[REVIEW] Mortal Engines (Cỗ Máy Tử Thần) - Bom tấn hoành tráng đậm phong cách Peter Jackson
Đánh giá phim · tinlethanhnhan ·
Mortal Engines là bộ phim hoành tráng phù hợp với khán giả đại chúng.
Chủ đề về hậu tận thế không xa lạ trong nền văn hóa đại chúng phương Tây và có rất nhiều bộ phim lấy cảm hứng từ chủ đề này. Một số phim dựa trên các hiện tượng thảm họa tự nhiên như sóng thần, động đất do sự dịch chuyển các mảng kiến tạo địa chất, thiên thạch. Phần còn lại của các bộ phim hậu tận thế dựa trên các thảm họa do lòng tham và sự kiêu ngạo của con người như chiến tranh hạt nhân, dịch bệch từ các nghiên cứu nguy hiểm…
Đây vừa là sự cảnh báo vừa là viễn tưởng tột cùng của nhân tính và thú tính, những đấu tranh không ngừng nghỉ của thiện và ác trong mỗi con người và của cả nhân loại. Cỗ Máy Tử Thần (Mortal Engines) vẽ lên viễn cảnh đen tối về thế giới tương lai thêm vào chút bi tráng từ một cuộc rượt đuổi nghẹt thở, âm mưu thôn tính thế giới, hận thù và tình yêu.
Cốt truyện phim dựa vào bộ tiểu thuyết Mortal Engines của nhà văn Philip Reeve, được xuất bản vào năm 2001 lấy bối cảnh thế giới hậu tận thế vào khoảng thế kỷ 32-33. Sau các cuộc chiến tranh hạt nhân vào thế kỷ 21 đã tàn phá mọi thứ và đầu độc hành tinh bởi bụi phóng xạ, mọi thành tựu công nghệ và thiết chế xã hội bị phá hủy, nhân loại bắt đầu lại từ đống tro tàn. Các thành phố ở phía Tây được xây dựng trên cỗ máy "săn mồi" khổng lồ cạnh tranh sinh tồn theo thuyết "Darwin đô thị" kiểu cá lớn nuốt cá bé. Cộng đồng phía Đông núp mình sau bức tường khổng lồ để kháng cự lại và xây dựng các thành phố "tĩnh" chống lại các thành phố di chuyển. Con người có vẻ quên đi các bài học lịch sử tàn khốc và một kẻ đã tìm kiếm các công nghệ vũ khí lượng tử hạt nhân để phát động chiến tranh nhằm thống trị thế giới.
Kịch bản phim khá thú vị vì được chuyển thể từ tiểu thuyết gốc hay. Câu chuyện về những thành phố có thể di chuyển và cuộc cạnh tranh sinh tồn giữa các cỗ máy thị trấn nhỏ và cỗ máy khổng lồ mang tên London tạo nên cơn sốt không nhỏ khi xuất bản vào đầu thiên niên kỷ 21. Mạch phim ban đầu khá nhanh, nếu không chú ý thì khó mà theo kịp, bối cảnh thế giới hậu tận thế chưa được làm rõ, nên việc vì sao xuất hiện các cỗ xe thành phố có thể làm thắc mắc khá nhiều khán giả. Bộ phim như một sự ẩn dụ của thuyết âm dương, bên phía Tây như cực dương, náo động đầy khốc liệt còn bên phía Đông lục địa, các bộ tộc còn sót lại muốn sống yên ổn và có một nơi lưu giữ, bảo tồn phần còn lại của địa cầu. Định mệnh buộc 2 bên phải đụng độ và rồi bức tường sụp độ, sự giao hòa trở lại như điềm báo cho sự phục hưng của xã hội loài người sau bao năm tháng điêu tàn, chia rẽ. Bên cạnh cuộc chiến lớn còn có những cuộc chiến của những con người đau khổ vì sự dày vò của hận thù, vì tình yêu và sự tự do.
Điều đáng khen là diễn xuất ăn ý và rất có lửa giữa hai diễn viên chính. Hera Hilmar khắc họa rất tốt nhân vật Hester Shaw đầy tổn thương, dằn xé bởi hận thù nhưng cũng đầy khát khao được yêu thương. Tom Natsworthy (Robert Sheehan) hơi gàn, lắm mồm, có chút ngây thơ và thích lý tưởng hóa mọi thứ mặc dù vậy khi cần thì anh cũng rất dũng cảm và quyết đoán. Lúc ban đầu có thể hơi trái tính trái nết nhưng càng ngày họ thuyết phục người xem về tình cảnh giữa họ, đây là một trong số khá hiếm các đôi được xây dựng tốt làm khán giả tin tưởng vào tình yêu chớm nở trong một thời gian khá ngắn bên nhau.
Nhân vật ấn tượng tiếp theo là Shrike, từng là một con người nhưng đã thay thế phần lớn bộ phận trên người bằng máy móc, đây là hình ảnh tượng trưng cho những con người đau khổ vì mất mát muốn xóa sạch đi những ký ức và cảm xúc. Cuộc đời cùng cái chết của Shrike thật sự là phần đáng nhớ bậc nhất trong suốt phim.
Đáng tiếc phản diện Thaddeus Valentine (Hugo Weaving) lại quá nhàm chán. Suốt phim ta chỉ thấy những màn trợn mắt, hay bộc lộ sự tàn ác lộ liễu khác hẳn với mô tả trong tiểu thuyết về nhân vật thông minh, quyến rũ, mưu mô xảo quyệt. Nhân vật khá ngầu Anna Fang (Jihae) có được cảnh chiến đấu lúc xuất hiện vô cùng ấn tượng nhưng càng về sau lại hụt hơi do Jihae chỉ là tay ngang xuất thân từ giới người mẫu không có nhiều kinh nghiệm diễn xuất. Hai nhân vật Katherine Valentine (Leila George) và chàng trai Herbert Melliphant (Andrew Lees) khá nhạt nhòa, dù tình tiết cả hai đột nhập cùng phát hiện âm mưu của Thaddeus khá quan trọng, nhưng biến chuyển tâm lý cũng như các tình tiết dẫn đến việc khám phá lại không mượt. Nhóm chiến binh không quân chống lại tòa thành London quá dễ dàng và màn đột nhập dừng cỗ máy chiến tranh hơi “tiện lợi” làm cho trận chiến cuối vơi đi khá nhiều nhiều kịch tính.
Kỹ xảo trong phim làm khá tốt, những cuộc rượt đuổi, trốn chạy cỗ máy khổng lồ rất ấn tượng tuy nhiên đi vào tiểu tiết lại khá sơ xài nên chưa thỏa mãn lắm. Âm nhạc được đầu tư ổn, trong một số phân cảnh kết hợp bối cảnh hoành tráng rất tốt đủ khiến người xem choáng ngợp. Đội ngũ các nhà làm phim được dẫn đầu bởi đạo diễn Christian Rivers và đồng biên kịch kiêm nhà sản xuất Peter Jackson rất biết cách tạo dựng các cuộc truy đuổi, tìm kiếm hoành tráng, cũng như xây dựng các cỗ máy khổng lồ, những kẻ man rợ, nhà độc tài tham vọng và những chiến binh phản kháng. Từng thước phim nghẹt thở phô diễn mọi kỹ xảo ấn tượng. Phim có khá nhiều nhân vật thú vị, tiếc là chưa được khai thác sâu. Bộ phim khá "đen tối", chen vài khoảnh khắc hài hước lẫn cảm động, đôi khi hơi quá đà nên có chút dài dòng.
Cỗ Máy Tử Thần có nhiều tiềm năng phát triển, bộ phim có nhiều tình tiết hấp dẫn tương tự The Hobbit, Mad Max, Howl's Moving Castle, Divergen và The Terminator... Đây vừa là điểm hay mà cũng là thách thức không nhỏ: có quá nhiều yếu tố có thể phát triển nhưng quá ít thời lượng để diễn đạt hết. Cảm giác khi bước ra khỏi rạp có hơi ức chế do phim ổn những đáng lẽ đã có thể làm tốt hơn. Chất lượng khá ổn để thưởng thức, sự đầu tư mạnh tay của Universal cũng không uổng phí lắm. Tưởng tượng được ngồi trên một tòa thành di động đi ngao du thế giới còn gì tuyệt vời hơn!