[REVIEW] Widows – Câu chuyện về những người phụ nữ vươn mình thoát phận tầm gửi
Đánh giá phim · Maii ·
Widows không phải phim hành động mà đúng hơn là một bộ phim tâm lý về số phận của những người phụ nữ.
Kéo xuống để xem tiếp
Do Steve McQueen chỉ đạo, vị đạo diễn từng đoạt giải Oscar với 12 Years A Slave, Widows dựa trên loạt phim truyền hình cùng tên của Anh kéo dài từ năm 1983 – 1985. Băng cướp 4 thành viên của phim trong một phi vụ bất thành, họ bị cảnh sát giết chết. 4 người vợ và giờ đã trở thành góa phụ của họ bắt đầu bị “đối tác” kéo đến “đòi nợ” và buộc phải bắt tay nhau thực hiện phi vụ cuối cùng.
Trailer và tựa Việt của bộ phim Widows thực sự đã quá “lừa tình” khán giả khi khiến người ta nghĩ rằng đây sẽ là bộ phim hành động với các nhân vật nữ “bá đạo” theo phong cách Ocean’s Eight. Tuy nhiên, sau khi xem phim thì người xem mới biết tại sao tựa phim đơn giản là Widows – Góa Phụ và lý do gì khiến phim được khen ngợi là mang tầm Oscar.
Widows – Khi Các Góa Phụ Hành Động có tí yếu tố hành động và hơi bạo lực, nhưng chủ yếu đây là phim tâm lý đánh vào cuộc sống của những người phụ nữ sau khi chồng mình ra đi. Phim kết hợp các yếu tố chính trị, sắc tộc, bình đẳng giới, những ràng buộc mà con người phải đối mặt trong cuộc sống hằng ngày… nhưng không hề làm quá và gượng ép mà lại rất thực tế và chúng ta đều có thể thấy chút gì đó của bản thân mình trong đó.
Veronica (Viola Davis), Linda (Michelle Rodriguez) và Alice (Elizabeth Debicki) – 3 người góa phụ trong phim có cuộc sống rất khác nhau nhưng đều có một điểm chung là phụ thuộc gần như hoàn toàn vào chồng mình. Khi cuộc sống và mọi thứ xung quanh đều ổn thỏa, họ chấp nhận sự phụ thuộc đó mà chẳng lo nghĩ gì về tương lai. Điều quan trọng đối với họ là tình yêu của người chồng mà họ ảo tưởng rằng họ đang có, hoặc trong trường hợp của Linda thì là những đứa trẻ của cô. Tuy nhiên, khi cây chủ không còn thì tầm gửi cũng mất chỗ dựa. Cuộc sống của họ bắt đầu đảo lộn khi chồng ra đi.
Linda bắt đầu bị mẹ chồng khinh rẻ, tiệm may bị siết nợ do người chồng cờ bạc; Alice – cô gái bị chính mẹ mình bán rẻ trinh tiết khi mới 13-14 tuổi, tiếp tục bị bà ta dụ dỗ quay trở về con đường cũ: ngủ với đàn ông để kiếm tiền do cô chẳng còn biết làm gì khác; Veronica – người tưởng chừng như hạnh phúc nhất khi cô cứ liên tục nhớ về những khoảnh khắc nồng ấm với chồng, bỗng nhận ra mình chẳng có gì trong tay, kể cả chiếc xe hơi bóng lộn hay căn nhà xa hoa nơi cô đang ở. Veronica chỉ còn lại duy nhất chú chó đáng yêu, người bạn đồng hành mà cô mang theo mọi lúc mọi nơi. Bước đường cùng khiến họ phải bắt tay nhau thực hiện phi vụ dựa trên cuốn sổ tay ghi lại kế hoạch của Harry, nhằm trả nợ và bắt đầu cuộc sống mới.
Đây là phân đoạn mà khán giả mong chờ phong cách Ocean’s Eight trỗi dậy, nhưng có lẽ chúng ta đã quên rằng những người phụ nữ trong phim là nhà giáo, thợ may, thợ làm tóc hay một bà nội trợ. Họ không “bá đạo” và cũng không biết cách thực hiện một vụ cướp như thế nào. Họ yếu đuối, họ vụng về và đôi khi còn ngốc nghếch. Nhưng bản năng sống sót đã giúp họ có khả năng làm những điều mà trước giờ họ chưa giờ làm: cầm một khẩu súng, đột nhập, tông xe, bắn người… đồng thời là trở thành chính họ và bứt mối ràng buộc với những người đàn ông đã không còn tồn tại, nhưng vẫn còn ám ảnh. Nhân vật được phát triển tính cách hợp lý và đến cuối cùng, chúng ta đều thấy được họ đã khác biệt như thế nào so với đầu phim.
Vấn đề chính trị và sắc tộc cũng là yếu tố được thể hiện nổi bật trong phim. Nhưng đây không phải chuyện những người da màu vượt qua phân biệt chủng tộc hay hành trình chứng minh tất cả đều bình đẳng dù cho màu da của họ là gì.
Widows cho thấy chuyện sắc tộc và tôn giáo có thể ảnh hưởng đến chính trị như thế nào, công chúng có thể bị lừa vì màu da ra sao, đồng thời đả kích ý nhị chủ nghĩa “da màu thượng đẳng”… Chuyện sắc tộc được thể hiện ở một góc độ khác khi bất kể bạn là ai, bạn cũng là con người và bản chất tốt xấu không chừa màu da. Và cũng chính vì thế mà vấn đề này bị lu mờ trước yếu tố quan trọng hơn trong phim là thiện và ác. Daniel Kaluuya của Get Out trong vai phản diện Jatemme Manning rất ấn tượng, một màn hóa thân và lột xác thành công sau vai Chris Washington.
Phần thoại của phim rất hay, thông minh, có chút hóm hỉnh nhưng buộc người xem phải suy nghĩ nhiều. Bản thân tôi rất thích cảnh ở nhà thờ, khi mục sư Wheeler thuyết giảng và truyền cảm hứng cho các con chiên. Thoại của cảnh này rất có ý nghĩa và chúng ta có thể ngẫm nghĩ nhiều về những gì mà biên kịch và nhà làm phim muốn truyền tải.
Tuy vậy, Widows không phải là một bộ phim hoàn hảo. Đoạn kết của phim chưa đủ thỏa mãn, một số đoạn hơi dài dòng và đôi chỗ còn hơi khó hiểu cũng như chưa đủ hợp lý, có phần gượng ép, nhất là ở các phân đoạn càng về cuối. Nhưng nhìn chung, bộ phim đã làm tốt những gì nó muốn truyền tải, một câu chuyện có chiều sâu được làm thăng hoa nhờ diễn xuất hấp dẫn của dàn diễn viên toàn sao.
Widows rất khó xem đối với những ai không quen với cái gọi là “phong cách Oscar”. Nhiều người đã lên tiếng chê bai phim là buồn ngủ và quá chán, chuyện cũng không có gì lạ khi Three Billboards Outside Ebbing Missouri cũng từng nhận phản ứng tương tự. Nếu không có đủ kiên nhẫn xem một bộ phim tâm lý có chiều sâu và đòi hỏi việc phải suy nghĩ, mà chỉ cần một phim hành động, giải trí, kỹ xảo xuất sắc đơn thuần thì Widows không dành cho bạn.