họa này, thì với Dark Phoenix khi Kinberg kiêm luôn vai trò biên kịch và đạo diễn, anh liệu còn lý do nào để biện minh cho “tác phẩm” khiến người xem chỉ muốn lăn ra ngủ mà anh tạo ra?

Làm ơn đừng để Simon Kinberg làm một phim X-Men hay dị nhân nào nữa! (Ảnh: IMDb)
Làm ơn đừng để Simon Kinberg làm một phim X-Men hay dị nhân nào nữa! (Ảnh: IMDb)

Tuy công bằng mà nói, Dark Phoenix vẫn có những điểm sáng ở các cảnh hành động, dị nhân phô diễn sức mạnh và kỹ xảo khá đẹp khi thể hiện được màu sắc rực rỡ của Phoenix Force. Thế nhưng, thêm một lần phải nói rằng đáng tiếc khi các cảnh này không nhiều vì phải nhường chỗ cho các màn “tỉ tê tâm sự” các dị nhân, đặc biệt là của Giáo sư X và Jean Grey. Phim cố tạo nên những giây phút cảm động như chỉ khiến người xem ngáp ngắn ngắp dài. Nội dung yếu kém và sự nhàm chán trong các câu thoại hời hợt, sáo mòn về gia đình, về sức mạnh được nhìn nhận như lời nguyền hay món quà của tạo hóa đã dập tắt khả năng cứu vãn bộ phim của các cảnh hành động. 

Tuy phim cũng có một vài khoảnh khắc khá ổn, nhưng đã bị nội dung yếu kém của phim "nhấn chìm". (Ảnh: IMDb)
Tuy phim cũng có một vài khoảnh khắc khá ổn, nhưng đã bị nội dung yếu kém của phim "nhấn chìm". (Ảnh: IMDb)

Sự xuất hiện của các gương mặt rất được yêu thích như Michael Fassbender, James McAvoy, Jennifer Lawrence… cũng không còn làm người xem hào hứng bởi nhân vật của họ đã bị phá nát, nếu không vì hóa trang và trang phục xấu đến thảm họa, thì cũng vì cách xây dựng tính cách không thống nhất gì với các phim X-Men trước đó, đặc biệt là nhân vật Magneto. Cá tính nhân vật tốt xấu lộn xộn và chẳng có chính kiến gì, chỉ cần Giáo sư X mở miệng nói vài câu “deep” là đã đi ngược lại với mục tiêu ban đầu mà họ muốn thực hiện. Jean Grey trông giống như một đứa trẻ 8 tuổi hư hỏng, ưa phá hoại nhưng cái gì cũng muốn, cuối cùng (lại) vì tình cảm gia đình mà hi sinh. Đoạn “cân team” của cô trông như Thanos “nhập” như trong Infinity War hoặc Endgame, chỉ khác là cô chẳng cần găng tay vô cực và một mớ đá vụn đủ màu mà chỉ cần dùng ý nghĩ điều khiển là được. Ấn tượng về Jean Grey trong 3 phần phim X-Men từ 2000 – 2006 xem như đã bị đạp đổ hoàn toàn với Dark Phoenix.

Thanos "nhập" Jean Grey? (Ảnh: IMDb)
Thanos "nhập" Jean Grey? (Ảnh: IMDb)

Nếu không mất thời gian bận rộn nói về những điểm trừ thực sự đáng xấu hổ của bộ phim thì chắc phim cũng có một vài khoảnh khắc tích cực khác. Nhưng đáng tiếc, với số lượng những điểm tiêu cực chiếm phần lớn thời lượng và quá sức tưởng tượng, điểm sáng của phim (nếu có) chắc cũng đã chìm vào trong đống đổ nát mà Dark Phoenix và Simon Kinberg tạo ra.