[TỔNG HỢP] Eat Pray Love, Nomadland, Wild... - Những chuyến hành trình không ngừng truyền cảm hứng

Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

"Nhiều khi chúng ta ra đi không phải vì “vô trách nhiệm”, chỉ là khi đi rồi mới thấy rõ con người trong mình, mới biết chúng ta thiếu gì mà thôi."

“Đi phượt” – cụm từ thường bị xem là thú vui xa xỉ của những kẻ rỗi việc. Nhưng đôi khi chúng ta phải ra đi để tìm một thứ thiêng liêng trong đời, ví dụ như câu nói những người trẻ hay bảo nhau đi để thấy nhà là thiêng liêng. Nghe có vẻ thật triết lý, song con người là sinh vật tò mò và đã không ngừng tìm tòi ý nghĩa của cuộc sống bên những ngày mòn mỏi trước màn hình, đi đi về về sớm hôm.

Nhiều trong số này đã nghe một tiếng gọi phương xa và lên đường, nhưng có những cá nhân bị thúc đẩy khỏi vùng an toàn. Dù thuộc về bên nào đi nữa, một điều chắc chắn là những chuyến đi có ý nghĩa sâu sắc hơn và họ, những nhà thám hiểm bất chấp tuổi tác, đã thay da đổi thịt trong từng dặm đường mình trải qua. Bỗng nhiên, họ nhận ra cuộc đời còn nhiều cảnh quang đẹp đẽ và bản thân còn nhiều góc khuất lắm. Điển hình như các “nhà phiêu lưu” dưới đây.

Elizabeth Gilbert (Eat, Pray, Love) – Người đi tìm chính mình

Medium
Medium

Trong số các phim tạo cảm hứng cho các tâm hồn xê dịch phải kể đến Eat, Pray, Love. Đây là một bộ phim nhẹ nhàng có phần lãng mạn về những chuyến hành trình đến các khung trời mới. Và ai cũng có thể thấy một chút của chính mình trong nhân vật Elizabeth Gilbert (nhân vật có thật do Julia Robert thủ vai trong phim).

Dựa trên cuốn sách tự sự cùng tên, Elizabeth có một cuộc sống nhiều người mơ ước. Nhà cửa khang trang, một người chồng và một sự nghiệp thành đạt. Nhưng trong những lúc một mình, cô lại cảm thấy cô đơn và thiếu thốn gì đó bản thân không hiểu được. Đến khi hôn nhân của cô kết thúc đột ngột, Elizabeth quyết định gác lại mọi thứ, xách ba lô lên và đi. Trong chuyến đi đó, cô tìm thấy linh hồn cảm hứng trong ẩm thực ở Ý, sức mạnh tinh thần ở Ấn Độbình yên tâm hồn ở Indonesia.

Elizabeth không phải là nhân vật hoàn hảo. Cô cũng có nhiều tật xấu bên cạnh những ưu điểm của mình. Nhưng cô là hình ảnh của những người đã và đang miệt mài bên những màn hình hay đống tài liệu. Có một thực tế là chúng ta hiểu được rằng hạnh phúc không chỉ đến từ những thỏa mãn vật chất. Đã lâu rồi con người đều bị bó buộc trong các kỳ vọng rất truyền thống, như một căn nhà, một sự nghiệp ở tuổi 30 và một người bạn đời lý tưởng nhất là cưới trước cột mốc trên. Và chúng ta đã cố o ép bản thân theo những kỳ vọng đó, như một cuộc chạy “deadline” không hơn không kém. Nhưng sau đó thì sao?

Và câu hỏi đó khiến nhiều người thao thức trong những bức tường không biết từ bao giờ đã trở nên ngột ngạt. Rồi chúng ta lấy dũng cảm để lên đường. Nhiều khi chúng ta ra đi không phải vì “vô trách nhiệm”, chỉ là khi đi rồi mới thấy rõ con người trong mình, mới biết chúng ta thiếu gì mà thôi.

Wild (2014) – Đi để chữa lành

VnExpress
VnExpress

Nhiều cuộc hành trình không bắt đầu với ý nghĩ giữa đêm, nhiều hành trình bắt đầu bằng nỗi đau và kết thúc với sự chữa lành. Như Cheryl Strayed (một nhân vật có thật do Reese Witherspoon thủ vai) đã nhận ra. Dựa trên một câu chuyện có thật, Cheryl và Wild là minh chứng cho sức mạnh chữa lành của các chuyến đi và khả năng bền bỉ của con người.

Cuộc sống đang yên lành thì Cheryl chịu cú sốc mất mẹ. Để bản thân không cảm thấy đau, Cheryl bắt đầu dùng heroin và những cuộc tình một đêm chóng vánh dù đã có chồng, dẫn đến hôn nhân đổ vỡ. Nhưng ngay cả khi chứng kiến hậu quả như vậy, cô vẫn không tài nào nguôi ngoai để sắp xếp lại cuộc sống. Đến một ngày, không còn chịu đựng được nữa, Cheryl quyết định đi phượt bộ trên đường mòn Pacific Crest dài hơn 4 nghìn kilomet xuyên nước Mỹ, bất chấp không có kinh nghiệm trekking nào. Nhưng trên cung đường vừa đẹp vừa thách thức đó, trong những cuộc gặp gỡ muôn vàn những con người mới với vấn đề của riêng họ dọc đường, Cheryl tìm được sức mạnh để vực dậy chính mình.

Critikat
Critikat

Wild so với nguyên tác có phần cô đọng hơn, do phim phải tóm gọn hành trình kéo dài 94 ngày của cô trong 115 phút. Với cách kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh đẹp và hiệu quả, Wild đã không đánh mất thông điệp mà phim lẫn sách muốn truyền tải. Có thể chúng ta chưa thực sự biết bản thân mạnh mẽ thế nào khi biến cố xảy đến, nhưng đừng bao giờ từ bỏ bản thân, ngay cả khi bạn nghĩ mình đã lạc lối.  

Tom (The Way) – Chưa bao giờ quá muộn để làm nhà phiêu lưu

Nhiều người cho rằng đi phượt chỉ là thú vui của người trẻ. Tom trong The Way (2011) sẽ làm bạn thay đổi nhận định đó. Lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật, The Way thuật lại quá trình một người cha đến châu Âu để nhận lại thi thể của con trai. Anh đã mất trong một cơn bão khi cố gắng vượt đường mòn Camino de Santiago (tạm dịch: Con đường của Thánh James) – một mạng lưới các đường hành hương của các tín đồ Thiên Chúa Giáo đến nhà thờ Santiago de Compostela, Tây Ban Nha, nơi chôn cất hài cốt của thánh James. Khi biết con đã mất trên chuyến hành trình, ông quyết định thay con đi nốt quãng đường với hài cốt của con trai.

Cái hay của The Way chính là Tom. Ông đại diện cho một thế hệ với những quan điểm rất truyền thống. Trong mắt ông, đi phượt là một thú vui của những người trẻ vô công rỗi nghề, vô bổ và thậm chí là ích kỷ, mang tính trốn chạy những trách nhiệm. Nhưng rồi khi chính ông bước trên những dặm đường con trai từng trải qua, thành kiến của Tom mới dần biến mất. Hóa ra con người ta lên đường không phải vì trốn chạy. Như những tín đồ từng hành hương trên đây, những phượt thủ cũng đang tìm “đức tin” thiêng liêng của mình.

Walter Mitty (The Secret Life of Walter Mitty) – Dũng khí để thoát khỏi vùng an toàn

Một phượt thủ có tuổi khác từng gây ấn tượng trên màn ảnh phải kể đến Walter Mitty, một ông chú trung niên, mắc kẹt trong cuộc sống quá đỗi bình yên, làm công việc văn phòng lặp đi lặp lại qua ngày. Trớ trêu thay, Walter lại làm việc với một nhiếp ảnh gia với tâm hồn xê dịch hầu như đã đi khắp 5 châu 4 biển. Mỗi lần đến “deadline”, vị nhiếp ảnh gia này lại gửi cho Walter một chiếc ví làm kỷ niệm tình đồng nghiệp lâu năm. Cho đến một ngày, Walter phát hiện đồng nghiệp mình đã quên gửi bức ảnh rất đắt giá cho tòa soạn. Thế là ông chú văn phòng buộc phải xách ba lô lên và đi, dựa theo manh mối là các tấm ảnh được gửi đến trước đó để lần ra vị trí của vị nhiếp ảnh gia. Ai ngờ được ông chú đi tìm ảnh thì tìm được cả lòng gan dạ của mình luôn.

The Secret Life of Walter Mitty là một bộ phim rất ấm áp, tràn đầy năng lượng tích cực và vô cùng truyền cảm hứng với Walter Mitty chính là công cụ chính để thổi sự tích cực lẫn cảm hứng để cuồng chân này vào lòng người xem. Luôn có một Walter Mitty trong mỗi người chúng ta - The Secret Life of Walter Mitty nói – rằng chúng ta đã từng mơ mộng, trầm trồ trước những cuộc phiêu lưu của người khác nhưng quá sợ hãi để bức phá khỏi vùng an toàn của bản thân. Nhưng cơ hội cho một chuyến phiêu lưu của riêng mình luôn ở đó. Khi nó đến gõ cửa, dù có là vì công việc hay mưu cầu bản thân, dù có là tìm một mục đích sống hay chỉ để du lịch, hãy hít một hơi thật sâu và lấy dũng khí để nắm bắt nó.

Vì giữa những cảnh quan mới lạ bạn chưa đặt chân đến, từ một quán bar nho nhỏ ở Greenland hay giữa bình nguyên hoang sơ của Himalaya, bạn sẽ thấy cuộc sống có nhiều màu sắc tươi đẹp hơn cả cầu vồng và sau mỗi hành trình, hãy để những khoảnh khắc đáng nhớ trong đó tái tạo sức sống trong bạn.

Fern (Nomadland) – Nhà là nơi trái tim thuộc về

Nếu những người trên đều có lý do để xách ba lô lên và đi thì Fern trong Nomadland lại không có sự may mắn này. Cô phải xê dịch vì tình thế bắt buộc. Nhưng chuyến hành trình của cô vẫn không ngừng truyền cảm hứng. Mất việc khi kinh tế lao dốc, phụ nữ đã ở tuổi trung niên như Fern phải “bật gốc” cả cuộc sống cũ và trở thành người du mục hiện đại tại Nevada, Mỹ. Nhà cô giờ đây là một chiếc xe tải lưu động, “đồng hương” là những người du mục khác, rong ruổi khắp miền Tây nước Mỹ, sinh sống bằng các công việc bán thời gian, ngắn hạn.

So với Eat, Pray, Love, Nomadland là một nốt trầm khi nói về văn hóa xê dịch. Trái với khía cạnh mĩ miều của lối sống được xem là đỉnh cao của sự tồn tại – khi người sống chọn từ bỏ vật chất và sự xô bồ của xã hội để trở về với sự bình dị, hài lòng với của cải ít ỏi và nhiều tự do hơn – Nomadland khắc họa một cộng đồng bị ép buộc rời khỏi sự ổn định. Họ là du mục bất đắc dĩ, mất mát và cay đắng. Nomadland giống cuộc đời của Fern vậy, bề mặt bình lặng ẩn chứa những sóng ngầm, sau đó là bình yên với nhiều nỗi niềm và cuối cùng là tự do khi tâm trí nhận ra chân lý trong hoàn cảnh nghiệt ngã.

VOI
VOI

Bộ phim này là một lời cắt nghĩa cho câu nói “nhà là nơi trái tim ta thuộc về” mà bạn hay nghe được trong các phim Disney, nhưng sử dụng ngôn ngữ thực tế và trưởng thành hơn. Trong hành trình du mục của Fern, trái với nỗi buồn u ám luôn chực chờ trong các cảnh quay ngoại cảnh đẹp hút hồn, là một thông điệp lạc quan. Ngay cả khi trong thời điểm thấp nhất của cuộc đời, cái may vẫn còn đó.

Đối với Fern, đó là thời gian để tĩnh tâm, nhìn nhận cuộc sống trước mắt với bao niềm vui lẫn nỗi đau âm ỉ tột cùng, những cảnh quan đẹp đẽ và sự tự do hầu như đã biến mất trong thế giới của hiện đại. Trên những cung đường, dù hầu như không sở hữu của cải gì đáng giá nữa, Fern gặp những người bạn chân thành, để họ dạy bà cách vượt lên mất mát và cuối cùng là cho bà một mái ấm thực sự - nơi mà Fern có thể cảm nhận bản thân thật sự có thể gọi là nhà. Nên dù nó không có mái che, Fern vẫn không cảm thấy lạnh – điều mà không phải ai cũng đạt được trong đời.

Tìm những hành trình đầy cảm hứng cho riêng bạn tại Trip.Social