Đánh giá của Lucasnguyen1110

Lucasnguyen1110

Lucas Luân Nguyễn

Phê bình phim tự do

Scary Stories To Tell In The Dark với mình là một trong những phim horror tốt nhất của năm 2019 ở khâu kịch bản cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, với khán giả Việt đang khát khao được “hù”, được “sợ” ở rạp phim, đây là một trải nghiệm tầm trung: phim được, hù chưa đã, kết bình thường. Mình hiểu hết vì sao khán giả cảm thấy vậy, vì thực ra nếu xếp Scary Stories To Tell In The Dark là “horror” thì dễ tạo kỳ vọng nhiều, trong khi bản chất horror còn nhiều nhánh phụ nữa. Với mình, phim là một dạng “monster movie”, nhuốm màu kinh dị, pha một chút mystery, adventure và vẫn mang nét dark fantasy đặc trưng của Guillermo Del Toro.

Del Toro luôn bị ám ảnh bởi quái vật. Ông thích những tạo hình nghịch dị, tăm tối, khác thường, với một trí tưởng tượng hiếm khi theo khuôn mẫu. Nhưng đặc biệt, Del Toro dường như có thôi thúc mãnh liệt với lăng kính của những đứa trẻ, mà mình nghĩ bản thân một người đàn ông 55 tuổi vẫn mê quái vật như ông cũng rất trân trọng “đứa trẻ” bên trong mình. Lăng kính của chúng, có sự chân thật và không tô hồng như người lớn khi nhìn vào những chuyện thường ngày, nhưng cũng có sự yếu ớt, mỏng manh khi một cái bóng trên tường cũng có thể là một dáng hình hắc ám.

Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Del Toro thường tự tay viết kịch bản, tự làm nhà sản xuất và tự ngồi vào ghế đạo diễn cho những tác phẩm của mình. Những phim này thường là những phim nhận được nhiều ca ngợi từ giới chuyên môn và gây dấu ấn lớn như Pan’s Labyrinth, Crimson Peak, The Shape of Water. Tuy nhiên, có 2 bộ phim ông chỉ viết kịch bản và sản xuất mà không đạo diễn: Don’t Be Afraid of The Dark (2010) của Troy Nixey và Scary Stories To Tell In The Dark (2019) của André Øvredal. Cả hai bộ phim đều có cái tên khá hắc ám, xoay quanh góc nhìn của con nít và có yếu tố quái vật, kinh dị. Cả hai phim đều có chất lượng tốt và mang dấu ấn phong cách của Del Toro, nhưng chỉ ở mức dễ nhận thấy, vì nếu Del Toro đạo diễn chắc chắn sẽ extreme hơn nữa về mọi khía cạnh. Vậy mới thấy Del Toro khá kỹ tính và nhất quán về phong cách ngay cả trong vai trò sản xuất, khiến sản phẩm không bị dính lời nguyền như những phim kinh dị gắn mác “sản xuất bởi James Wan” nhưng chất lượng thì chỉ ở tầm trung hoặc yếu (Insidious 3, Insidious 4, Annabelle 1, Annabelle Comes Home…). Có lẽ lợi thế lớn nhất của ông vẫn là chỗ đứng khá trung dung giữa nền công nghiệp Hollywood, không độc quyền bởi một studio nào, dẫn đến sự tự do trong sáng tạo hơn.

Với Scary Stories, Del Toro chắp bút cho một câu chuyện lấy bối cảnh năm 1968, giai đoạn khá căng thẳng của chiến tranh Việt Nam, giữa đợt bầu cử tổng thống mà sau đó Nixon nhậm chức. Nhiều người xem phim sẽ cảm thấy việc đem câu chuyện về chiến tranh vào khá là vô nghĩa, làm nền phụ họa tô điểm cho phim, nhưng Del Toro không bao giờ thích một kịch bản thiếu tính ẩn dụ, đặc biệt là khi đã đụng đến quái vật, dark fantasy hay con nít. Trong Pan’s Labyrinth, từng đạt 3 giải Oscar năm 2007, chiến tranh là một phần tất yếu để dẫn dắt toàn bộ câu chuyện của “công chúa âm phủ” Ofelia trong hành trình trở về nhà. Những thử thách và mẩu chuyện nhỏ mà Ofelia trải qua đàn cài đầy những ẩn dụ cực kỳ nhất quán với chủ đề và những tuyến nhân vật của phim, từ cái cây có hình âm đạo cho đến con cóc khổng lồ, “The Pale Man” v.v… Đến The Shape of Water, Del Toro lại bày ra một bữa tiệc biểu tượng khác xoay quanh những vấn đề về văn hóa, giai cấp và xã hội. Dù chỉ đề về chiến tranh và những tên độc tài không hiện rõ lên lớp bề mặt trong Scary Stories, những con quái vật trong các câu chuyện kinh dị của linh hồn Sarah Bellows vẫn ẩn chứa nhiều lớp nghĩa thâm sâu để bóc tách.

Khác với Pans Labyrinth hay Don’t Be Afraid of The Dark, với nhiều cảnh khá man rợ và tàn bạo, Scary Stories tìm được một điểm cân bằng để không làm trẻ em quá ám ảnh, mà người lớn cũng có thể thích. Đây vừa là điểm mạnh mà cũng vừa là điểm yếu của phim, vì những khán giả thích những sub-genre như psychological horror (kinh dị tâm lý) hay dòng kinh dị gore (máu me), extreme (tàn bạo), demon & possession (quỷ nhập hồn) sẽ thấy phim không đủ đô. Riêng với mình, mình thích một bộ phim kinh dị như thế này, không lạm dụng quá nhiều màn hù dọa để khiến loãng nội dung chính, còn các tuyến nhân vật vẫn được khai thác tốt, phát triển hợp lý và khiến khán giả tò mò vì sự pha lẫn khéo léo chất mystery. Cũng ở điểm cân bằng tinh tế này, kịch bản của phim lồng ghép được nhiều chủ đề, mỗi thứ một ít, không bị khiên cưỡng. Nó có đề cập đến sức mạnh của truyền thông trong việc đổi trắng thay đen, người vô tội thành người có tội và người lại, mà Chuck đã hỏi ngây thơ “nó được lên báo thì hẳn nó là sự thật nhỉ?”. Nó có nét feminism đó giờ của Del Toro khi nhân vật chính tiếp tục là một cô bé. Nó cũng có một cái kết nhân văn, có hậu và mở ra tiềm năng của một franchise mới.

Vậy cho nên, với mình, Scary Stories To Tell In The Dark xứng đáng nhận được những lời tán dương của giới phê bình nhờ một kịch bản phim chắc tay, có lớp lang, có chiều sâu và có ngôn ngữ kể chuyện phù hợp cho nhiều đối tượng khán giả lẫn độ tuổi. Hơn thế nữa, nó tiếp tục mang dấu ấn phong cách của Guillermo Del Toro dù ông ở ghế sản xuất, nhưng nói vậy không có nghĩa là đạo diễn André Øvredal không làm tốt vai trò của mình. Những phân đoạn khi từng con quái vật xuất hiện, cách xây dựng sự căng thẳng dù rất thoáng qua và khoảng cách giữa những màn “hù” khá xa nhau vẫn đủ đặc sắc để in dấu trong tâm trí khán giả, vì ít ra sau này nếu nhắc đến một gã hình nhân bắt nạn nhân của mình thế chỗ hắn, một nồi thịt hầm có ngón chân cái, một ổ nhện vỡ ra trên mặt hay một cái xác mục biết lắp ráp như lego, người ta sẽ nghĩ đến Scary Stories In The Dark trước tiên.

2021, Del Toro sẽ có phim mới, do ông một mình làm 3 job, nên dự đoán là sẽ đỉnh ? Phim có cái tên rất quen thuộc: Pinocchio, chưa gì thấy nó dark rồi đó!