Có hay không chuyện Joker sẽ châm ngòi cho bạo lực xã hội?

Tin điện ảnh · Maii ·

Joker - Bộ phim táo bạo của Todd Phillips dám đối mặt với những thứ mà chúng ta không có can đảm đối diện.

Năm 1971, Warner Bros. cho ra mắt một trong những phim gây tranh cãi nhất lịch sử phim ảnh là A Clockwork Orange. A Clockwork Orange là câu chuyện xoay quanh một người đàn ông trẻ bạo lực tên Alex DeLarge (Malcolm McDowell), thủ lĩnh của một nhóm tội phạm chuyên hành hung, cưỡng hiếp… tóm lại là bất kể hành vi nào mà bạn có thể gắn mác “vi phạm pháp luật”. Khi thì hắn quấy phá và hành hung một người phụ nữ bằng bức tượng bộ phận sinh dục nam, khi thì hắn và băng đảng đánh đập một người đàn ông, cưỡng bức vợ anh ta trong khi cùng hát vang bài Singin’ in the Rain.

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Phim của Stanley Kubrick ngay lập tức gây tranh cãi mặc cho thành công lớn ở phòng vé. Pauline Kael gọi đây là phim “khiêu dâm” bởi nó khiến sự đau khổ mà nạn nhân của Alex phải chịu đựng không còn sức nặng và tăng sự thương cảm dành cho Alex. Phía Nhà thờ Công giáo đã cấm tín đồ của mình xem bộ phim này, đồng thời bản thân A Clockwork Orange cũng được gắn nhãn X ở Bắc Mỹ.

Thế nhưng, điều khiến A Clockwork Orange đặc biệt rắc rối là sự xuất hiện của các tai nạn sau khi bộ phim được công chiếu, hoặc ít nhất là các tai nạn trông có vẻ giống trong phim.

Đầu những năm 1972, một công tố viên người Anh cáo buộc bộ phim ảnh hưởng lên một thanh thiếu niên 14 tuổi bị buộc tội ngộ sát. Sau đó, một thanh thiếu niên 16 tuổi khác thừa nhận giết một ông già đã nói rằng cậu ta từng nghe qua về bộ phim. Luật sư khi đó của bị cáo cam đoan trước tòa rằng việc tồn tại “mối liên hệ giữa tội ác và văn học giật gân, ở đây đặc biệt là A Clockwork Orange, là điều chắc chắn.

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Vấn đề nằm ở chỗ đó. Chưa có nghiên cứu nào được thực hiện để chứng minh mối liên hệ chắc chắn ấy, cũng như không có chứng cứ nào cho thấy tội phạm, dù cho là bắt chước trong phim đi chăng nữa, sẽ không làm điều kinh khủng tương tự ở một khoảng thời gian và địa điểm khác.

Kubrick biết điều đó. Nhưng ông vẫn đề nghị Warners rút bộ phim khỏi rạp chiếu, đồng thời bảo vệ bộ phim rằng: “Việc cố gắng đẩy bất kỳ trách nhiệm nào của cuộc sống lên nghệ thuật, với tôi đều là hướng đi sai trái. Nghệ thuật bao gồm việc định hình cuộc sống, nhưng không tạo ra cuộc sống và cũng không phải là nguyên cớ cho (mọi điều xảy ra trong) cuộc sống.”

Gần nửa thế kỷ sau, studio từng cho ra mắt A Clockwork Orange một lần nữa đối mặt với làn sóng tranh cãi. Lần này là khi họ phát hành Joker, bộ phim về nguồn gốc của kẻ thù không đội trời chung sau này với Batman, do Todd Phillips đạo diễn. Thế nhưng, không giống như nhiều phim Batman khác, chưa kể một số phim siêu anh hùng bạo lực núp bóng thể loại và biện minh rằng tính bạo lực trong các phim này không nên được xem xét quá nghiêm túc, chẳng có gì mang tính gọi là truyện tranh trong Joker cả.

Sức mạnh lớn nhất của Joker chính là thách thức thể loại siêu anh hùng đang chiếm lĩnh Hollywood và tuyên bố rằng: đủ rồi, đã đến lúc chứng kiến bạo lực đích thực là như thế nào.

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Phim phơi bày cái thực tế hơn là cái giả tưởng, đối đầu với cái tin được hơn là cái không tin được, với cái có thể hơn là cái không thể. Và bộ phim cực kỳ táo bạo ở khoản này, nó tự giới hạn cốt truyện lại, chỉ còn những yếu tố cơ bản nhất nhằm tập trung vào một nhân vật chính, làm anh ta có chiều sâu hơn, đáng sợ hơn và đau khổ hơn bất cứ thứ gì chúng ta từng được chứng kiến trong thế giới siêu anh hùng.

Ngoài việc nợ Taxi Driver của Martin Scorsese (1976) và The King of Comedy (1982) một lời tri ân thì Joker cũng nhắc cho chúng ta nhớ xưởng phim thời nay đã rời xa những ngày hoàng kim khi họ dám làm các tác phẩm táo bạo như thế nào.

Vài người đã xem Joker nghi ngờ về kỹ năng của đạo diễn hoặc vai chính của Joaquin Phoenix. Nhưng rất nhiều người thấy việc lo ngại về tính bạo lực của phim là điều dễ hiểu.

Trong phim có 2 cảnh đặc biệt gây khó chịu. Cảnh đầu tiên là Arthur Fleck (Phoenix) đột nhiên bắn chết một đồng nghiệp ở khoảng cách gần, tính hiện thực của cảnh này khiến khán giả ngỡ ngàng. Trong một cảnh khác, các cuộc bạo loạn liên tục diễn ra nhằm ủng hộ tên hề bị rối loạn nhân cách chống xã hội (psychopath). Các trường đoạn trên được các nhà phê bình nhận định là đã vượt qua một lằn ranh mơ hồ (dù không mấy rõ ràng) mà tất cả các nhà làm phim gốc đều phải bám sát. Khi Martin Scorsese và biên kịch Paul Schrader làm nên Taxi Driver, họ đã dự định cho tất cả các nạn nhân của nhân vật chính (do Robert De Niro thủ vai) là người da màu, nhưng sau đó từ bỏ bởi ý tưởng này gây kích động rất lớn.

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Nhiều nhà làm phim khác đều phải đối mặt với hậu quả rất khủng khiếp do các bộ phim của họ đôi khi vô tình gây ra. Hẳn ai cũng còn nhớ khi The Dark Knight Rises (2012) ra mắt, một tay súng tên James Holmes, 24 tuổi đã bước vào rạp Colorado Cineplex với lựu đạn, súng bắn tỉa, súng ngắn, giết chết 12 người và làm bị thương 70 người khác. Sự việc trở thành một trong những vụ giết người tập thể kinh khủng nhất lịch sử nước Mỹ, đồng thời, lằn ranh mơ hồ này sau đó càng lúc càng dày lên.

Holmes đương nhiên trở nên nổi tiếng vì mái tóc nhuộm đỏ và theo một báo cáo được đưa ra, hắn đã tự xưng là The Joker, khiến hậu quả mà Joker có khả năng mang đến cho đám đông càng làm người ta nghi ngại.

Vậy Warner Bros. liệu có sai lầm khi làm bộ phim này? 

Câu trả lời là không. Nghệ thuật có ảnh hưởng tích cực rất lớn đến xã hội, dù cho bản thân nó đôi khi tiến rất gần đến ảnh hưởng tiêu cực. Nghệ thuật làm chúng ta phải đặt câu hỏi, phải tái suy xét và tái đánh giá. Nghệ thuật làm chúng ta sợ hãi, nhưng cũng là thứ giúp đỡ chúng ta, khiến chúng ta thấy khó chịu nhưng cũng làm chúng ta thấy thật thoải mái. Nghệ thuật ngấm vào trong trái tim và linh hồn con người, đồng thời thay đổi bản thân ta mãi mãi. Càng gây tranh cãi, ảnh hưởng của nó càng mạnh mẽ - cũng giống như A Clockwork Orange, bộ phim mà đến nay đã được xem là một tác phẩm nghệ thuật.

Joker có sức mạnh để làm được điều đó bởi con dao hai lưỡi mà nó đưa ra khi thể hiện tính đạo đức trong phim: “anh hùng” của bộ phim là kẻ rối loạn nhân cách chống xã hội, tâm thần bất ổn và hiểu sai mọi thứ hắn thấy, điều đó, đương nhiên ai cũng nhận ra và không có gì phải bàn cãi. Chỉ có kẻ điên mới bắt chước tên hề này – đấy là loại người chẳng cần Joker thúc đẩy hắn mới làm điều ác.

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Tôi cảm thấy quá kinh khủng trước sự bạo lực không ngừng trong phim ảnh ngày nay và càng cảm thấy tồi tệ hơn khi bạo lực càng được tung hô hơn là bị phê phán. Nhưng Joker đã làm điều ngược lại: nó làm chúng ta thấy buồn nôn, thấy quá bệnh hoạn và khiến ta kinh tởm đến tận tâm can. Joker đẩy thế giới hoạt hình nhiệm màu mà con người chìm đắm trong đó quá lâu ra xa và nói rằng: Tỉnh dậy đi, bạo lực là có thật, nó nguy hiểm và nó đang hiện diện tại đây.

Nguồn: The Hollywood Reporter