Những tác phẩm điện ảnh thất bại ê chề của hè 2017
Tin điện ảnh · Lord ·
Năm nào cũng vậy, thị trường môn nghệ thuật thứ 7 luôn có những thành công và cả những thất bại nữa. Tất nhiên năm nay cũng chẳng phải ngoại lệ.
Năm nào cũng vậy, thị trường môn nghệ thuật thứ 7 luôn có những thành công và cả những thất bại nữa. Tất nhiên năm nay cũng chẳng phải ngoại lệ. Một số tác phẩm điện ảnh mà thành công đã nằm trong dự đoán như Beauty and the Beast và The Fate of Furious (đều thu về hơn $1,2 tỉ), Guardiansoff the Galaxy Vol. 2 ($859,5 triệu và vẫn đang tăng) hay Logan ($616,2 triệu). Cũng có tác phẩm thành công vượt mức mong đợi, điển hình là Wonder Woman ($768 triệu và vẫn đang tăng). Và tất nhiên là không thể thiếu những tác phẩm thất bại ê chề rồi, hè năm nay quy tụ không ít những cái tên như vậy.
Đầu tiên là Pirates of the Caribbean: Dead Men Tell No Tales.
Sau gần 8 tuần công chiếu, bộ phim này thu về hơn $750 triệu. Tất nhiên, nếu so với mặt bằng chung thì chẳng ai dám nói doanh thu của Pirates 5 là thất bại cả, đó là con số mà rất nhiều bộ phim mơ ước. Nhưng đối với một bộ phim có kinh phí khủng $230 triệu (chưa tính chi phí marketing) thì thật sự hơn $750 triệu mà Pirates 5 thu về không thể nói là thành công được. Hơn nữa, bản thân cái tên Pirates of the Caribbean đã có sức hút vô cùng lớn rồi, và Dead Men Tell No Tales là phần 5 của loạt phim đình đám này. Dù chưa kết thúc công chiếu nhưng có thể chắc chắn rằng doanh thu của Pirates 5 không thể vượt qua 3 phần phim gần nhất và chỉ có phần đầu tiên của loạt phim này có doanh thu thấp hơn Pirates 5 mà thôi. Không tính Pirates 5, doanh thu trung bình của mỗi bộ phim Pirates of the Caribbean là hơn $930 triệu, như vậy đủ để thấy Dead Men Tell No Tales là thất bại của riêng thương hiệu đình đám này.
Không khó để có thể nhận thấy lí do chất lượng phim càng ngày càng đi xuống. Với bộ ba tác phẩm Pirates of the Caribbean đầu tiên, đó là một trilogy có tính toán đến nơi đến chốn với vai phản diện không thể nói là thất bại của Davy Jones. Và chính bộ ba đầu tiên đó làm nên thương hiệu Pirates of the Caribbean lớn như hiện nay.
Kết thúc kỉ nguyên thành công vang dội đó, một là nên để thương hiệu này dừng lại, hoặc nếu muốn đi tiếp hay táo bạo hơn là một kế hoạch reboot, những tác phẩm sau đó cần có một sự sáng tạo mang tính đột phá để vượt qua cái bóng của người tiền nhiệm. Và phần thứ 4 ra mắt năm 2011 chẳng có sự mới lạ nào cả, On Stranger Tides đã biến Pirates of the Caribbean trở thành con bò vắt sữa. On Stranger Tides dù vẫn thu về hơn $1 tỉ doanh thu toàn cầu nhưng doanh thu tại chính quê nhà Bắc Mĩ lại chẳng mấy khả quan khi chỉ có $241,1 triệu, trong khi 3 phần đầu tiên không có phần nào có doanh thu nội địa dưới $300 triệu, thậm chí Dead's Man Chest còn thu về hơn $423 triệu. Đó là lời cảnh báo đầu tiên cho kế hoạch vắt sữa của Disney với thương hiệu này.
Nhưng quả thực ''vắt sữa'' đang là trào lưu khó bỏ của các nhà làm phim Hollywood. Phần 5 là Dead Men Tell No Tales vẫn ra đời dù nguy cơ thất bại đã bày ra trước mắt sau On Stranger Tides. Vẫn chẳng có gì đột phá, trong khi khán giả thì đã quá quen với những gì được cho là đặc sản của loạt phim Piraes of the Caribbean rồi.
Tình trạng tương tự cũng xảy đến với Transformers: The Last Knight.
Transformers như một bản sao của Pirates of the Caribbean vậy. Loạt phim đình đám này cũng đưa cái tên Transformers trở thành thương hiệu đáng chú ý sau 3 phần đầu tiên với nhân vật chính Sam Witwicky. Rồi Age of Extinction ra mắt dù vẫn thành công nhưng lại bị chính quê hương của mình hắt hủi. Như Pirates of the Caribbean, điều đó nói lên rằng loạt phim này nên dừng lại thay vì tiếp tục vắt sữa. Nhưng trong hè vừa rồi, The Last Knight vẫn ra đời đấy thôi, mở màn với $44,6 triệu, thấp nhất trong loạt phim. Doanh thu sau hơn 4 tuần công chiếu chỉ vỏn vẹn hơn $520 triệu, còn chưa bằng một nửa của Age of Extinction. Gần như chắc chắn The Last Knight sẽ trở thành tác phẩm Transformers đầu tiên không thể cán mốc $600 triệu doanh thu, trong khi phần phim có doanh thu thấp thứ 2 trong loạt phim này sau The Last Knight cũng thu về hơn $700 triệu doanh thu.
Dù khá giống Pirates of the Caribbean nhưng tình trạng của Transformers lại tệ hơn nhiều. On Stranger Tides và Dead Men Tell No Tales chỉ đơn giản là không thể vượt qua cái bóng của những người tiền nhiệm. Còn đối với Transformers, xuyên suốt 5 phần phim đã ra mắt đều mang cùng một khuyết điểm lớn. Phần thì cốt truyện rối rắm, phần thì nội dung dài dòng, The Last Knight thì hội tụ cả 2 yếu tố đó. Những phần phim trước, khuyết điểm đó luôn được cứu vớt bởi vô số cảnh cháy nổ hoành tráng và mới lạ đậm chất Michael Bay. Còn đến The Last Knight, vẫn là ông hoàng cháy nổ Michael Bay đấy, nhưng không thể cứu vãn sự thất bại của bộ phim nữa rồi. 4 phần có lẽ là quá đủ để cho Michael Bay nhận ra khuyết điểm của mình và cải thiện nó, nhưng phần 5 vẫn ra mắt mà chẳng có sự tiến bộ nào cả, hậu quả thì ai ai cũng biết.
Với một tương lai của vũ trụ Transformers ở phía trước, hoặc là Michael Bay cần phải có sự chuyển mình mạnh mẽ, hoặc ghế đạo diễn thương hiệu đình đám này cần được chuyển giao. Nhiệm kì của Michael Bay đối với Transformers đã quá lâu rồi.
Cuối cùng là Alien: Covenant.
Cũng giống với Transformers và Pirates of the Caribbean, Alien cũng là thương hiệu đình đám trên thế giới, khác ở chỗ Alien xất hiện trước Transformers và Pirates of the Caribbean rất lâu rồi. Năm 1979, Alien mở ra cơn ác mộng về loài quái vật ngoài hành tinh, đưa dòng phim Alien trở thành tượng đài của Hollywood. Nỗi ám ảnh kéo dài từ những năm đó cho đến tận bây giờ đối với những fan hâm mộ trung thành của loạt phim này.
Năm 2012, kế hoạch reboot không thể nói là tồi mở đầu bằng Prometheus ra mắt. Kể từ Prometheus trở đi, câu chuyện sẽ trở về thời trước bộ phim Alien đầu tiên và mang cốt truyện mới hoàn toàn. Đó là hướng đi rất táo bạo của Fox với tượng đài như Ailen. Không chỉ vậy, chính Prometheus cũng có những sự đổi mới khi nội dung câu chuyện không chỉ là những cuộc đi săn như những phần phim trước đó nữa. Bối cảnh của bộ phim là cuộc thám hiểm đã mở ra nhiều điều mới lạ. Chính sự chuyển mình không chỉ bên ngoài mà cả bên trong như vậy đã mang đến thành công cho Prometheus khi bộ phim đã thu hơn $400 triệu doanh thu và trở thành tác phẩm Ailen có doanh thu cao nhất. Nhưng đến Alien: Covenant lại là một bước lùi, tại sao?
Dù đứng thứ 2 loạt phim với hơn $232 triệu nhưng kinh phí $97 triệu chưa tính marketing của bộ phim thì lại không hề nhỏ chút nào, so với Prometheus thì Covenant cũng kém khá xa. Với cốt truyện mới toanh cùng sự hậu thuẫn là những sự kiện đã diễn ra trong Prometheus, Convenant phải làm tốt hơn thế. Có vẻ như bối cảnh của Convenant rất giống phần đầu tiên, ngay cả hình tượng nữ chính cũng không khác gì bản sao của nữ chính Ripley trong phiên bản cũ. Việc gợi lại những chi tiết quen thuộc trong những phần phim là tốt nhưng Convenant đã lạm dụng quá mức cần thiết. Vẫn là sự kịch tính và hồi hộp đúng chất của dòng phim Alien nhưng người xem cần một thứ gì đó mới lạ hoàn toàn, như bối cảnh của Prometheus so với những phần phim trước chẳng hạn. Covenant chưa làm được điều này.
Tựu trung lại, những tác phẩm có mùi thất bại của hè 2017 đều là những phần tiếp theo của một thương hiệu lớn. Để vượt qua cái bóng của sự thành công ban đầu của những loạt phim như Transformers, Pirates of the Caribbean hay Alien không phải là chuyện dễ dàng. Vì vừa phải tạo ra cảm giác mới lạ, vừa phải giữ đúng chất của dòng phim, điều đó là không hề đơn giản. Nhưng dù thất bại thì tương lai và những điều mà các bộ phim trên hứa hẹn sẽ rất đáng để chờ đợi.