[REVIEW] Toy Story 4 (Câu Chuyện Đồ Chơi 4)
Đánh giá phim · KNTT ·
Toy Story 4 chứng minh rằng phần tiếp theo của một bộ ba phim với một cái kết hoàn hảo không phải là điều gì đó quá tệ nếu như nó có một câu chuyện hay xứng đáng được kể lại.
Toy Story 4 (Câu Chuyện Đồ Chơi 4) có thể không khiến người xem rơi nước mắt nhiều như phần 3, thế nhưng sự hài hước và những bài học về sự trưởng thành chính là điều đã làm nên thành công của bộ phim hoạt hình đến từ hãng Pixar.
Toy Story 4 lấy bối cảnh sau phần 3 khi Woody (Tom Hanks) và những người bạn phải từ biệt Andy khi cậu bước chân vào cuộc sống đại học. Cả hội giờ đây đã thuộc sở hữu của Bonnie (Madeleine McGraw), một cô bé mà Andy đã tin tưởng giao lại những người bạn thời thơ ấu của cậu. Vào ngày đầu tiên ở trường mẫu giáo, Bonnie đã tạo ra một món đồ chơi từ cái nĩa tên là Forky (Tony Hale), một nhân vật không hề biết đến sự tồn tại của mình và chỉ muốn chui vào thùng rác. Trong chuyến đi chơi của gia đình Bonnie, Forky đã tẩu thoát và Woody buộc phải trải qua một hành trình đầy khó khăn để mang chiếc nĩa này trở lại với cô bé.
Như đã nói, Toy Story 4 là bộ phim vô cùng hài hước, phần lớn nhờ vào sự xuất hiện của các món đồ chơi mới. Ducky và Bunny (Jordan Peele và Keegan Michael Key) chính là cặp đôi khiến khán giả bật cười nhiều nhất bởi sự nham hiểm và trí tưởng tượng vô cùng đáng yêu của hai chú gấu bông này. Cái cách mà hai nhân vật tương tác với nhau chính là lý do vì sao Pixar đã mang cặp đôi từng rất nổi tiếng với series hài Key & Peele tham gia vào bộ phim.
Keanu Reeves, người đã xuất hiện trong rất nhiều dự án phim năm nay, lồng tiếng cho Duke Caboom và là một sự bổ sung tuyệt vời vào dàn cast của bộ phim. Duke khiến người xem nhớ đến búp bê Ken trong phần 3 vì sự mong manh, dễ vỡ của anh, từ đó tạo ra các tình huống dở khóc dở cười. Các món đồ chơi cũ của Andy như Jessie, Rex, vợ chồng Potato Head và những món đồ chơi của Bonnie cũng mang lại nhiều tiếng cười cho người xem, đặc biệt là phân cảnh gần cuối của bộ phim giữa các nhân vật và ba mẹ của Bonnie.
Phần 4 còn chứng kiến sự quay trở lại của một nhân vật cũ đó là cô nàng chăn cừu Bo Peep (Annie Potts) và sự xuất hiện của một phản diện mới là búp bê Gabby Gabby (Christina Hendricks). Cùng với Woody và Forky, bốn nhân vật này chính là tâm điểm xuyên suốt bộ phim. Forky luôn khiến người xem mỉm cười mỗi khi xuất hiện trên khung hình bởi sự ngây thơ và ngốc nghếch khi cậu suốt ngày coi bản thân là “rác”. Thế nhưng Forky cũng là tia sáng giúp cho Bonnie vượt qua được buổi định hướng đầy lo lắng ở trường mẫu giáo và là động lực để chàng cao bồi Woody cố gắng khiến Bonnie được vui vẻ, dẫu cho anh không còn là món đồ chơi được ưa thích như khi Andy đã từng yêu quý anh.
Sự vắng mặt của Bo Peep trong phần 3 đã được bù đắp khi cô trở thành điểm sáng trong bộ phim này. Bo Peep được xây dựng với một hình tượng vô cùng mạnh mẽ, một món đồ chơi “thất lạc” nhưng luôn biết mình phải làm gì. Bo khao khát sự tự do và muốn trải nghiệm thế giới, luôn biết nắm bắt những cơ hội và không ngại thay đổi, một hình ảnh đối nghịch hoàn toàn với Woody, một món đồ chơi cũ luôn gắn mình với trách nhiệm là phải khiến cho những đứa trẻ được vui.
Bên cạnh yếu tố hài hước, sự xuất hiện của Gabby Gabby với các tay sai cũng mang đến sự kinh dị bất ngờ cho bộ phim. Đặc biệt hơn, câu chuyện của Gabby Gabby dễ khiến người xem đồng cảm và tuy Gabby được xây dựng như một kẻ xấu (nhưng không xấu xa bằng con gấu Lotso trong phần 3), chính Woody mới là “phản diện” đích thực của bộ phim.
Chính sự bám chặt vào quá khứ và sự cố chấp của Woody đã khiến những người bạn của anh rơi vào nguy hiểm. Quan trọng hơn, nó khiến nhân vật của anh trở nên đáng thương hơn bao giờ hết bởi vì khán giả biết rất rõ Woody và Andy có một mối liên kết đặc biệt như thế nào. Từ đó, bộ phim đưa chúng ta theo hành trình của Woody, một hành trình của sự chấp nhận, từ bỏ việc níu kéo quá khứ và nhận thức được những mong muốn của bản thân. Điều này khiến cho câu chuyện của Toy Story 4 hướng đến khán giả là những người trưởng thành nhiều hơn, thay vì phần lớn là những đứa trẻ trong chúng ta như ba phần trước.
Có một điều mà chắc chắn người hâm mộ của Toy Story không thể nào quên đó là tình bạn giữa Woody và Buzz Lightyear (Tim Allen). Tình bạn giữa Woody và Buzz trong phần phim này rất chân thực và nó khiến người xem cảm động bởi cái cách mà Buzz luôn có mặt khi Woody cần có anh. Đáng tiếc là mối quan hệ này không được khai thác nhiều như ba phần phim trước, thế nhưng những phân cảnh giữa hai nhân vật này trong bộ phim đều luôn để lại ấn tượng cho người xem.
Có một chi tiết vừa buồn cười, vừa ý nghĩa trong bộ phim đó là khi Woody nói với Buzz rằng anh luôn hành động theo tiềm thức của anh, thế nhưng điều đó lại luôn khiến Woody gặp rắc rối xuyên suốt bộ phim, chỉ để ở phân đoạn cuối phim ta mới thấy Buzz hiểu rõ Woody muốn gì hơn bất cứ ai khác. Thế nên tuy câu chuyện của những món đồ chơi trong phần phim này có thể không mang lại nhiều cảm xúc như khi khán giả phải chứng kiến cuộc chia tay với Andy, tình bạn của họ sẽ luôn ghi dấu mãi trong tâm trí của người xem, là một sự nhắc nhở rằng chúng ta luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho người mà ta yêu thương, dẫu cho đôi khi điều đó buộc chúng ta phải xa cách nhau.
Ngoài việc nổi tiếng với các bộ phim có nội dung sâu sắc, Pixar cũng đang dần hoàn thiện mình hơn với khâu thiết kế hoạt hình. Mọi nhân vật, mọi cảnh quay trong bộ phim đều rất đẹp mắt và cũng mang lại một cảm giác chân thực, điển hình như những giọt mưa ở phân cảnh đầu bộ phim. Phần nhạc phim vẫn luôn là một sự bổ sung tuyệt vời cho các phân cảnh cảm động và âm thanh ở các phân cảnh kinh dị trong bộ phim luôn để lại ấn tượng cho người xem.
Tóm lại, tuy có thể không mang đến nhiều cảm xúc như phần 3, nhưng Toy Story 4 đã chứng minh rằng phần tiếp theo của một bộ ba phim với một cái kết hoàn hảo không phải là điều gì đó quá tệ nếu như nó có một câu chuyện hay xứng đáng được kể lại.