[REVIEW] Spider-Man: Homecoming - Vô duyên và nhạt nhẽo
Phim Siêu Anh Hùng · Đánh giá phim · tronghieung ·
Siêu phẩm của Marvel trong mùa hè này, Người Nhện Trở Về Nhà không xuất sắc như kỳ vọng.
Người Nhện là bộ phim được kỳ vọng nhất trong số các phim MCU ra mắt trong năm nay, bởi đây là bộ phim đầu tiên mà siêu anh hùng nổi tiếng bậc nhất được trở về đúng với ngôi nhà Marvel của mình, sau khi được hãng phim này mua lại bản quyền từ Sony. Tuy nhiên, tất cả những gì khán giả được theo dõi ở bom tấn này trong hơn 2 giờ đồng hồ lại không được như kỳ vọng. Cụ thể, đây là một Spider-Man trẻ con nhất từ trước đến nay nhưng anh không gây được nhiều ấn tượng. Kịch bản phim không cứu được màn trình diễn chưa đạt đến tầm của Tom Holland.
Trước đó, khán giả trên khắp thế giới từng phát cuồng với Tobey Maguire hay Andrew Garfield – những diễn viên đã đóng vai Peter Parker/Spider-Man. Trên thực tế, bộ phim của Andy Garfield flop thảm hại về doanh thu, nhưng bản thân anh đã hoàn thành tốt vai diễn của mình. Một Spider-Man mới, trẻ trung hơn, nhí nhảnh hơn như Tom Holland là điều nhiều người mong đợi. Nhưng ở tuổi 21, chàng trai trẻ người Anh phải đi một chặng đường dài nữa mới có thể khoác vừa bộ cánh Người Nhện, vì anh chỉ chứng tỏ mình phù hợp nhất ở vai "Spider-Man phụ trong Civil War".
Được đạo diễn bởi Jon Watts, một người ít tên tuổi, Spider-Man: Homecoming có chi phí sản xuất $175 triệu. Nghĩa là ngay từ xuất phát điểm, đây đã không phải là một bộ phim xứng tầm “siêu bom tấn” như nhiều người ngợi ca. Spider Man chỉ đơn thuần là một bộ phim siêu anh hùng một-cách-bình-thường. Nếu nhìn theo hướng này, bộ phim đã đạt yêu cầu, nhưng cao hơn thì không.
Trong nửa đầu bộ phim, diễn biến rời rạc và kịch bản lê thê khiến không ít người cảm thấy buồn ngủ. Phim bắt đầu với bối cảnh hậu chiến trong Avengers 2 và tiếp nối sau Civil War , Spider-Man được Tony Stark phát hiện và nhận làm đệ tử. Địa bàn hoạt động của người nhện là Queens, New York và chàng trai trẻ 15 tuổi (trong phim) đã trở thành một “người hàng xóm thân thiện”. Những cỗ máy trong tàn dư của cuộc chiến với Ultron cũng được phản diện chính Adrian Toomes/Vulture thu thập và chế tạo lại thành vũ khí.
Phải nhắc lại một điều, đây là lần đầu tiên Spider-Man được trở về với Marvel và xuất hiện với tư cách là một bộ phim riêng, chính vì vậy hãng phim nay muốn tạo ra sự mới lại thay vì đi theo con đường cũ của 2 người nhện trước đó. Ông bác Ben Parker đã bị loại khỏi phim, và cách xây dựng Peter Parker trở thành Spider-Man cũng được bỏ qua do đã quá quen thuộc với khán giả. Tuy nhiên người ta vẫn thấy ở đó những hình ảnh quen thuộc: trường học, phòng nghiên cứu, thùng rác, bạn bè và crush của Nhện.
Như đã nói, đây là một sản phẩm không được như kỳ vọng về mọi mặt. Kịch bản chưa tới, nhạc phim không nổi bật, những màn đánh đấm cũng không hề đã mắt, trái lại còn gây ra cảm giác buồn ngủ. Với bối cảnh quen thuộc trong truyện tranh, Spider-Man: Homecoming dường như muốn làm một cái gì đó khác biệt, tuy nhiên bộ phim này chỉ đạt đến mức lạ nhưng chưa hay, chứ đừng nói đến tầm xuất sắc như một vài trang báo mạng đã viết. Những phân cảnh học đường không hề rõ nét, và hình ảnh siêu anh hùng cũng không hề nổi bật.
Spider-Man lúc này vẫn là một cậu bé 15 tuổi, tất nhiên không thể đòi hỏi anh phải tỏ ra trưởng thành hay chững chạc. Tom Holland đã làm được điều này (xây dựng một nhân vật học sinh), nhưng người ta vẫn thấy anh làm quá lố. Ở tuổi 15, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng muốn được người khác công nhận khả năng của mình, sẵn sàng làm mọi điều có thể để được ca ngợi. Nhưng tuổi trẻ bồng bột và cố chứng minh tài năng của mình, khác hẳn với việc hành động không suy nghĩ và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trong nửa đầu Spider-Man: Homecoming, chúng ta chỉ thấy một chàng trai “cố gắng” để gây rắc rối, thay vì một siêu anh hùng trên Youtube như cậu muốn thể hiện.
Được Iron Man/Tony Stark thu nhận, cậu bé Peter Parker luôn muốn gây sự chú ý bằng mọi cách có thể. Tom Holland đã rất cố gắng gồng mình cho vai diễn, nhưng vẫn không thoát khỏi sự gượng gạo, phần lớn là do kịch bản mang lại. Diễn viên sinh năm 1996 có thể là một Spider-Man chuẩn hơn Tobey hay Andrew, nhưng cho rằng bộ phim này hay hơn những phim tiền nhiệm là sai lầm.
Chúng ta đang nói về bộ đồ siêu nhân của Spider-Man có đủ các thiết bị tối tân: Hàng đống loại tơ khác nhau, hệ thống do thám, máy bay, thậm chí là cả hướng dẫn viên online… Đây là Spider-Man hay một Iron Man phiên bản khác? Rồi chưa sử dụng thành thạo đã lao đầu vào hang ổ đối phương, để làm gì vậy?
Đó còn là đoạn đánh nhau cuối phim. Khung cảnh tối om khiến khán giả tụt hứng, còn âm thanh cũng không có gì đặc sắc. Rất may là boss đã tự làm hại mình, nếu không anh chàng học làm Người Nhện có đánh cả ngày cũng chẳng thắng được.
Sự xuất hiện của Tony trong phim cũng không nhận được sự hiệu quả cần thiết vì tốn quá nhiều khung cảnh. Người Sắt chỉ giống như một ông bố bất lực, luôn theo sau “bọc hậu” cho cậu con trai, thay vì làm người hướng dẫn. Nếu bạn còn nhớ, Tony đã liên tục yêu cầu Peter Park phải ngồi yên một chỗ, nhưng luôn xuất hiện đúng lúc khi cậu bé cần sự trợ giúp. Và đó lại là một điểm bất hợp lý của bộ phim: Xuất hiện nhiều thế sao không đánh boss hộ Người Nhện luôn đi? Lại để nó đối đầu với một đối thủ quá tầm mà chính mình đã yêu cầu không được đụng vào.
Những câu joke của bộ phim cũng trở thành lạc lõng, khi đạo diễn thể hiện quá vô duyên và nhạt nhẽo. Chúng ta từng biết Zootopia của công ty mẹ Disney đã sử dụng một nhân vật chậm chạp để nhạo báng DC, và Marvel cũng học theo cách đó để “cố gắng” làm bẽ mặt đối thủ. Một việc làm hết sức vô duyên và không hề cần thiết, lại xuất hiện với tần suất dày đặc. Và chính cậu bé mang tên Flash mới là người được nhắc đến nhiều nhất trong phim, thay vì những cô cậu bạn học có liên quan đến Người Nhện. Không hiểu cho vào làm gì luôn.
Và sự vô duyên còn thể hiện ở chính hình ảnh “thánh nữ” – dì May. Như đã nói, Spider-Man 2017 không muốn làm theo lối mòn như 2 bộ phim trước, nhưng thay đổi hoàn toàn tính cách nhân vật bà dì là một sự xúc phạm đối với thương hiệu Người Nhện. Nhân vật này liên tục xuất hiện với những bộ đồ sexy mang phong cách MILF ở nhà (không hiểu mục đích lắm), và chỉ có vai trò câu kéo fanboy là chính. Dì May xinh đẹp thì có, nhưng không thể hiện được sự ấm áp và quan tâm đến thằng cháu của mình. Dì biết thằng cháu đêm nào cũng ra khỏi nhà nhưng không làm gì, biết thằng cháu dính vào tai nạn trên thuyền mặc dù nó chỉ không nghe điện thoại. Đây là dì May hay… chị May?
Dù sao, vẫn có những điều tích cực về bộ phim này. Diễn biến nội tâm của Spider-Man ở nửa sau bộ phim, sau khi bị đá đè là một sự thay đổi rất tốt. Mình thích câu nói của Iron Man: “Nếu không làm được gì nếu không có bộ suit, cậu đừng mặc nó còn hơn”. Tiếp theo, sự lựa chọn của Spider-Man trong phút cuối của bộ phim cũng rất hợp lý với một chàng trai đã “biết thân biết phận”. Đây sẽ là một hướng đi tốt trong những phim sau này của Spider-Man.
Trong 2 tiếng đồng hồ của Spider-Man: Homecoming, hình ảnh Người Nhện không gây ấn tượng bằng những phút ít ỏi trong Civil War. Bộ phim là một sản phẩm tương đối tốt, nhưng không xứng tầm với một bom tấn. Vẫn có những điểm tích cực, nhưng tựu trung lại thì bộ phim không hề đạt kỳ vọng.
Vì vậy, thành bại của cả bộ phim nằm trong tay đạo diễn hơn là chàng trai trẻ Tom Holland. Tuy nhiên, như đã nói, kịch bản phim đã thất bại trong việc xây dựng một hình ảnh siêu anh hùng. Sau tất cả, các fan của Marvel vẫn ra rạp để theo dõi người nhện (và sẽ lại khen?!). Còn những người không phải fan của hãng, có lẽ không nên trông đợi quá nhiều vào một sản phẩm được coi là bom tấn.