Method acting - Nguồn gốc và những lầm tưởng
Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·
Method acting là gì và bạn có thực sự hiểu rõ phương pháp diễn xuất này?
Method acting không còn là cụm từ xa lạ gì đối với những ai đam mê phim ảnh. Được coi là đỉnh cao của diễn xuất, phương pháp này đã cách mạng hóa môn nghệ thuật thứ 7, làm phim ảnh không chỉ là tập hợp các chuỗi hành động được ghi lại qua máy quay, mà còn có thể truyền tải những cung bậc cảm xúc chân thật khiến người xem phải xúc động dù để lại nhiều tổn thương tâm lý và sức khỏe của diễn viên. Hiện nay, cái danh Method actor (những diễn viên sử dụng Method acting) dường như được tùy tiện gán cho diễn viên nào được coi là hy sinh cho vai diễn. Nhưng mấy ai thật sự hiểu rõ phương pháp này?
Diễn xuất vốn đã có tuổi đời ngang ngửa với nền văn minh của nhân loại. Buổi biểu diễn đầu tiên được lịch sử ghi nhận là vở kịch của Thesis – một chàng trai Hy lạp – diễn ra vào năm 534 BC. Thesis được coi là diễn viên đầu tiên do ông sử dụng lời nói để truyền tải nội dung, thay vì những bài hát và vũ điệu. Đến thế kỷ 19, các diễn viên sử dụng lối diễn kết hợp những tông giọng kiểu cách và cử chỉ được cường điệu hóa do các vở kịch sân khấu, hầu hết lấy cảm hứng từ tác phẩm của Shakespeare, vẫn còn thịnh hành. Nhưng khi chàng thanh niên Constantin Stanislavsky (hay Constantin Stanislavski) dấn thân vào diễn xuất, môn nghệ thuật thứ 7 đã thay đổi mãi mãi.
Là người đam mê diễn xuất từ khi còn nhỏ, Constantin Stanislavsky bất chấp sự kỳ vọng của gia đình giàu có và quyền lực của mình để trở thành một diễn viên. Thất vọng với phong cách diễn xuất thời bấy giờ, ông liền nỗ lực tìm hướng đi mới. Vào những năm đầu của thế kỷ 20, vận dụng lối tư duy khác biệt của bản thân và những kinh nghiệm đóng phim theo kịch bản của cây bút biên kịch tiếng tăm khi ấy là Anton Chekhov, Stanislavsky đã mày mò sáng tạo nên phong cách diễn xuất tự nhiên thông qua một hệ thống do ông nghĩ ra. Đây là tiền thân của Method acting nổi tiếng. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nó được người của giới nghệ thuật gọi vắn tắt là The System (System nghĩa là hệ thống trong tiếng Anh).
The System xoáy vào sự chân thật thay vì sự cường điệu trong biểu diễn thông qua một hệ thống các bước chuẩn bị-luyện tập cho vai diễn. Do đây là một hệ thống phức tạp nên người viết chỉ có thể tóm tắt phương pháp như sau: diễn viên nhập vai nhân vật bằng cách đặt bản thân vào hoàn cảnh, tập tành cảm xúc, dự đoán các tình huống có thể phát sinh, vận dụng trí tưởng tượng và các kĩ năng xã hội, phân tích kịch bản để tìm động cơ, và vận dụng trí nhớ để tái hiện những cung bậc cảm xúc ở các phân cảnh nhất định. Nói cách khác, The System cho phép diễn viên đội lốt nhân vật và các hành vi, tính cách, và tâm lý của nhân vật đó.
Phương pháp của Stanislavsky tạo nên cuộc cách mạng trong làng diễn xuất ở Nga. Sau khi sáng tạo ra phương pháp, Stanislavsky dành cả cuộc đời cống hiến cho việc truyền thụ kỹ thuật này đến thế hệ diễn viên trẻ triển vọng hơn. Trong số đó, nổi tiếng nhất phải kể đến Lee Strasberg và Stella Adler.
Lee Strasberg là diễn viên, đạo diễn, và là giáo viên dạy diễn xuất người Mỹ gốc Ba Lan. Có thể nói, ông là nhân vật quan trọng nhất đã thay đổi nền điện ảnh Mỹ bằng cách học hỏi và tự mình sáng tạo một kỹ thuật diễn xuất đặc sắc dựa trên các nguyên lí của The System. Kỹ thuật của Strasberg mới chính là Method acting mà những người đam mê điện ảnh thường nhắc đến hiện nay.
Năm 1923, đoàn diễn viên đền từ công ty Moscow Art Theatre (do Stanislavsky góp phần xây dựng nên để đào tạo các học viên theo nghiệp diễn xuất) đến Mỹ biểu diễn. Strasberg ngay lập tức bị mê hoặc bởi lối diễn tự nhiên và hiện thực của họ. Đối với ông, đây là trải nghiệm mang tính khai sáng. Strasberg đã quyết địng học hỏi The System dưới sự chỉ dẫn của hai học viên kì cựu của Moscow Art Theatre là Richard Boleslavsky và Maria Ouspenskaya tại The American Laboratory Theatre, New York (một trường dạy diễn xuất tương tự Moscow Art Theatre). Khi ấy, ông còn nuôi một giấc mộng lớn lao hơn: ông muốn đem bản sắc Mỹ kết hợp với The System để tạo nên một phương pháp diễn xuất mới thuần Mỹ. Khoảng một thập kỷ sau đó, ông đã thành công.
Theo lý thuyết, The Method – cách Strasberg gọi phương pháp của ông, tương tự với cái tên Method acting – không khác mấy so với The System. Trên nhiều phương diện, The Method được sinh ra từ các nguyên lý của The System và Constantin Stanislavsky. Tuy nhiên, giữa cả hai vẫn tồn tại điểm khác biệt rất lớn: Stanislavsky khuyến khích các học viên của ông đột lốt nhân vật, trong khi The Method là phương thức khuyến khích diễn viên thành lập kết nối cảm xúc mạnh mẽ hơn với nhân vật thông qua sử dụng trí tưởng tượng. Nói cách khác, Strasberg thúc đẩy The System đi xa hơn nữa.
Phương pháp của Strasberg đặt ra những câu hỏi như làm sao để một diễn viên sinh trưởng trong một gia đình giàu có biết được cảm xúc và suy nghĩ của một vai diễn được cho một xuất thân nghèo khó, làm thế nào để tái hiện cảm xúc của một nhân vật lịch sử vào một sự kiện nhất định. Để trả lời các câu hỏi trên, ta phải đến với trọng tâm của The Method – Affective memory (Tạm dịch: Ký ức tình cảm).
Nói nôm na, Affective memory là một dạng ký ức gắn liền với những trải nghiệm mang tính bước ngoặt khiến con người ta nhớ mãi, chờ đến lúc thích hợp các diễn viên sử dụng chúng vào vai diễn của mình. Chính vì sống lại trải nghiệm xưa cũ nên hầu như diễn viên không phải giả vờ diễn mà là để cảm xúc tự nhiên dâng trào và bùng phát ra ngoài.
Nghe có vẻ phức tạp, nhưng thật ra quá trình biến chuyển ba khía cạnh này không cao xa như mọi người thường nghĩ. Đối với một phương pháp được cho có thể khiến người dùng phát điên, thì quá trình tăng-giảm cân có khi còn nguy hiểm hơn mặt tâm thần. Sự tăng-giảm cực đoan có thể để lại những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng nếu không có sự giúp đỡ chuyên nghiệp của một chuyên gia dinh dưỡng. Christian Bale có lẽ là diễn viên nổi tiếng nhất trong việc thay đổi hình thể cho phù hợp với vai diễn và anh có cả một gia tài phim ảnh để chứng minh điều đó. Nhưng ngay cả anh cũng phải thừa nhận, những ngày như thế đối với anh đã chấm dứt.
Về tâm thần và cảm xúc, dưới góc độ phân tích tâm lý, ta có thể hiểu Affective memory theo mô hình nhận thức của sự giả vờ (A Cognitive Theory of Pretense xuất bản vào năm 2000), cảm xúc mà diễn viên cảm thấy là cảm xúc của nhân vật, không phải cảm xúc của chính diễn viên. Nhiều người tin rằng Method acting có thể khiến nhiều diễn viên quên mất bản thân mình. Điều này không đúng chút nào. Theo mô hình nhận thức, não bộ con người được chia làm nhiều ngăn chứa đựng những chủ đề khác nhau. Các diễn viên sẽ để dành một ngăn riêng biệt cho nhân vật của mình trong tâm trí và tập trung chăm chút cho nó, như tính cách của nhân vật, sở thích, hành vi, động cơ, và cảm xúc – những điều có thể thu nhận được từ quá trình nghiên cứu kịch bản và nguyên tác (nếu có). Còn những gì làm nên bản thân diễn viên đó không hề biến mất, mà chỉ tạm thời được tắt đi như một công tắc đèn vậy. Sau khi có đầy đủ các thành phần, họ sẽ sử dụng ngăn tủ đó để diễn và cất đi khi quá trình quay phim kết thúc.
Nếu Strasberg tập trung vào khía cạnh tâm lý nhân vật, thì Adler, và sau này là Sanford Meisner, lại đề cao hệ thống trí tưởng tượng của The System. Theo bà, phương pháp hoàn hảo là kết hợp cả trí tưởng tượng này và Affective memory với nhau. Tính hoàn hảo của phương pháp vẫn còn là điều chưa chắc chắn, nhưng cách tiếp cận của Adler mang tính tích cực cao hơn so với Strasberg, nhất là càng về sau, khi The Method được các diễn viên trẻ học tập. Mặc dù vậy, Strasberg vẫn được coi là cha đẻ của The Method.
Constantin Stanislavsky và Lee Strasberg, với sự sáng tạo của mình, đã cách mạng hóa cả một thế giới nghệ thuật. Tính hiện thực và tự nhiên đến động lòng người mà Method acting thổi vào nhân vật đã biến điện ảnh thành những trải nghiệm mà con người hầu như không thể sống thiếu. Thế nhưng, bên cạnh những màn biễu diễn sống động, The Method vẫn có thể để lại nhiều vấn đề về sức khỏe.
Dưới con mắt của các nhà tâm lý học, Method acting có thể khiến các diễn viên gặp phải các vấn đề về tâm thần như mệt mỏi về mặt tâm lý do phải trải nghiệm các cảm xúc dữ dội nhiều lần, những nỗi bất an không thể lý giải, mất ngủ trong thời gian dài, và rối loạn tâm thần do phải chuyển đổi liên tục tính cách giữa nhân vật và bản thân. Các vấn đề này có thể được hạn chế và tránh được nếu các diễn viên thực hiện Method acting trong một môi trường có kiểm soát.
Phương pháp diễn xuất của Strasberg có thể đã cách mạng hóa nền công nghiệp điện ảnh, nhưng đây không phải là phương pháp đại trà, tức một số diễn viên sẽ cảm thấy nó không phù hợp với mình. Suy cho cùng, dù có xuất chúng đi chăng nữa, Method acting vẫn chỉ là một trong nhiều kỹ thuật diễn xuất được hình thành trong thời gian qua. Nó có thể là cách nổi tiếng nhất, nhưng không phải là cách duy nhất. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dù không thể phủ nhận tính bước ngoặc của Method acting, bản thân nó lại thổi bùng lên một khía cạnh không mấy khả quan của nó, bên cạnh vấn đề sức khỏe.
Daniel Day-Lewis là tay Method actor gạo cội ở Hollywood. Ngoài Lincoln, ông còn áp dụng nhiều hình thức Method acting cực đoan cho các phim khác như tự mình sống trong miền hoang dã trước khi đóng chính trong The Last Mohican (1992), từ chối mặc áo khoác giữa thời tiết lạnh giá trong Gangs of New York (2002), hành động khiến ông mắc bệnh viêm phổi sau đó, hay khi ông ngồi xe lăn, bắt nhân viên trường quay chăm sóc ông như một người bại liệt thực sự hàng tháng trời để vào vai Christy Brown, nhân vật bị bại não nặng trong My Left Foot (1989). Có thể thấy, Day-Lewis có nghị lực và chút may mắn để vượt qua các trở ngại của những vai diễn đòi hỏi sức khỏe hình thể lẫn tâm thần như thế này. Sau 3 tượng vàng Oscar, ông cũng giải nghệ ở tuổi 60. Nhiều nguồn tin cho rằng chính Method acting đã vắt kiệt sức lực của nam diễn viên và buộc ông phải rời bỏ diễn xuất.
Năm 2015 là năm đánh một cột mốc vàng son trong sự nghiệp của tài tử Leonardo DiCaprio khi anh bước lên sân khấu để nhận giải Oscar cho hạng mục Diễn viên chính xuất sắc nhất. Năm đó, chính vai diễn Hugh Glass của The Revenant (2015) đã giúp anh lập được kì tích danh vọng. Dĩ nhiên, con đường đến đó không hề dễ dàng.
Để chuẩn bị cho màn hóa thân người đàn ông phải sinh tồn trong thiên nhiên khắc nghiệt, DiCaprio đã sử dụng đến Method acting – phương pháp diễn xuất cho phép diễn viên đắm chìm và trở thành nhân vật của mình – để có thể đem cái thần lẫn sự tự nhiên từ cơ thể đến cảm xúc đến cho nhân vật Hugh Glass. Tài tử Titanic đã tự mình đi vào rừng sâu dựng trại và tập sinh sống trong thiên nhiên hoang dã, và thậm chí, tập ngủ trong xác động vật và ăn thịt sống. Kết quả, hành trình sinh tồn của Hugh Glass đã trở thành một ấn tượng khó phai trong lịch sử điện ảnh hiện đại.
Để chuẩn bị cho vai diễn Joker (The Dark Knight) điên loạn đã đưa anh vào hàng ngũ huyền thoại trong điện ảnh, Heath Ledger đã tự cô lập mình trong một phòng khách sạn, tập cách nghĩ tiêu cực của tên hề tội phạm, ghi chép lại chúng vào một quyển nhật ký, và hành xử như kẻ tâm thần ở trường quay. Kết quả, Heath đã thể hiện được một Joker không thể tuyệt vời hơn – một Joker đáng sợ đến rợn tóc gáy. Nhưng rồi vào ngày 22.01.2008 định mệnh, người ta tìm thấy thi thể nguội lạnh của Heath trong phòng riêng. Một năm sau bi kịch, Heath nhận được tượng vàng Hàn Lâm đầu tiên và cuối cùng trong sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đầy ấn tượng của mình.
Christian Bale thì đã quá nổi tiếng cho những lần anh giảm cân cực đoan cho các vai diễn. Bale đã giảm cân thành một bộ xương di động để hóa thân thành nhân vật Trevor bị trầm cảm nặng nề đến mức ảnh hưởng đến hình thể và tâm trí trong The Machinist (2004) và ngay lập tức tăng cân trở lại để sắm vai Batman trong Batman Begins (2005). Điều đáng nói là The Machinist đóng máy vào tháng 6 năm 2003, còn Batman Begins thì khởi quay vào tháng 2 năm 2004.
Những ví dụ trên đây tượng trưng cho ba khía cạnh của Affective Memory và Method acting. Các Method Actor sử dụng hình thể (Chistian Bale) – cảm xúc (Daniel Day-Lewis, Leonardo DiCaprio) – tâm thần (Heath Ledger) để thể hiện các nhân vật mà họ đảm nhận. Không khó để thấy điểm chung giữa cả ba trường hợp kể trên. Họ đã sử dụng Method acting ở một cường độ không thể cực đoan hơn và giới nghệ thuật đã dành sự công nhận danh giá nhất – giải Oscar và những lời khen có cánh – để ghi nhận sự xuất chúng của các diễn viên. Nhưng câu chuyện không đơn giản như thể. Đối với phần lớn khán giả, những tượng vàng đó dành cho sự hy sinh của họ đối với vai diễn, thay vì kết quả diễn xuất rút ra từ đó và Method acting đơn thuần là một công cụ để nhận được sự công nhận và danh vọng. Đối với những ai thực sự hiểu Method acting, họ lại tự hỏi liệu Method acting đã mất đi giá trị ban đầu của nó?
Không phải ngẫu nhiên mà các diễn viên lựa chọn Method acting cho những vai diễn mang những cảm xúc tiêu cực, như đau khổ, tâm thần, trầm cảm…. Method acting được hình thành vào thời điểm các lý thuyết tâm lý học của Sigmus Freud đang trở nên nổi trội và đang được đưa ra bàn luận giữa giới tâm lý học. Giống với các lý thuyết tâm lý của Freud, The Method coi các cảm xúc tiêu cực chân thật và truyền cảm hơn các cảm xúc tích cực. Đến nay, quan điểm này vẫn tồn tại. Đây cũng là lí do hầu như không diễn viên nào sử dụng Method acting vào các thể loại phim hài hoặc tình cảm nhẹ nhàng.
Đến thời điểm hiện tại, Method acting được phần lớn người yêu điện ảnh đánh đồng với những quá trình chuẩn bị nhập vai gian khổ của các diễn viên. Nhưng trên thực tế, không phải diễn viên nào cũng có thời gian và tài nguyên để trải nghiệm cuộc sống của một nhân vật, và không phải vai diễn nào cũng cực đoan hoặc đòi hỏi cường độ cảm xúc mạnh mẽ như các ví dụ trên. Nên họ sẽ chọn những phương pháp khác để vào vai. Phần lớn sẽ chọn sử dụng các kỹ thuật của The System hoặc phiên bản Method acting của Stella Adler hay kỹ thuật sau này được Sanford Meisner phát triển thêm, và sử dụng trí tưởng tượng – khía cạnh hầu như bị lãng quên ở phương pháp của Strasberg do sự nổi trội của Affective Memory.
Charlize Theron là một trong số diễn viên nữ hiếm hoi từng sử dụng Method acting cho Monster (2003). Trong phim, Theron phải tăng cân và đeo răng giả để vào vai Aileen Wuornos, một nữ sát nhân hàng loạt có thật. Tuy nhiên, Theron đã dành thời gian nghiên cứu tư liệu thực tế về Wournos thay vì bắt mình phải hình thành cảm giác thật như nam diễn viên Jamie Dornan. Với Dornan, để cảm thụ tâm lý và cảm xúc của nhân vật sát nhân hàng loạt Paul Spector trong The Fall (bộ phim truyền hình của Netflix), anh đã rình mò một phụ nữ lạ mặt anh gặp ở ga tàu điện ngầm.
Trong quá khứ, hành động của Dornan được coi là hành vi không phù hợp với tiêu chuẩn xã hội, thậm chí, là hành vi tội phạm. Nhưng ngày nay, nó được coi là minh chứng hùng hồn cho nỗ lực hy sinh vì nghệ thuật của diễn viên và nhận được cái nhìn ngưỡng mộ từ các khán giả. Phản ứng tương tự được nhiều lần được tìm thấy trong các ví dụ được nêu trên, khi mà các câu chuyện hành xác của diễn viên nhân danh nghệ thuật nổi tiếng hơn cả quá trình diễn xuất của họ qua màn ảnh.
Cái tên Heath Ledger đã khiến khía cạnh này của Method acting trở thành tâm điểm chú ý. Ngày nay, việc bàn luận về Method acting mà không nhắc đến Heath Ledger dường như là điều không thể tưởng tượng được. Cái chết của nam tài tử vào năm 2008 không chỉ bất tử hóa tên anh trên bức tường danh vọng của môn nghệ thuật thứ 7, mà còn vô tình biến anh thành kẻ tử vì đạo. Nhiều người cho rằng bi kịch của Heath là hậu quả tồi tệ nhất của Method acting, là bằng chứng cho sự cống hiến vô tận một diễn viên có thể làm đối với nhân vật của mình. Giờ đây, bi kịch của Heath Ledger và Method acting là thứ được nhớ đến đầu tiên, thay vì màn trình diễn của anh trong phim. Sau cái chết ấy, Method acting bỗng trở thành một thứ cấm thuật quyến rũ, thứ cấm thuật đem lại vinh quang và danh vọng, và cách để thành thạo cấm thuật là phải trải qua đau khổ lẫn dày vò, ít nhất là nhiều người đến nay vẫn cho là thế.
Việc lãng quên khía cạnh nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng không kém tầm quan trọng của Method acting đã đóng khung phương pháp này vào những chuỗi hành vi từ không phù hợp đến bạo hành thể xác nhân danh nghệ thuật. Trầm trọng hơn, quá trình hành xác trên có nguy cơ làm tổn hại các diễn viên hơn là cải thiện diễn xuất của họ và làm mất đi các giá trị thật sự mà Method acting đem lại nền điện ảnh hiện nay. Kết hợp với những tổn thương tinh thần nó để lại, liệu đã đến lúc Hollywood để Method Acting ngủ yên? Chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi này.
Không một phương pháp diễn xuất nào là hoàn hảo. Đối với Stanislavsky, ông lại càng không muốn phương pháp của mình được coi là hoàn hảo. The System có những mặt thiếu sót đã cho Strasberg và Adler cơ hội để sáng tạo kỹ thuật của chính mình. Và ngay cả sự sáng tạo của họ cũng tồn tại nhiều khuyết điểm như môt cách để thôi thúc thế hệ sau tìm tòi thêm. Có thể sau này, Hollywood sẽ xuất hiện nhiều phương pháp diễn xuất đặc trưng và bớt đi tính tiêu cực của Method acting, hoặc một ai đó sẽ tìm lại những giá trị thật sự của chính sáng tạo đã cứu rỗi nền điện ảnh trước nguy cơ rơi vào lối mòn. Cho đến thời điểm ấy, Method acting sẽ tiếp tục được vận dụng và phát triển, nhưng chỉ có chúng ta phải quyết định nên tôn vinh diễn xuất hay sự tiêu cực nhân danh nghệ thuật.
Nguồn: Tổng hợp, tham khảo từ nhiều nguồn