Các nhà phê bình nói gì về Charlie's Angels 2019?
Tin điện ảnh · Maii ·
Các đánh giá về Charlie’s Angels phiên bản 2019 của đạo diễn Elizabeth Banks đã xuất hiện.
Các đánh giá về thương hiệu phim nổi tiếng Charlie’s Angels phiên bản 2019 của đạo diễn Elizabeth Banks đã xuất hiện. Phim có sự tham gia của Kristen Stewart, Naomi Scott và Ella Balinska trong 3 vai chính.
Charlie’s Angels (Những Thiên Thần của Charlie) bản reboot, tập trung vào 3 nữ điệp viên do Kristen Stewart, Naomi Scott và Ella Balinska thủ vai, làm việc dưới trướng một triệu phú giấu mặt mà họ hay gọi là Charlie. Tại thời điểm viết bài, phim nhận được 63% trên Rotten Tomatoes, điểm trung bình là 5.75.
Theo Beandrea July của The Hollywood Reporter thì phim cho thấy góc nhìn nữ quyền và mới mẻ về một câu chuyện quen thuộc. Cách kể chuyện hiện đại của Charlie’s Angels cũng nhấn mạnh các vấn đề về biến đổi khí hậu.
"Bộ phim là sự trùng tu lớn và vinh danh những phim tiền nhiệm, nhưng đồng thời cũng vượt qua được các phim này. Banks đem đến một Charlie’s Angels phiên bản hiện đại hào nhoáng, cũng như không ngần ngại vẫy cờ nữ quyền, tập trung vào tình bạn của các nhân vật nữ và nhẹ nhàng nhắc nhở khán giả về tính nguy cấp của thảm họa khí hậu đang diễn ra,” July viết, sau đó nói thêm rằng các nhân vật của Steward, Scott và Balinska “không chiếm trọn màn ảnh với đường cong chết người hay tỏ vẻ ngốc nghếch để làm vừa lòng đám bạn trai của họ trong các phần phim Angels trước.”
“Mà đúng hơn là họ cho thấy sự nữ tính và quyến rũ, những yếu tố giúp nhân vật của họ trở nên có chiều sâu và lợi thế chứ không biến họ thành những món đồ,” July viết. "(Phiên bản Charlie’s Angels năm 2000 chẳng hạn, có cảnh Cameron Diaz nhảy nhót quanh căn hộ trong bộ đồ lót chẳng vì lý do gì, cơ thể cô được thể hiện rẻ tiền khi phơi bày chỉ để đàn ông ngắm nghía.) Bộ phim cũng muốn chúng ta biết rằng nhân vật của Stewart là nhân vật queer, nhưng khôn khéo tiết lộ chi tiết này mà không bị cường điệu thái quá.”
Judy cũng nói rằng phim vẫn có những cảnh hành động kỳ quặc đậm chất Angels. Những thiên thần vẫn rất bá đạo. Banks điểm thêm những trường đoạn hành động đúng với thể loại của phim, được xây dựng và dẫn dắt khá tốt.
Nhà phê bình Benjamin Lee của The Guardian viết rằng bộ phim cân bằng tốt giữa hài hành động, nhưng làm chưa tới ở cả 2 thể loại. Anh mô tả phần hành động không hào hứng mấy, và những trường đoạn bị biên tập khó hiểu, như các cảnh đánh nhau hay rượt đuổi bằng xe ô tô. Lee cũng nói rằng kịch bản phim khá “kỳ quặc”, với nhiều câu đùa nhạt cũng như sự tương tác giữa 3 nhân vật chính “chẳng có chút gì gây hứng thú như người xem hi vọng.”
Về nhân vật của Steward, Lee viết rằng cô cố gắng vui vẻ với phần hài hước của phim mặc cho kịch bản hụt hơi, nhưng việc khai thác danh tính của một nhân vật queer không được xây dựng tốt và không giúp ích gì trong việc tăng nhận thức về cộng đồng LGBTQ. Nhà phê bình cũng nhận định Balinska và Scott thể hiện “tròn vai, mang đến năng lượng cho các nhân vật hời hợt khác.” Lee chốt lại bài đánh giá bằng việc kết luận rằng phim “nhìn chung đáng quên, nhưng ở thời điểm hiện tại thì phim đỡ tệ hơn các phim dựa trên thương hiệu cũ và thất bại về mặt sáng tạo khác ra rạp gần đây.”
Michae Phillips của The Chicago Tribune cũng nhấn mạnh rằng Stewart là người ‘cân’ phần hài trong kịch bản, còn phần hành động thì “tạm”, mặc dù anh ước gì phim có nhiều cao trào hơn và yếu tố hài khéo léo hơn cũng như nhiều Bosley hơn. Phillips cho bộ phim 2.5 sao.
Scott Mendelson của Forbes viết Charlie’s Angels không cố gắng đi theo vết xe của những phần trước, mặc dù phim đúng là “có sử dụng các yếu tố quen thuộc để tạo nên một câu chuyện thực tế hơn và 3 nhân vật điệp viên mới mẻ hơn đầy màu sắc”. Mendelson còn khẳng định mặc dù phim phải mất một ít thời lượng để đi đúng hướng, sau khi qua các màn giới thiệu về nhân vật hay bối cảnh, Charlie’s Angels trở thành bộ phim hài hành động nhẹ nhàng không quá nghiêng về bất cứ bên nào. Nhà phê bình cũng nói rằng phim không làm vừa lòng cái nhìn của nam giới như các phần phim trước trong thương hiệu, phim cũng tránh đi vào hướng nhấn mạnh “tình chị em rất quan trọng” hay kiểu diễn văn “phụ nữ có thể làm bất cứ thứ gì”.
Mendelson sau đó cũng chia sẻ mình muốn phản diện có màu sắc hơn, bởi đó chính là lý do tại sao phần phim Charlie’s Angels đầu tiên làm tốt đến vậy. Anh mô tả sự tương tác rất tốt giữa 3 nữ nhân vật chính, đã giúp phần này trở thành một phần phim kinh phí trung bình giải trí khá ổn, khác biệt vừa đủ với các phần tiền nhiệm nên sự tồn tại của nó không quá khó hiểu.
Perri Nemiroff của Collider nhận xét bộ phim là bước tiến lớn của Banks sau Pitch Perfect 2. Nhà phê bình cũng nhận thấy hình ảnh được xây dựng tốt, “tô điểm bằng các mẫu thiết kế sản xuất rực rỡ và những bộ trang phục lấp lánh” – mặc dù Nemiroff nhấn mạnh bộ phim không có một phong cách nhất quán. "Nếu bạn mong đợi muốn biết bộ phim của Elizabeth Banks trông như thế nào thì sẽ chẳng ích lợi gì đâu,” nhà phê bình cũng nói thêm rằng sự hào hứng và đam mê của đạo diễn dành cho thương hiệu này là phẩm chất nổi bật.
Nemiroff khen ngợi các yếu tố bổ sung đem đến lợi thế cho bộ phim như dàn diễn viên hợp vai và ấn tượng, và chốt lại bài đánh giá bằng việc nói rằng đây là phim hành động rất giải trí với bộ ba thiên thần như chị em, giúp nâng điểm của thương hiệu Angels.
Katie Rife của A. V. Club cảm thấy nhân vật của Steward là hài hước nhất trong phim, tuy nổi bật nhưng bị hạn chế về mặt hành động. Nhà phê bình tiếp tục viết Balinska là chiến binh có kỹ năng nhất trong 3 người trên màn ảnh, thể hiện qua những cảnh quay rộng và dài hơn khi đối đầu với kẻ xấu trong những trận 1 chọi 1, thay vì trở thành một phần của một nhóm. Rife viết thêm ở các cảnh thoại, cô lúc nào cũng bị lu mờ và các câu thoại hài của cô nghe nặng nền nếu so với Stewarts hay Banks. Kết quả là phần hài và hành động chỉ vừa đủ hiệu quả, và phần hành động thì bị biên tập lộn xộn, thiếu khéo léo cả về hình ảnh lẫn âm thanh, thêm vào đó là cả phần kỷ xảo cháy nổ kém cỏi.
Chốt lại bài đánh giá, Rife viết nhìn chung thì phim trông có vẻ hào hoáng, sáo rỗng, dưới lớp vỏ bọc một phần phim được reboot, và những câu thoại châm biếm về việc phụ nữ thích ăn phô mai hay có những tủ quần áo khổng lồ đều mang cảm giác rỗng tuếch. Nhưng trang phục thì phải thừa nhận là quá đẹp.
Nguồn: The Hollywood Reporter