Anh Thầy Ngôi Sao
Superstar Teacher - Comedy, Drama
Anh Thầy Ngôi Sao xoay quanh Hoàng – một chàng trai trẻ khao khát trở thành ca sĩ nổi tiếng, vì chưa gặp thời nên tạm kiếm sống bằng công việc làm thầy giáo dạy nhạc. Sau một biến cố, Hoàng buộc phải chuyển công tác ra đảo Quí – hòn đảo nhỏ biệt lập cách xa đất liền – và gặp không ít phiền toái khi tiếp quản một lớp học đặc biệt chỉ với vỏn vẹn 5 học trò. Nhiều lần bỏ về không thành vì đám nhỏ và người dân trên đảo luôn tìm mọi cách để giữ chân thầy giáo, Hoàng vừa miễn cưỡng chấp nhận cuộc sống mới, vừa tìm cơ hội thực hiện ước mơ của mình.
Đánh giá của Lucasnguyen1110
Xưa giờ khi nhắc tới phim Việt, Đức Thịnh luôn là cái tên khiến mình dị ứng nhất bởi lối làm phim thị trường, có phần dễ dãi, không tạo ra được những giá trị mới mẻ cho điện ảnh nước nhà. Mình đã từng nghĩ, chắc Đức Thịnh chỉ tới đó thôi, không khá lên được. Song, khi xem Anh Thầy Ngôi Sao thì lại khá bất ngờ vì có thể nói đây là phim chỉn chu nhất của đạo diễn này, mà cũng có thể xem là phim Việt chỉn chu nhất mùa lễ.
Xét về cấu trúc 3 hồi, “Anh thầy ngôi sao” có một hồi 1 rất dở và tập trung vào những miếng hài dễ dãi, kém duyên. Cảm giác khi xem lúc đó mình nhớ mình bị căng cứng người chỉ vì những cảnh như một ông bầu show làm lố, một gã đòi nợ không-hiểu-sao-phải-là-người-châu-Phi, hay cảnh lên đảo khiến thầy Hoàng (Huyme) nôn mửa trông khá kém thẩm mỹ trên màn ảnh lớn. Song, ở phần kết hồi 1, khán giả được giới thiệu các nhân vật trên Xóm Quý ven biển, nơi Hoàng phải công tác để dạy học trong một điều kiện cực kỳ thiếu thốn về vật chất. Chính từ điểm này trở đi, “Anh thầy ngôi sao” kéo chân khán giả lại kịp lúc để có thể theo dõi được cả câu chuyện bởi những điểm sáng tự nhiên, gắn liền với tính cách nhân vật và tình huống của phim.
Điểm sáng đầu tiên chính là lũ trẻ nhà nghèo ở Xóm Quý. Từ khi lũ nhóc này xuất hiện mình thả lỏng người hơn, không bị căng cứng như trước đó nữa. Có thể nói phim sở hữu một dàn sao nhí tài năng nhất nhì của showbiz Việt hiện tại, trong đó có bé Minh Chiến, á quân The Voice Kid, bé Mai Cát Vi đã từng đóng “Hai Phượng” hay “Vợ Ba”. Nếu như dấu ấn của Đức Thịnh là những pha tấu hài nhạt, hài cơ học, thiếu sự duyên dáng của tình huống và có phần hơi “người lớn”, thì việc phải làm chung với các bạn sao nhí này đã khiến những miếng hài của phim trở nên dễ thương, dễ cười và dễ có cảm tình hơn. Chính vì lẽ này mà phim được gắn mác “dành cho mọi lứa tuổi”, mà mình nghĩ rất phù hợp cho dịp lễ sắp tới để cả gia đình có thể cùng đi xem.
Điểm sáng thứ 2 là việc phim có khả năng dạy cho các khán giả nhỏ tuổi những nhận thức đầu đời về cuộc sống xung quanh. Có thể đó là bài học về giáo dục ở những nơi thiếu thốn điều kiện, khi những đứa trẻ ở Xóm Quý cần nhất là một người thầy. Có thể đó là những bài học nhỏ nhặt dễ thương mà ở tuổi các bé được nghe dặn hằng ngày: vệ sinh cá nhân sạch sẽ là tôn trọng người khác, hay ăn uống phải có chất xơ để giúp hệ tiêu hóa tốt hơn. Hoặc cũng có thể là bài học theo đuổi ước mơ nhưng cũng không quên biết mình biết ta, hiểu được mạnh yếu của bản thân để định hướng nghề nghiệp cho tốt. Ở nhân vật Sâm của Miu Lê, khán giả còn nhận ra được khái niệm về “ước mơ” của mỗi người sẽ luôn khác nhau. Với Hoàng, việc phải tới Xóm Quý ngoài khơi là một việc “giết chết ước mơ” trở thành ngôi sao, nhưng với Sâm, đó là một vinh dự, là khát khao được cống hiến tuổi trẻ để xây dựng cuộc sống ở Xóm đẹp hơn, tiện nghi hơn, bằng một cái nghề không giống ai nhưng nói rõ được tâm huyết của cô: thợ đụng (đụng gì sửa nấy).
Điểm sáng thứ 3 là những yếu tố như âm nhạc và màu sắc của phim. “Bài Ca Tôm Cá” của ekip DTAP đã làm nên cú hit “Để Mị nói cho mà nghe” là một bài hát sôi động, dễ nghe, dễ hát theo và lan tỏa một năng lượng thật tích cực đến khán giả. Màu sắc của phim sinh động, vừa ấm áp vừa tươi mát kiểu tropical đặc trưng của vùng biển. Phim có đầu tư về góc quay, về những đại cảnh rất điện ảnh để xem ở rạp, có sự dấn thân khi cả ekip phải ra đảo Phú Qúy để dựng bối cảnh và hứng chịu những tác động ngoại cảnh từ môi trường. Tổng hòa lại, mọi thứ tạo nên một bộ phim “good vibes only”. Có nghĩa là, bạn có thể thấy phim hay, hoặc dở, nhưng tinh thần cốt lõi mà phim mang tới vẫn là văn minh, dễ thương, sáng sủa và truyền tải thông điệp tích cực.
Chính vì vậy, mình đánh giá đây là một phim Việt chỉn chu dù có
nhiều điểm mình chưa thích, chưa hài lòng. Nhưng mong một đạo diễn gặt hái được nhiều thành công về mặt doanh thu như Đức Thịnh (nôm na là có tiền) nên tiếp tục làm những phim như vầy và ngừng lại với những phim dễ dãi, chiều lòng thị trường, kém duyên. Chỉ cần chỉn chu, tử tế và positive vibes là đủ, hay hay dở nằm ở khán giả :D