[PHÂN TÍCH] Phim hài điệp viên – Cứu tinh của dòng phim điệp viên hiện tại?
Tin điện ảnh · tinlethanhnhan ·
Phim Hài – Điệp viên hiện đang được khán giả yêu thích không kém dòng phim Điệp viên chính thống.
Từ lâu, thể loại phim Điệp viên (Spy movies) đã có chỗ đứng nhất định trong nền điện ảnh. Có khá nhiều những nhân vật hay thương hiệu điệp viên trở thành một phần quan trọng trong nền văn hóa đại chúng, một số ví dụ ta có thể kể ngay đến là: James Bond – 007, Ethan Hunt – Mission: Impossible (Nhiệm Vụ Bất Khả Thi), Jason Bourne – The Bourne Trilogy (Siêu Điệp Viên Jason Bourne)… Ngoài ra còn hàng trăm phim lẻ, TV series khác có chủ đề về điệp viên. Trong dòng chảy đó có một nhánh khá đặc biệt và cũng nhận được nhiều yêu thích từ khán giả: phim Hài – Điệp viên (Comedy Spy movies).
Khởi nguồn của dòng phim điệp viên xuất hiện khá sớm, khoảng đầu thập niên 20 thế kỷ 20, bắt đầu với một số phim đen trắng lấy chủ đề về thế chiến thứ nhất. Giai đoạn tiếp theo là khoảng thập niên 50 đến cuối thập niên 60 với một loạt phim liên quan đến các điệp vụ chống lại Phát xít Đức. Nhưng đỉnh cao của dòng phim này là các tác phẩm từ thập niên 70 đến 90 với thương hiệu James Bond trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Sau giai đoạn hoàng kim đó, điện ảnh thế giới vẫn có một số thương hiệu mới nhưng chủ đề chính đã dần chuyển sang cuộc chiến ngầm với các tổ chức khủng bố quốc tế (Mission: Impossible…) hoặc trong nội bộ các tổ chức gián điệp (Bourne…). Thể loại phim hài điệp viên xuất hiện muộn hơn nên không có sự phân kỳ rõ ràng, chủ đề thường xoay quanh các nhiệm vụ được hài hước hóa về chiến dịch chống các tổ chức ngầm (The Kingsman – Mật Vụ Kingsman, Johnny English…).
Sau một thời gian khá dài phát triển, dường như các bộ phim điệp viên “truyền thống” không có nhiều sự đổi mới, vẫn mô-típ cũ quanh các cuộc đấu trí và chiến đấu giữa điệp viên đơn tuyến hoặc một nhóm điệp viên chống lại các tổ chức, thậm chí là cả đội quân. Ngày nay, thể loại này trở nên kén khán giả hơn, cộng với sự lên ngôi của nhiều kỹ xảo điện ảnh và việc ngại ngùng thực hiện các hành động mạo hiểm của dàn diễn viên chính khiến không ít nhà bình luận lo lắng cho tương lai bấp bênh của phim điệp viên/hành động. Tuy vẫn có một số phần tiếp theo của các thương hiệu lớn (007 – Skyfall hay Mission: Impossible 6) được đánh giá khá cao nhưng mức độ ‘ăn khách’ trên tỷ lệ đầu tư cũng không được như các dòng phim siêu anh hùng hay kinh dị, làm nó không còn là lựa chọn số 1 của các nhà đầu tư. Trước tình hình đó, trong những năm gần đây, các phim hài điệp viên có vẻ nổi lên với số lượng ra rạp và chờ sản xuất trong các năm tiếp theo ngày càng nhiều hơn. Đâu là nguyên nhân? Điều này có trở thành xu hướng sắp đến của dòng phim điệp viên?
Thống kê từ trang boxofficemojo.com và statista.com cho thấy: từ 1980 đến nay có 127 phim điệp viên được sản xuất, trong đó có 37 phim thuộc nhóm hài điệp viên chiếm tỷ lệ 29.13%. Tổng doanh thu ở Bắc Mỹ phim hài điệp viên chiếm 28.27% trên doanh thu phim điệp viên nhưng ở nếu tính tổng các thị trường quốc tế thì phim hài điệp viên chiếm 37.18% và một phim hài điệp viên đang đứng đầu danh sách doanh thu (Despicable Me 2). Độ tuổi và giới tính của các khán giả xem phim hài điệp viên cũng có sự thay đổi đa dạng hơn so với phim điệp viên truyền thống khác. Nếu nam giới chiếm tỷ lệ cao (từ 60% trở lên) ở hầu hết phim điệp viên thì tỷ lệ này ở dòng phim hài điệp viên khá cân bằng (khoảng trung bình từ 35% đến 57% nam giới xem). Một số phim hài điệp viên như Spy – Quý Bà Điệp Viên (2015), Despicable Me – Kẻ Trộm Mặt Trăng (phần 1,2,3), This Mean War (2012)… có số khán giả nữ đến rạp xem đa số, đây là một tính hiệu tích cực. Ngoài ra, độ tuổi xem nhiều nhất phim hài điệp viên cũng trẻ hóa so với các phim điệp viên khác, trung bình trẻ hơn từ 5-10 tuổi. Đây có vẻ là hướng tập trung cải thiện mà các nhà đầu tư nhắm đến trong trong định hướng đầu tư phim điệp viên thời gian tới: nhiều khán giả trẻ hơn và cân bằng tỷ lệ khán giả nam – nữ.
Nội dung gần gũi và ít yếu tố gây tranh cãi được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến phim hài điệp viên thu hút khán giả đa dạng hơn. Nếu các phim điệp viên hay có cốt truyện liên quan đến vấn đề chính trị, hoặc có quá nhiều cảnh bạo lực, các tình tiết giật gân căng thẳng gây cấn thích hợp với khán giả nam giới trưởng thành thì các phim hài điệp viên thường có nội dung nhẹ nhàng hơn. Những phim này vẫn có kẻ phản diện hay tổ chức xấu nhưng thường được cường điệu hóa hay ngốc nghếch hóa, các vai chính diện cũng không “nghiêm túc” mà thường là một cặp/nhóm các nhân vật trái tính trái nết để tung hứng các mảng miếng hài hước cho khán giả. Đương nhiên là các cốt truyện phim hành động hay điệp vụ căng thẳng vẫn là phần không thể thiếu trong danh sách các phim được chú ý sản xuất nhưng có những phim hài hước lấy chủ đề điệp viên cũng không phải ý tưởng tồi.
Phim hài điệp viên vẫn giữ lại một số yếu tố từ dòng phim điệp viên như: vũ khí đặc biệt, nghiệp vụ đặc thù của điệp viên, các tổ chức bí mật hay các vụ án cần khám phá. Đây được xem như là các yếu tố bổ sung cho nền chính là chất hài đặc sản. Chất hài khiến nó khác biệt với các phim điệp viên khác. Trong lịch sử các ngành nghệ thuật trình diễn thì 2 nhánh chính và quan trọng nhất vẫn luôn là Bi và Hài, nó là 2 khía cạnh luôn tồn tại và nâng đỡ lẫn nhau nhưng không nhất thiết phải luôn cùng có mặt trong một tác phẩm. Khả năng biến đổi những tình huống từ rượt đuổi hay chiến đấu cùng phản diện thành các cảnh vui vẻ cũng thu hút thêm nhiều khán giả vì tính giải trí cao. Phần lớn phim hài điệp viên vẫn có những tình huống căng thẳng nhưng không dồn dập và xen kẽ nhiều chi tiết hài, một số phim thậm chí còn đẩy tình huống sang hài (như Johnny English) hầu như trong tất cả thời lượng. Làm được điều này cũng không dễ, giữ được chất giải trí và để các chi chọc cười không nhàm chán lại vừa có tính đặc trưng cho nhân vật là một thách thức cho cả biên kịch lẫn diễn viên. Điều này cũng lý giải việc dù tiềm năng rất nhiều nhưng khá hiếm các phim hài điệp viên tạo dựng được thương hiệu có nhiều phần phim ăn theo, một số ít làm được có thể đếm trên đầu ngón tay (Austine Powers, Johnny English, Kingsman).
Trong thời gian tới một số phim hài điệp viên chuẩn bị ra rạp như: Kim Possible live action, Kingsman 3, Charlie's Angels, Austin Powers 4… cuộc đua càng thú vị khi các phim điệp viên nổi tiếng khác (Bond 25, M:I 7) cũng đã có tin đang lên kế hoạch ra rạp hoặc trong quá trình thực hiện. Phổ khán giả chính của hai dòng phim này hiện vẫn chưa trùng khớp, mỗi bên vẫn tìm được nhóm khán giả riêng và có phần bổ sung cho nhau. Kingsman là màn thử nghiệm kết hợp hai phổ khán giả này lại và phần nào cũng tạo được thành công nhưng vẫn còn khá sớm để đảm bảo thương hiệu này đi được đường dài. Charlie’s Angels vẫn bị hụt hơi trong việc để lại dấu ấn riêng nhằm thoát khỏi bóng định kiến “phim hành động cho phụ nữ”. Màn chào sân live action của Kim Possible cũng khá thú vị. Sự trở lại của thương hiệu Austin Powers từ thập niên 80 chưa biết có kịp bắt nhịp xu hướng hiện đại không?
Bên phía còn lại, những lùm xùm trong quá trình sản xuất phần 25 hay tương lai cho diễn viên thủ vai siêu điệp viên kỳ cựu 007 gây không ít hoang mang. Sau khi bị giới phê bình ghẻ lạnh ở phần 5 thì tương lai của Bourne phần 6 có vẻ mờ mịt hơn bao giờ hết. Đáng mừng là Mission: Impossible vẫn giữ được phong độ tốt và không có lý do gì để không có phần 7 chỉ trừ lý do đến từ khả năng đóng các cảnh mạo hiểm Tom Cruise khi tuổi anh ngày càng nhiều thêm. Atomic Blonde – Điệp Viên Báo Thù (2017) dẫu cũng được khen khá nhiều từ giới chuyên môn nhưng kết quả ở phòng vé không ấn tượng nên câu hỏi về việc siêu điệp viên nữ này có phần tiếp theo hay không vẫn bỏ ngỏ, dù chính Charlize Theron từng tiết lộ quá trình chuẩn bị cho phần 2 đang được xúc tiến. Có thể thấy cả hai đều có những lo lắng và chờ mong riêng, với người xem phim thì chúng ta hy vọng các dự án đều được đầu tư tốt để làm ra những tác phẩm hay giàu tính giải trí mà vẫn thỏa mãn được niềm đam mê với thế giới điệp viên bí ẩn.
[REVIEW] Johnny English: Tái Xuất Giang Hồ - Tiếng cười làm quên đi những nỗi lo trong cuộc sống
Johnny English: Tái Xuất Giang Hồ là bộ phim thuần giải trí đúng nghĩa.