Joker dưới góc nhìn tổng hợp, tranh cãi, nghi vấn và một số chi tiết đáng chú ý

Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

Cùng nhìn lại một số tranh cãi đáng chú ý xoay quanh Joker.

Kéo xuống để xem tiếp

Liệu Joker (2019) là một trò đùa đến từ Todd Phillips hay là bộ phim xứng nhận giải Oscar?

Không chỉ là một trong những số ít bộ phim có giai đoạn tiền công chiếu đầy trắc trở, mà còn là bộ phim thương mại làm được điều gần như vô tiền khoáng hậu trong lịch sử điện ảnh: đem về một giải thưởng Sư Tử Vàng từ LHP Venice. Người ta cũng chưa bao giờ thấy một phim thắng giải Sư Tử Vàng, thường là phim nghệ thuật, gây tranh cãi lớn đến như thế từ những người hâm mộ khó tính trên mạng xã hội.

Thể hiện một quan điểm đầy bạo lực khi tiếp cận nguồn gốc của tên hề Joker, kẻ thù truyền kiếp của Người Dơi, Joker được coi là bộ phim mang tính cách mạng trong việc mô tả một cá nhân mắc bệnh tâm thần sống trong xã hội tự do súng ống như Hoa Kỳ, phim cũng dấy lên những quan ngại rằng tên hề sẽ truyền cảm hứng cho những hành động bạo lực. Những cuộc bàn luận xoay quanh bộ phim của Todd Phillips và Joaquin Phoenix chưa chấm dứt, nhưng đến thời điểm hiện tại thì vẫn còn một số người chưa xem phim. Dưới đây là một số vấn đề được tranh cãi nhiều nhất quanh bộ phim và chỉ một vài trong số đó là đáng bị cười cợt. 

1. Liệu Joker có phải là một bộ phim chuyển thể từ truyện tranh?

Todd Phillips chia sẻ rằng ông đã thuyết phục Joaquin Phoenix tham gia dự án điện ảnh về tên hề điên loạn bằng việc gợi ý rằng họ sẽ "đưa một bộ phim thực sự vào hệ thống của studio dưới cái mác phim chuyển thể từ truyện tranh". Nghe không giống như một người đặc biệt yêu thích thể loại này. "Hãy cùng làm một bộ phim thực sự với kinh phí thực sự rồi gọi nó là Joker đi," ông tiếp tục. Vị đạo diễn cũng thừa nhận ảnh hưởng từ các bộ phim của Martin Scorsese và (ngạc nhiên là) Chantal Akerman. Câu hỏi ở đây là: bộ phim này có thực sự khác biệt?

Phillips thực ra có lý. Joker mang phong cách khác xa những bộ phim tươi sáng thuộc thể loại phim chuyển thể từ truyện tranh như Ant-Man and the Wasp, Thor: Ragnarok, và thậm chí, là những bộ phim gắn mác "đen tối" đến cùng nhà DC như Batman v Superman hay Watchmen - bộ phim mang cảm giác như một thể loại mới hoàn toàn. Mặc dù Arthur Fleck/Joker trong phim có vẽ mặt và bộ phim dần xuất hiện những kẻ đeo mặt nạ, nhưng nó không có chi tiết về những nhân vật mặc đồ bó hay tập trung vào những cuộc đối đầu cam go giữa thiện và ác. Joker là bộ phim xoáy vào bi kịch vừa đen tối, nhuốm màu bạo lực, vừa mang dáng dấp của chủ nghĩa Hư Vô (chủ nghĩa lập luận rằng cuộc sống vốn dĩ không có ý nghĩa hay có các giá trị nội tại như đạo đức, mục đích sống…), và tập trung vào diễn xuất của diễn viên là chính, thay vì các kỹ xảo đặc biệt.

Tuy nhiên, những fan truyện tranh vẫn tìm được chi tiết chứng minh sự liên kết giữa Joker và những trang truyện tranh, như việc Arthur đã ghé thăm nhà thương điên nổi tiếng lịch sử DC là bệnh viện Arkham và mối liên hệ giữa tên hề và nhà Wayne. Bộ phim còn để Thomas Wayne có khả năng là cha đẻ của Arthur, dẫn đến việc hắn tìm đến Dinh thự Wayne và tương tác với Bruce khi đó chỉ mới 10 tuổi.

Trong màn cao trào cuối phim, khán giả một lần nữa chứng kiến cái chết của hai vợ chồng Thomas và Martha Wayne dưới tay một tên hề. Lúc này, chiều hướng của câu chuyện gợi ý cho người xem rằng chính Joker là kẻ đứng sau tội ác. Điều này làm người ta nhớ đến phiên bản Batman được đạo diễn Tim Burton nhào nặn năm 1989 với tình tiết phần nào tương tự. Thế nhưng, Joker đã cho ta thấy đây chỉ đơn thuần là một cú twist được Phillips thêm thắt vào phim. Vì khi hai vợ chồng Wayne bị hạ sát, Arthur đang được những kẻ nổi loạn tung hô như một anh hùng chính trị và thủ phạm chỉ là một tên côn đồ chứ không phải Joker. 

2. Lời cảm thông cho những kẻ mang tư tưởng Incel?

Incels, viết tắc của cụm từ involuntary celibates, là một kiểu tiểu văn hóa được hình thành ở Mỹ trong những năm gần đây trên internet. Tiểu văn hóa Incels thúc đẩy hình thành tư tưởng Incel mà trong đó, những người, thường là nam giới da trắng, tự nhận định mình là những người không thể tìm kiếm bạn đời và không có đời sống tình dục ổn định, dù có khao khát tìm kiếm tình yêu lẫn nhu cầu tình dục. Họ đỗ lỗi cho phụ nữ, phong trào nữ quyền, và những người đàn ông có đời sống tình dục thành công hơn khiến họ gặp khó khăn trong việc yêu đương, dẫn đến sự thù ghét phù nữ, ủng hộ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, giới tính, hệ thống xã hội nam giới giữ quyền thống trị, và thúc đẩy các hành vi bạo lực với cả hai giới như cưỡng hiếp, quấy rối, hành hung… Hiện nay, Incel được coi là biểu hiện của nhiều loại bệnh trầm cảm nặng nề.

Liệu Joker có phải chỉ đơn thuần là một video tuyên truyền chính trị tốn kém? Hay là bộ phim truyền bá tư tưởng thù ghét phụ nữ? Thực sự thì trong suốt thời lượng hơn 2 tiếng đồng hồ, Joker cho thấy phim không phải là một bản tuyên ngôn của bất cứ phong trào theo tư tưởng cực hữu nào (phong trào chính trị cực đoan lấy các chủ nghĩa thượng tôn da trắng, phân biệt chủng tộc, phản đối phong trào nữ quyền, và đề cao xã hội gia trưởng truyền thống làm trung tâm) như dư luận đã gán cho bộ phim. Đây chỉ đơn thuần là tấn bi kịch của một người đàn ông bị bệnh tâm thần, không bạn bè, bị ức hiếp dã man, sống với người mẹ tâm thần, không thể có được sự chú ý của cô nàng hàng xóm xinh đẹp, và chỉ tìm thấy niềm vui trong hành vi giết người.

Những điều người viết nói trên có thể được coi là lời đồng cảm cho những kẻ có tư tưởng nam trị và thù ghét phụ nữ, nhưng nếu đặt mình vào vị trí cùa Arthur, ta sẽ thấy sự phẫn nộ của hắn phần nào cũng xuất phát từ hoàn cảnh bản thân. Hắn không thực sự phát động phong trào chống lại văn hóa "đúng đắn về chính trị" (political correctness/politically correct) hay thể hiện xã hội nợ mình điều gì đó. Arthur Fleck chỉ đơn giản muốn nói rằng đời hắn thật khốn nạn, thay vì đoàn kết một cộng đồng bằng những từ như “đời chúng ta thật khốn nạn, anh em ạ!”   

Trong phân cảnh cuối cùng, Joker đã độc thoại những lời giận dữ về sự vô tâm lẫn thiên vị của con người, tuy nhiên, kịch bản đến thời điểm này đã trở nên quá nhạt nhòa và lộn xộn để truyền tải rõ ràng khái niệm ấy.

3. Giải thưởng dành cho Joaquin Phoenix

Heath Ledger là diễn viên đã được truy tặng một giải Oscar cho màn hóa thân thành Joker trong The Dark Knight. Jack Nicholson cũng nhận được đề cử BAFTA và ẵm về một Quả Cầu Vàng cho vai diễn tương tự. Liệu Joaquin Phoenix có được nhận vinh dự nhận một tượng vàng của viện Hàn Lâm năm nay hay không? Hiện nay, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhưng ý kiến của người viết thì không, bất cứ giải thưởng công nhận diễn xuất nào cũng nên trao cho màn diễn xuất xuất sắc nhất, thay cho người diễn xuất nhiều nhất trong phim. 

Với Joker, Phoenix đã có màn lột tả chân thật Arthur Fleck mắc phải chứng bệnh tâm lý dẫn đến những tràn cười không kiểm soát được, nhưng bản thân nhân vật của anh không được sâu sắc. Arthur/Joker chỉ đơn thuần là kẻ điên, ngoài ra hắn không thể bộc lộ khía cạnh tính cách nào khác. Cây bút Stephanie Zacharek của tờ Time Magazine nhận định màn trình diễn của Phoenix: “một mẩu xương gà ngâm trong coca-cola” (ý chỉ màn diễn xuất trong phim ngày càng nhạt nhòa khi xuôi dần về cái kết).  

4. Một số phân cảnh hay

Người viết cho rằng Joker là bộ phim ảm đạm và có phần trẻ con. Nhưng điều đó không có nghĩa bộ phim không có những điểm nhấn đáng chú ý. Joker lấy bối cảnh của những con phố ở Newark, New Jersey, và khu Bronx tạo được bầu không khí gai góc cho bộ phim. Phân đoạn đại kết cục, dù có phần ngốc nghếch nếu xét việc toàn bộ phim được đặt dưới góc của tên hề, được quay rất chăm chút. Phân cảnh bạo lực của phim cũng làm người xem khá rùng mình. Bên cạnh đó, Joker cũng có các phân cảnh thật sự sáng tạo.

Gần đến đoạn cao trào, một phân cảnh đặc biệt để lại ấn tượng cho người xem xuất hiện. Hai người đồng nghiệp cũ đã đến thăm Arthur khi hay tin mẹ hắn qua đời. Một kẻ đã từng đối xử tệ với tên hề và bị Arthur kết liễu. Người thứ hai, Gary (Leigh Gill), mắc phải hội chứng người lùn, đã luôn tốt với Arthur nên tính mạng anh ta được bảo toàn. Arthur nói anh ta có thể rời khỏi đây. Gary, quá sợ hãi sự man rợ của gã hề, nhanh chóng bước ra cửa. Thế nhưng, anh quá lùn đễ với tới then khóa đang giữ chặt cánh cửa Phân cảnh một Gary, vừa mới chứng kiến một vụ giết người, phải nhờ chính kẻ sát nhân mở cửa giúp mình là phân cảnh vừa buồn cười vừa lạnh cả sống lưng.

Phillips đã tận dụng thế mạnh của mình trong phân cảnh này. Ông vừa giữ thể diện cho nhân vật Gary, một trong số ít người tốt trong phim, vừa có thể đem đến một nét hài hước cho phim.   

5. Tràng cười trào phúng đến từ Todd Phillips

Trong phân cảnh Joker vừa nhảy nhót vừa bước xuống cầu thang, một giai điệu nền đã vang lên theo từng bước chân của gã. Giai điệu này mang tên Rock and Roll Part 2 được Gary Glitter đồng sáng tác với Mike Leander. Điều đáng nói là Gary Glitter là kẻ ra tù vào tội với tội danh cưỡng hiếp trẻ em hiện đang ngồi tù ở Mỹ. Chi tiết này được coi là sự trào phúng đến từ Todd Phillips, người cho rằng chính phong trào thức tỉnh chính trị, phong trào kêu gọi mọi người nhìn nhận thẳng và đúng đắn những vấn đề xã hội lẫn chính trị trong đất nước Hoa Kỳ, đã kéo ông khỏi dòng phim hài.

Nguồn: The Guardian