[PHÂN TÍCH] Us – Chúng Ta, phim kinh dị với những thông điệp không dễ gì giải mã (độc quyền)

Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · Maii ·

Us - Chúng Ta thường xuyên nhắc đến Jeremiah 11:11, bạn có biết dòng chữ này có ý nghĩa gì?

Kéo xuống để xem tiếp

Us – Chúng Ta đã chính thức ra mắt khán giả với suất chiếu sớm tại Việt từ ngày 20.03.19. Với nội dung chỉn chu, tình tiết gây cấn và diễn xuất của Lupita Nyong’o, Us – Chúng Ta được dự đoán sẽ “gây bão” phòng vé trong thời gian sắp tới. Mặc dù tính giải trí và yếu tố rùng rợn của phim được thực hiện tốt, nhưng điều khiến Us được đánh giá cao chính là nhờ các thông điệp xã hội, tôn giáo, tinh thần… được lồng ghép trong phim. Nếu vẫn chưa thể hiểu hết Us, mời các bạn cùng Moveek tham khảo bài viết dưới nhằm phân tích và giải mã một số chi tiết và hình ảnh trong phim.

Chúng ta là họ, và họ là chúng ta. (Ảnh: IMDb)
Chúng ta là họ, và họ là chúng ta. (Ảnh: IMDb)

1. Us – Chúng Ta

Tên phim, như chúng ta đã biết là Us, từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong phim. “Họ là chúng ta”, tựa phim ý chỉ các doppelganger giống hệt các nhân vật, nhưng sâu xa hơn, Us còn là chữ viết tắt của nước Mỹ. Chính trị và xã hội Mỹ cũng là một phần thông điệp mà bộ phim nhắm đến.

2. Tầng hầm

Đầu phim có nhắc đến các tầng hầm bỏ hoang trên khắp nước Mỹ, nhiều tầng hầm không nhằm mục đích gì. Chi tiết này gợi ý cho tình tiết cuối, khi sự thật phơi bày và khán giả được biết các tầng hầm này vốn là nơi mà người nhân bản đang sống. 

3. Cây kéo

“Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái, cô gái có một cái bóng. Họ liên kết với nhau.”  

“Họ giống chúng ta, họ suy nghĩ như chúng ta.”

Cây kéo, biểu tượng cho việc cắt đứt liên kết giữa bản gốc và bản sao. (Ảnh: IMDb)
Cây kéo, biểu tượng cho việc cắt đứt liên kết giữa bản gốc và bản sao. (Ảnh: IMDb)

Các doppelganger/bản sao của các nhân vật trong phim hành xử và suy nghĩ giống các bản gốc do sự liên kết giữa 2 bên. Nhưng trong khi các bản gốc sống sung sướng, ăn ngon mặc đẹp, thì các bản sao phải “ăn thỏ, thịt sống, máu tanh”. Họ chọn vũ khí là cây kéo, mang hàm ý cắt đứt liên kết giữa cả hai. Phân đoạn “kể khổ” của Red thực ra cũng rất ẩn ý chứ không chỉ mang ý nghĩa giải thích thông thường. Cùng là con người, nhưng sự sung sướng và hạnh phúc của người này có thể là nỗi đau và bi kịch cho người khác. Hãy ngẫm thử xem, có giây phút nào mà bạn đem đến nỗi khổ cho ai đó, dù cho vô tình hay cố ý chưa?

Thêm nữa, cây kéo có đặc điểm là mặc dù chia nửa thành 2 lưỡi, nhưng nối liền với nhau. Red và Adelaide cũng thế, dù là 2 nửa nhưng luôn kết nối. 

4. Jeremiah 11:11

Chi tiết này xuất hiện lần đầu ở phân cảnh khi Adelaide đi lạc và bắt gặp một người đàn ông vô gia cư đeo tấm bảng ghi chữ Jeremiah 11:11.

Số 11:11 là biểu tượng cho gia đình doppelganger 4 người của Red, tấn công gia đình Wilson. Phân đoạn họ nắm tay đứng ngoài căn nhà Wilson trông rất giống số 11:11.

11:11. (Ảnh: IMDb)
11:11. (Ảnh: IMDb)

Ngoài ra, Jeremiah 11:11 còn chỉ đoạn 11, câu 11 ở cuốn Jeremiah trong Kinh Thánh. Để hiểu rõ ẩn ý này thì đòi hỏi người xem cần biết một chút về tôn giáo.

Jeremiah là tên một vị ngôn sứ của Thiên Chúa, có nhiệm vụ rao giảng những gì Ngài muốn nói cho Vua Judah, các tư tế, và dân thành Jerusalem. Ban đầu, Jeremiah từ chối nhiệm vụ, sau thay đổi ý định và chấp nhận sứ mệnh dẫn truyền lời Chúa, bảo Vua và dân thành Jerusalem hãy sám hối tội lỗi của mình (do những người ở đây đã gây ra quá nhiều nghiệp xấu), nhưng họ nhất quyết không nghe và Chúa quyết định trừng phạt cả ngôi thành.

Đoạn 11: 11 ý nói đến sự trừng phạt này, nguyên văn bản dịch rằng: Vậy nên, Đức Giê-hô-va phán như vầy: Nầy, ta sẽ khiến tai nạn đổ trên chúng nó, không thể tránh được; chúng nó sẽ kêu đến ta, những ta chẳng thèm nghe.

Red chính là hình ảnh của Jeremiah trong phim. Cô ta gặp Adelaide vào một đêm mưa bão, sau đó bóp cổ Adelaide và đánh tráo cuộc đời cả 2. Nhưng sau khi sống với những bản gốc quá lâu, Red dần đánh mất ký ức cũng giống như khi Jeremiah chối bỏ sứ mệnh. Cuối phim, Red lấy lại ký ức đó và hoàn thành nhiệm vụ.

Bức tranh trên tường chỉ có người phụ nữ áo đỏ là đang ngồi. Gia đình doppelganger của Red cũng thế, chỉ có mình cô ta đang ngồi. (Ảnh: IMDb)
Bức tranh trên tường chỉ có người phụ nữ áo đỏ là đang ngồi. Gia đình doppelganger của Red cũng thế, chỉ có mình cô ta đang ngồi. (Ảnh: IMDb)

Tội lỗi của dân thành Jerusalem biểu tượng cho tội lỗi của con người (cụ thể ở đây là người Mỹ) trong phim, khi họ nhân bản cơ thể rồi bỏ mặc các bản sao tự sinh tự diệt. Theo lời Red thì các doppelganger xem đây là tội ác. Cuối cùng, “Người bị xích” vùng dậy và giết tất cả các bản gốc, ngụ ý sự trừng phạt của Thiên Chúa lên dân thành Jerusalem. Khi các bản sao nối tay nhau tạo nên một hàng rào người, chúng ta có Hoa Kỳ trở thành Jerusalem bị trừng phạt năm xưa. 

5. Doppelganger Kitty

Các doppelganger suy nghĩ cũng giống như bản gốc. (Ảnh: IMDb)
Các doppelganger suy nghĩ cũng giống như bản gốc. (Ảnh: IMDb)

Phân đoạn doppelganger Kitty sắp rạch mặt Adelaide nhưng cuối cùng không làm mà tự rạch mặt là do bản gốc Kitty từng sửa mặt (phẫu thuật thẩm mỹ) 2 lần và nói với Adelaide rằng cô không cần sửa gì cả. Doppelganger vốn có suy nghĩ giống với bản gốc, nên ả quyết định không “sửa mặt” Adelaide mà tự “sửa mặt” mình.

Tương tự thế, ở đầu phim khi 2 gia đình đang nằm trên bãi biển, Kitty nói với chồng "Em ghét anh", sau đó quay sang Adelaide, bảo "Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ về việc giết anh ấy." Mặc dù trông có vẻ là nói đùa, nhưng thực sự là Kitty có nghĩ tới chuyện đó. Chi tiết này thể hiện ở phân cảnh khi doppelganger Kitty đứng trên lầu và nhìn thấy doppelganger Josh bị Gabe giết chết trên thuyền, cô ta mếu máo một hồi sau đó chuyển sang cười, thích thú với việc doppelganger Josh đã chết. 

6. “Bức tường của Trump”

Phân đoạn “Người bị xích” nắm tay nối liền đường biên giới nước Mỹ, ngoài ý nghĩa tôn giáo, còn có ý nghĩa xã hội và chính trị rất rõ ràng. Không phải tình cờ mà Adelaide muốn gia đình chạy trốn sang Mexico hay các doppelganger mặc đồ đỏ. Với những người thường theo dõi thời sự thì hẳn đều biết Tổng thống Donald Trump có ý định xây một bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico nhằm ngăn những người nhập cư trái phép. Màu đỏ là màu của đảng Cộng Hòa, đảng của ông Trump, màu xanh dương là màu của đảng Dân Chủ. Việc màu đỏ bao trùm, lấn át màu xanh dương ở một số phân đoạn, ngụ ý các chính sách của ông Trump sẽ “bóp nghẹt” nền tự do ở Mỹ. Với phong cách làm phim của người đã từng tạo nên Get Out , cũng không có gì lạ khi Jordan Peele quyết định đem chính trị, xã hội vào trong Us.   

7. Những con thỏ

Ở phân đoạn đầu phim, chúng ta được nhìn thấy nhiều lồng thỏ xuất hiện. Thỏ không chỉ ngụ ý cho việc nhân bản, mà còn ngụ ý cho dân số nước Mỹ với hình ảnh thỏ trắng (người da trắng), thỏ đen (người da màu), thỏ nâu (người Châu Á), thỏ trắng có đốm đen (người lai)… Cho dù màu lông là gì, chúng đều là thỏ, đều giống nhau, cũng giống như con người, dù cho màu da là gì, thì cũng đều là con người, có mắt, mũi, miệng và máu.

8. Môi trường có thể thay đổi một ai đó

Sự song song, đối xứng giữa Red và Adelaide chính là quan điểm “môi trường ảnh hưởng lên con người” mà số đông chúng ta vẫn chấp nhận.

Adelaide và Red đã hoán đổi vị trí cho nhau. (Ảnh: IMDb)
Adelaide và Red đã hoán đổi vị trí cho nhau. (Ảnh: IMDb)

Adelaide sống trong một nơi điên khùng như thế, từ một cô bé bình thường, bỗng trở thành “Người bị xích”, Adelaide trở thành Red. Còn Red, sau khi tráo cuộc sống với Adelaide, từ một kẻ quỷ quyệt với nụ cười nham hiểm trên môi, sống trong môi trường tốt đẹp hơn, đã trở thành chính “bản gốc” Adelaide.

Tuy vậy, có những đặc điểm vốn đã ngấm vào trong bản chất mà cho dù môi trường có thế nào đi chăng nữa, cũng không thể thay đổi được. Đó chính là chi tiết Adelaide gặp khó khăn trong việc giao tiếp với những người xung quanh, kể cả với chồng mình do tất cả các bản sao sống dưới tầng hầm đều gần như không thể nói được trừ Red (vốn là bản gốc).

9. Đoạn ký ức

Adelaide (là Red doppelganger) đầu phim, lúc đi tìm Jason có đi xuống tầng hầm và nhớ lại khoảnh khắc khi nhỏ, thấy bản thân mình với vẻ mặt bí hiểm đang học múa. Người đang nhảy lúc đó chính là Red (Adelaide bản gốc). Khả năng múa của Adelaide (Red doppelganger) vốn thừa hưởng từ Red (Adelaide bản gốc) – người có khả năng múa thực sự, ký ức của 2 người lúc này hòa quyện vào nhau. Nhưng do sống ngược môi trường quá lâu, Red nghĩ rằng do Adelaide mà mình mới múa được, còn Adelaide thì nghĩ rằng do được bố mẹ khuyến khích mà mình có khả năng múa.

10. Chiếc còng tay

Đây là chi tiết gợi ý cho phần twist, nhưng nếu không để ý kỹ, chúng ta khó mà nhận ra. Red (doppelganger) sau khi bóp ngất Adelaide (bản gốc) và lôi cô xuống tầng hầm, đã còng Adelaide vào chiếc giường, nhốt cô tại đó, đánh tráo thành công cuộc đời của cả 2. Adelaide sau đó phát điên và tưởng rằng mình là người nhân bản. Sau này, khi Adelaide (bản gốc) tìm gặp lại Red (doppelganger), đã cầm theo chiếc còng bảo Red tự còng tay mình vào bàn. Chi tiết này có thể xem là sự trùng hợp, nhưng vô tình lại tạo nên sự liên kết giữa bản sao và bản gốc. 

11. Bù nhìn

Ở ngoài biển lúc Jason đi vệ sinh, cậu nhóc bắt gặp một doppelganger đứng yên như tượng, giơ hai tay ra trong tư thế bù nhìn. Chi tiết này ngụ ý các doppelganger chỉ biết làm theo lệnh của Red, không có suy nghĩ, chính kiến hay quyết định gì. Bù nhìn vốn để chỉ các cá nhân/tổ chức không có sự sáng suốt, không thể tự nắm bắt vận mệnh, chỉ biết hành động theo sự điều khiển của người hoặc thế lực khác đứng sau lưng.

12. Chữ "thỏ" bằng tiếng Việt

Chi tiết này nhiều người xem phim xong đã cho rằng ngụ ý đề cập đến Chiến tranh Việt Nam. Nếu đúng là như thế thì rất có thể Jordan Peele muốn chỉ tạp chí Playboy (có biểu tượng con thỏ) xuất hiện khi lính Mỹ còn đang tham chiến từ khoảng năm 1960.

Playboy có biểu tượng đại diện con thỏ.
Playboy có biểu tượng đại diện con thỏ.

Playboy đi lên với tư cách là một hình thức giải trí cho đàn ông, nhưng dần dần, sự phát triển của nó có thời điểm đã vượt qua cả mục tiêu thông thường. Năm 1960, Playboy đã cho đăng nhiều bài viết thẳng thắn về các vấn đề xã hội, văn hóa và chính trị mà Mỹ đang phải đối mặt, do các nhà báo có tiếng, lãnh đạo chính phủ, quân đội, các cây bút hàng đầu viết nên. Các chủ đề xuất hiện trong các bài viết này thường là bình đẳng giới, phá thai, quyền của người đồng tính, chủng tộc, các vấn đề kinh tế, phong trào phản văn hóa, và các vụ bỏ tù hàng loạt. Ngoài ra, còn có các bài phỏng vấn giới thiệu lập luận và ý tưởng về chủng tộc và quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi... (Theo Nghiencuuquocte.org) 

Còn chi tiết nào bạn cảm thấy khó hiểu hoặc vô tình ngẫm nghĩ ra không? Cùng chia sẻ nhé!