[REVIEW] Rừng Thế Mạng (2021)
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Ivy_Trat ·
Rừng Thế Mạng có ý tưởng, nhưng triển khai chưa tới.
Rừng Thế Mạng, phim sinh tồn kinh dị đầu tiên của Việt Nam, sinh tồn thì ít mà nuối tiếc thì nhiều.
Rừng Thế Mạng xoay quanh một nhóm bạn lên đường đi phượt tại cung đường Tà Năng-Phan Dũng. Trong đó có cặp bạn thân là Kiên (Huỳnh Thanh Trực) với Bách (Trần Phong). Kiên là phượt thủ có kinh nghiệm, trong khi Bách thì đi với tinh thần khám phá, vui là chính. Nhưng trong đoàn còn có Khanh – bạn gái Kiên, Ngọc – người thầm thích Bách và anh bạn vui tính Phước. Vấn đề là Bách cũng có cảm tình với Khanh, khiến tình đoàn kết của nhóm lung lay vì mâu thuẫn tình cảm. Tồi tệ hơn, lẽ ra chuyến đi phượt trải qua rất yên bình, nhưng Phước bỗng phát sốt, khiến nhóm bạn phải nhanh chóng đưa anh xuống đèo để vào trạm xá. Dọc đường, Bách bỗng đi lạc bí ẩn. Lo lắng cho Bách bơ vơ giữa rừng thiêng nước độc, Kiên tách nhóm đi tìm bạn. Nhưng thứ đón chờ anh là những ngày đấu tranh sinh tồn giữa khu rừng lạ lẫm.
Thành thực mà nói, người viết đã không có kỳ vọng nào khi đến với Rừng Thế Mạng, để có thể xem xét bộ phim thật công tâm. Nhưng dù là vậy, người viết vẫn không thể không thất vọng với bộ phim này. Nhìn ra đạo diễn Trần Hữu Tấn đã rất tâm huyết với đứa con tinh thần thứ 2 của mình, nhưng có vẻ như anh vẫn chưa thực sự mạnh dạn với nó. Vì ý tưởng ở đây vẫn có, chỉ là việc triển khai mới có vấn đề. Và đây quả là điều nuối tiếc lớn trong Rừng Thế Mạng.
Rừng Thế Mạng mang danh là bộ phim lấy đề tài sinh tồn đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Phim lại lấy bối cảnh tại cung đường đi phượt nổi tiếng nhất nhì đất nước hình chữ S, không chỉ với các khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, mà còn về các đoạn đường hiểm trở đầy chông gai được “tô điểm” bằng nhiều vụ mất tích của các phượt thủ hằng năm. Không những thế, các lời đồn “có kiên, có lành” tại Tà Năng-Phan Dũng cũng được lưu truyền rất nhiều như một lời nhắc nhở các phượt thủ phải cẩn thận khi đến đây. Điều này mang đến cho Rừng Thế Mạng một cảm giác tò mò tự nhiên, cũng như phủ bóng yếu tố huyền bí lên cốt truyện.
Tuy nhiên, đạo diễn Hữu Tấn đã không khai thác trọn vẹn cơ hội này. Không những thế, đã là một phim sinh tồn, nhưng khía cạnh sinh tồn lại không được chú trọng và hiện lên rất nửa vời. Đây không còn là thời đại những người trẻ - bộ phận khán giả chính của phim – không tiếp cận được ít nhất một kỹ năng thực tế để thực sự sinh tồn trong thiên nhiên. Đó cũng có nghĩa là những lỗ hổng logic trong đây là thứ không thể bỏ qua, ví như Kiên bỏ lại lều trại của mình để lang thang trong vô định.
Hành trình sinh tồn của Kiên thực ra quá ít ỏi để gọi là “sinh tồn”, hầu hết trải qua như một giấc mộng hình thành từ đói và khát. Đó là điều duy nhất có thể giải thích hợp lý cho các hành động không có lý về mặt hành vi lẫn cốt truyện của Kiên. Ngay cả việc ăn sống ếch cũng chỉ đóng vai trò gây sốc hơn là nhấn mạnh yếu tố sinh tồn.
Rừng Thế Mạng có rất nhiều hướng để phát triển và nhiều tiềm năng đáng lưu ý, cộng hưởng với nhiều gương mặt mới cần cơ hội để chứng tỏ khả năng. Vậy mà bộ phim hiện tại không mang đến gì có thể để lại ấn tượng dài lâu với người xem. Không những thế, nhịp phim không lên xuống, dàn trải qua các tình tiết với nhiều khung cảnh lặp đi lặp lại. Điều trọng yếu hơn là phim không thể thúc đẩy các nhân vật và câu chuyện.
Kịch bản đơn giản, dễ đoán ngăn cản việc đào sâu nhân vật chính, trong khi các chi tiết thừa thải làm loãng cốt truyện và chiếm nhiều thời lượng đáng lẽ phải dành cho các nhân vật chính, như việc tại sao Bách mất tích không được giải đáp, hay mối mâu thuẫn khó hiểu giữa Hoàng và Kiên. Ngược lại, người xem phải chịu đựng những drama không có sức nặng nào với cốt truyện. Điều trọng yếu hơn là phim không thể thúc đẩy các nhân vật và câu chuyện. Rừng Thế Mạng vì thế mà làm người xem cảm nhận nó dài hơn thời lượng thực tế với câu chuyện cứ lề mề di chuyển mà chẳng vào được trọng tâm, cữ mãi lượn lờ xung quanh vấn đề chính: làm một hành trình sinh tồn đúng nghĩa và hấp dẫn người xem.
Mặc dù có nhiều khuyết điểm, điều an ủi là Rừng Thế Mạng đã cố gắng truyền tải một câu chuyện nghiêm túc, tránh được việc lạm dụng yếu tố hài nhảm. Ở đây vẫn có yếu tố hài hước, nhưng được thêm vào đúng lúc, đúng thời điểm, vừa đủ lượng. Các câu thoại cũng bớt gượng gạo, nếu bạn nghĩ đến các diễn viên trong phim đều là các gương mặt mới. Dù vậy, họ đã cố làm tròn vai.
Nhìn chung, Rừng Thế Mạng vẫn nợ khán giả một hành trình sinh tồn đúng nghĩa không chỉ gói gọn trong việc hoang tưởng dưới nắng mưa. Bộ phim này vẫn có ý tưởng để phát triển, chỉ cần đạo diễn Trần Hữu Tấn bạo dạn hơn nữa (và có lẽ tìm đến những tư liệu chất lượng để tham khảo thêm).