[REVIEW] Ở Đây Có Nắng – Thử thách tình cha con được thể hiện quá nhạt nhòa

Đánh giá phim · Genis ·

Là một phim với đề tài xoay quanh tình cảm cha con, vốn rất ít vì trước đây chúng ta thường thấy nói về tình mẫu tử nhiều hơn, nên đây là chủ đề tương đối mới và là cơ hội rất tốt để nhà làm phim khai thác. Thế nhưng ...

Phim điện ảnh Việt mang nội dung đề cao tình cảm gia đình vốn không mới, nặng hơn một chút thì gọi là đang bị bão hòa, nên để làm một bộ phim đi theo hướng như thế mà được khán giả đón nhận nồng nhiệt quả thật rất khó nếu như không có một kịch bản đột phá, gây ấn tượng thật mạnh với người xem. Đó là những gì mà Ở Đây Có Nắng còn thiếu. Là một phim với đề tài xoay quanh tình cảm cha con, vốn rất ít vì trước đây chúng ta thường thấy nói về tình mẫu tử nhiều hơn, nên đây là chủ đề tương đối mới và là cơ hội rất tốt để nhà làm phim khai thác. Thế nhưng thật tiếc khi phải nói rằng, họ đã vụt mất cơ hội làm ra một bộ phim hay.

Phim mở đầu với một anh chàng MC rất nổi tiếng tên Tùng Nhân (Quý Bình), phủ sóng ở rất nhiều các show truyền hình (giống hình tượng MC Trấn Thành), chung sống với cô bạn gái đỏng đảnh Phương Thùy (Quỳnh Chi). Một ngày đẹp trời, Tùng Nhân bất chợt "bị" người bạn gái cũ nay đã ở tù do tội biển thủ gửi gắm một đứa con trai. Cuộc sống đang yên lành bỗng chốc hóa thành một mớ bòng bong khi Tùng Nhân vừa phải tìm cách thừa nhận đứa con trai từ trên trời rơi xuống, chăm sóc một đứa trẻ, điều mà trước đây anh chưa từng làm; mặt khác, anh còn phải bảo vệ danh tiếng của bản thân tránh chuyện này bị bại lộ trong giới showbiz.

Thật lòng mà nói đây là một trong những phim nhiều sạn nhất mà tôi từng xem, tính cả trong và ngoài nước. Cảm giác như tôi đang xem một phim truyền hình chứ không phải phim điện ảnh. Nhịp phim thì phân bố cực kỳ không đồng đều, lúc kéo cho dài lê thê, lúc như kiểu muốn cho qua thật nhanh đoạn. Tai hại nhất là đoạn cần tập trung khai thác sâu thì lại lại bị làm cho hời hợt. Tiêu biểu như cảnh Tùng Nhân để lạc mất Cu Bin (bé Gia Bảo), và khi tìm thấy thì anh chỉ đứng đằng sau cười và hết, chuyển cảnh. Tại sao khúc đó đạo diễn không tạo một cuộc nói chuyện giữa hai cha con? Tại sao không cho người cha bày tỏ sự hối lỗi của mình còn đứa con thì nói ra lý do vì sao lại bỏ nhà đi (dù trước đó anh đã biết)? Nếu đạo diễn Đỗ Nam thêm vào tình tiết ấy thì thật sự sẽ tạo được nước mắt cho người xem.

Một tình tiết cũng bị cho qua nhanh khác là khi người cha ruột thật sự (vì nội dung rất đơn giản nên tôi xin phép kể ra luôn) của Cu Bin trở về từ Pháp để nhận con. Mai Chi (Anh Thơ), người yêu cũ Tùng Nhân, do một lần lỡ đã đi quá giới hạn với Quang (Huy Khánh), bạn thân Tùng Nhân, để từ đó sinh ra Cu Bin. Đạo diễn xây dựng Mai Chi trong hình tượng một người phụ nữ đối với người Việt Nam phải nói là quá xấu xa, làm tôi dù muốn cũng khó mà thông cảm được. Có con với ai cả bản thân còn không biết để rồi đến lúc vào tù thì nhận đại một trong hai người để làm cha, trong khi trong thời gian còn nuôi con, cô không thèm xác minh ai mới là cha ruột thật sự của nó. Kịch bản ở đây quả thực rất có vấn đề. Còn về phần Quang, anh xuất hiện bất thình lình và ra đi cũng rất nhanh như một cơn gió thoảng. Quang là nhân vật tạo ra twist khi phim gần đi đến hồi kết nhưng anh chỉ đơn giản là xuất hiện, yêu cầu nhận con, xúc động khi chứng kiến tình cảm cha con giữa Nhân và Bin và cuối cùng là bỏ đi. Thời lượng xuất hiện của Quang tính ra chỉ vỏn vẹn có 5 phút và trong khi đạo diễn có thể sử dụng nhân vật này để thử thách tình cha con của Nhân lên mức đỉnh điểm thì cuối cùng mọi thứ lại diễn ra quá hời hợt.

Khi hai cha con về sống vui vẻ bên nhau thì lại làm cho dài ra. Đồng ý đây là những gì cốt yếu mà bộ phim muốn đưa đến người xem khi cha và con trai sau cùng đã hiểu nhau và dành hết tình cảm cho nhau, nhưng đâu có nhất thiết là phải kéo ra thật dài đến nỗi tôi xem mà cảm thấy sốt hết cả ruột. Nếu đây là phim truyền hình thì tôi nghĩ cách làm này sẽ phù hợp hơn.   

Phần thể hiện kém nhất trong phim lần này có lẽ thuộc về nhân vật Phương Thùy của Quỳnh Chi. Trừ ngoại hình đẹp ra, diễn xuất của Quỳnh Chi rất khô cứng, giọng nói ngang phè như đang đọc bài. Ngược lại, tôi lại rất thích phần thể hiện của bé Gia Bảo, nhất là cảnh cậu ngồi dưới mưa đợi ba về và khi câu ôm chầm lấy ba mình và thốt ra câu “Con nhớ ba!” (trong khi không lâu trước đó cậu tức giận khẳng định rằng mình không có ba) đã khiến tôi có chút mủi lòng. Ngoài ra, còn một nhân vật không chỉ khiến tôi mà hầu như tất cả mọi người trong rạp khi ấy rất thích thú đó là bé Vui do Ngân Chi thủ vai. Mọi câu nói của bé Vui khi nói ra đều khiến ai nấy phải bật cười vì sự ngây ngô, đáng yêu của một đứa trẻ.

Kết thúc phim, tôi cảm tưởng như vừa xem xong toàn bộ nội dung của một phim truyền hình được dồn nén trong gần 90 phút của một bộ phim điện ảnh vậy. Ý tưởng là có nhưng cách làm thì chưa tới khiến bộ phim đâm ra quá hời hợt. Hy vọng những phim sau khi tiếp tục khai thác về chủ đề này thì ít nhất cũng có thể lấy được nước mắt của khán giả.