5 Tiểu thuyết Sci-fi thách thức những bộ não làm phim giàu trí tưởng tượng nhất

Ivy_Trat ·

Việc chuyển thể những tiểu thuyết Sci-fi sau đây là việc hầu như không thể.

Thể loại khoa học viễn tưởng (Sci-fi), bên cạnh thể loại Fantasy, là thể loại ưa thích của việc chuyển thể. Sci-fi hầu như có đủ mọi yếu tố để lôi cuốn người đọc và không nhất thiết phải gói gọn trong khuôn khổ những định lý khoa học. Thể loại này có thể bao gồm cả kinh dị, thần bí, bí ẩn, trinh thám và triết học. Nhiều tiểu thuyết Sci-fi là một phép ẩn dụ công phu về đức tin hoặc thần thánh.

Một điều không thể không cân nhắc là khi chuyển thể một tiểu thuyết Sci-fi là chất lượng và sự khả thi của nguyên tác văn học. Hai yếu tố này luôn là gót chân Asin của các nhà biên kịch và đạo diễn. Dù có tài năng đến đâu, nếu nguyên tác văn học có nội dung quá đồ sộ hoặc có câu chuyện quá phức tạp thì dù biên kịch tài năng đến mấy cũng không thể đưa những trang sách ấy lên màn ảnh.

Trong kho tàng văn học sci-fi, có những tiểu thuyết đến nay vẫn được đánh giá là một kỳ quan quá to lớn và không thể được chuyển thể trên màn ảnh. Dưới đây là những tựa đề tiểu thuyết sci-fi thách thức những đạo diễn, biên kịch với trí tưởng tượng phong phú nhất.

1. Xeelee Sequence – Stephen Baxter

Reddit.com
Reddit.com

Xeelee Sequence là một cuốn tiểu thuyết lấy chủ đề tương tự với Star Wars Star Trek nhưng trên một phạm vi to lớn hơn rất nhiều.

Xeelee Sequence tập trung vào trận chiến ngân hà tưởng chừng như dài vô tận giữa ba chủng tộc Người, Xeelee và Photino Birds. Qua đó, khai thác những góc khuất của con người. Lý do Xeelee Sequence rất khó để chuyển thể là sự đồ sộ trong nội dung của nó. Tác phẩm này kéo dài đến 9 cuốn sách và 53 truyện ngắn. Tiểu thuyết mô tả cuộc chiến này bắt đầu từ vụ nổ Big Bang cho đến ngày tàn của Vũ trụ - một dòng thời gian mà ngay cả với khoa học ngày nay cũng không thể mườn tượng được.

 Hình minh họa Xeelee Sequence (Reddit.com)
Hình minh họa Xeelee Sequence (Reddit.com)

Vấn đề còn nằm ở chủng loài Xeelee được tác phẩm diễn tả sinh vật thuộc hàng ngũ thần thánh, đã tồn tại trước cả bình minh của nhân loại và có khả năng vượt tầm sự tưởng tượng của loài người. Nếu chuyển thể Xeelee Sequence, phim cũng không thể lột tả hết sự bí ẩn của chủng loài này.

Trong số các tên sách trong đây, Xeelee Sequence có lẽ là tiểu thuyết dễ chuyển thể nhất, nhưng đó phải là một nỗ lực vô cùng dài hơi.

2. The Man Who Folded Himself – David Gerrold

Được viết vào năm 1973 bởi tác giả người Mỹ David Gerrold, The Man Who Folded Himself là tiểu thuyết được xây dựng trên nguyên lý du hành thời gian và điểm nghịch lý thời gian (time paradox). Nghe có vẻ đơn giản và hứa hẹn lắm, vì đối với điện ảnh ngày nay, du hành thời gian không phải là điều gì quá khó để miêu tả. Vấn đề nằm ở chỗ, giả thuyết du hành thời gian của The Man Who Folded Himself không những là chưa từng được nghĩ đến trước đây, dẫn đến việc các giả thuyết điểm nghịch lý cũng thay đổi, cuốn sách này còn khắc họa nhiều chi tiết mang ý nghĩa ẩn dụ về mối quan hệ với bản thân.

Goodread
Goodread

Tiểu thuyết bắt đầu với nhân vật tên Daniel. Một ngày, chú Jim của cậu đến thăm và hứa sẽ tăng tiêu vặt của cậu nếu cậu đồng ý bắt đầu viết nhật ký về cuộc sống của cậu. Sau đó, chú Jim qua đời và để lại cho Daniel một chiếc đai thời gian – thứ cho phép cậu du hành thời gian.

Mỗi lần du hành thời gian, Daniel sẽ gặp, tương tác và nảy sinh quan hệ xác thịt với những phiên bản của bản thân ở các dòng thời gian khác nhau. Cho đến một ngày, Daniel gặp được phiên bản nữ Diane của mình và có con với cô. Đứa con này lại đi một vòng thành Daniel của thời điểm bắt đầu câu chuyện. Còn phiên bản Danile cha này sẽ vào vị trí của chú Jim ban đầu. Từ đó, làm nên một vòng lặp không dứt. sinh ra sự tồn tại của Daniel. Không những thế, The Man Who Folded Himself còn nhấn mạnh sự lựa chọn của cá nhân sản sinh ra nhiều dòng thời gia khác và chúng đan xen phức tạp thành một mạng lưới không dễ hiểu.

The Man Who Folded Himself nhìn bề ngoài có thể là một nguyên tác dễ chuyển thể, trên thực tế cuốn sách này là một nỗi ác mộng về logic cho lẫn biên kịch lẫn người xem.

3. Ubik Philip K. Dick

Behance
Behance

Trong số những tác phẩm văn học kinh điển của thể loại sci-fi, Ubik thuộc hàng kinh điển. Được nhà văn Philip K. Dick chắp bút vào năm 1969, tiểu thuyết xoay quanh một thế giới tương lai vào năm 1992, nơi sức mạnh ngoại cảm trở nên phổ biến và được ứng dụng vào công việc gián điệp. Bên cạnh đó, công nghệ đông lạnh (công nghệ đông lạnh Winter Soldier trong Marvel á) cũng được sử dụng rộng rãi để bảo quản lâu dài những người mới chết, để tiềm thức của họ có thể tiếp tục giao tiếp với thế giới bên ngoài. Trong thế giới này tồn tại Ubik - một hợp chất bí ẩn, và Precog – những cá nhân sử dụng năng lực ngoại cảm để chống lại những nhà ngoại cảm chuyên xâm nhập đời tư và bí mật của người khác.

Thoạt nhìn, tiểu thuyết có một cốt truyện rất dễ hiểu. Người đọc sẽ được giới thiệu với nhân vật Glen Runcifer – một chuyên gia precog – được một công ty thuê để bảo vệ bí mật của họ khỏi những gián điệp. Runcifer tập hợp các nhân viên giỏi nhất của mình vào việc. Nhưng đi càng sâu, giống như Runcifer, bạn sẽ nhận ra toàn bộ cuốn tiểu thuyết này là một mê cung sâu thẳm không bao giờ trao những bí mật của nó một cách dễ dàng.

dustjackets.com
dustjackets.com

Dick không những sáng tạo những cú twist để làm truyện thêm phần phức tạp, mà còn dựng lên một thế giới vô cùng bí ẩn và mạng lưới các phép ẩn dụ công phu về đức tin, về Chúa, chủ nghĩa hiện sinh, song hành cùng các hiện tượng khoa học của tâm trí, của việc du hành thời gian. Thậm chí, đến một lúc nào đó, Ubik còn khiến độc giả như đang rơi vào thế giới của kiếp sau, khiến người đọc không ngừng băn khoăn liệu các nhân vật trong đây còn sống hay bản thân đang chứng kiến những gì diễn ra ở kiếp sau của mỗi người. Ngay cả kết thúc cũng mơ hồ không kém.

Trên giấy, Ubik là một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời, nhưng nếu chuyển thể lên màn ảnh, cuốn sách là một nỗi ác mộng về quy mô xây dựng thế giới và kịch bản. Làm thế nào để tái hiện cảm giác mơ hồ của tiểu thuyết mà vẫn giữ được sự hứng thú của khán giả. Đó là chưa kể đến tầm vóc của ý nghĩa của tiểu thuyết này.

Michel Gondry - đạo diễn của tác phẩm Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2004) - đã thử sức với cuốn sách này. Ông đã nhờ chính tác giả Philip K. Dick viết kịch bản. Tuy nhiên, đến khi nhận được nó, sau một thời gian trầm tư, ngay cả ông cũng bỏ cuộc.

4. Các tiểu thuyết của HP Lovecraft

DeviantArt.com
DeviantArt.com

Thành thật mà nói, không phải tiểu thuyết nào của nhà văn HP Lovecraft cũng không thể chuyển thể được, nhưng để chuyển thể được một cách đúng nghĩa thì hầu như không khả thi. Các sáng tạo của Lovecraft có thể khiến những đạo diễn, biên kịch có trí tưởng tượng phong phú nhất phải vò đầu bứt tai.

Các tác phẩm của Lovecraft là truyện ngắn – một định dạng hoàn hảo cho việc chuyển thể. Nhưng nội dung của chúng lại siêu thực đến mức không thể nắm bắt được. Nhà văn Lovecraft chuyên về phong cách khoa học viễn tưởng kinh dị kết hợp với thần thoại do chính ông sáng tạo. Đó là một hệ thống đan xen hết sức chặt chẽ và siêu thực giữa khoa học và thần bí. Đến một lúc nào đó, khoa học trong các tác phẩm của ông trở thành một thứ gì đó siêu nhiên. Đây được gọi là Eldritch Horror – một phong cách đặc trưng của Lovecraft mà đến nay không một tác giả nào có được.

Ngay cả khi là thế, vẫn có nhiều thiếu xót cực kỳ (Nerdist)
Ngay cả khi là thế, vẫn có nhiều thiếu xót cực kỳ (Nerdist)

Các sinh vật mà ông mô tả hoàn hảo cho các trang giấy. Trên đây, chúng không bị giới hạn bởi sức tưởng tượng của con người. Mỗi một cá nhân có quyền tự do sáng tạo các nhân vật này. Ví như Elder Thing Cthulu – một thực thể cổ đại hơn cả sự hình thành của Trái đất và nhận biết được thực thể này là điều kinh khủng đến mức có thể khiến người đó phát điên. Trong huyền thoại của Lovecraft – hay Mythos – Cthulu là cái tên được biết đến nhiều nhất, được Lovecraft mô tả là một thực thể có đường nét con người, thân mình giống rồng, và có đầu là bạch tuộc với các xúc tu thụ cảm và có cánh ở sau lưng. Thực hình duy nhất có nét hao hao như mô tả này là nhân vật Davy Jone trong Cướp Biển Vùng Caribe. Ngay cả khi là thế, vẫn có nhiều thiếu xót cực kỳ.

Những thực thể khác trong vũ trụ của nhà văn này còn có một thực thể ngoài hành tinh được mô tả là một màu sắc con người chưa từng nhìn thấy trước đây và làm những kẻ nhìn vào nó phát điên, và tất cả những gì nó chạm tới đều bắt đầu tự hủy. Cthulu có thể miễn cưỡng dựng hình, nhưng làm sao để sáng tạo một màu sắc mới đây? Cho dù có thể dựng được, chưa chắc phim đã thể hiện được nét kinh dị khoa học viễn tưởng thấm đẫm sự kinh hoàng đặc trưng? Đó là chưa kể đến những chủ đề được ông thêu dệt trong trong các huyền thoại này như sự tàn lụi không thể tránh được của thế giới, cái chết, chủ nghĩa vô thần…đều rất khó để truyền tải trọn vẹn.

Molo.vn
Molo.vn

Đã từng có một dự án chuyển thể cuốn sách The Color out of Space – tác phẩm có thực thể màu ngoài hành tinh trên. Đó là bộ phim cùng tên được ra mắt vào năm 2019 với sự góp mặt của Nicholas Cage. Dù có thể tái hiện được nội dung, bộ phim hoàn toàn không giống gì với phong cách của Lovecraft, mà chỉ hiện lên là một phim slasher, máu me thông thường.

5. House of Leaves – Mark Z. Danielewski

Muse with Me
Muse with Me

Làm thế nào để sáng tạo khi mọi khía cạnh, chủ đề đều được khai thác? House of Leaves làm điều đó bằng cách thay đổi bố cục nội dung, footnote, và lồng một câu truyện vào một câu truyện khác và lồng nó vào một câu truyện khác nữa.

House of Leaves là một cuốn tiểu thuyết rất dễ làm người đọc “sôi máu”. Cuốn sách này bao gồm ba câu chuyện luôn song hành và đan xen với nhau. Đầu tiên là tuyến truyện của thanh niên Johnny Truant vô tình tìm được một bản thảo mang tên Navidson Record của một người đàn ông tên Zampano. Johnny bắt tay vào sắp xếp lại các trang bản thảo và ghi lại các footnote một cách điên cuồng và ám ảnh – đây sẽ đoạn nói về câu chuyện của Johnny.

Goodread
Goodread

Navidson Record là tuyến truyện thứ 2 của tác phẩm. Tuyến truyện này dường như là tuyến truyện chính kể về gia đình của Will Navidson, một nhà báo ảnh, và vợ con chuyển đến một ngôi nhà mới trên đường Ash Tree Lane. Nhưng các hiện tượng lạ bắt đầu diễn ra. Gia đình Navidson nhận thấy căn nhà của họ liên tục thay đổi. Các phần bên trong ngôi nhà thì liên tục kéo giãn và dài ra, nhanh chóng vượt qua kích thước bên ngoài của ngôi nhà. Nhưng phần bên ngoài thì vẫn giữ nguyên không thay đổi. Tệ hơn, gia đình bắt đầu nghe thấy những tiếng gầm gừ của một sinh vật nào đó lẩn khuất trên các hành lang liên tục ẩn hiện. Navidson đã treo các camera để quay lại và khám phá những phần thay đổi đó. Từ đó tạo nên Navidson Record – tư liệu về ngôi nhà hóa mê cung từ từ nuốt chửng những người trong đó vào bóng tối bất tận.

Tuyến truyện thứ ba là những lá thư mà mẹ của Johnny gửi cho anh ta. Ban đầu, chúng được viết ngay ngắn rồi từ từ trở nên hỗn loạn, chứng tỏ bà ta đang dần mất trí.

Nếu muốn chuyển thể cuốn sách này, biên kịch và đạo diễn phải trải qua những đoạn văn bản được ghi lại trên giấy theo cách bất thường nhất. Họ, và độc giả, phải xoay những văn bản này theo chiều khác nhau để đọc hiểu. Họ còn phải xem kỹ, chứ không xem qua, phần ghi chú của Johnny để biết câu chuyện của anh ta diễn ra như thế nào.

House of Leaves Cover (Gaurdian)
House of Leaves Cover (Gaurdian)

Các bố cục văn bản của cuốn sách cũng giống ngôi nhà của Will Nadvison, thay đổi và thay đổi. Nhiều trang chỉ có một từ. Nhiều trang thì chữ kín cả. Có trang chữ được viết ở góc trang. Có trang chỉ có một dòng với chữ dàn theo đường chéo. Bố cục này của cuốn sách nhằm lột tả tâm lý của nhà Nadvison, vừa sợ khoảng trống vừa khiếp sợ các không gian hẹp. Một tác dụng nữa là nó làm người xem cảm nhận được điều đó và đặt họ vào mê cung của chính cuốn sách này.

Không những thế, ba tuyến­­­ truyện được lồng vào nhau chặt chẽ. Nghĩa là bạn phải vừa đọc các trang ghi chú của Navidson Record, vừa phải tiếp nhận tuyến truyện của Johnny, vừa phải xử lý tuyến truyện của các bức thư. Đây là mối liên kết không thể tách rời để dẫn đến một kết luận duy nhất là các nhân vật trong đây đến cuối cùng hoặc là chết, hoặc là phát điên khi đối mặt với nỗi kinh hoàng trong đây – thứ được hiểu là ẩn dụ của việc đối mặt với những mối quan hệ đỗ vỡ, về những cảm xúc được dồn nén bên trong bản thân. Làm một bộ phim để diễn giải điều này đi! House of Leaves thách thức bạn đấy!

Một tác phẩm văn học chất lượng qua tay một biên kịch chất lượng sẽ sinh ra một bộ phim không tồi, thậm chí là làm nên những dự án kinh điển. Ví dụ như trilogy The Lord of the Rings hay Harry Potter. Nhưng những cuốn sách trên thì quả là một thách thức không hề nhỏ. Có lẽ một ngày nào đó trong tương lai, chúng sẽ được đưa lên màn bạc. Nhưng còn hiện tại, chúng ta phải tập hài lòng với những dòng chữ và trí tưởng tượng của bản thân thôi.