[REVIEW] Hai Phượng (Furie)
Hai Phượng (Furie) chính là điểm sáng của điện ảnh Việt trong năm nay và là tác phẩm mang đến cho khán giả niềm tin vào nền điện ảnh nước nhà.
Kéo xuống để xem tiếp
Sau một mùa phim Tết đầy biến động thì Hai Phượng (Furie) chính là điểm sáng của điện ảnh Việt trong năm nay và là tác phẩm mang đến cho khán giả niềm tin vào nền điện ảnh nước nhà.
Hai Phượng là một bộ phim có đề tài không mới. Ngay từ khi công bố dự án khán giả đã so sánh này với series Taken của Liam Neeson. Nhưng Hai Phượng có nhiều yếu tố để tạo nên dấu ấn riêng, và không ngoa khi nói rằng đây là bộ phim Việt đạt chuẩn Hollywood cho đến thời điểm hiện tại.
Cốt truyện đơn tuyến nhưng vừa đủ độ hấp dẫn
Không cần có một kịch bản phức tạp với nhiều subplot (cốt truyện phụ) để “hack” não khán giả, Hai Phượng với kịch bản đơn tuyến vẫn khiến người xem không thể rời mắt trong suốt thời lượng 100 phút. Phim chỉ đơn giản là hành trình người mẹ đi cứu đứa con gái bị bắt cóc, qua đó triệt phá được đường dây buôn bán trẻ em xuyên quốc gia. Câu chuyện tuy đơn giản và đề tài khá cũ nhưng lại dễ theo dõi. Các nhân vật khác cũng được xây dựng vừa đủ, đóng vai trò nhất định trong cốt truyện và không có ai là dư thừa. Hành trình cứu con của Hai Phượng diễn ra liên tục trong 14 giờ đồng hồ, nhưng không tạo cảm giác lê thê hay cụt lủn và nhịp phim giữ được phong độ khá tốt.
Hành động, đánh đấm cực kì mãn nhãn
Không chỉ dừng lại ở mức mãn nhãn, những cảnh hành động, đánh đấm trong Hai Phượng còn khiến người xem cảm thấy cảm phục. Các pha đánh đấm đều được thực hiện rất cụ thể và bài bản, từng động tác, từng vị trí đánh đều rất chuyên nghiệp. Đặc biệt là màn kết liễu nhân vật phản diện của Hai Phượng khiến ai cũng phải vỗ tay và trầm trồ khen ngợi. Đã lâu lắm rồi, từ thời Bẫy Rồng, Lửa Phật, Dòng Máu Anh Hùng, khán giả mới được thưởng thức thêm một phim Việt có những màn hành động, đánh đấm khiến khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Để làm ra được những màn cận chiến đã mắt và chuyên nghiệp này dĩ nhiên là nhờ vào sự hỗ trợ của ekip chỉ đạo võ thuật đến từ Hollywood, và đặc biệt là chính bản thân diễn viên Ngô Thanh Vân. Nếu như những vai diễn trước đây của chị trong cách phim Bẫy Rồng, Lửa Phật và Dòng Máu Anh Hùng giúp chị gầy dựng tên tuổi, được công chúng biết đến với vai trò đả nữ, thì vai Hai Phượng càng củng cố thêm danh hiệu này và xứng đáng là vai diễn để đời của chị. Có lẽ cũng không có gì sai khi nói Ngô Thanh Vân là đả nữ hàng đầu Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Màu phim cực đẹp
Đã là phim hành động thì dĩ nhiên mảng hành động, đánh đấm được chăm chút nhiều nhất. Thế nhưng ở Hai Phượng còn có một điểm đáng khen khác, đó chính là màu sắc. Hai màu chủ đạo trong phim là tím và xanh, tạo cảm giác vừa u buồn vừa bí ẩn và nguy hiểm. Mà đẹp nhất chính là những lúc Hai Phượng lang thang, luồn lách trong những con hẻm ở Sài Gòn để tìm manh mối cứu con mình. Ánh sáng, màu sắc, góc quay lúc này mang dáng dấp của văn hoá cyberpunk – thứ văn hoá đặc trưng với hình ảnh những đô thị ảm đạm, tăm tối, những góc phố, con đường, con hẻm sáng rực ánh đèn neon xanh tím, và hình ảnh của những con người chen chúc, bước đi trong hối hả.
Những chi tiết đậm chất Việt Nam
Việc bộ phim đi theo đề tài bắt cóc và bị đem ra so sánh với series Taken của Liam Neeson là điều không thể tránh khỏi. Nhưng có chăng là do ý tưởng giống nhau, còn bối cảnh, cách giải quyết các tình huống và những màn đánh đấm đều hoàn toàn khác. Và không phải chỉ có Hai Phượng đi theo đề tài bắt cóc, mẹ cứu con này mà vốn dĩ trước đó đã có khá nhiều phim như Kidnap (2017) hay All the Money in the World (2018).
Giống nhau về đề tài, nhưng Hai Phượng lại chứa đựng những chi tiết rất riêng, khiến nó trở thành một bộ phim “nhỏ nhưng có võ”, đạt đến chuẩn quốc tế nhưng vẫn mang dấu ấn của Việt Nam trong đó. Từ chiếc áo bà ba, bối cảnh miền Tây sông nước, những con hẻm tăm tối ở Sài Gòn, cho đến cách chọn đạo cụ để chiến đấu.
Xem phim hành động, chúng ta đã quá quen thuộc với những màn đọ súng, đua xe, cháy nổ. Đến với Hai Phượng, khán giả sẽ được chứng kiến những nhân vật đánh nhau bằng những đạo cụ rất đời thường như dao, rìu, rựa, hay thậm chí là bất cứ thứ gì trong tầm với của họ như dây lục bình dưới sông, trái sầu riêng ở chợ, cờ lê, tua vít, bình bông và thậm chí là cây nhang ở tiệm sửa xe…
Cách chọn đạo cụ rất bình dân này không chỉ làm tăng thêm tính địa phương cho bộ phim, mà còn khiến cho các pha cận chiến này trở nên kịch tính và “thốn” hơn rất nhiều. Điều này còn cho thấy được sự tinh tế và thông minh của ekip làm phim, khi biết tận dụng những thứ sẵn có để tạo nên những thước phim khiến ai cũng phải trầm trồ.
Vẫn còn những hạt sạn nhỏ
Điều đáng tiếc là lời thoại ở một vài cảnh vẫn còn chưa được tự nhiên. Những câu nói của bé Mai và Hai Phượng về nỗi sợ hãi còn mang đậm tính triết lý và khá "dừ" đối với một đứa trẻ. Bên cạnh đó, thể trạng của Hai Phượng cũng được "buff" hơi quá đà, bởi dù sao nhân vật này cũng chỉ là một người phụ nữ, nhưng lại phải đánh liên tiếp từ sáng đến tối, thậm chí không ăn không uống, và hạ gục được khá nhiều đối thủ nặng đô. Nhưng may mắn là những hạt sạn này hoàn toàn có thể bỏ qua được và không làm giảm độ hấp dẫn của bộ phim.
Là bộ phim hành động cuối cùng của Ngô Thanh Vân trong vai trò đả nữ, Hai Phượng quả thật là một cột mốc đẹp và đáng nhớ trong sự nghiệp của Ngô Thanh Vân nói riêng, và điện ảnh nước nhà nói chung. Hy vọng rằng trong tương lai chúng ta sẽ được thưởng thức thêm nhiều bộ phim "xịn" như thế này.
Chúc mừng ekip và cảm ơn Ngô Thanh Vân vì đã đưa điện ảnh Việt ra thế giới!