Vũ trụ Điện ảnh Marvel - Phase 5 đến và đây những điều fan mong mỏi MCU sẽ sửa đổi
Phim Siêu Anh Hùng · Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·
Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) cần phải có những điều chỉnh để sau Phase 4 đang dần đẩy Vũ trụ tiến đến thảm họa.
Tuần vừa qua là một tuần toàn tin vui của những người hâm mộ thể loại siêu anh hùng. Thông qua sự kiện Comic Con hàng năm, một loạt những trailer về các tựa phim tiếp theo được tung ra. Theo đó là công bố về giai đoạn 5 – Phase 5 – của MCU. Black Panther 2 đặt nền móng cho một Báo Đen mới sau sự ra đi đột ngột của Chadwick Boseman. Đây cũng sẽ bộ phim khép lại Phase 4 hiện tại của MCU. Bên cạnh đó, những series mang nhãn Marvel cũng rục rịch trở lại màn ảnh nhỏ. Có thể nói, những tháng cuối của năm 2022 và năm 2023 là một năm vui vẻ với những fan nhà Marvel.
Mong chờ cũng mang đến những kỳ vọng. MCU bước qua giai đoạn mới với những cái tên như Ant-Man and the Wasp: Quantumania, Blade, Guardian of the Galaxy 3, Captain America: New World Order, Phase 6 có 3 sự kiện Avengers với sự kiện chống Kang và Secret Invasion, những kỳ vọng cho MCU tương lai đang lên cao nhất. Sau đây là những điều mà fan cần MCU tiến bộ hơn sau phase 4 không mấy thành công này.
1. Phản diện ấn tượng được trân trọng
Phase 4 có thể nói là giai đoạn kém nhất của MCU về chất lượng phim, xuất phát từ những sai lầm của Marvel Studio cộng hưởng với đại dịch COVID 19 khiến doanh thu tụt dốc. Nhưng về phản diện, Marvel vốn đã gặp khó ngay từ đầu và đến nay vẫn không có dấu hiệu khá lên.
Hầu như các phản diện của các phim thuộc Phase 4 đều mắc kẹt trong vòng tròn chung chung - đáng quên. Nhưng gây thất vọng hơn cả là những phản diện đặc sắc chống lại khuôn mẫu nhàm chán lại không nhận được hào quang xứng đáng.
Black Widow bên cạnh một cuộc phiêu lưu tẻ nhạt của Natasha đem đến một phản diện thù ghét phụ nữ nói nhiều hơn làm thích thống trị thế giới chung chung. Eternals chỉ chống lại thủ lĩnh Ikaris một chiều. Spiderman: No Way Home dựa vào hào quang của quá khứ về tuyến phản diện và Doctor Strange in the Multiverse of Madness có một Wanda độc ác rất khiên cưỡng. Điểm sáng hiếm hoi của tuyến phản diện ngoài Loki và Thanos thuộc về Vân Vũ của Shang-Chi và Gorr trong Thor: Love and Thunder.
Phase 5 và 6 sẽ chứng kiến nhiều phản diện mới bước lên màn ảnh, một trong số họ còn là một nhân vật hết sức quyền năng. Đến thời điểm hiện tại, người xem hoàn toàn có quyền đòi hỏi Marvel sáng tạo và xây dựng tuyến phản diện tốt hơn. Và thời khắc đó chính là Phase 5 sắp tới đây.
2. Bỏ đùa cợt, nghiêm túc hơn
Những câu đùa cợt, những màn tung hứng, cãi vã vu vơ đến nay đã trở thành “đặc sản” của các phim MCU. Thật hiếm để tìm một phim MCU không có những tình huống chọc cười hay các câu bông đùa giữa lúc cao trào. Nhưng lần một có thể ấn tượng, lần 2, lần 3 có thể coi là miễn cưỡng, nhưng đến nay, thứ “đặc sản” này đã trở thành một nỗi phiền toái không để lại gì ngoài sự vô duyên ngán ngẩm.
Một bộ phim cần nhiều chỗ nghỉ, khoảng trống để người xem có thể hít thở, còn những màn cao trào cần sự liên tục, các khoảnh khắc gay cấn cần…sự gay cấn không bị cản trở bằng những câu thoại hết sức vô duyên, và những khoảnh khắc bi thương hoàn toàn không cần đến những câu hài. Đỉnh điểm là Thor: Love and Thunder. Toàn bộ bộ phim này chẳng khác nào một phim hài vô bổ buồn chán đến mức sỉ vả toàn bộ tuyến truyện của Thor trong MCU.
Marvel cần phải hiểu rằng phim của họ cần sự nghiêm túc hơn là những câu đùa vô dụng và một phim siêu anh hùng nghiêm túc chẳng sao cả. Việc bị triệt sản cưỡng chế là một sự kiện gây sang chấn, nó không cần tính bông đùa của Yelena và Sergei. Shang-Chi đang trải qua một bi kịch gia đình đã đưa anh đến một con đường rất khác. Tấn bi kịch này không cần một Katy lúc nào cũng thiếu nghiêm túc. Một số lời bông đùa còn không hợp với tính cách nhân vật, như câu “That’s American ass” chẳng hạn.
Lược bỏ thứ “đặc sản” này còn giúp họ cắt bỏ những nhân vật thừa thải như Katy (Awkwafina) trong Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings (Katy đáng ra chỉ nên xuất hiện vào đoạn đầu). Black Panther: Wakanda Forever sắp tới khởi đầu bằng một bi kịch, hãy tưởng tượng những câu đùa rỗng tuếch của Marvel xuất hiện trong đây?
3. Tính kết nối được đề cao
Khía cạnh khó chịu về MCU lúc này trớ trêu thay là vũ trụ rộng lớn mà nó dày công xây dựng. Một mặt chúng ta có những phim điện ảnh, mặt khác chúng ta có các series dành cho kênh Disney+. Các series này diễn ra trong thế giới của MCU, nhưng chẳng có sự liên kết nào giữa các phim điện ảnh và các series của họ cả.
Ngay cả vũ trụ MCU cũng đang gặp rắc rối trong Phase 4. Ít nhất các giai đoạn trước, thế giới của MCU còn giữ tính thống nhất giữa các chi tiết. Nhưng thế giới MCU hiện nay lại xuất hiện những tình tiết mâu thuẫn lẫn nhau, trong khi không phim nào của Phase 4 nhắc đến sự kiện lớn nhất đã thay đổi MCU – cú búng tay của Thanos.
Thiếu vắng tính liên kết này khiến MCU ngày càng rời rạc và thiếu logic. Dường như MCU hiện tại chỉ là những bước đệm sản xuất những nhân vật hạng B mới để dành cho tương lai (có lẽ vì thế mà chất lượng của những phim này chẳng khác hàng thứ cấp). Đây là điều cần thay đổi trong Phase 5. Tại sao sản xuất những series này mà không kết hợp nó vào viễn cảnh lớn hơn.
“Công thức Marvel” là cụm từ mà hầu hết các fan của thể loại siêu anh hùng đã nghe qua ít nhất 1 lần. Nó ám chỉ một khuôn mẫu mà Marvel o ép các phim của họ vào đó nhằm tạo nên một phim thành công về doanh thu. Và nó hiệu quả, nhưng nó cũng mang đến những bộ phim nhàm chán, nhạt nhẽo, dễ quên. Nếu không có lượng fanbase mạnh mẽ được Marvel khéo léo nuôi dưỡng trong 2 thập kỷ, những dự án này khó mà để lại vết hằn nào trong thị trường phim ảnh. Nhưng đó là một vấn đề khác. Ở đây, người hâm mộ đang dần chán ngấy công thức này và cách nó cản trở những sáng tạo đáng hoang nghênh, ví dụ như Eternals.
Một đoạn mở đầu, exposition, những câu đùa, cameo, easter-egg rồi cuối cùng là những trận đánh CGI hoành trang, các phim tuân thủ công thức này mới đây phải kể đến Spider-Man: No Way Home và Doctor Strange in the Multiverse of Madness hoàn toàn sống bằng những màn cameo và easter-egg, còn nội dung thì tầm thường. Có lẽ đã đến lúc công thức này được hạn chế trong Phase 5 và 6 rồi, nhằm mở đường cho lối kể chuyện sáng tạo hơn.
5. Đầu tư vào nhân vật
Mặc dù là một trong những thương hiệu thành công nhất Hollywood về mặt doanh thu, MCU luôn bị phê bình trong cách xây dựng nhân vật. Tính nhất quán không phải là thế mạnh của MCU và dàn nhân vật của họ là minh chứng rõ nhất. Đến nay, Tony Stark là nhân vật duy nhất có thể coi là có tuyến truyện hoàn chỉnh nhất với tính thống nhất cao. Từ một kẻ ngạo mạn, ích kỷ, Tony dần trở thành một người hùng biết hy sinh như bài học anh đã học được trong hang ổ của bè lũ khủng bố, khi Yinsen – một người hoàn toàn lạ mặt, đã xả thân để Tony có thể hoàn thiện bộ giáp và trốn thoát. Còn lại, những nhân vật phải chịu số phận mà người viết gọi là “hiệu ứng yo-yo”. Tức, họ liên tục nhảy từ điểm A bắt đầu hành trình đến điểm B nhiều lần mới đến được điểm C kết thúc hành trình. Đường đi cũng uốn lượn như vậy.
Wanda sau cả một series học cách buông bỏ để cứu người dân ở Westview thì phát điên vì những đứa trẻ chưa từng tồn tại trong Doctor Strange in the Multiverse of Madness, Spider-Man Peter Parker phải mất 3 bộ phim để học một bài học duy nhất, Thor sau 4 phần phim vẫn xoay quanh một câu hỏi “Tôi là ai?”, Captain Marvel thì chỉ là một Mary Sue nhàm chán và độc hại, Steve bỏ rơi bạn thân của mình để quay về với bạn gái sau thời gian chấp nhận quá khứ không thể thay đổi, Loki trở thành một trò cười vì bận đuổi theo một cô gái…và nhiều vấn đề khác nữa.
Hành vi trên cần phải dừng lại, vì nó đang làm phim MCU ngày càng bất hợp lý và suy giảm chất lượng tổng thể. Giai đoạn mới, nhân vật mới, hoặc ít nhất là hướng phát triển cũng mới, MCU nên cân nhắc và chọn một kế hoạch phát triển các gương mặt mới như The Young Avengers một cách thống nhất và nhất quán hơn, hợp lý và xứng đáng với họ. Đặc biệt là những nhân vật nữ của nó. Như vậy, phim MCU sẽ đỡ được phần nào những nhân vật nhạt nhẽo hoặc vô lý.