[CẢM NHẬN] Joker/Arthur Fleck liệu có đáng thương đến vậy?
Đánh giá phim · Maii ·
Nhân vật Arthur Fleck của Joker có nên nhận được sự cảm thông nhiều đến như vậy?
Kéo xuống để xem tiếp
“Đương nhiên là đáng thương rồi”, nhiều người xem xong bộ phim của Todd Phillips hẳn sẽ có cùng câu trả lời, mặc cho việc xưởng phim Warner Bros. và các nhà làm phim đã tuyên bố không biến Arthur Fleck trở thành “anh hùng” của bộ phim.
Tuy nhiên, nhiều khán giả sau khi xem Joker cũng sẽ có chung một cảm giác bối rối khi không biết phải đồng tình, cảm thương hay phản đối nhân vật Arthur Fleck/Joker và chúng ta cuối cùng tự hỏi: Arthur Fleck đáng thương hay đáng trách?
Thực ra thì việc cố gắng đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi tương tự thế này rất vô nghĩa bởi cảm xúc mà ta thấy trong phim thông thường đều đã bị các nhà làm phim thao túng bằng các yếu tố hình thức, chẳng hạn như góc nhìn của người kể chuyện, âm nhạc, hình ảnh, góc quay, bối cảnh, màu sắc… Cảm giác mệt mỏi, chán chường, bức bối hay khó chịu của người xem đều có thể được tạo ra bởi các nhà làm phim. Nhân vật trung tâm của phim là Arthur Fleck, tình tiết được lật mở theo góc nhìn của Arthur, khiến người xem trở nên đồng điệu trong cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật này. Gotham tăm tối và con người Gotham thô lỗ, đâu đâu cũng chỉ dối gạt và bắt nạt Arthur, đấy là điều mà Arthur cảm thấy và cũng chính là điều mà các nhà làm phim muốn chúng ta phần nào cảm nhận. Mọi suy nghĩ và lý lẽ của các nhân vật khác đều trở nên yếu thế trong mắt chúng ta cũng là vì thế. Thế nhưng, liệu Arthur Fleck có phải là nhân vật đáng nhận được sự cảm thông?
Joker có cốt truyện rất đơn giản, các sự kiện ảnh hưởng lên nhân vật chính có số lượng khá hạn chế, và bởi vì hạn chế số lượng sự kiện như thế nên sức ảnh hưởng của các sự kiện này phải thực sự mạnh mẽ để tạo động lực thúc đẩy nhân vật Arthur Fleck trở thành Joker. Arthur là đứa trẻ mồ côi được Penny Fleck nhận nuôi. Đáng tiếc, mẹ hắn lại là người có vấn đề về thần kinh, mắc chứng hoang tưởng và rối loạn nhân cách ái kỷ.
“Chứng ái kỷ là bệnh lý tâm thần hiếm gặp, người bệnh chỉ quan tâm đến bản thân, tầm quan trọng của bản thân bị thổi phồng lên, muốn người khác tôn trọng và ngưỡng mộ mình nhưng lại thiếu đồng cảm với người khác.
Người bị bệnh ái kỷ thường có các triệu chứng: Phản ứng gay gắt khi nhận được những lời nhận xét hoặc cảm thấy tức giận, xấu hổ khi bị ai đó nhắc tới hoặc góp ý. Lợi dụng người khác để đạt được mục tiêu của mình. Thổi phồng tài năng và khả năng của mình. Phóng đại tầm quan trọng của bản thân. Luôn mong muốn mọi người chú ý và ngưỡng mộ mình. Phớt lờ hoặc không có sự đồng cảm với người khác. Hay ảo tưởng về sự thành công của bản thân và nhạy cảm quá mức với những thất bại của mình.” (Theo Sức Khỏe và Đời Sống)
Đây là bệnh lý được ghi nhận trong hồ sơ của Penny Fleck và không có chi tiết nào xác nhận Arthur bị bệnh ái kỷ, ngoài chứng hoang tưởng khá rõ ràng, nhưng nếu quan sát kỹ nhân vật, chúng ta có thể thấy biểu hiện của bệnh lý tâm thần này ở hắn. Nguyên nhân của bệnh ái kỷ chưa thực sự rõ ràng, tuy vậy, nhiều nghiên cứu đã được đưa ra và nhận định gen di truyền đóng vai trò khoảng 50%, còn lại là do môi trường thù địch, chiến tranh hoặc các vấn đề về tâm sinh lý nhưng ngược đãi, bỏ bê, nuông chiều hay khen ngợi quá nhiều… Nếu xét các nguyên nhân gây ra bệnh này thì có thể thấy, Arthur hội tụ đủ khả năng phát triển thành bệnh.
Bởi câu chuyện mà chúng ta thấy bị ảnh hưởng theo góc nhìn không đáng tin (unreliable narrator) của Arthur nên ta khó mà biết được liệu Arthur có bị xã hội đẩy vào góc đường cùng như trong phim, hay vì bệnh lý tâm thần này mà hắn ta đang phóng đại hóa mọi thứ mình gặp phải.
Thêm nữa, rối loạn nhân cách ái kỷ không có thuốc chữa, chỉ có điều trị tâm lý cá nhân, trò chuyện với bạn bè, người thân và nhận thức hành vi thì mới có thể cải thiện chứng bệnh này, đồng thời áp dụng một số thói quen sinh hoạt có lợi, giảm căng thẳng bằng cách tập thiền hoặc thái cực quyền. Trong phim, sau sự kiện trên tàu điện ngầm, Arthur rơi vào trạng thái bị áp lực tột độ và để lấy lại thăng bằng tâm lý, hắn có thực hiện một vài động tác trông rất giống như đang mô phỏng một bài múa thái cực quyền. Thế nhưng, sau khi tâm trạng trở nên tốt hơn, Arthur rơi vào trạng thái hoang tưởng. Không có ai tâm sự và không có ai giúp hắn nhận thức hành vi, căn bệnh của Arthur diễn biến càng ngày càng nặng và xuyên suốt phim, Arthur chỉ thấy người khác xấu xí với mình.
“Mẹ từng bảo tràng cười của con là một căn bệnh. Nhưng thực sự không phải đâu. Con là thế đấy.”
Mỗi lần cảm xúc lên cao, thường là trong một số hoàn cảnh trớ trêu, chẳng có gì vui vẻ, tiếng cười của Arthur lại bật lên không dứt khiến hắn khó mà nhịn được. Đến lúc hắn chấp nhận con người thật của mình, hắn thôi phát ra những tràng cười quái đản và thực sự vui vẻ khi không phải kiềm nén cảm giác vui sướng trước những sự việc oái ăm mà mình chứng kiến. Cảm giác tội lỗi, thương cảm với người khác, Arthur chưa bao giờ có. Trong Arthur chỉ tồn tại hai thái cực, hoặc là kiềm nén sự sung sướng lại, hoặc đón nhận sự sung sướng trước sự đau khổ của người khác. Giả sử 3 kẻ trên tàu điện ngầm có đáng chết đi chăng nữa, vậy 2 viên cảnh sát bị đám đông vây đánh đến nguy kịch trước nụ cười và bước nhảy của hắn có đáng bị như thế?
“Bệnh tâm thần là cái cớ để anh giết 3 người kia à?”
“Không. Tôi giết chúng vì chúng xứng đáng bị như thế.”
Hắn thừa nhận với Murray Franklin rằng việc giết người khiến hắn rất vui và hắn đã quá chán nản khi phải giả vờ rằng mình không cảm thấy thế. Tư tưởng của Murray bị suy nghĩ của Arthur áp đảo bởi trong mắt khán giả lúc này, Arthur quá đáng thương và tất cả những ai chống lại hắn ta đều nên nhận một phát súng vào đầu. Tuy nhiên, nếu ngừng lại và nhận định kỹ, chúng ta sẽ thấy vấn đề trong suy nghĩ và tính cách của Arthur như thế nào, cũng như việc bạo loạn, đốt phá mọi thứ, tung hê Arthur là hành động của những tên hề không hơn không kém, như chính lời Thomas Wayne nhận định.
Ngay từ đầu phim, bản tin xuất hiện trên đài đã cho thấy rõ bối cảnh tăm tối của Gotham và bầu không khí đó ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Không riêng Arthur, không riêng Penny Fleck, không riêng bất cứ ai mà cư dân của Gotham, ai cũng bị sự u ám và ngột ngạt của Gotham bóp nghẹt. Hoàn cảnh của Arthur tồi tệ, nhưng liệu hắn có phải là người duy nhất phải chịu đựng sự tồi tệ đó? Cơn mưa đổ xuống thành phố, bất cứ ai không kịp tránh đều bị ướt, chẳng riêng Arthur. Nhưng trong mắt Arthur, chỉ có mình hắn là phải chịu đựng cơn mưa này, chịu đựng sự thống khổ đó.
“Tại sao các người không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu?”
Hắn trách Thomas Wayne, nhưng đã lần nào hắn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu, họ cũng đang phải chịu đựng những gì? Arthur chê trách con người ngày nay chẳng còn ai lịch sự nữa, nhưng ta nên nhớ, Thomas chưa hề lớn tiếng với Arthur. Ông ta chỉ đơn giản là nói cho Arthur nghe sự thật, một sự thật khó có thể chấp nhận trong mắt hắn. Arthur và những kẻ bần cùng trách Thomas Wayne vì hoàn cảnh của chính mình, trách tầng lớp giàu có vì hoàn cảnh của những người nghèo khổ và túng thiếu; ta bảo nhau rằng nghèo không phải là cái tội, vậy chẳng lẽ giàu là cái tội và tất cả những ai giàu có đều đáng trách? Nếu ai vì có một ngày tồi tệ như Arthur cũng hành động như hắn, chúng ta lúc đó liệu có còn là người?
Thomas gửi lời chia buồn đến cái chết của 3 thanh niên trên tàu điện ngầm, ông ta nói: “Tôi không biết rõ họ.” Vậy Arthur có biết rõ Thomas, có biết rõ Murray Franklin hay tất cả những người thuộc tầng lớp giàu có để đi đến kết luận rằng, số phận của mình là do tất cả bọn họ gây nên? 3 thanh niên kia làm việc cho Thomas Wayne, điều hiển nhiên là ông ta sẽ gửi lời chia buồn đến gia đình họ. Nếu không làm thế, bạn nghĩ ông ta nên làm gì? Ta là khán giả, ta biết rõ lý do tại sao chúng chết, nhưng Thomas thì không. Thời điểm Thomas bị bắn chết, người vợ cũng bị bắn chết và còn bị cướp mất chiếc vòng ngọc trai trên cổ, để lại đứa con trai của họ đứng giữa con hẻm tối, mọi lý lẽ của những kẻ phản đối chính quyền đều đã bị tước bỏ bởi hành động hèn nhát của một cá nhân đeo mặt nạ hề, và ta nhận ra bản chất thật sự của Arthur cũng như những kẻ theo phe hắn. Hắn bảo rằng bộ đồ hắn mặc không phải là một động thái chính trị, nhưng hành động của hắn cuối cùng lại tạo nên một cơn bạo loạn.
Tuy nhiên, lo lắng quá nhiều rằng khán giả sẽ noi theo Joker cũng chẳng cần thiết lắm bởi dù ta có thể ủng hộ Arthur Fleck trong phim, nhưng không có nghĩa là ta sẽ cổ xúy cho hành động tương tự ở ngoài đời. Phim là phim và đời thực là đời thực, đấy là lằn ranh rất rõ ràng mà bất cứ người bình thường nào cũng có thể nhận thức được sau khi ra khỏi rạp. Cảm xúc của khán giả có thể bị các nhà làm phim thao túng, đó là điều hiển nhiên và việc nhận thức được điều này rất quan trọng. Việc tách cảm xúc thực sự của bản thân và cảm xúc dành cho nhân vật là điều mà người xem cần xác định để có cái nhìn tỉnh táo đối với bộ phim. Joker có thể là một bộ phim hay, nhưng Arthur Fleck thì không đáng nhận được quá nhiều sự cảm thông đến thế.
Nguồn: Vũ trụ Bóng tối (Dark Universe)