Doppelganger - Phản diện chính của Chúng Ta - Us là ai?
Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · Maii ·
Cùng tìm hiểu về doppelganger, đề tài mà Chúng Ta (Us) mang đến nhé!
Phim kinh dị Chúng Ta – Us của Jordan Peele, người đứng sau Get Out sẽ đưa khán giả đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta gặp doppelganger của chính mình?”
Phim xoay quanh một gia đình đi nghỉ mát ở bờ biển và bỗng nhiên gặp những bản thể song sinh kỳ dị. Theo Peele thì phản diện của Chúng Ta (trong phim được gọi là The Tethered), mang ý nghĩa “kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta, là chính chúng ta.” Anh đã từng nói muốn khai thác mối liên kết giữa bản thân con người và bản thể song sinh của họ, đồng thời cũng là mỗi quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được thể hiện qua tên phim.
Để hiểu rõ hơn về Chúng Ta, phim kinh dị đang được đánh giá cao sắp sửa ra rạp trong tuần này, mời các bạn cùng tìm hiểu về doppelganger, xuất phát từ truyện dân gian và thần thoại, trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng và niềm cảm hứng cho sách, báo và phim ảnh, trong đó có phim của Jordan Peele.
Doppelganger vốn được xem là một thực thể song sinh độc ác và có phần láu cá của con người, sinh ra từ những ý nghĩ xấu xa hoặc do bị đưa đường dẫn lối. Các doppelganger này có thể là ma quỷ hoặc là một thực thể từ hoạt động xuất hồn, tách hồn của con người. Doppelganger có thể chỉ là một cái bóng hoặc có ảnh phản chiếu, nhưng gương mặt thì lúc nào cũng có phần kỳ dị.
Ngoài đời thì khoa học chỉ ra rằng sự giống nhau này đến từ sự hạn chế trong đa dạng gen, do ảo giác hoặc não có vấn đề. Thế nhưng, doppelganger không phải gần đây mới xuất hiện mà vốn có khởi nguồn từ cả nhiều triệu năm trước, trước cả khi từ “doppelganger” được người ta biết tới. Trong truyền thuyết của Hỏa Giáo, xuất hiện Enkidu là bản sao của Gilgamesh, trong kinh Torah của Do Thái Giáo và Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo, các thiên thần có thể xuất hiện dưới hình dạng một con người, trong thần thoại Công Chúa Hy Lạp, thì một “bóng ma” của Helen đã xuất hiện để mê hoặc Hoàng tử Paris của Troy…
Từ “doppelganger” do Jean Paul, tác giả tiểu thuyết lãng mạn Siebenkas (1796-1797) sáng tạo ra. Ông viết về một người đàn ông gặp phải phần tính cách xấu xa của mình, sử dụng từ “doppeltganger” (có chữ t), định nghĩa doppeltganger nghĩa là “người nhìn thấy chính mình”, và khi một người được “nhân bản”.
Một từ khác lấy cảm hứng từ doppeltganger là doppelgaänger, được định nghĩa là một “hồn ma của người sống” (fetch) trong cuốn A Provincial Glossary, With a Collection of Local Proverbs, and Popular Superstitions của Francis Grose xuất bản năm 1787.
Nhưng từ “fetch” có vẻ không bắt tai lắm nên tiểu thuyết gia Catherine Crowe lấy từ “doppelganger”, viết nên cuốn The Night-Side of Nature; Or, Ghosts, and Ghost-Seers, xuất bản năm 1848.
Night-Side chính là cuốn mang ảnh hưởng của từ “doppelganger” lan tỏa đi rộng rãi, trở thành một biểu tượng văn hóa đại chúng và góp phần tạo nên nhiều giả thuyết xoay quanh các doppelganger ngày nay mà chúng ta biết. Cuốn sách này kết hợp giữa các câu chuyện cùng các yếu tố siêu nhiên, truyện dân gian, tin đồn, từ những nơi có thật. Tác giả chính là người sáng tạo ra câu chuyện chúng ta nhìn thấy doppelganger của mình khi mộng du, xuất hồn, tách hồn và nếu nhìn thấy doppelganger thì tức là vận rủi hoặc cái chết sắp đến.
Do ảnh hưởng sâu rộng từ tiểu thuyết của Crowe mà doppelganger bắt đầu xuất hiện nhiều trong các cuốn sách xuất bản ở thế kỷ 19. Tại thời điểm này thì các hoạt động tâm linh rất phổ biến, bao gồm giao tiếp với người chết hoặc các giả thuyết tôn giáo. Các doppelganger đều được mô tả là độc ác, quỷ quyệt hoặc nguy hiểm. Trong cuốn William Wilson (1839) của Edgar Allan Poe, một người đàn ông đã phát điên khi gặp phải doppelganger và dẫn đến việc William giết chết bản sao của mình/tự tử. Điều thú vị là các nhân vật chính của Chúng Ta cũng có họ Wilson.
Doppelganger trở thành yếu tố thương mại và hút khách trong thế kỷ 20 với sự ra đời của màn bạc. Alfred Hitchcock từng sử dụng ý tưởng doppelganger để tạo nên yếu tố kinh dị trong Vertigo, bộ phim thriller tâm lý năm 1958 với Kim Novak đóng vai một người phụ nữ là doppelganger của chính cô. Ý tưởng tương tự tiếp tục được nhà làm phim sử dụng trong phim noir 1951 The Man With My Face.
Một phim tâm lý về doppelganger khác bị đánh giá thấp nhưng khá hay cũng xuất hiện trong khoảng thời gian đó là The Man Who Haunt Himself (1970). Dựa trên câu chuyện The Strange Case of Mr. Pelham, với sự tham gia của Roger Moore trong vai một người đàn ông chết trên bàn mổ, sau đó tỉnh dậy và phát hiện có một bản sao đang phá hoại cuộc sống của mình. Câu chuyện này cũng được chuyển thể thành môt tập trong Alfred Hitchcock Presents năm 1955.
Peele từng chia sẻ ý tưởng gốc của Chúng Ta đến từ một tập của The Twilight Zone mang tên Mirror Image, khi một người phụ nữ gặp phải doppelganger độc ác từ một thế giới song song khác đang tìm cách thay thế cô. Ý tưởng của tập phim này lại đến từ việc Rod Serling thấy một người đàn ông từ phía sau, mặc quần áo giống mình và mang một chiếc cặp cũng giống mình ở sân bay. Ông ấy có thể đã tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu người đàn ông đó quay mặt lại và hóa ra ông ta giống y hệt mình?
Các phản diện là một phần hay hoàn toàn là bản sao của các nhân vật chính dần đã trở thành yếu tố phổ biến trong nhiều phim trước đây như một số tập của Star Trek (Mirror, Mirror năm 1967), The Prisoner (The Schizoid Man năm 1967), Faker He-Man; Lore, Robot Bill and Ted; Mechagodzilla, Cyborg Superman, Reverse Flash, Venom, NegaDuck, Orphan Black của BBC America, Moon của Duncan Jones, The Prestige của Christopher Nolan, The Island của Michael Bay…
Giờ thì đến lượt Chúng Ta của Peele khai thác đề tài doppelganger và khán giả tò mò không biết các yếu tố nào từ truyện dân gian, giả thuyết siêu nhiên… sẽ xuất hiện trên màn ảnh, thêm vào đó là chiều sâu ý nghĩa và ẩn ý mà nhà làm phim cố gắng cài cắm.
Nguồn: The Hollywood Reporter