[REVIEW] It – Không thật sự làm người xem thỏa mãn như những gì đã được PR

Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Genis ·

Cảnh bị cắt làm giảm giá trị của bộ phim.

Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim, các bạn cân nhắc trước khi đọc.

It vốn là bộ tiểu thuyết rất nổi tiếng của bậc thầy về truyện kinh dị Stephen King được xuất bản vào năm 1986. Với hầu hết những ai đã đọc qua nó đều có những ấn tượng nhất định về một thể thoại truyện kinh dị đầy mới mẻ nói chung và về hình tượng một con quỷ dưới lốt một tên hề mang tên Pennywise nói riêng. It sau đó được chuyển thể thành một mini series gồm 2 phần cũng tạo được tiếng vang lớn khi lần đầu tiên người xem được tận mắt chứng hình ảnh tên ác quỷ trong bộ truyện yêu thích của mình, vốn chỉ là những tưởng tượng khác nhau của mỗi người. Và đến nay, It được làm lại với tạo hình các nhân vật mới hơn, kết hợp với những kỹ xảo hiện đại hứa hẹn sẽ mang lại nỗi ám ảnh tột độ của Pennywise dành cho những người đam mê thể loại kinh dị này. Nhưng mong đợi nhiều để rồi hụt hẫng cũng nhiều. It không thật sự làm người xem thỏa mãn như những gì mà nó đã được PR trước đó.

Tuy là được làm lại nhưng It vẫn bám sát cốt truyện gốc, vẫn là hành trình của nhóm The Losers Club gồm 7 đứa trẻ độ tuổi cấp 2 chống lại một thực thể bí ẩn tồn tại bằng cách gợi lên nỗi sợ lớn nhất của con người và sau đó nuốt chửng họ. Điều này chắc hẳn sẽ khiến nhiều fan trung thành với các tác phẩm của King và những người đã xem qua series sẽ cảm thấy rất thích thú, cảm giác như tuổi thơ ngày nào ùa về. Nhưng nếu đã được PR rầm rộ trong một thời gian tương đối dài thì lẽ ra bộ phim phải được làm ra để đại đa số khán giả có thể thưởng thức chứ không phải chỉ riêng fan. Chứa đựng khá nhiều tình tiết mang tính ẩn ý của đạo diễn Andy Muschietti, nhiều người ắt hẳn sẽ cảm thấy bối rối khi theo dõi bộ phim. Thêm một điều nữa là trước khi ra mắt, hình ảnh một Pennywise mới (Bill Skarsgard) khá ấn tượng chính là yếu tố có sức hút lớn nhất để lôi kéo khán giả đến với It, nhưng đất diễn cho nhân vật này phải nói là rất ít và không thỏa mãn được sự mong đợi của người xem.

Trong cảnh mở đầu, nhân vật cậu bé Georgie (Jackson Robert) vô tình làm lọt chiếc thuyền giấy do chính tay người anh trai Bill Denbrough (Jaeden Lieberher) xuống cống. Trong lúc tìm cách lấy lại chiếc thuyền, Georgie đã gặp Pennywise. Pennywise bằng lời dụ dỗ đầy ma lực đã cắn đứt cánh tay của Georgie rồi sau đó nuốt chửng luôn cậu bé. Đây là cảnh khiến người xem cảm thấy ấn tượng nhất nhưng cũng chính nó đã làm lệch đi tính chất của nhân vật phản diện này. Những lời nói của Pennywise mới chính là yếu tố gây nên sự ám ảnh của hắn, nhưng trong phim lại được khai thác quá ít. Gần như trong toàn bộ phần còn lại của phim, hắn xuất hiện với những cảnh jump scare vốn thường thấy trong các phim kinh dị kinh điển. Cảm giác như đạo diễn Muschietti phần nhiều muốn dựa vào vẻ ngoài cùng với những pha xuất hiện bất thình lình của nhân vật để tạo nên chất kinh dị cho bộ phim. Và nếu so những cảnh ấy với trong Conjuring hay Insidious, It hoàn toàn thua xa.

Cứ cho rằng Pennywise là một fear lord chính hiệu và mục đích của hắn là đùa giỡn với nỗi sợ của nạn nhân cho đến khi lên đến tột đỉnh và cuối cùng là ăn nó. Vậy thì vì sao lại có những người hắn giết ngay lập tức, có người hắn lại thả để chơi trò mèo vờn chuột mặc dù đã khơi lên được nỗi sợ lớn nhất bên trong tất cả bọn họ?

Điển hình nhất chính là nhân vật Eddie Kaspbrak (Jack Dylan Grazer). Hắn đã khơi được nỗi sợ lớn nhất của cậu bằng cách biến thành một kẻ mang bệnh dịch khắp người. Lẽ ra lúc đó hắn đã có thể chiếm đoạt cậu bé nhưng những gì hắn làm chỉ là sự dọa dẫm và sau đó biến mất trong hụt hẫng của khán giả, trái ngược hẳn với nhân vật Patrick Hockstetter đã bị ăn thịt ngay trong lần đụng độ đầu tiên. Điều này dẫn đến câu hỏi liệu nhóm The Losers Club có phải là những đứa trẻ được chọn? Với việc nguồn gốc của Pennywise chưa bao giờ được tiết lộ thì câu hỏi này sẽ mãi là một ẩn số.

Một nhân vật khác cũng không được khai thác triệt để đó là Henry Bowers (Nicholas Hamilton). Phải nói đây là nhân vật đáng thương nhất phim khi sống cùng người cha ưa bạo lực và chính điều này đã biến cậu thành một kẻ chuyên đi bắt nạt những người yếu thế hơn mình. Nỗi sợ của cậu cũng được đánh giá là lớn nhất chỉ sau Bill. Cậu sau đó đã trở thành một công cụ của gã hề để chống lại The Losers Club. Ở đây đáng lẽ phải có một cảnh Pennywise dùng khả năng dụ dỗ của mình để khống chế Henry. Chi tiết đó chắc chắn sẽ làm khán giả hiểu rõ hơn về sự ảnh hưởng của hắn có thể gây lên một con người nhưng đạo diễn chỉ thể hiện nó qua một món quà và không nói gì thêm. Có ý kiến cho rằng cảnh này đã bị cắt, không hiểu lý do vì sao nhưng nếu đúng như thế thì nó đã phần nào làm giảm đi giá trị của bộ phim.

Và cảnh làm người xem bối rối nhiều nhất chính là hàng trăm xác người trôi lơ lửng trong hang ổ của Pennywise. Câu nói cửa miệng của The Dancing Clown, “You’ll float too – Ngươi cũng sẽ lơ lửng thôi”  là để ám chỉ đến điều này. Đây có vẻ như là một sự liên kết với các phim khác trong “vũ trụ phim King”. Không hề có một lời giải thích vậy thì có mấy ai hiểu được chi tiết này?   

Điểm sáng của bộ phim có lẽ nằm ở 7 nhân vật chính, đặc biệt là nhân vật Richie Tozier (FinnWolfhard) liên tục tạo ra những ra những tràng cười cho khán giả bằng những câu nói rất “tỉnh” của cậu ta. Cô bé Beverly Marsh (Sophia Lilllis) giờ đây đã trở nên mạnh mẽ hơn phiên bản gốc rất nhiều. Nhưng việc tập trung quá nhiều vào sự xây dựng mối quan hệ của 7 đứa trẻ đã vô tình khiến Pennywise đã mờ nhạt lại càng nhạt hơn mặc dù diễn xuất của Skargard là không có gì để chê. It đã bỏ qua rất nhiều trong việc khai thác Pennywise. Nếu như có thể làm cho hắn thể hiện được nhiều hơn trong việc gieo rắc nỗi sợ bằng việc kết hợp diện mạo đáng sợ vốn có cũng như những lời nói của hắn, khi đó chắc chắn sẽ là một thành công ngoài mong đợi. Hy vọng phim sẽ bù đắp được những thiếu sót ở phần 2.