[TỔNG HỢP] 8 "Chiến hạm" xương máu được các shipper tích cực đẩy thuyền trong làng phim
Ivy_Trat ·
Ship, ship nữa, ship mãi!
Fandom từ lâu đã trở thành một phần của văn hóa đại chúng, nổi lên theo sự phát triển của phim ảnh, văn học, truyền hình…. Khi các fandom càng phát triển, một subculture nữa đã trỗi dậy được gọi vắn tắt là shipping. Cụm từ này được lấy từ “relationship” trong tiếng anh, được hiểu rộng là mối quan hệ. Shipping ra đời khi các cộng đồng fan tự sáng tạo và gán ghép các nhân vật mà theo họ sẽ làm nên một cặp đôi tuyệt vời, và cũng là một cách cho các nhân vật một cái kết có hậu khi trong mạch phim chính họ không may bỏ mạng hay lỡ dở.
Fan, thế lực được xem là những lực lượng sáng tạo quyền lực nhất, chứng tỏ sự sáng tạo tuyệt vời của mình với hàng loạt các dự án truyện tự sáng tác, tranh ảnh và ngay cả truyện tranh. Bên cạnh đó, shipping cũng thể hiện góc nhìn của các khán giả đối với các nhân vật yêu thích của họ trong các bộ phim. Vì không phải lúc nào phim cũng rõ ràng cả, có thể là vì văn hóa, vì luật lệ hoặc các yếu tố khác, nên các fan đã học được cách hiểu các ẩn ý cài cắm giữa các chi tiết. Ngày nay, từ một thú vui có phần bẽn lẽn, cộng đồng fandom và việc shipping của họ đã mạnh dạn hơn với các diễn đàn phi lợi nhuận nơi các shipper có thể chia sẻ các sáng tác của họ với nhau hoặc gửi những tranh ảnh (fanart) cho các biên kịch nắm giữ những dự án phim ảnh, văn học, truyền hình, truyện tranh…yêu thích của họ.
Nếu mổ xẻ tường tận văn hóa shipping, chúng ta phải mất cả tuần mất. Nên hãy tập trung vào phần thú vị của các shipper. Hãy cùng Moveek điểm qua các “chiến hạm” nổi tiếng trong các Fandom gần đây nhất xuất phát từ phim ảnh.
1. Superbat – Superman/Batman
Bên cạnh biệt danh World’s Finest, Superbat là tên của cặp đôi giữa 2 người hùng nổi tiếng nhất trong vũ trụ truyện tranh DC là Superman Clark Kent và Batman Bruce Wayne. Superbat là “chiến hạm” lâu đời và được yêu mến nhất bởi các fan của truyện tranh DC, và cũng là cặp chịu nhiều ảnh hưởng từ truyện tranh nhất, dù không phải là cặp “ship” lâu năm trong văn hóa fandom nói chung.
Bắt nguồn từ mối quan hệ thân thiết giữa Clark và Bruce trong suốt sự nghiệp hành hiệp của mình, Superbat ra đời và hình thành trong một thời gian khá dài. Clark là một anh chàng con nhà bình dân đến từ Smallville – một thị trấn nhỏ bé ở Kansas – sở hữu những quyền năng đủ làm biến anh ta thành thần thánh, nhưng Clark lại chọn trở thành anh hùng của những người nhỏ bé. Trong khi đó, Bruce lại có xuất thân giàu có nhưng chịu mất mát quá lớn đến mức nhân vật này trở thành hiện thân của báo thù, dành cả đời để rửa sạch Gotham khỏi tội ác. Đây là công thức đậm chất cổ tích và “trái dấu nên hút nhau” kinh điển trong các câu chuyện tình yêu điển hình.
Điều đặt biệt về Superbat là tính kinh điển của họ. Đây là cặp đôi đại diện cho tính cơ bản nhất của shipping – một thú vui sáng tạo không hơn không kém. Cặp đôi này cũng có nhiều truyện tranh, tiểu thuyết tự sáng tác, tranh ảnh tự vẽ nhiều nhất nhì trong danh sách này – một điều không ngạc nhiên mấy nếu xét tính biểu tượng của họ trong văn hóa đại chúng.
Tuy nhiên, thuở đầu, con thuyền Superbat không bắt đầu ngay lập tức như các các cặp còn lại trong danh sách này, mà mất vài thập kỷ kể từ khi họ được sinh ra đời trên những trang truyện, vào giai đoạn mọi thứ cởi mở hơn. Việc các fan DC “ship” cả 2 là hoàn toàn hiểu được khi cân nhắc 2 người hùng đều có nhau trong những tình huống nguy hiểm. Bất chấp câu cửa miệng “Tôi làm việc một mình” của Kỵ sĩ Bóng Đêm, Superman vẫn giữ một chỗ đặc biệt trong tâm trí của anh. Không phải ai cũng có vinh dự được Batman xem là biểu tượng không thể bị tha hóa và đại diện cho những gì tốt nhất của nhân loại, bất chấp Clark Kent là một người ngoài hành tinh đúng nghĩa, và ngược lại.
Dĩ nhiên, Superbat không thể trở thành canon – đi vào mạch truyện chính. Dù là thế, giữa hai người hùng chắc chắn tồn tại một tình bạn tri kỷ đáng ngưỡng mộ.
2. Cherik - Charles Xavier/Erik Lehnsherr
Thật ra, con thuyền Cherik – cách gọi trìu mến fan dành cho họ - chỉ nhận được sự chú ý nho nhỏ trước khi First Class ra đời. Thời điểm hình thành, con thuyền này chỉ được dựa trên truyện tranh. Nhiều thứ rõ ràng đã thay đổi từ năm 2011. Và 2 phần phim Days of Future Past và Apocalypse sau đó càng củng cố niềm tin của fan.
3 phần phim trên, dù có chất lượng trồi sụt, đã khắc họa một mối quan hệ rất nhiều “hint” giữa Charles Xavier và Erik Lehnsherr. Có thể là vô tình hay hữu ý, câu chuyện của cả 2 lên phim lại mang hình hài một chuyện tình đậm chất ngang trái chỉ có thể tìm được trong kịch Shakespeare. Cả hai có chung 1 lý tưởng nhưng trải nghiệm khác nhau khiến con đường thực hiện lý tưởng ấy đặt cả 2 ở hai chiến tuyến đối đầu nhau. Đó là tình huống bạn thành kẻ thù kinh điển đây. Nhưng họ chưa từng đánh mất sự tôn trọng dành cho nhau, như phiên bản già dặn của cả 2 đã chứng minh. Charles và Erik còn được xây dựng một cách ngụ ý họ là hai nửa hoàn hảo của nhau khi cả hai có thể truyền cảm hứng lẫn khắc chế lẫn nhau.
Màn đối đầu giữa Charles và Erik cũng là một điểm sáng của loạt truyện X-men. Nhiều tình huống trong phim lẫn truyện đều để lại một ấn tượng là giữa cả hai tồn tại thứ gì đó sâu sắc hơn. Charles và Erik có thể không cùng chia sẻ một đường lối tư tưởng, nhưng họ chưa từng từ bỏ niềm tin vào đối phương. Điều thú vị là mối tương tác giữa Charles và Erik, dù là trong truyện hay phim, dưới góc nhìn của các nhân vật khác đều được so sánh với hai chữ tri kỷ - một từ có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa với mức độ thân mật khác nhau.
Theo nhiều fan nhận xét, các phần phim X-men chưa thể thể hiện hết các ngóc ngách phức tạp trong mối quan hệ tri kỷ/đối đầu giữa Giáo sư X và Magneto như trong truyện, nhưng điều mà chúng làm đúng là khi tình huống trở nên khó khăn, cả hai người luôn gạt bỏ bất đồng ngay lập tức để hợp tác với nhau như hồi họ còn trẻ như đã thấy trong Days of Future Past. Còn trong nguyên tác truyện tranh, cả hai đã có cơ hội giúp nhau nhiều lần, ví như trong X-men Uncanny, Charles bị thương nặng nên đã nhờ Erik, người đầu tiên và không phải một ai khác, dẫn dắt các học trò của mình với lòng tin tưởng tuyệt đối, cho thấy cả hai hiểu nhau đến mức nào.
Cách fan ghép cặp Charles và Erik cuối cùng cũng đủ mạnh để trở thành nguồn cảm hứng cho bộ truyện Power of X và House of X trong năm 2019 – trong đây, cả hai cùng đến một hòn đảo và chung tay xây dựng một thiên đường cho các dị nhân. Chi tiết này khá giống với kết cục cuối cùng trong Apocalypse, khi Erik hứa sẽ cho Charles một mái nhà đúng nghĩa. Cherik không nằm trong canon của bất kỳ tuyến truyện X-men nào, ít nhất là một cách công khai, nhưng hai nhân vật mang tầm ảnh hưởng nhất trong vũ trụ X-men là tình bạn tri kỷ sâu sắc và bền bỉ nhất trong lịch sử truyện tranh Marvel.
3. Hannigram – Hannibal Lecter/Will Graham
Hannibal và Will trên thực tế đã được “ship” chỉ sau vài tập phim của series, cho thấy Hannibal “bắn hint” đến mức độ nào. Tuy là thế, các fan vẫn không tin rằng 2 nhân vật của họ sẽ thành một canon chính. Thứ nhất, Hannibal lấy cảm hứng từ nguyên tác văn học của nhà văn Thomas Harris. Hai là họ đã học được vài kinh nghiệm trong những năm kinh qua vô số phim ảnh và văn hóa Fandom. Nhưng khi series tiếp diễn, fan nhận ra bản thân series linh hoạt hơn nhiều. Thay vì “queer baiting” (một kỹ thuật marketing cho tiểu thuyết và giải trí trong đó người sáng tạo chủ động gợi ý và cài cắm yếu tố LGBT vào truyện để thu hút một bộ phận khán giả nhất định, nhưng sau đó không thực sự xây dựng một tuyến truyện ý nghĩa về những cài cắm đó) như các series khác, Hannibal đã thẳng thắn thừa nhận Hannibal, sát nhân hàng loạt ăn thịt người, nhìn nhận Will trên mức bạn bè, với sự xác nhận của chính đạo diễn Bryan Fuller. Nhưng Hannibal không phải là một chuyện tình đáng chúc mừng.
Hannibal theo chân đặc vụ FBI Will Graham chuyên trị những vụ án do các sát nhân hàng loạt tâm thần gây nên. Với trí tưởng tượng và khiếu đồng cảm (empath) phi thường, Will có thể đi sâu vào tâm trí của hung thủ dựa trên hiện trường chúng để lại để thấu hiểu thủ phạm, từ đó suy ra đường đi nước bước của chúng. Nhưng làm điều này thường xuyên có nguy cơ sẽ để lại trong Will một suy nghĩ nguy hiểm, vì bản thân anh cũng không phải là người có tâm trí ổn định (khả năng của anh đã khiến Will không thể có một tâm trí ổn định đúng nghĩa). Trong số các sát nhân đó có Hannibal – tay đồ tể vô cùng quyến rũ thường giết người và lấy thịt của họ để nấu nướng.
Có một tầng sâu sắc và thậm chí đáng thương trong cách Hannibal dành sự hứng thú ban đầu cho Will. Vì anh là người duy nhất không chỉ có thể nhìn nhận được con người thực sự của Hannibal, mà còn thấu cảm được “tâm hồn” của hắn. Hannibal đáng sợ ở chỗ là nó cho chúng ta thấy được khao khát tìm được người chấp nhận con người thật của bản thân – một nhu cầu chính đáng, nhưng series lại để kẻ đi tìm đó là một gã tâm thần (psychopath) với cái nhìn hết sức méo mó về nhân sinh quan.
Khi Will hiểu được ý đồ nghệ thuật hoặc ý định khinh thường Hannibal dành cho nạn nhân của hắn, gã đồ tể phấn khích. Lần đầu tiên trong đời, Hannibal biết đến khả năng hắn có một người bạn, một người có thể thấu hiểu hắn hơn bất kỳ ai. Nhưng trong đó, Hannibal cũng đang thỏa mãn trí tò mò không lương tâm của hắn với việc liệu hắn có thể kéo tên sát nhân ẩn giấu trong Will ra ánh sáng không? Câu trả lời cuối series là có. Dần dần, sự phấn khích của Hannibal trở thành một thứ tình cảm lớn hơn, nhưng chúng ta không thể đơn thuần gọi đó tình yêu. Từ đúng đắn hơn là ám ảnh. Và hắn ta đầu độc Will với nhiều màn thao túng, gaslight, vu khống tội danh, thúc đẩy Will đến gần với việc giết người, xáo trộn tâm trí của anh đến mức gây suy sụp thần kinh… cho đến khi Will cũng phải giải phóng phần tối trong mình để vây bắt được Hannibal – điều đòi hỏi Will phải hiểu tường tận tâm trí phức tạp và trí thông minh tuyệt vời của Hannibal. Việc “giải phóng” này đã thay đổi Will từ một người luôn cố gắng phân tách mình với bóng tối trong tâm trí đến trạng thái hoàn toàn hòa chấp nhận nó.
Hannibal không phải là một chuyện tình, mà series về hai kẻ không thể ngừng ám ảnh về nhau, nhưng không thể ngừng làm tổn thương nhau (vật lý lẫn tinh thần), cũng không thể sống thiếu nhau. Họ cứ gần nhau là sẽ có kẻ phải bỏ mạng, thường là biến thành các món ăn mỹ thực của Hannibal. Nếu bạn nghĩ Love và Joe đã đủ điên rồ, thì màn mèo vờn chuột đầy chất phóng xạ giữa Will và Hannibal sẽ chứng minh cặp đôi chính trong You chỉ là trò con nít.
4. Ineffable Husbands – Aziraphale/Crowley
Đây là một cặp đôi được “ship” mạnh mẽ nữa mới nổi lên gần đây theo series Good Omens, dựa trên nguyên tác văn học cùng tên của nhà văn Neil Gaiman. Trong đây, thiên thần Aziraphale và ác quỷ Crowley phải hợp tác để ngăn chặn tận thế. Lẽ ra đây không phải vấn đề lớn gì vì Aziraphale và Crowley đã là bạn thân thiết sau bao thế kỷ, nhưng tính cách trái dấu khiến cả hai bao lần cãi vã…rất ư là dễ thương. Và cũng giống với mối quan hệ giữa cả hai, Good Omens có nhiều chi tiết mang tính gợi ý về mối tình giữa hai ông thần lập dị này, từ những cử chỉ quan tâm đến các câu thoại hài hước sặc mùi tình cảm. Sau này, cả hai còn cùng nuôi dạy một đứa trẻ.
Neil Gaiman khi được hỏi liệu Aziraphale và Crowley có phải là một câu chuyện tình hay không? Câu trả lời là có và đáp án còn được củng cố bởi 2 diễn viên vào vai bộ đôi này. Vì thiên thần và ác quỷ được xem là vô tính, Aziraphale và Crowley được xem là cặp đôi non-binary (phi nhị phân) trong một mối quan hệ thân thiết theo mô típ xưa như quả đất trong lịch sử phim ảnh: thiên thần và ác quỷ.
5. Stucky – Steve Rogers/Bucky Barnes
Khi Marvel trỗi dậy, các chiến hạm tiềm năng cũng vậy. Và không con thuyền nào có thể sánh được với Stucky về độ nổi tiếng, trừ Stony – nhưng đó là một câu chuyện khác. Khởi điểm của Stucky cũng hao hao như con thuyền Cherik, hầu như chẳng tồn tại mấy trong nguyên tác truyện tranh, cho đến khi một bộ phim ra đời thay đổi tất cả. Mặc dù không phải ý định của các nhà làm phim, ba phần phim Captain America: The First Avenger, The Winter Soldier và Civil War đã cho fan đủ lý do để “đẩy thuyền” đôi bạn thân này. Stucky cũng thổi bùng cuộc tranh cãi trong bộ phận fan cấp tiến về việc liệu Marvel có đang lạm dụng “queer baiting” hay không?
Tạm gác vấn đề đó sang một bên, “chuyện tình” giữa Steve và Bucky diễn ra khá tự nhiên với độ chemistry vô cùng đúng điệu kết hợp với công thức lãng mạn cổ điển trong từ văn học đến phim ảnh – hai bên từng thân thiết nay buộc phải đối đầu nhau, và nhiều yếu tố khác.
The First Avenger đáng lẽ khắc họa tình chiến hữu giữa Bucky và Steve song song với tình yêu giữa Steve và Peggy. Thật đáng tiếc là mối tương tác giữa Steve và Peggy lại kém xa những ánh mắt mà đôi bạn thân kia trao nhau. Hai phần phim còn lại đặt Bucky và Steve vào trọng tâm thúc đẩy câu chuyện càng khiến người ta tin tưởng có một thứ gì sâu sắc hơn giữa hai người. Chưa kể đến tầm ý nghĩa của câu nói “I’m with you till the end of the line” đã đánh thức một chút nhân tính còn sót lại nơi Bucky trong trận chiến trên Hellcarrier trong The Winter Soldier là một phân cảnh cho thấy lịch sử giữa cả 2 sâu đậm đến thế nào.
Steve và Bucky đã bảo vệ nhau từ hồi còn đi học đến khi lên chiến trường. Ngay cả khi cả hai đổi chỗ cho nhau, Bucky phải đứng trong cái bóng của người bạn không những giờ không còn cần anh bảo vệ nữa, mà còn là một biểu tượng quốc gia, Bucky vẫn không ngần ngại sát cánh với Steve vào sinh ra tử. Trong thế giới của Steve, Bucky là cầu nối cuối cùng giữa anh và năm tháng quá khứ càng khiến tình cảnh của Steve thêm buồn bã. Nó cũng thúc đẩy bản năng bảo vệ của Steve hơn cả.
Dĩ nhiên, chẳng sao cả nếu bạn nhìn nhận cả 2 là đôi bạn rất thắm thiết, nhưng cũng chẳng thể chối bỏ các ẩn ý từ đó, nhất là khi Steve chống đối cả Liên Hợp Quốc trong Civil War để bảo vệ Bucky và việc anh chẳng có tí chemistry gì với Sharon Carter cả. Đáng kinh ngạc là “chiến hạm” Stucky lớn mạnh từng ngày, với việc trở thành tag nổi tiếng nhất trên nền tảng Archive of Our Own và các tranh ảnh lẫn số lượng lớn truyện tự sáng tác về cả hai được sinh ra, đã được đồn đoán rằng là lý do sự tương tác giữa Bucky và Steve trong Infinity War bị giảm đi đáng kể và cái kết cuối phim của Endgame càng khiến các fan không mấy hài lòng.
6. Johnlock – John Watson/Sherlock Holmes
Bạn tin hay không thì tùy, có một thời gian, câu hỏi khiến các fan của bộ truyện Sherlock Holmes do nhà văn Arthur Conan Doyle chấp bút phải đau đầu là xu hướng tính dục của vị thám tử lừng danh này và theo đó là mối quan hệ giữa ông và cộng sự John Watson. Cuộc tranh cãi đến nay vẫn chưa đi đến một câu trả lời thống nhất nào. Và nghi vấn tương tự lại tái diễn trong series Sherlock của BBC.
Series Sherlock đã dành nhiều chi tiết ám chỉ mối quan hệ trên mức bạn bè, sau này là tri kỷ, giữa hai nhân vật Sherlock Holmes và John Watson. Như Moriarty đã nói thẳng John là trái tim của Sherlock trong tập 3 mùa 1. Sherlock thậm chí không lên tiếng đính chính khi chủ nhà hàng ngụ ý rằng anh ta dẫn bạn trai là John đến dùng bữa đầu mùa 1 series. Còn bà Hudson, chủ nhà kiêm quản gia bất đắc dĩ của Sherlock nhiều lần nhận xét John là bạn trai tốt của Sherlock. Ngay cả chính bạn gái của John cũng thừa nhận dù ở bên cô, một phần của John lúc nào cũng hướng về và tận tụy với Sherlock. Và còn nhiều chi tiết khác nữa, hầu hết đều xuất phát từ góc nhìn của những người thứ 3 nhìn vào nhận xét mối quan hệ của cả hai.
Trường hợp của Sherlock Holmes không mấy làm hài lòng các fan với yếu tố “queer baiting” rõ ràng của nó. Nhưng một số fan vẫn để con thuyền Johnlock ra khơi.
7. K/S – James T. Kirk/Spock
Trước khi bản reboot năm 2009 được ra mắt với sự tham gia của Chris Pine và Zachary Quinto, Star Trek: Original Series đã đặt nền tảng cho một franchise sci-fi lớn ở Hollywood và thu hút một lượng fan khổng lồ từ thập niên 60 đến nay. Và đây cũng là thời điểm K/S ra đời. Trong số các “chiến hạm” huyền thoại của giới fandom và các shipper, “phi thuyền” tầm cỡ phải kể đến hai nhân vật thuyền trưởng tàu Enterprise James T. Kirk (Jim) và thuyền phó Spock – con lai giữa người trái đất và chủng tộc Vulcan.
Đây được xem là cặp đôi được “ship” sớm nhất và là khởi nguồn của văn hóa shipping. Điều đáng ngạc nhiên là sự hình thành của cặp đôi này trong suốt chiều dài franchise Star Trek đã được Fandom của thương hiệu giữ gìn và phát triển, thậm chí bàn luận công khai – một điều rất hiếm khi xảy ra trong thời nay, huống chi là vào những thập niên 60 và 70. Câu hỏi lớn nhất mà các shipper của K/S là liệu hai nhân vật được yêu thích của họ có thật sự có cảm tình trên mức tình bạn với nhau. Và câu hỏi ấy đã dẫn đến những cuộc tranh luận nảy lửa giữa các fan và những bộ não biên kịch, diễn viên làm nên Star Trek. Một chi tiết thú vị là những chi tiết mang tính “homoerotic” (gợi dục đồng giới) trong mối quan hệ giữa Jim và Spock không hề được cố tính cài cắm dưới hình thức “queer-coding” (ẩn ý tình yêu đồng giới, thường được sử dụng để phim không bị kiểm duyệt trong khuôn khổ Hays Code) nào, mà xuất hiện hết sức tự nhiên. Ít nhất là theo cách nhìn nhận của fan.
Trong Star Trek: Original Series, Kirk và Spock không xuất phát từ một học viện như bản reboot 2009, mà đã có dịp cộng tác một thời gian trên tàu Enterprise. Original Series không chỉ nói về các cuộc phiêu lưu của con tàu trong vũ trụ bao la. Mặc dù bản thân Star Trek: Original Series là một biên niên sử về các chuyến đi khám phá các thế giới mới vượt khỏi biên giới Trái đất, bộ phim cũng khắc họa một tình bạn thăng trầm nhưng bền chặt theo năm tháng của hạm đội Enterprise mà trong đó Kirk và Spock nổi trội hơn tất cả. Không phải chỉ vì họ là nhân vật chính, mà còn vì sự gắn kết giữa cả hai có thể gọi là vượt lên tình bạn đơn thuần.
Trong mắt của rất nhiều fan thời bấy giờ, việc cả hai luôn hy sinh cho nhau trong mỗi nhiệm vụ của họ đã khiến các fan ấy nhìn nhận mối quan hệ giữa cả hai theo chiều hướng lãng mạn, ví như sự kiện chết và hồi sinh của Spock và hệ quả nỗi mất mát đó đối với Kirk, cũng như mối mâu thuẫn của Spock về cảm xúc của bản thân dành cho người bạn thân – chủng tộc Vulcan từ lâu đã chọn sống vì logic, thay cho các cảm xúc cá nhân. Chưa kể đến đôi bạn thân này còn chia sẻ những khoảnh khắc rất tình cảm và những câu thoại không khác mấy loại thường thấy trong các phim tình cảm.
Dù mối quan hệ trên mức bạn bè giữa Kirk và Spock chưa từng được khẳng định, chiến hạm của cả 2 vẫn tồn tại một vị trí quan trọng trong lòng các fan của thương hiệu Star Trek. Dĩ nhiên, dù họ không phải tình nhân, một điều không hề thay đổi là cả hai là tri kỷ của nhau.
8. Destiel – Castiel/Dean Winchester
Destiel là tên mà các fan của series Supernatural – một trong những loạt phim dài hơi nhất trong lịch sử truyền hình trong thập niên 2000 với tuổi đời lên đến 15 năm, 15 mùa phim – dành cho cặp “ship” Thiên thần Castiel và thợ săn quỷ Dean Winchester. Supernatural đã dọn đường cho con tàu này ngay khi nhân vật Castiel bước vào series với nhiều lần tung “hint”, như nhiều nhân vật từ châm chọc Castiel luôn làm tất cả cho “anh chàng bạn trai” là Dean cho đến thẳng thừng gọi Dean là “bạn trai” của Castiel. Chưa kể đến những lần tương tác giữa Castiel và Dean đều được “chèn” những gợi ý nhấn nhá hai người có mối quan hệ tình cảm, hoặc ít nhất là Castiel có cảm tình lãng mạn đối với người còn lại. Có lần Dean nhắc đến Purgatory, một quán bar dành cho người đồng tính nam ở Miami. Hay khi anh ta nói đùa về việc mở một "nhà nghỉ chỉ phục vụ bữa sáng quyến rũ ở Vermont", bang đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Bên cạnh đó, chi tiết Castiel chỉ xuất hiện khi Dean là người gọi tên anh ta cũng góp phần củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa cả hai trong series.
Nhưng Supernatural cũng là một thành phẩm trong thời đại của nó. Đó là những năm mà “queer baiting” vô cùng phổ biến và là vấn đề chưa thực sự được quan tâm đúng đắn. Supernatural nổi tiếng là có thói quen xấu này. Trên thực tế, tính “queer baiting” của series là một thành quả của hoàn cảnh.
Đến mùa thứ 3, Supernatural gặp phải một chướng ngại khá lớn là cuộc đình công của các biên kịch Hollywood, dẫn đến mùa 3 phải kết thúc với việc Dean bị kéo xuống địa ngục như một cách để câu giờ. Cuộc đình công cũng có nghĩa là chất lượng kịch bản xuống dốc theo. Đến khi mùa 4 bắt đầu, hứng thú với series đã giảm đi đáng kể. Nên các nhà sản xuất của series phải đem đến một yếu tố bất ngờ để tăng vị cho bộ phim. Yếu tố đó là thiên thần Castiel.
Castiel lẽ ra chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, giải cứu Dean, sống qua vài tập rồi “lên đường”. Người thay thế anh ta lẽ ra Thiên thần Anna, người sau đó dự định trở thành chủ thể lãng mạn của Dean. Nhưng không thể ngờ được là các fan của series lại vô cùng thích thú với nhân vật này, nhất là khi anh ta chia sẻ khung hình với Dean. Cộng với việc từ đầu mùa 1 đến giờ hai anh em Winchester không có lấy một tình yêu nào sống đủ lâu để khán giả nhớ mặt, Castiel lại được xem là nhân tố khỏa lấp chỗ trống ấy. Điều đó đã đem được một bộ phận khán giả đa dạng hơn đến với series, đại diện cho những biến động xã hội của thập niên 2000 trong vấn đề nhân quyền và sự đa dạng – một điều hoàn toàn bất ngờ ngay cả với nhà sản xuất đã định hướng cho Supernatural là series dành cho nam giới trẻ tuổi hơn nữ giới và cộng đồng LGBT bấy giờ.
Vậy là để giữ chân người xem, Castiel đã trở thành một trong những nhân vật chính trong series. Những câu thoại nhấn nhá sự mùi mẫn của mối quan hệ giữa Dean và Castiel trước đó cũng tăng lên. Và thế là Destiel ra đời. Series cũng muốn lấy lòng những người xem bảo thủ hơn của series nên mối quan hệ giữa Castiel và Dean không thể đi xa hơn sự gợi ý. Tính ẩn ý này đã thỏa mãn điều kiện làm hài lòng tất cả người xem của Supernatural. Đi một vòng lớn, series đã quay về tính “queer baiting” ban đầu của nó và lâu dần trở thành một thói quen mang tính tăng dần cho đến khi một nhận định được đưa ra là họ thật sự có cảm tình với nhau. Đến mùa cuối cùng, việc này cũng chính thức trở thành hiện thực khi Castiel thú nhận tình yêu của mình dành cho Dean…rồi sau đó vong mạng trước khi nghe câu trả lời từ phía Dean. Chi tiết này cũng biến Destiel thành canon của series theo cách bi kịch và gây tranh cãi nhất. Lúc đó, fan nhận xét rằng, một cách đau lòng, đã trễ rồi!
Dù gì thì Destiel cũng sống mãi trong lòng các fan rồi. Và sức sáng tạo của Fandom là vô tận, nên có lẽ họ đã tìm được kết thúc có hậu ở đâu đó trong vùng trời sáng tác của người hâm mộ.
Sức sáng tạo của các fandom là một trong những nguồn sống nuôi dưỡng chủ thể được shipping ở đây. Nó bảo đảm các dự án phim ảnh, truyền hình, văn học, truyện tranh…luôn có một bộ phận khán giả đón nhận. Khi vừa ra đời, shipping chỉ đơn thuần là một thú vui thì nay đã trở thành một lý tưởng cho các vấn đề xã hội, đóng vai trò là tiếng nói cởi mở và tiến bộ. Dĩ nhiên, việc nào cũng có 2 mặt của nó. Một khi trở thành lý tưởng, cộng đồng shipper đã phải chịu nhiều điều tiếng đến từ các bộ phận quá khích. Ngay cả họ cũng không chịu nổi hay ủng hộ các shipper độc hại, quá khích hay cực đoan.
Đối với việc shipping, phần thưởng trong mơ của các shipper là nhìn thấy các “con thuyền” (từ ship, ghép hai nhân hoặc nhiều nhân vật với nhau, đồng nghĩa với "ship" – thuyền, bè trong tiếng Anh) trở thành một tuyến truyện chính. Nhưng nếu điều đó không thành sự thật cũng không sao. Những chiếc thuyền ấy vẫn sống trong lòng các fan.