[PHÂN TÍCH] Phim kinh dị Việt Nam - PR cho nhiều nhưng chất lượng chẳng đến đâu
Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · PhanNguyenSangSang ·
Có nên tin vào “hào quang” PR của phim kinh dị Việt hay không khi hàng loạt những tác phẩm gần đây đều gây thất vọng tràn trề?
Từ trước đến nay, phim kinh dị luôn là thể loại nhận được sự quan tâm và yêu mến từ đại đa số bộ phận khán giả, doanh thu của các phim thuộc thể loại phim này cũng rất dễ dàng chạm đến cột mốc trăm tỷ, chục tỷ cùng vô số kỉ lục trong cuộc đua phòng vé. Thế nên, điều này cũng dễ lí giải cho việc vì sao các nhà làm phim trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng luôn “đổ xô” tiền của, chất xám vào dòng phim này.
Tuy nhiên, có một thực tế khá phũ phàng là mặc dù đã rất cố gắng học hỏi, tiếp thu những kĩ xảo, các yếu tố then chốt để cấu thành nên một bộ phim kinh dị hay, đến việc đổ tiền vào để PR, tâng bóc tác phẩm lên tận "chín tầng mây" song phim kinh dị Việt Nam luôn là nỗi “ám ảnh” đối với những tín đồ của dòng phim này. Ám ảnh không phải từ các yếu tố trong phim mà là vì kịch bản quá “tệ” cùng những kĩ xảo, hiệu ứng hình ảnh đôi khi quá lố lăng, không tự nhiên hay một số khán giả nhận xét là “giả trân”.
Điểm sáng nhất của những phim này phần lớn nằm ở mảng PR phim, luôn tạo được sự rầm rộ, viral, đánh bóng một cách quá đà, thành công trong việc kích thích sự tò mò và mong chờ của khán giả. “Chờ đợi bao nhiêu, thất vọng bấy nhiêu!” chính là câu nói được nghe nhiều nhất trong thời gian gần đây khi nhắc về phim kinh dị Việt. Vậy đâu là vấn đề chưa thể giải quyết của các nhà sản xuất Việt khi theo đuổi dòng phim quốc dân này?
Đầu tiên cũng có thể “bị” xem là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến sự “dở tệ” của phim kinh dị Việt đến từ khâu kịch bản phim. Có lẽ do các nhà làm phim đã quá chú trọng vào hai chữ “kinh dị” mà quên mất rằng, kịch bản phim cũng chính là một trong các yếu tố tiên quyết cấu thành nên thành công của một bộ phim. Điển hình nhất có thể kể đến ở thời điểm hiện tại chính là Bóng Đè.
Một kịch bản phim sáo rỗng, rời rạc, phi lý, không để lại bất kì một giá trị nhân văn nào sau khi kết thúc phim, khán giả xem xong ra rạp đều không thể hiểu được rốt cuộc phim muốn kể về điều gì, các nút thắt trong phim liệu đã được gỡ hay chưa, nhập nhằng giữa yếu tố kinh dị và lí giải theo chiều sâu tâm lý, chông chênh trong cách chọn thể hiện yếu tố nghệ thuật hay thương mại… Đỉnh điểm là sau khi xem phim xong, một bộ phận khán giả còn chẳng biết được rốt cuộc một trong những nhân vật chính của phim nằm ở phe nào, là người tốt hay người xấu.
Hay một bộ phim khác cũng nhận về rất nhiều những ý kiến trái chiều trong thời gian gần đây là Chuyện Ma Gần Nhà khi phim khai thác quá nhiều các tình tiết, song không giải quyết được triệt để vấn đề, nhồi nhét quá nhiều các hình ảnh ẩn dụ, cần phải suy ngẫm liên tục vào phim khiến khán giả không thể nào “load” nổi… Bỏ tiền, bỏ thời gian ra xem hết phim song chỉ khi được nghe các nhà làm phim ngồi xuống, kể lại tường tận từng câu truyện, giải thích từng yếu tố được khai thác trong phim mới hiểu phim nói về điều gì, liệu có đáng hay không?
Nhìn lại giai đoạn những năm 1975, dòng phim kinh dị bắt đầu được để ý và khai thác, song nhận được vô số những thành công đáng tự hào. Một vài phim như Lệ Đá (1971, do đạo diễn Võ Doãn Châu chỉ đạo), Con Ma Nhà Họ Hứa (1973, đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện) đã từng "làm mưa làm gió" tại các rạp chiếu, gây được tiếng vang vô cùng lớn và tên của bộ phim sau này “viral” đến độ đã trở thành môt thành ngữ mới trong nhân gian. Đến giai đoạn năm 1990, cơn lốc kinh dị vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sự bùng nổ đến từ Ngôi Nhà Oan Khốc hay Chiếc Mặt Nạ Da Người của đạo diễn Nguyễn Chánh Tín cùng “hậu bối” Mười, Ngôi Nhà Trong Hẻm, Cột Mốc 23,… mặc dù không thực sự tạo được hiệu ứng tốt như các anh lớn đi trước nhưng cũng vẫn “còn đường” để được nhắc đến.
Đấy là những tín hiệu vô cùng đáng mừng cho thể loại này tại thị trường Việt Nam, cho thấy khán giả Việt dù rất “sợ ma” nhưng cũng rất mê các hiện tượng không thể lí giải từ khoa học này. Điểm chung của các “ngôi sao” kể trên là gì? Đơn giản! Kịch bản gần gũi, có chiều sâu, có nội dung, kết cấu và thông điệp rõ ràng, các yếu tố khai thác trong phim vô cùng gần, rất gần với cuộc sống của chúng ta, tạo được sự tin tưởng cho khán giả khi xem rằng có ma thật, sợ thật, ám ảnh thật. Bấy nhiêu đó đã là thành công cho một tác phẩm phim kinh dị. Thế nhưng, phim kinh dị ngày nay không thể làm được điều đó. Nhà làm phim quá lợi dụng kĩ xảo – âm thanh, phần nhìn - phần nghe mà quên đi phần hiểu cho khán giả. Một bộ phim không có ý nghĩa đã là một bộ phim chết, ấy thế mà bây giờ đến việc hiểu cũng không thể, vậy thành công còn mong đợi ở điều gì nào?
Cuối cùng, có lẽ chính nằm ở việc chú trọng PR phim quá rầm rộ, quá quyết liệt trong khi chất lượng sản phẩm không hề tốt như mong đợi. Truyền thông và hiệu ứng đám đông chính là con dao hai lưỡi. Nó có thể đưa phim trúng lớn chỉ sau vài ngày công chiếu song cũng có thể giết chết phim chỉ trong vài ngày. Đáng buồn là mặc dù việc PR phim kinh dị Việt trong giai đoạn này phát triển vượt bậc hơn lúc trước rất nhiều nhưng chất lượng phim làm ra lại không thể nào bì nổi.
Tất cả các phim trước khi ra rạp đều được tung hô bằng những lời "có cánh", khán giả thì hi vọng rồi lại thất vọng hết lần này đến lần khác dẫn đến việc họ không còn tin vào phim Việt, càng không tin vào truyền thông Việt. Kinh dị dường như chỉ là cái mác để thu hút khán giả đến rạp xem phim, dường như phim kinh dị trong nước đang thử thách lòng kiên nhẫn của khán giả hơn là đưa đến cho người xem những tác phẩm thực sự chất lượng, chứ đừng nói đến đáng mong đợi như phim kinh dị nước ngoài.
Song song với các yếu tố chủ quan đến từ nhà làm phim, cũng có một vài yếu tố khách quan đến từ bên ngoài. Nổi trội nhất phải kể đến khâu kiểm duyệt phim. Nói về vấn đề này, đạo diễn Lê Bảo Trung cho rằng, vì vướng phải quá nhiều sự nghiêm ngặt, khó khăn trong khâu kiểm duyệt đã dẫn đến tình trạng chung cho phim kinh dị Việt là "phim kinh dị nhưng không hề kinh dị". Nếu có những cảnh quá rùng rợn, máu me thì sẽ bị cơ quan kiểm duyệt cắt bỏ: "Nếu làm đúng thể loại này sẽ vi phạm luật Điện ảnh: Không cho phép những cảnh quay gây sợ hãi, bạo lực, hoang mang, truyền bá tệ nạn mê tín dị đoan". Ví dụ có thể nói đến trường hợp của Thiên Linh Cái.
Nhìn chung, vấn đề của phim kinh dị Việt Nam đến từ nhiều phía từ khách quan đến chủ quan, song nếu tổng quát lại, phần lớn yếu tố dẫn đến thất bại vẫn đến từ phía các nhà làm phim. Tại sao nhắc đến phim ma bùa ngải khán giả lại nghĩ ngay đến Thái Lan? Tại sao kinh dị “bầy nhầy” lại nghĩ đến Nhật Bản? Zombie sẽ là của Hollywood? Chỉ cần trả lời loạt câu hỏi trên, các nhà làm phim sẽ tìm ra được hướng đi mới, hướng sáng tạo đột phá cho thể loại phim tuy dễ nhưng khó này.