[REVIEW] Mindhunter mùa 2 – Kiểm soát chỉ là một thứ ảo tưởng

TV Series · Đánh giá phim · nguyenvumaianh ·

Mindhunter trở lại với những vết cứa đau và sâu hơn rất nhiều so với phần 1. 9 tập của mùa 2 một lần nữa khiến ta phải ngỡ ngàng, bàng hoàng và rùng mình trước sự tàn ác, máu lạnh của con người.

Kéo xuống để xem tiếp

"Quỷ dữ là sinh vật quyền năng. Chúng dùng giọng nói, suy nghĩ của chính ta chống lại ta. Chúng khiến ta nghĩ mình bị điên. Khi chúng đủ mạnh, chúng ta sẽ nói to tên chúng Và một khi chúng ta làm thế, chúng hoàn toàn chiếm lấy quyền kiểm soát"

Mindhunter trở lại với những vết cứa đau và sâu hơn rất nhiều so với phần 1. 9 tập của mùa 2 một lần nữa khiến ta phải ngỡ ngàng, bàng hoàng và rùng mình trước sự tàn ác, máu lạnh của con người. Ai cũng có thể bị điên và sự điên rồ ấy chẳng hề có giới hạn. Thậm chí một tên sát nhân hàng loạt còn nói rằng hắn giết người do bị quỷ dữ khống chế. Tất nhiên, tính ái kỷ trong hắn đã buộc hắn phải thừa nhận quỷ dữ chỉ là bịa đặt nhưng nó cũng khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Liệu ta có thực sự kiểm soát được phần "con" trong mỗi người?

Ra mắt trên kênh Netflix gần hai năm trước, mùa đầu tiên của Mindhunter để lại những ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng khán giả và giới phê bình. Khi điện ảnh, truyền hình đang bị bội thực với quá nhiều siêu anh hùng, ma cà rồng, siêu phẩm sci-fi đang vẽ nên những bức tranh màu hồng đầy hy vọng... Mindhunter lại giáng một cú tát một thật mạnh, đưa ta trở về với thực tại, với những góc khuất đen tối ẩn sâu trong mỗi người. Đây là bộ phim đưa ta nhìn thấu cái đáy vực thẳm của những con quái vật - những kẻ đồi bại ngay xung quanh chúng ta: là hàng xóm, là bạn bè hay chỉ là một kẻ đi đường ta bất chợt nhìn thấy. Ngay khi ra mắt mùa 2 vào 16/8 năm nay; Mindhunter nhận được điểm số 100% trên trang Rotten Tomatoes. 

Mindhunter lột tả một cách chân thực nhất về sự ra đời của đơn vị Phân Tích Hành Vi Tội Phạm (Behavior Sciene Unit) với phương pháp lập hồ sơ tội phạm dựa trên những kinh nghiệm tích luỹ của một nhân viên FBI kỳ cựu/nhà vẽ chân dung tội phạm nổi tiếng John E. Douglas - người đi tiên phong trong việc phỏng vấn hàng loạt những tên sát nhân hàng loạt và sử dụng những tư liệu ấy như một công cụ để điều tra tội phạm. Hay nói một cách đơn giản hơn: dùng quái vật để bắt những con quái vật khác.

Nhân vật Holden Ford được dựa trên câu chuyện của FBI profiler John Douglas (Nguồn: All That's Interesting)
Nhân vật Holden Ford được dựa trên câu chuyện của FBI profiler John Douglas (Nguồn: All That's Interesting)

Sau hai năm vắng bóng với một cái kết mơ hồ, Mindhunter trở lại với quy mô lớn, bài bản và chuyên nghiệp hơn nhưng lại khiến ta có một cảm giác dường như mọi thứ đang vượt quá tầm kiểm soát. Đơn vị Phân Tích Hành Vi Tội Phạm không còn chỉ là một căn phòng chật hẹp, nằm dưới tầng hầm của FBI nữa, mà giờ đây nó trở thành đứa con cưng, con ngỗng vàng phục vụ cho tham vọng cũng như mục đích chính trị của vị giám đốc mới bổ nhiệm: Ted Gunn (Michael Cerveris). Đến cuối cùng, Ted lợi dụng 3 nhân vật chính của chúng ta như cái cách mà họ đang làm với những tên sát nhân hàng loạt

Holden Ford (Jonathan Groff), Bill Tench (Holt McCallany) và giáo sư Wendy Carr (Anna Torv) quay về với guồng công việc điên rồ và đầy hỗn loạn: đi sâu vào tâm trí của những tên tội phạm giết người qua các cuộc phỏng vấn đồng thời sử dụng những thông tin ấy để điều tra các vụ án mạng ở hiện tại. Nhưng trong phần 2, ta không còn nhìn thấy rõ sợi dây liên kết chặt chẽ giữa 3 người này nữa mà ngược lại, tuyến nhân vật trở nên rời rạc và khó đoán. Holden vừa mới qua khỏi cơn hoảng loạn lo âu, lại bị cuốn vào một vụ án phức tạp gây chấn động khắp thế giới, trong khi Bill đi điều tra những tên tội phạm giết người hàng loạt thì đứa con trai 7 tuổi của anh lại dính dáng đến cái chết của một cậu bé gần nhà. Wendy gặp khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ giữa cô và người bạn gái mới quen cũng như trăn trở về vị trí tại BSU khi việc nghiên cứu tâm lý tội phạm đã không còn là mục tiêu hàng đầu. Rõ ràng, họ không thể kiểm soát được những vấn đề của riêng họ. 

 Holden
 Holden

Như ở phần 1, hầu hết cảnh mở đầu của mỗi tập phim hé lộ về chân dung tên sát nhân BTK (Bind, Torure & Kill: Trói, Tra tấn và Giết) cũng như những sở thích quái đản, bệnh hoạn của hắn. Mỗi một hành động của tên sát nhân này đều kích thích sự tò mò của khán giả. Ngay trong tập cuối, BTK chỉ xuất hiện trong vòng chưa đầy 2 phút với vẻ ám ảnh như thường lệ: ghê tởm và quái dị. Tuy nhiên, đây có thể là nhân vật đóng vai trò cực kỳ quan trọng xuyên suốt toàn bộ series Mindhunter. 

Tên sát nhân BTK khét tiếng của nước Mỹ những năm 90 (Nguồn: Inverse)
Tên sát nhân BTK khét tiếng của nước Mỹ những năm 90 (Nguồn: Inverse)

Charlie Manson, Son Of Sam, William Pierce, Wayne Williams... Những con quái vật có thật mà chỉ cần đọc wiki cũng khiến bạn phải mất ngủ. Họ gieo rắc nỗi sợ hãi lên toàn bộ nước Mỹ vào những năm 1960 - 1970. Nhưng điểm thú vị của Mindhunter chính là tương phản giữa thực tế và những gì mà chúng ta được biết qua báo chí, phim ảnh về những tên tội phạm khét tiếng ấy. Trong khi rất nhiều những kẻ sát nhân hàng loạt được tiểu thuyết hoá hay thần thoại hoá nhờ các tác phẩm điện ảnh, những bộ phim như The Silence Of The Lamb, Extremely Wicked, Shockingly Evil and Vile hay Conversations with a Killer: The Ted Bundy Tapes; Douglas đào sâu đến những mảnh vụn vỡ, khía cạnh thảm hại của bọn họ: sự ghen tị nhỏ nhen, sự ảo tưởng, tự lừa dối bản thân và cả sự bất lực trong tình dục lẫn những mối quan hệ xã hội. 

Mindhunter mùa 2 và 7 tên giết người hàng loạt khét tiếng có thật

Mindhunter mùa 2 và 7 tên giết người hàng loạt khét tiếng có thật

7 tên giết người trong Mindhunter mùa 2 được lấy cảm hứng từ đời thực.

Cuộc gặp gỡ với Charlie Manson hoá ra không như những gì chúng ta mong đợi, dù hắn là một kẻ thao túng ghê rợn nhất nước Mỹ, là nguồn cảm hứng bất tận cho hàng loạt phim Hollywood. Ed Kemper (tên sát nhân đầu tiên ở phần 1) gọi hắn là kẻ giả mạo. Từng câu thoại của Manson là lời cảnh tỉnh cho những người anh hùng của chúng ta về cái tôi, về giáo dục con cái cũng như những lời nói dối mà chúng ta tự huyễn hoặc bản thân trước khi đi ngủ. 

Damon Herriman mang đến một màn trình diễn quá tuyệt vời trong vai Charles Manson (Nguồn: Digital Spy)
Damon Herriman mang đến một màn trình diễn quá tuyệt vời trong vai Charles Manson (Nguồn: Digital Spy)

Ai cũng được dạy về kiểm soát bản thân, khống chế bồng bột nhưng những kẻ như Charlie Manson cho ta thấy rõ: con người dễ bị điều khiển bởi sự thoả mãn, tìm kiếm thoải mái, muốn được đáp ứng mọi khao khát và ham muốn ngay lập tức. Chúng ta nghĩ mình có quyền kiểm soát, nhưng cuối cùng lại cúi đầu trước những cảm xúc bốc đồng và ham muốn. Thậm chí người người, nhà nhà ai cũng bị hấp dẫn bởi câu chuyện về những kẻ giết người hàng loạt. "Tại sao hắn làm vậy? Hắn nói với anh những gì?" - những người hàng xóm túm tụm lại nghe Bill Tench tiết lộ về việc anh đã từng phỏng vấn những tên quái vật man rợ nhất nước Mỹ. Vậy đấy! Chúng ta thường bị thu hút bởi những kẻ phá vỡ quy tắc và chạy theo sự hỗn loạn. 

Những tên sát nhân trong Mindhunter mùa 2 (Nguồn: Slashfilm)
Những tên sát nhân trong Mindhunter mùa 2 (Nguồn: Slashfilm)

Không máu me, bạo lực hay có những cú hù doạ đầy bất ngờ, Mindhunter mùa 2 vẫn khiến người xem phải sởn da gà, đặc biệt là những nét phấn phác hoạ hiện trường vụ án. Nó là dấu hiệu đã nhận ra mạng sống của một người đã bị tước đoạt. Nó còn là những vết sẹo, nỗi đau thương để lại, vẫn cứ tiếp tục được giữ nguyên, đeo bám và giày vò những người xung quanh. Joe Penhall và nhà sản xuất/đạo diễn David Fincher tận dụng thành công một nguyên lý cơ bản trong hầu hết các bộ phim kinh dị, ly kỳ: Những gì nằm trong trí tưởng tượng của bạn đáng sợ hơn nhiều so với những gì bạn tận mắt nhìn thấy. Rõ ràng ta không chứng kiến những vụ án mạng nhưng nó vẫn quẩn quanh trong suy nghĩ của người xem, như một vết thương vô hình: nhức nhối và khó chịu. 

 nét phấn phác hoạ hiện trường (Nguồn: Refinery 29)
nét phấn phác hoạ hiện trường (Nguồn: Refinery 29)

"Bạn có biết con bạn đang ở đâu không?"câu nói ấy được dán khắp trên các poster, banner, báo chí và thậm chí cả trên truyền hình tạo nên một nỗi ám ảnh đến tột cùng. Vụ án hơn 28 đứa trẻ Mỹ gốc Phi bị mất tích và giết hại tại Atlanta cho đến giờ là một sự thất bại nặng nề của cơ quan pháp luật Mỹ cũng như chính quyền địa phương lúc bấy giờ. Nếu như không có tiếng kêu gào, oán giận của những người mẹ, liệu chính phủ hay các nhà điều tra có thực sự quan tâm đến những đứa trẻ tội nghiệp ấy? Thảm hại hơn cả chính là những kẻ đặt lợi ích chính trị lên trên cả mạng sống của những cậu bé mới 12-14 tuổi phải lăn lội đi kiếm tiền bằng đủ mọi cách. Điều đó khiến Holden hoàn toàn bị ám ảnh bởi vụ án này. "Hung thủ là một người da màu!" - lời nhận định chắc nịch này của anh dấy lên nhiều tranh cãi về vấn đề chủng tộc, nhất là khi KKK (nhóm người da trắng thượng đẳng) đang hoành hành tại Atlanta lúc bấy giờ. 

Vụ án Atlanta child murder gây rúng động nước Mỹ (Nguồn: Inverse)
Vụ án Atlanta child murder gây rúng động nước Mỹ (Nguồn: Inverse)

4 tập cuối cùng của Mindhunter mùa 2 cuốn người xem vào cuộc hành trình điều tra vụ án Atlanta đầy gian nan và nghẹt thở. Cuối cùng hung thủ Wayne Williams đã bị bắt nhưng cho đến bây giờ, chính quyền liên bang vẫn chưa truy tố hắn trước cái chết của 28 đứa trẻ. Vậy công lý liệu đã được thực thi? Rồi 10, 20 năm sau, có ai nhớ về những đứa trẻ đã khuất? Ở cái kết, cả 3 người hùng của chúng ta đều rơi vào trạng thái trống rỗng. Đau thương - suy cho cùng đó là tất cả những gì mà Mindhunter mùa 2 đọng lại. 

[REVIEW] Money Heist (3 mùa) – Xoắn não, lôi cuốn và thách thức người xem

[REVIEW] Money Heist (3 mùa) – Xoắn não, lôi cuốn và thách thức người xem

30 tập phim Money Heist (La Casa De Papel) là một trải nghiệm điện ảnh đáng nhớ khiến bạn muốn bước ra khỏi vùng an toàn và thử một lần liều lĩnh.

[REVIEW] Good Girls - Đứa con lai của Breaking Bad và Desperate Housewives

[REVIEW] Good Girls - Đứa con lai của Breaking Bad và Desperate Housewives

Good Girls mang đến cốt truyện rất thực, khiến khán giả dễ dàng liên tưởng đến những gánh nặng hàng ngày: nào là tiền điện, tiền nước... Tiền không mua được hạnh phúc, nhưng không có tiền thì hạnh phúc bằng không.