[REVIEW] Spider-Man: Homecoming - Đi để trở về

Phim Siêu Anh Hùng · Đánh giá phim · Hardy ·

Spider-Man: Homecoimg là một bộ phim tuyệt vời và đủ làm hài lòng các fan trung thành, và là một bộ phim đáng xem nếu chỉ là fan trung lập và không dành nhiều tình cảm cho người hùng bắn tơ.

Sau Amazing-Spiderman 2 - bộ phim không mấy thành công của Sony về siêu anh hùng người Nhện, có thời gian người hâm mộ đã gần như chẳng còn hy vọng gì để trông chờ về một phần phim tiếp theo về một trong những người hùng được mến mộ nhất thế giới này nữa. Thế nhưng, trong nỗ lực đưa "đứa con rơi" của mình một lần nữa tỏa sáng trên màn ảnh, Marvel đã quyết định bạo chi để đầu tư cho Sony tiếp tục reboot lại Spider-Man, với hy vọng sức trẻ và sự tươi mới từ Peter Parker sẽ là đầu tàu đưa Marvel Cinematic Universe tiếp tục tiến xa hơn tương lai, trong bối cảnh mà dòng phim siêu anh hùng hiện nay đang có xu hướng bão hòa.

Quay lại với Spider-man: Homecoming, có thể nói cả Marvel và đạo diễn Jon Watts đã xây dựng nên một hình tượng người Nhện sát với nguyên tác nhất từ trước đến nay. Tạm biệt hai franchise về thời sinh viên, chúng ta sẽ hòa mình vào cuộc sống trung học của Peter Paker, một cậu bé chưa trưởng thành phải xoay sở để cân bằng cuộc sống bình thường và trách nhiệm của một anh hùng giải cứu thế giới. Cốt truyện này sẽ làm đa số khán giả cảm thấy cực kỳ hài lòng, xây dựng nên một Spider-man có chút trẻ con, tinh nghịch, ưa khám phá và phiêu lưu, những đặc điểm giúp người Nhện được yêu quý. Cốt truyện gợi nhớ lại những phim siêu nhân mà ngày nhỏ mỗi chúng ta đã từng say mê, một cậu bé trung học 15 tuổi, có được bộ giáp siêu nhiên, ngày ngày vẫn đến trường học cùng các bạn, và rồi khi vứt bỏ chiếc balo, cậu trở thành siêu anh hùng trừ gian diệt bạo. Một chút tuổi thơ chắc chắn sẽ ùa về khi xem Spider-man: Homecoming, đó là điều tạo nên sự thú vị và khác biệt của phim so với các phim tiền nhiệm đã đi trước. Phim vẫn mang yếu tố hài hước tinh tế đúng chuẩn người Nhện và những câu chuyện tình cảm, tình bạn, những rắc rối của lứa tuổi thiếu niên được lồng ghép vào một cách rất khéo léo và hợp lý. Bạn sẽ xem phim với tâm trạng vô cùng thoải mái và vui vẻ.

Thế nhưng, với cốt truyện "siêu nhân" có phần đơn giản như thế, nên một số khán giả trung lập hay những khán giả xem phim khó tính sẽ có cảm giác phim cứ thế mà trôi đi một cách đều đều, không có điểm nhấn hay cao trào nào cả, cách giải quyết nút thắt câu chuyện ở cuối phim có thể nói là vô cùng đơn giản và theo một motif không có gì mới, thậm chí có phần dễ dãi, nhưng nhìn chung thì biên kịch phim cũng chẳng còn cách nào khác ngoài cách giải quyết như thế. Đây có thể xem là một trong những nhược điểm lâu năm của Marvel trong việc xây dựng cốt truyện trong các phim siêu anh hùng. Dù vậy, nếu là một fan cứng của Nhện, Spider-man: Homcoming vẫn có một nội dung và cốt truyện tuyệt vời.

Một cảnh phim ấn tượng trong Spider-Man: Homecoming
Một cảnh phim ấn tượng trong Spider-Man: Homecoming

Hình ảnh và âm thanh từ lâu đã là thế mạnh của các phim MCU, và với Spider-Man: Homecoming vẫn giữ và tiếp tục bản sắc truyền thống này. Tông màu phim rất tươi sáng và các cảnh quay tại trường trung học hạt Queens, tại thành phố New York hay Washington đều rất đẹp với góc nhìn rất rộng để bạn trải nghiệm. Phần kỹ xảo hình ảnh được ekip xử lý rất tốt và các đoạn chiến đấu, leo tường hay bay nhảy qua lại giữa các toà nhà chọc trời của Peter Parker đều rất chân thật và tạo cảm giác phấn khích cao. Spider-Man theme và Avengers theme cũng được lồng ghép khéo léo vào các cảnh phim mỗi khi người Nhện xuất hiện sẽ khiến bạn toàn đắm chìm và sảng khoái. Nhìn chung, như thường lệ sẽ chẳng có gì để phàn nàn về trải nghiệm nghe nhìn nếu xem các phim của Marvel cả.

Khi Tom Holland được chọn là Peter Parker tiếp theo sau Tobey Maguire Andrew Garfield, rất nhiều người đã lo ngại bởi anh chàng Anh quốc sinh năm 1996 với dáng người có phần mỏng manh này không có nhiều kinh nghiệm diễn xuất, lại chưa từng thử qua các vai hành động chứ đừng nói là siêu anh hùng. Thế nhưng, với những nỗ lực của bản thân và màn thể hiện không thể tuyệt vời hơn trong Civil War, Tom Holland đã cho tất cả thấy rằng những điều lo lắng trên là dư thừa. Và trong Spider-Man: Homcoming, anh chàng thậm chí còn xuất sắc hơn thế. Tom Holland khắc họa gần như sát với nguyên tác và sát với suy nghĩ của người hâm mộ nhất về người Nhện. Đó là một cậu nhóc tuổi teen, nói nhiều và ưa khám phá, tính cách có phần trẻ con nhưng lại cực kỳ gan dạ và có tấm lòng vị tha. Và với việc Marvel chọn Spider-Man và Tom Holland làm quân bài chủ chốt trong chiến lược phát triển MCU về lâu về dài, có lẽ họ đã có một lựa chọn tuyệt vời.

Ngoài người Nhện Peter Parker, phim còn có một nhân vật đáng chú ý khác là Tony Stark, người sỡ hữu lượng fan cũng không kém gì người hùng bắn tơ. Xuất hiện dày đặc trên trailer và poster quảng cáo, thậm chí giật cả spotlight của Spider-man, Iron Man hứa hẹn sẽ là thỏi nam châm hút người hâm mộ ra rạp, nhưng thật tình khuyên bạn đừng nên kỳ vọng quá nhiều vào màn trình diễn của gã nhà giàu này. Ngoài ra, huyền thoại Michael Keaton cũng là một cái tên rất nổi bật. Chán làm siêu anh hùng, lần này nam tài tử sẽ thử sức với vai phản diện. Nhìn chung thì Keaton cũng đã hoàn thành tốt vai diễn chứ cũng không xuất sắc. Và nói thật tình dù về lý thuyết là đóng vai phản diện, nhưng nhân vật của Keaton lại có chút đáng thương và tội nghiệp.

Bên cạnh Peter Parker thì nhân vật dì May cũng là một trong những nhân vật được yêu mến nhất trong các phim Spider-Man, và thay vì là một bà dì đứng tuổi hay một bà lão như các phim trước, lần này anh em sẽ được chứng kiến một dì May trẻ trung và đầy nóng bỏng thông qua diễn xuất của Marisa Tomei. Các vai diễn khác như vai cô bạn gái trong mộng Liz của Peter do Laura Harrier thủ vai, hay anh bạn béo tròn hài hước Ned, cô gái ít nói nhưng rất cá tính Michelle hay ông trợ lý Happy của Tony Stark đều thể hiện tròn vai nhân vật của mình và cũng ít nhiều ghi dấu ấn trong phim. Và, như thường lệ, Stan Lee vẫn xuất hiện với những câu thoại cực chất của mình, và hai nhân vật khách mời đáng chú ý khác là Captian America (xuất hiện bất đắc dĩ) và cô vợ Pepper Potts của Iron Man, dù thời lượng xuất hiện là không nhiều nhưng với những màn tung hứng cùng Tony cũng tạo ra được những giây phút hài hước trong phim. Phim có một post-credit và một after-credit, ngoài post-credit ra thì after-credit không có chi tiết gì đáng chú ý, nếu thích có thể ngồi lại xem cũng được.

Tóm lại, dù thế nào thì Marvel cũng đã có những bước đi đúng đắn khi mang Spider-man về nhà và đầu tư cho anh chàng trong tương lai. Phim có đủ các yếu tố ăn khách và hứa hẹn sẽ đem về doanh thu cực lớn cho Sony.

Spider-Man: Homecoming là một bộ phim tuyệt vời và đủ làm hài lòng các fan trung thành, và là một bộ phim đáng xem nếu chỉ là fan trung lập và không dành nhiều tình cảm cho người hùng bắn tơ. Nếu có thể hãy chọn các định dạng cao như IMAX hay IMAX 3D để có được trải nghiệm tuyệt vời nhất.