Đánh giá của sekool1412

sekool1412 2

Nữ nhi tình nữ nhi tình, hỏi Thánh tăng tình nhi nữ có đẹp không?
Kì thực, tôi khá là dị ứng với hình tượng Đường Tăng khi đối mặt với "tình" mà người ta thường dựng trong phim, bởi “Cây bồ đề quý ở trang nghiêm, người tu hành quý bởi giới luật.”
"Tình nữ nhi" là thử thách thường được khai thác và đặt ra cho Đường Tăng trong phim ảnh, có lẽ vì lúc thường ổng đối xử với mọi người, mọi vật đều như nhau, đến độ người ta cảm giác ổng nhạt nhẽo và “có mắt như mù” chẳng có gì để nói nên cần tạo ra một Đường Tăng "người" một chút, "tình" một chút rồi bèn đặt ông vào một cái thế: Lựa chọn giữa “lý trí” và “tình cảm”, giữa niềm tin của đấng chí tôn, trách nhiệm với toàn thể chúng tăng với một mảnh tình riêng để rồi cuối cùng đành buông lại cái hẹn kiếp sau hay rồi lấp liếm bởi một câu nói “Yêu một người thực ra cũng giống yêu hết thảy chúng sinh".
Có thể với nhiều người như vậy là hay, như vậy là lãng mạn nhưng với một người xem có chút hiểu biết về ngài Huyền Trang – nguyên mẫu của nhân vật Đường Tăng, cái sự sướt mướt, cái sự bi lụy ấy, có gì đó không đúng. Thử hỏi, người đã động lòng, người còn chưa tận tơ tình, phải đợi tới lúc cả thế gian chìm trong bể khổ ngay trước mắt, phải đợi tới lúc luyến nhân khoác cà sa lên thân, dùng lý trí ép mình cất bước ra đi, không ngoảnh đầu nhìn lại thì người ấy có thực sự hợp với con đường tu hành, cố thêm có nữa có tác dụng không? Người đi thỉnh khinh mà lòng còn trĩu tư tình, người tu hành vốn đã thấu tứ đại giai không, thoát khỏi luân hồi mà vẫn còn vướng cái nợ “kiếp sau”, liệu có thể thành chính quả?

Đã vướng lòng phàm thì mười năm, hay một đời, hay mười kiếp có khác chi nhau, rồi cũng thành hư không cả mà thôi. Người tu hành mang cái tâm đại ái, yêu chúng sinh, yêu hết thảy muôn người, muôn loài, chữ "ái" của bậc chân tu không phải là chữ "ái" trong luyến ái, họ có thể mến cái đẹp, cảm cái tài nhưng đó không phải là tình gái trai, càng không phải dục vọng hay khát khao chiếm hữu. Người tu hành nói chung và ngài Đường Tăng nói riêng nên/phải là người ngộ được điều đó rồi mới bước chân trên con đường tu tập, chứ không phải con người không vứt bỏ được ràng buộc thế tục chỉ ráng gò mình vào giới luật. Niệm Phật làm gì, tụng kinh làm chi, mười bốn năm gian khổ mà làm gì nếu lòng này còn vương một bóng hình?