[Tổng Hợp] 11 bộ phim đã trở thành niềm cảm hứng cho tên hề điên loạn Joker

Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

Joker được lấy cảm hứng từ rất nhiều phim khác nhau.

Joker (2019) hiện là một trong những cái tên nhận được nhiều sự chú ý nhất từ khi phim ra mắt tại LHP Venice những tháng vừa qua. Bộ phim về tên hề Joker điên loạn, kẻ thù truyền kiếp của Người Dơi, qua màn thể hiện của Joaquin Phoenix, đã làm giới nghệ thuật bất ngờ khi thắng giải Sư Tử Vàng tại Venice. Khi đến với LHP Toronto, bộ phim cũng nhận được hàng loạt lời nhận xét tích cực lẫn lo ngại. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là nền điện ảnh siêu anh hùng sẽ thay đổi mãi mãi sau Joker. Cây bút của tờ IndieWire David Ehrlich đã nhận xét về phim như sau: “Bộ phim về siêu anh hùng táo bạo và gay cấn nhất từ thời của The Dark Knight.”

Mặc dù được coi là bộ phim mang tính sáng tạo, các chủ đề trung tâm của Joker lại không mới. Trong lịch sử điện ảnh, đã có nhiều tác phẩm kinh điển xoáy vào những điều tương tự. Một số trong đây có khả năng là nguồn cảm hứng cho Todd Phillips xây dựng nên chân dung gã hề tóc xanh mặt trắng với ánh mắt tăm tối đang làm loạn phòng vé năm nay. Dưới đây là các bộ phim chia sẻ nhiều điểm chung ở thông điệp lẫn ý nghĩa với phim, hoặc là nguồn cảm hứng gián tiếp/trực tiếp cho Joker (2019).

1. Modern Times (1936)
Trong Joker, ở tình tiết Arthur Fleck (Joker) đến gặp Thomas Wayne tại một nhà hát kịch lớn ở thành phố Gotham, nếu tinh mắt, người xem sẽ nhận ra đoạn phim đang được chiếu trên màn hình trong đó là bộ phim Modern Times (1936) từng một thời tiếng tăm của danh hài Charlie Chaplin.

Trong phim, Chaplin vào vai công nhân Tramp đang chật vật kiếm sống giữa giai đoạn bùng nổ công nghiệp. Thông qua Modern Times, Chaplin châm biếm quá trình công nghiệp hóa mà theo ông là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc Đại Suy Thoái ở Hoa Kỳ – sự kiện đã đẩy hàng ngàn người Mỹ vào cảnh khốn cùng. Tương tự, Joker cũng khắc họa Arthur Fleck là một cá nhân chịu tác động sâu sắc từ những thay đổi mang tính xã hội và bản thân bộ phim cũng không thiếu những vấn đề xã hội, kinh tế, và chính trị nóng hổi đang quét qua nước Mỹ ngày nay.

2. Psycho (1960)

Nhiều nhà phê bình điện ảnh đã so sánh tên hề do diễn viên Joaquin Phoenix thể hiện với Norman Bate (Anthony Perkin), một tên giết người hàn loạt và là trung tâm của câu chuyện Psycho được đạo diễn Alfred Hitchcock sáng tạo ra.

Điểm tương đồng giữa Joker Psycho có lẽ được thể hiện rõ nhất qua lời nhận xét sau đây của cây bút tờ Variety Owen Gleiberman: Joker là bộ phim về sự tha hóa của Arthur Fleck và, theo một khía cạnh nào đó, sự trỗi dậy của bản ngã Joker. Thế nhưng, ngay từ đầu, anh ta đã là một ca vô phương cứu chữa, kiểu như một tác giả viết nên chính bi kịch của bản thân. Arthur muốn được kết nối, dù chỉ là một chút, nhưng lại không có khả năng đó. Anh ta đã quá loạn trí, như Norman Bates vậy; rốt cuộc, anh ta chỉ có thể dành từng giây từng phút cố gắng ép mình trở nên bình thường, nhưng thất bại rồi, nên giờ anh ta chỉ có thể biến tất cả thành một trò đùa chỉ mình mình hiểu.”

3. A Clockwork Orange (1971)

Todd Phillips đã lấy một số phân cảnh từ bộ phim A Clockwork Orange để đưa vào đứa con tinh thần vừa thắng giải ở Venice của ông. Theo Glenn Kenny của RogerEbert.com, Phillips và ekip sản xuất thậm chí đã thuyết phục Warner Bros. cho họ quyền sử dụng logo lấy cảm hứng từ logo được sử dụng cho chính A Clockwork Orange trước đây.

A Clockwork Orange, được Stanley Kubrick chuyển thể từ nguyên tác cùng tên của nhà văn Anthony Burgess, đã gặp phải hàng loạt những chỉ trích từ giới phê bình khi được công chiếu. Họ lo rằng tác phẩm sẽ cổ xúy cho những hành vi bạo lực và điên rồ tương tự như hành động của nhân vật chính của phim Alex DeLarge (Malcom McDowell). Alex, kẻ đi tìm niềm vui trong bạo lực và hỗn loạn, sau đó đã trở thành đối tượng cho cuộc thí nghiệm phương pháp loại bỏ sự bạo lực trong não người. Đến nay, có thể thấy ở Joker, tính điên đặc trưng của A Clockwork Orange đã tạo cảm hứng cho Phoenix làm nên một Joker tuyệt vời.

4. Mean Streets (1973)

Vào năm 2017, Warner Bros. đã có ý định mời Leonardo DiCaprio sắm vai chính cho bộ phim nguồn gốc về tên hề nổi tiếng nhất lịch sử truyện tranh DC. Vì khi ấy, hãng phim đã đưa vai trò sản xuất cho đạo diễn Martin Scorsese.

Sự tham gia của Scorsese ở khâu sáng tạo được coi là một điều trọng yếu, bởi lẽ, ban đầu, khi Joker chỉ mới là một ý tưởng, Warner Bros. muốn xây dựng phim là một dự án điện ảnh mang đậm dấu ấn thường thấy của Scorsese, điển hình như Taxi Driver. Mặc dù Todd Phillips được chọn làm đạo diễn của phim, ý tưởng này vẫn không hoàn toàn bị bỏ ngõ. Phillips vẫn muốn tạo dựng bầu không khí bẩn thỉu và tăm tối của thế giới ngầm New York, điều mà Scorsese đã xây dựng một cách hoàn hảo cho Mean Streets, để đưa vào Joker. Sau này, cả hai tác phẩm kinh điển của Scorsese – Mean Streets Taxi Driver, đã truyền cảm hứng cho cả Phillips lẫn nhà quay phim Lawrence Sher để làm nên phần hình ảnh của Joker như chúng ta được thấy.

5. Death Wish (1974)

Trong một bài phỏng vấn với tờ Newsherald, Phillips từng chia sẻ ông đã tìm đến tác phẩm Death Wish (1974) như một tư liệu tham khảo để tìm lối tiếp cận Joker.

Death Wish (1974) xoay quanh hành trình hành hiệp của kiến trúc sư Paul Kersey (Charles Bronson) sau khi vợ ông thiệt mạng và con gái ông bị cưỡng hiếp trong một cuộc đột nhập tư gia. Giống với Joker, bộ phim đã gặp phải sự phản đối gay gắt của nhiều nhà phê bình lẫn khán giả và mối lo ngại phim sẽ cổ vũ một số cá nhân tự mình thi hành công lý ngoài đời thực. Bên cạnh đó, cả hai bộ phim đều nhấn mạnh làn sóng bạo lực đang nổi lên ở Hoa Kỳ.

6. One Flew Over the Cuckoo’s Nest (1975)

Ý tưởng cốt lõi của One Flew Over the Cuckoo’s Nest (1975), tác phẩm đoạt giải Oscar của đạo diễn Milos Forman, là thứ mà đạo diễn Phillips đã cố tái hiện ở cốt chuyện của Joker. Nhân vật chính của One Flew Over the Cuckoo’s Nest là Randle McMurphy (Jack Nicholson) có tư tưởng chống chính phủ được chuyển vào một bệnh viện tâm thần đầy rẫy sự bất công.

Phillips chia sẻ bộ với SlashFilm rằng chính mong muốn áp dụng ý tưởng của One Flew Over the Cuckoo’s Nest vào Joker là điều đã giúp ông giành được ghế đạo diễn từ Warner Bros. Ông nói: “Tôi đã lớn lên với tình yêu dành cho kiểu làm phim tập trung vào sự phát triển nhân vật của những năm 70, bây giờ thì ít ai làm phim như thế lắm. Tôi tự hỏi mình là nếu tôi làm một bộ phim y như vậy, nhưng là cho một nhân vật truyện tranh thì sao?”

7. Taxi Driver (1976)

Ban đầu, Scorsese là người mà hãng Warner Bros nhắm đến đầu tiên cho chiếc ghế đạo diễn Joker. Tuy nhiên, đạo diễn gốc Ý đã từ chối vì ông đang chăm lo cho dự án The Irishman. Nhưng điều đó không ngăn được sự hiện diện của dấu ấn Martin Scorsese trứ danh lấp ló trong Joker. Như đã nói ở trên, chính Todd Phillips đã tìm đến các tác phẩm của ông để tìm nguồn cảm hứng cho đứa con tinh thần của mình. Taxi Driver, dự án điện ảnh đã mang về cho Scorsese giải Canh Cọ Vàng cho Bộ phim xuất sắc nhất tại Cannes, là một trong số đó.

Trung tâm của Taxi Driver là Travis Bickle (Robert DeNiro), một tài xế taxi có tâm trí bất ổn. Trên nhiều khía cạnh, ta có thể nói Travis là một trong những nguồn cảm hứng đã ảnh hưởng sâu sắc đến Arthur Fleck/Joker. Cả hai đều là những con người đau khổ bị nhiều yếu tố xã hội thúc đẩy hành vi giết người và yêu những cô gái không thể đáp lại tình cảm của họ. Thậm chí, sức ảnh hưởng của Taxi Driver lớn đến nỗi Phillips đã cho Sophie Dumond (Zazie Beetz) tái hiện một trong những phân cảnh đáng nhớ của Travis Bickle.

8. The King of Comedy (1982)

Một bộ phim khác của Martin Scorsese đã giúp Todd Phillips xây dựng hình ảnh kẻ thù truyền kiếp của Người Dơi là The King of Comedy (1982). Bộ phim hài đen có giọng điệu châm biếm năm 1982 xoay quanh nhân vật nuôi giấc mộng trở thành một danh hài vĩ đại Rupert Pupkin (Robert DeNiro), nhưng hắn còn ngưỡng mộ một người dẫn chương trình nổi tiếng đến độ ám ảnh. Tương tự, Arthur cũng chia sẻ những đặc điểm này của Pupkin. Và theo một cách tế nhị trong gợi sự liên tưởng giữa cả hai bộ phim, Phillips đã cho chính Robert DeNiro sắm vai người dẫn chương trình nổi tiếng Murray Franklin trong Joker.

9. The Dark Knight (2008)

Nếu Joaquin Phoenix nhận được một tượng vàng Oscar cho màn hóa thân Joker, thì anh đã tiếp bước Heath Ledger thành diễn viên thứ 2 được nhận giải Hàn Lâm cho vai diễn một nhân vật được chuyển thể từ truyện tranh.

So với The Dark Knight, Joker cũng mang tinh thần tái cơ cấu những đặc trưng của thể loại siêu anh hùng vậy. Bộ phim về Người Dơi, dưới bàn tay nhào nặn của Christopher Nolan, giống như sự kết hợp giữa hai tác phẩm điện ảnh Heat của Micheal Mann và Spider-Man của Sam Raimi, và đan xen thêm nhiều chi tiết gợi nhớ chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy hậu sự kiện 11.9 đã rung chuyển nước Mỹ - điều mà khi ấy, hiếm nhà làm phim nào dám đưa vào các tác phẩm của mình. Với Joker, Todd Phillips không chỉ làm thêu dệt những chủ đề thời sự và chính trị đang nóng bỏng vào mạch chuyện, mà còn táo bạo lược bỏ yếu tố hành động thường thấy ở thể loại này để biến bộ phim thành phim tập trung vào quá trình biến chuyển tâm lý nhân vật từ đầu đến cuối.

10. The Master (2012) -  You Were Never Really Here (2017)

Xét theo nhiều khía cạnh, Joker năm nay được coi là bộ phim hoàn thành trilogy đánh dấu 3 lần Joaquin Phoenix vào vai những nhân vật có vấn đề về tâm lý, vô tình bị đưa đẩy vào mặt tối của xã hội. Trilogy bắt đầu với The Master, tiếp nối với You Were Really Never Here, và dĩ nhiên, kết thúc với Joker.  

Master, cuộc gặp gỡ giữa Freddie Quell (Joaquin Phoenix) và kẻ lãnh đạo một giáo phái kỳ lạ Lancaster Dodd (Phillip Seymour Hoffman) là tác nhân khiến Quell rơi vào con đường đánh vật với tâm lý đã bất ổn từ trước.

You Were Really Never Here, với nhân vật trung tâm là một người đàn ông chịu đựng tổn thương tâm lý bị thu hút bởi bạo lực, tác phẩm của đạo diễn Lynne Ramsay đã tạo tiền đề cho cách Phoenix khắc họa Joker trong bộ phim cùng tên. Trong phim, Phoenix vào vai lính đánh thuê Joe. Anh mắc phải chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD) sau cuộc sống đầy rẫy bạo lực và căng thẳng trong quân đội. Cuộc gặp gỡ giữa Joe và Nina, cô gái trẻ anh giải cứu từ một đường dây mại dâm trẻ em dường như đã cho anh một mục đích sống trở lại.

Cả hai tác phẩm trên đều lần lượt đem về cho Phoenix một đề cử Oscar cho hạng mục Diễn viên chính xuất sắc nhất và danh hiệu Nam diễn viên xuất sắc nhất của LHP Cannes.

11. Logan (2017)

Trước Joker (2019), tiếp nối tinh thần của The Dark Knight, Logan (2017) cũng mang tính cách mạng đến cho dòng phim siêu anh hùng. Nếu Todd Phillips đã khẳng định Joker thực chất là một bộ phim khắc họa quá trình biến chuyển tâm lý của một nhân vật sống ở môt xã hội đầy biến động những năm 70 đội lốt phim siêu anh hùng, thì Logan là một phim viễn tây hóa trang thành phim siêu anh hùng.

Chỉ khi tập trung vào sự buồn thảm và bi thương mà miền viễn tây nước Mỹ hay khơi gợi cho con người, James Mangold và Hugh Jackman mới có thể xây dựng được một kiệt tác mới lạ mang tính bước ngoặt với thể loại có trọng tâm là những anh chàng/cô nàng mặc đồ bó vung vẫy siêu năng lực khắp nơi. Jackman đã nhiều lần vào vai Wolverine trước đây, nhưng phải đến Logan, diễn viên người Úc mới có cơ hội thể hiện khả năng diễn xuất kịch tính và sâu lắng, biến Logan thành một trong những màn hóa thân xuất sắc nhất trong dòng phim siêu anh hùng từ trước đến nay.

Bên cạnh những phim trên đây, nền điện ảnh còn có nhiều tác phẩm chia sẻ một khía cạnh nào đó với Joker như trên mà bạn có thể tham khảo thêm như Dog Day Afternoon (1975), Shall We Dance (1937), The Cabinet of Dr. Caligari (1919), Network (1976), Serpico (1973).

Nguồn: IndieWire