Lucasnguyen1110
Lucasnguyen1110

Lucas Luân Nguyễn

Film nerd. Thích phân tích phim dưới khía cạnh âm nhạc, văn hoá, xã hội, lý thuyết truyền thông.

Hoạt động gần đây

Lucasnguyen1110 Lucasnguyen1110 đã thích và đánh giá 6 cho Gã Hề Ma Quái 2

Khi bước ra khỏi rạp, hầu hết các khán giả sẽ thấy hài lòng và siêu đã với It 2, trừ những ai đã quá mê đắm phần 1.

Từ 2017, It là một trong những phim kinh dị mình thích nhất bởi có lẽ trừ những phim kinh dị indie ra, ít có phim kinh dị thị trường nào để lại một nỗi ám ảnh và những cảnh phim rùng rợn ăn sâu vào tâm trí khán giả như cách mà đạo diễn Andy Múchietti đã làm. Sự ám ảnh đó đến từ một kịch bản chắc tay về tính chủ đề, về thể loại coming of age, về sự đối lập giữa lũ trẻ hơi trâu và một thực thể vô cùng nguy hiểm, về cảnh mở đầu phim với cái chết day dứt vang vọng cả phim của Georgie hay về những nỗi sợ rất tính dục của Beverly. Sang It 2, nỗi ám ảnh đã bị giảm đi nhiều, bởi thể loại phim dần biển đổi còn tính chủ đề đã yếu đi. Đây cõ lẽ là điểm trừ lớn nhất của phim.

Với thời lượng gần 3 tiếng, It 2 chuyển hướng thành một phim quái vật, phiêu lưu pha chút khoa học viễn tưởng hay fantasy, song vẫn có những màn đối đầu rất căng giữa thiện – ác, đầy những pha hù cho những ai thích jump scares và không ít những màn pha trò hài hước (một điểm cộng và cũng là điểm trừ). Nhóm Losers ngày nào giờ đã lớn, và họ phải thực hiện lời thề máu sau 27 năm, trở về Derry để đối đầu với “It” khi nó trở lại. Casting diễn viên chuẩn đến mức khán giả gần như tin rằng đó chính là những đứa trẻ ngày nào 27 năm về sau, còn diễn xuất của những diễn viên lại càng thuyết phục hơn nữa, đặc biệt là Bill Hader trong vai Richie lớn. Ở đầu phim, chúng ta được giới thiệu về từng người ở cuộc sống hiện tại của họ. Trái với tên gọi “Hội Losers”, họ bây giờ đang khá thành đạt trong cuộc sống, nhưng nếu tinh ý sẽ thấy vài người trong số họ không thể thoát khỏi quá khứ và tuổi thơ dữ dội của mình.

Bill, thủ lĩnh của nhóm trở thành một nhà biên kịch cho Hollywood, song vì mất mát ngày xưa và lời thề 27 năm vẫn còn trong máu, anh không thẻ thoát nổi sự ám ảnh về “kết thúc mở” nên liên tục cho ra những kịch bản khiến khán giả và đạo diễn chán ghét. Eddie, cậu trai ngoan của mẹ ngày nào, luôn sợ vi khuẩn và nước dơ, giờ trở thành một chuyên viên phân tích rủi ro và lấy một cô vợ… không khác gì mẹ cậu ngày trước. Richie từng là người sợ hề, lớn lên lại trở thành một diễn viên kịch nổi tiếng, thường xuyên mua vui cho khán giả. Còn Beverly thì rơi vào một cuộc hôn nhân gợi nhắc cô đến người cha bạo hành của mình.

Tưởng chừng để nối tiếp chủ đề “tuổi vị thành niên” và thể loại “coming of age”, It Chapter 2 sẽ khai thác chủ đề về khủng hoảng tuổi trung niên và cách những sang chấn tâm lý từ quá khứ sẽ định hình chúng ta là ai. Nhưng không, hướng đi tiềm năng này bị dập tắt khá sớm bởi hướng đi hơi thiêng về phiêu lưu, huyền huyễn để đào sâu về nguồn gốc của thực thể It (chú hề Pennywise). Mỗi nhân vật bị tách ra theo motif “quest tìm đồ” cho khán giả xem những mảnh ghép của quá khứ “không cần thiết lắm”. Chemistry của hội Losers lớn rất ngọt, nhưng nhân vật điểm nhấn là Beverly đã trở nên ngang hàng với tất cả các cậu trai trong nhóm thay vì là sợi dây kết nối mọi người lại với nhau như trước. Ngay cả thực thể It, vốn đã gây ám ảnh khán giảm với hình dạng tên hề Pennywise, cũng trở nên “bừa bãi” và thiếu chọn lọc hơn: ta muốn biến thành gì thì ta biến thôi! Do đó, It 2 trở nên mơ hồ và thiếu một chủ đề nhất định như phần 1, dù bản chất vẫn rất có tiềm năng.

Càng về sau, phim càng chứng tỏ budget gấp đôi đi kèm với kỹ xảo gấp đôi. Với kinh phí 70 triệu USD, gấp đôi so với phần 1, It đem đến một cao trào đầy kỹ xảo cho khán giả, thoát khỏi dáng dấp bộ phim về một gã hề ma quái để trở thành một màn “đánh boss” toàn diện giữa dàn cast chính và hình dáng thật của It, của Pennywise. Với một kịch bản khá dài trước đó, cao trào này dẫu hơi bất ngờ, song vẫn cuốn hút khán giả hướng mắt về màn hình để xem kết thúc nào cho tất cả những nhân vật. Liệu họ có đánh bại được thực thể này, hay cũng chỉ tạm khiến nó ngủ thêm 27 năm nữa để nhà làm phim tiếp tục làm phần 3? Liệu những tổn thương của quá khứ có được ngủ yên, hay tiếp tục quay về ám ảnh bọn họ với một lời thề máu không bao giờ kết thúc?

Nhìn chung, với những ai đã quá yêu mến It (2017) như mình, It 2 sẽ khá thất vọng vì phim cực kỳ thiếu đi tính chủ đề và sự ám ảnh tâm lý mà nó mang lại, để đâu đó coi xong còn có sự phân tích, suy ngẫm và tự soi. Song, với khán giả đại chúng, It 2 là một bộ phim hay, mãn nhãn, giải trí và hơn hết có thứ mà đại chúng luôn khao khát: một kết thúc gây “sướng”, không gây ức chế!

Phim có mấy màn cameo cũng vui lắm, như đạo diễn Xavier Dolan, Peter Bogdanovich, “ông hoàng SK” và cả Johnny của The Shining ? Ai tinh mắt sẽ nhận ra.

ĐIỆN ẢNH VIỆT CHỈN CHU MÙA LỄ 2.9 VỚI <ANH THẦY NGÔI SAO>

Xưa giờ khi nhắc tới phim Việt, Đức Thịnh luôn là cái tên khiến mình dị ứng nhất bởi lối làm phim thị trường, có phần dễ dãi, không tạo ra được những giá trị mới mẻ cho điện ảnh nước nhà. Mình đã từng nghĩ, chắc Đức Thịnh chỉ tới đó thôi, không khá lên được. Song, khi xem Anh Thầy Ngôi Sao thì lại khá bất ngờ vì có thể nói đây là phim chỉn chu nhất của đạo diễn này, mà cũng có thể xem là phim Việt chỉn chu nhất mùa lễ.

Xét về cấu trúc 3 hồi, “Anh thầy ngôi sao” có một hồi 1 rất dở và tập trung vào những miếng hài dễ dãi, kém duyên. Cảm giác khi xem lúc đó mình nhớ mình bị căng cứng người chỉ vì những cảnh như một ông bầu show làm lố, một gã đòi nợ không-hiểu-sao-phải-là-người-châu-Phi, hay cảnh lên đảo khiến thầy Hoàng (Huyme) nôn mửa trông khá kém thẩm mỹ trên màn ảnh lớn. Song, ở phần kết hồi 1, khán giả được giới thiệu các nhân vật trên Xóm Quý ven biển, nơi Hoàng phải công tác để dạy học trong một điều kiện cực kỳ thiếu thốn về vật chất. Chính từ điểm này trở đi, “Anh thầy ngôi sao” kéo chân khán giả lại kịp lúc để có thể theo dõi được cả câu chuyện bởi những điểm sáng tự nhiên, gắn liền với tính cách nhân vật và tình huống của phim.

Điểm sáng đầu tiên chính là lũ trẻ nhà nghèo ở Xóm Quý. Từ khi lũ nhóc này xuất hiện mình thả lỏng người hơn, không bị căng cứng như trước đó nữa. Có thể nói phim sở hữu một dàn sao nhí tài năng nhất nhì của showbiz Việt hiện tại, trong đó có bé Minh Chiến, á quân The Voice Kid, bé Mai Cát Vi đã từng đóng “Hai Phượng” hay “Vợ Ba”. Nếu như dấu ấn của Đức Thịnh là những pha tấu hài nhạt, hài cơ học, thiếu sự duyên dáng của tình huống và có phần hơi “người lớn”, thì việc phải làm chung với các bạn sao nhí này đã khiến những miếng hài của phim trở nên dễ thương, dễ cười và dễ có cảm tình hơn. Chính vì lẽ này mà phim được gắn mác “dành cho mọi lứa tuổi”, mà mình nghĩ rất phù hợp cho dịp lễ sắp tới để cả gia đình có thể cùng đi xem.

Điểm sáng thứ 2 là việc phim có khả năng dạy cho các khán giả nhỏ tuổi những nhận thức đầu đời về cuộc sống xung quanh. Có thể đó là bài học về giáo dục ở những nơi thiếu thốn điều kiện, khi những đứa trẻ ở Xóm Quý cần nhất là một người thầy. Có thể đó là những bài học nhỏ nhặt dễ thương mà ở tuổi các bé được nghe dặn hằng ngày: vệ sinh cá nhân sạch sẽ là tôn trọng người khác, hay ăn uống phải có chất xơ để giúp hệ tiêu hóa tốt hơn. Hoặc cũng có thể là bài học theo đuổi ước mơ nhưng cũng không quên biết mình biết ta, hiểu được mạnh yếu của bản thân để định hướng nghề nghiệp cho tốt. Ở nhân vật Sâm của Miu Lê, khán giả còn nhận ra được khái niệm về “ước mơ” của mỗi người sẽ luôn khác nhau. Với Hoàng, việc phải tới Xóm Quý ngoài khơi là một việc “giết chết ước mơ” trở thành ngôi sao, nhưng với Sâm, đó là một vinh dự, là khát khao được cống hiến tuổi trẻ để xây dựng cuộc sống ở Xóm đẹp hơn, tiện nghi hơn, bằng một cái nghề không giống ai nhưng nói rõ được tâm huyết của cô: thợ đụng (đụng gì sửa nấy).

Điểm sáng thứ 3 là những yếu tố như âm nhạc và màu sắc của phim. “Bài Ca Tôm Cá” của ekip DTAP đã làm nên cú hit “Để Mị nói cho mà nghe” là một bài hát sôi động, dễ nghe, dễ hát theo và lan tỏa một năng lượng thật tích cực đến khán giả. Màu sắc của phim sinh động, vừa ấm áp vừa tươi mát kiểu tropical đặc trưng của vùng biển. Phim có đầu tư về góc quay, về những đại cảnh rất điện ảnh để xem ở rạp, có sự dấn thân khi cả ekip phải ra đảo Phú Qúy để dựng bối cảnh và hứng chịu những tác động ngoại cảnh từ môi trường. Tổng hòa lại, mọi thứ tạo nên một bộ phim “good vibes only”. Có nghĩa là, bạn có thể thấy phim hay, hoặc dở, nhưng tinh thần cốt lõi mà phim mang tới vẫn là văn minh, dễ thương, sáng sủa và truyền tải thông điệp tích cực.
Chính vì vậy, mình đánh giá đây là một phim Việt chỉn chu dù có
nhiều điểm mình chưa thích, chưa hài lòng. Nhưng mong một đạo diễn gặt hái được nhiều thành công về mặt doanh thu như Đức Thịnh (nôm na là có tiền) nên tiếp tục làm những phim như vầy và ngừng lại với những phim dễ dãi, chiều lòng thị trường, kém duyên. Chỉ cần chỉn chu, tử tế và positive vibes là đủ, hay hay dở nằm ở khán giả :D

Ngôi Nhà Bươm Bướm có hồi một rất tốt, giới thiệu nhân vật ấn tượng, set up vấn đề thuyết phục. Song, từ hồi 2 trở đi phim dần bị gãy về nhịp, tiết tấu và trở nên "sân khấu" quá mức. Bối cảnh ngôi nhà bị bằng phẳng, sạch sẽ và gọn gàng đến mức khó chịu, tạo cảm giác "trong nhà ngoài phố" hồi xưa. Có lẽ vì sự tài trợ của Nhà Xinh mà căn nhà thiếu cái hồn, tạo cảm giác showroom nội thất.

Phần dựng phim dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn tạo cảm giác ngô nghê ở nhiều chỗ. Có một cảnh khiến người xem có cảm giác như hiệu ứng Powerpoint hay Windows Movie Maker. Kết của phim không đủ đọng lại cảm xúc do câu chuyện về tình cảm gia đình được giải quyết chưa tinh tế, thiếu mối liên kết về cảm xúc lẫn độ thuyết phục.

Song, nhờ diễn xuất của dàn phụ huynh mà phim vẫn là một sản phẩm xem được, cười được. NSUT Thành Lộc có thể xem là điểm sáng duy nhất của nguyên một phim, còn Liên Bỉnh Phát, một diễn viên vốn có diễn xuất không yếu, nhưng lại được giao một vai diễn rất mập mờ về tâm lý và có sự phán triển không rõ ràng. Nhìn chung, một bộ phim dễ xem của mùa lễ 2.9, nhưng với cá nhân mình, chưa phải là một phim tốt.

Rớt tim với Crawl cuối tuần này.

Mình sẽ diễn tả phim này trong 3 chữ F: Fun, Frightening và Fê ?

Từ đầu năm đến giờ, đây là phim thriller tốt nhất vì nó đã làm rất tốt những gì mà một phim thriller cần làm: sự căng thẳng. Phim biết cách dồn nhân vật vào một sự bế tắc cực đỉnh để chơi đùa với cảm xúc khán giả. Chưa hết, 3 motif nhân vật trong phim: nữ chính, người cô thương yêu nhất, và một con chó, đều là 3 motif khiến khán giả dễ đồng cảm về cảm xúc nhất. Coi phim này bạn sẽ không muốn ai phải chết cả. Và đó chính là điểm mấu chốt tâm lý để phim chơi đùa với sự căng thẳng của bạn.

Phim có 3 hồi gần như tương ứng với 3 phần của căn nhà: hầm, trệt và thượng. Cơn bão và cảm xúc của khán giả đồng điệu với nhau qua dòng nước dâng từ thấp lên cao: nước càng dâng, nhân vật càng nguy hiểm, khán giả càng ngộp thở.

Xem dòng phim sinh tử và thriller này, sẽ dễ dàng hơn nếu bỏ đi hết logic tự nhiên và lý tính, mà nên để cảm xúc nương theo quy luật của phim đề ra. Ví dụ như nếu phim bảo tụi cá sấu săn theo quy luật này thì chỉ cần nghe theo phim, bớt lên google tra tập tính cá sấu. Phim này có những quy luật kiểu vậy, nhưng làm khá tốt những gì nó đề ra.

Nói chung là môt phim xem rất đã! Ai không xem phim này thì hơi phí vì lâu lâu mới có một phim kiểu old-schoold thriller, pha tí creature horror, survival này ?

Lucasnguyen1110 Lucasnguyen1110 đã thích và đánh giá 9 cho Thưa Mẹ Con Đi

“Thưa Mẹ Con Đi”: Câu chuyện về cái tựa đầu vào vai mẹ thay cho ngàn xin lỗi và cảm ơn.

Vượt lên trên những đồn đoán về một bộ phim dùng tình yêu đồng giới để câu khách, gây thu hút dư luận, “Thưa Mẹ Con Đi” là một chuyện tình yêu thời hiện đại, đồng thời chuyện gia đình mọi thời đại đong đầy những tình cảm ngọt ngào nhưng cũng không ít những mâu thuẫn thế hệ và ý thức hệ, điều diễn ra mỗi ngày trong một xã hội Á Đông như Việt Nam.
Câu chuyện xoay quanh cậu “Việt kiều” Văn (Lãnh Thanh) và lần dắt người thương là Ian (Võ Điền Gia Huy) về Việt Nam để lên kế hoạch ra mắt gia đình, những người chưa biết về giới tính thật của cậu. Trong một chuỗi những tình huống dở khóc dở cười, cặp đôi trẻ với lối sống phóng khoáng phương Tây phải tìm cách đối phó với những câu hỏi và sự áp đặt rất đúng chuẩn gia đình Việt Nam dành cho trưởng nam của gia đình. Vấn đề còn thêm phần “tréo ngoe” khi bà nội bị lẫn (với phần thể hiện ấn tượng của NSƯT Lê Thiện) lại nhận nhầm cháu đích tôn của mình là Ian, còn kế hoạch “thành thật” với mẹ của Văn cũng gặp nhiều trở ngại bởi không chỉ người trong nhà mà còn người ngoài phố khi liên tục phải hứng chịu câu hỏi: “chừng nào lấy vợ cho má con nhờ?”. Câu chuyện buộc khán giả đặt câu hỏi liệu nhân vật sẽ giải quyết mọi thứ ra sao? Liệu Văn sẽ đi theo tình yêu mà làm gia đình thất vọng, khiến mẹ đau lòng, hay liệu cậu sẽ tiếp tục sống một cuộc đời khép kín để Ian mãi là người trong bóng tối?
Mặc cho lớp vỏ bọc về tình yêu giữa hai nam chính rất ưa nhìn, xung đột cá nhân của Văn và mối quan hệ của cậu với mẹ Hạnh (diễn viên Hồng Đào) đã đẩy “Thưa mẹ con đi” lên tầm một phim có giá trị nhân văn, có thông điệp và cốt lõi đậm đà tình cảm gia đình. Lãnh Thanh thể hiện tròn vai một cậu con trai thương mẹ, lo cho mẹ nhưng bị kẹt giữa hai thế giới. Là một người Việt Nam mang quốc tịch Mỹ, cậu vừa muốn sống cho bản thân mình, có tương lai với Ian, nhưng cũng không nỡ nhìn thấy mẹ mình, vốn là “chị Hai” trong một gia đình trung lưu vùng ngoại ô, phải xấu hổ vì đứa con “cho đi Tây ăn học mà về làm xấu mặt dòng họ”. Bên cạnh những cử chỉ khó xử, những cơn nuốt nước bọt của Văn khi bị hỏi chuyện nhạy cảm, ánh mắt của người mẹ là thứ “khó cưỡng” của phim. Từ đầu phim, mẹ đã có cảm giác về mối quan hệ “mờ ám”, mẹ có một linh cảm gì đó, mẹ cũng đã thấy vài cảnh “hơi sai”, nhưng mẹ vẫn chọn tin vào một tương lai con mình có vợ có con “để nhờ sau này”. Đó cũng là một nỗi sợ rất quen thuộc của nhiều người mẹ có con đồng tính, áp lực từ xã hội là một chuyện, nhưng sợ con sẽ sống một cuộc đời cô đơn, mới là chuyện lớn lao.
Ngoài cặp đôi mẹ-con của Lãnh Thanh và Hồng Đào, cặp đôi bà-cháu của Gia Huy cùng Lê Thiện cũng rất dễ thương và mang lại nhiều tiếng cười dễ chịu cho khán giả. Là người lạ duy nhất trong gia đình, Ian cô đơn và lạc lõng trong một văn hóa mình đã bỏ quên từ khá lâu, quanh những con người đang gây áp lực ngầm lên người yêu của mình. May mắn quá, Ian có người để tâm sự: một bà nội bị lẫn. Có lẽ đây là cặp đôi hoàn cảnh và thú vị nhất trong điện ảnh Việt những năm gần đây. Bà nội của Lê Thiện dù không tỉnh táo nhưng vẫn rất logic trong thế giới của mình, cũng nhờ vậy mà bà đã có những câu thoại chiếm được tràng pháo tay từ khán giả trong khán phòng họp báo. Những tuyến nhân vật còn lại cũng được thể hiện đủ đầy bởi những gương mặt không còn xa lạ với điện ảnh Việt như Hồng Ánh, Kiều Trinh, Thanh Tú v.v… Tất cả họ đều góp phần tái hiện lên một lát cắt xã hội Việt Nam với những mâu thuẫn nội tại mà nhiều người trong khán giả có thể đồng cảm.
Xuyên suốt phim điện ảnh đầu tay của mình, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cài cắm những cử chỉ yêu thương giữa các nhân vật trong phim. Nó là cái ôm của người mẹ, cái xoa đầu của cặp đôi, là khứa cá gắp trao trên bàn cơm gia đình, là vài cọc tiền lẻ lôi từ trong túi ra, là sự rạo rực vồ lấy nhau vì thèm khát một không gian riêng hay vài ba ánh mắt trao nhau lén lút ngọt ngào. Song, cử chỉ lặp lại nhiều nhất, có lẽ là khi cậu con trai gục đầu vào vai người bên cạnh để tìm một điểm tựa cho mình. Phim kết thúc cũng bằng một cái tựa đầu nhẹ nhàng, chậm rãi nhưng đầy những nỗi niềm không thể nói ra thành câu, để cuối cùng nước mắt lăn dài trên má như một sự giải thoát nhân vật khỏi sự dằn vặt và mâu thuẫn của bản thân. Rồi liền sau đó, là một cái mỉm cười nhẹ nhàng, vị tha và thấm đẫm tình mẫu tử: “Thưa mẹ con đi”, ừ, hãy cứ đi đến nơi nào có một bờ vai cho con tựa vào, vì mẹ luôn mong con hạnh phúc.

Scary Stories To Tell In The Dark với mình là một trong những phim horror tốt nhất của năm 2019 ở khâu kịch bản cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, với khán giả Việt đang khát khao được “hù”, được “sợ” ở rạp phim, đây là một trải nghiệm tầm trung: phim được, hù chưa đã, kết bình thường. Mình hiểu hết vì sao khán giả cảm thấy vậy, vì thực ra nếu xếp Scary Stories To Tell In The Dark là “horror” thì dễ tạo kỳ vọng nhiều, trong khi bản chất horror còn nhiều nhánh phụ nữa. Với mình, phim là một dạng “monster movie”, nhuốm màu kinh dị, pha một chút mystery, adventure và vẫn mang nét dark fantasy đặc trưng của Guillermo Del Toro.

Del Toro luôn bị ám ảnh bởi quái vật. Ông thích những tạo hình nghịch dị, tăm tối, khác thường, với một trí tưởng tượng hiếm khi theo khuôn mẫu. Nhưng đặc biệt, Del Toro dường như có thôi thúc mãnh liệt với lăng kính của những đứa trẻ, mà mình nghĩ bản thân một người đàn ông 55 tuổi vẫn mê quái vật như ông cũng rất trân trọng “đứa trẻ” bên trong mình. Lăng kính của chúng, có sự chân thật và không tô hồng như người lớn khi nhìn vào những chuyện thường ngày, nhưng cũng có sự yếu ớt, mỏng manh khi một cái bóng trên tường cũng có thể là một dáng hình hắc ám.

Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Del Toro thường tự tay viết kịch bản, tự làm nhà sản xuất và tự ngồi vào ghế đạo diễn cho những tác phẩm của mình. Những phim này thường là những phim nhận được nhiều ca ngợi từ giới chuyên môn và gây dấu ấn lớn như Pan’s Labyrinth, Crimson Peak, The Shape of Water. Tuy nhiên, có 2 bộ phim ông chỉ viết kịch bản và sản xuất mà không đạo diễn: Don’t Be Afraid of The Dark (2010) của Troy Nixey và Scary Stories To Tell In The Dark (2019) của André Øvredal. Cả hai bộ phim đều có cái tên khá hắc ám, xoay quanh góc nhìn của con nít và có yếu tố quái vật, kinh dị. Cả hai phim đều có chất lượng tốt và mang dấu ấn phong cách của Del Toro, nhưng chỉ ở mức dễ nhận thấy, vì nếu Del Toro đạo diễn chắc chắn sẽ extreme hơn nữa về mọi khía cạnh. Vậy mới thấy Del Toro khá kỹ tính và nhất quán về phong cách ngay cả trong vai trò sản xuất, khiến sản phẩm không bị dính lời nguyền như những phim kinh dị gắn mác “sản xuất bởi James Wan” nhưng chất lượng thì chỉ ở tầm trung hoặc yếu (Insidious 3, Insidious 4, Annabelle 1, Annabelle Comes Home…). Có lẽ lợi thế lớn nhất của ông vẫn là chỗ đứng khá trung dung giữa nền công nghiệp Hollywood, không độc quyền bởi một studio nào, dẫn đến sự tự do trong sáng tạo hơn.

Với Scary Stories, Del Toro chắp bút cho một câu chuyện lấy bối cảnh năm 1968, giai đoạn khá căng thẳng của chiến tranh Việt Nam, giữa đợt bầu cử tổng thống mà sau đó Nixon nhậm chức. Nhiều người xem phim sẽ cảm thấy việc đem câu chuyện về chiến tranh vào khá là vô nghĩa, làm nền phụ họa tô điểm cho phim, nhưng Del Toro không bao giờ thích một kịch bản thiếu tính ẩn dụ, đặc biệt là khi đã đụng đến quái vật, dark fantasy hay con nít. Trong Pan’s Labyrinth, từng đạt 3 giải Oscar năm 2007, chiến tranh là một phần tất yếu để dẫn dắt toàn bộ câu chuyện của “công chúa âm phủ” Ofelia trong hành trình trở về nhà. Những thử thách và mẩu chuyện nhỏ mà Ofelia trải qua đàn cài đầy những ẩn dụ cực kỳ nhất quán với chủ đề và những tuyến nhân vật của phim, từ cái cây có hình âm đạo cho đến con cóc khổng lồ, “The Pale Man” v.v… Đến The Shape of Water, Del Toro lại bày ra một bữa tiệc biểu tượng khác xoay quanh những vấn đề về văn hóa, giai cấp và xã hội. Dù chỉ đề về chiến tranh và những tên độc tài không hiện rõ lên lớp bề mặt trong Scary Stories, những con quái vật trong các câu chuyện kinh dị của linh hồn Sarah Bellows vẫn ẩn chứa nhiều lớp nghĩa thâm sâu để bóc tách.

Khác với Pans Labyrinth hay Don’t Be Afraid of The Dark, với nhiều cảnh khá man rợ và tàn bạo, Scary Stories tìm được một điểm cân bằng để không làm trẻ em quá ám ảnh, mà người lớn cũng có thể thích. Đây vừa là điểm mạnh mà cũng vừa là điểm yếu của phim, vì những khán giả thích những sub-genre như psychological horror (kinh dị tâm lý) hay dòng kinh dị gore (máu me), extreme (tàn bạo), demon & possession (quỷ nhập hồn) sẽ thấy phim không đủ đô. Riêng với mình, mình thích một bộ phim kinh dị như thế này, không lạm dụng quá nhiều màn hù dọa để khiến loãng nội dung chính, còn các tuyến nhân vật vẫn được khai thác tốt, phát triển hợp lý và khiến khán giả tò mò vì sự pha lẫn khéo léo chất mystery. Cũng ở điểm cân bằng tinh tế này, kịch bản của phim lồng ghép được nhiều chủ đề, mỗi thứ một ít, không bị khiên cưỡng. Nó có đề cập đến sức mạnh của truyền thông trong việc đổi trắng thay đen, người vô tội thành người có tội và người lại, mà Chuck đã hỏi ngây thơ “nó được lên báo thì hẳn nó là sự thật nhỉ?”. Nó có nét feminism đó giờ của Del Toro khi nhân vật chính tiếp tục là một cô bé. Nó cũng có một cái kết nhân văn, có hậu và mở ra tiềm năng của một franchise mới.

Vậy cho nên, với mình, Scary Stories To Tell In The Dark xứng đáng nhận được những lời tán dương của giới phê bình nhờ một kịch bản phim chắc tay, có lớp lang, có chiều sâu và có ngôn ngữ kể chuyện phù hợp cho nhiều đối tượng khán giả lẫn độ tuổi. Hơn thế nữa, nó tiếp tục mang dấu ấn phong cách của Guillermo Del Toro dù ông ở ghế sản xuất, nhưng nói vậy không có nghĩa là đạo diễn André Øvredal không làm tốt vai trò của mình. Những phân đoạn khi từng con quái vật xuất hiện, cách xây dựng sự căng thẳng dù rất thoáng qua và khoảng cách giữa những màn “hù” khá xa nhau vẫn đủ đặc sắc để in dấu trong tâm trí khán giả, vì ít ra sau này nếu nhắc đến một gã hình nhân bắt nạn nhân của mình thế chỗ hắn, một nồi thịt hầm có ngón chân cái, một ổ nhện vỡ ra trên mặt hay một cái xác mục biết lắp ráp như lego, người ta sẽ nghĩ đến Scary Stories In The Dark trước tiên.

2021, Del Toro sẽ có phim mới, do ông một mình làm 3 job, nên dự đoán là sẽ đỉnh ? Phim có cái tên rất quen thuộc: Pinocchio, chưa gì thấy nó dark rồi đó!
Xem thêm
Loading...

End of content

No more pages to load