[REVIEW] Joker (2019)

Đánh giá phim · tinlethanhnhan ·

Joker quả không phụ lòng người hâm mộ.

Có thể khẳng định rằng Joker (2019) không chỉ là câu chuyện kể về hành trình Arthur Fleck (Joaquin Phoenix) trở thành “hoàng tử tội phạm” - kẻ điên loạn nhất Gotham mà còn là một cuộc “nội soi” chính nền tảng xây dựng nên đạo đức của mỗi người. Chúng ta nhìn nhận thế nào là thiện ác, tốt xấu? Liệu cái ác vốn là ác hay nó chỉ trở thành “ác” vì ta gán cho nó một cái nhãn?

Joaquin Phoenix có màn hóa thân vào vai Arthur Fleck xuất sắc
Joaquin Phoenix có màn hóa thân vào vai Arthur Fleck xuất sắc

Rác giờ tràn ngập khắp mọi nơi khiến những nơi đẹp nhất cũng trông giống khu ổ chuột”. Một câu thoại nghe có vẻ không liên quan gì nhưng nó chính là đầu mối khiến mọi thứ diễn ra và lý do vì sao Joker lại xuất hiện. Những kẻ giàu có quyền thế chỉ coi đó là một cuộc khủng hoảng khi nó khiến cuộc sống êm dịu của họ trở nên tồi tệ như những con người hạ đẳng khác đã và mãi gánh chịu. Những con người vô hình tồn tại một cách vô nghĩa lý không được nhận ra, họ sống và chết nhưng những bao rác vứt lăn lóc trên đường phố.

Những sắc thái của Joker/Arthur
Những sắc thái của Joker/Arthur

Thành phố khổng lồ, hào nhoáng với những tháp chọc trời đan đặc nhưng phía xa là bao la khu phố thấp tè cũ kỹ, mục nát, tàn tạ. Vật cùng tất biến, vật cực tất phản. Gotham đã đạt đỉnh cao xấu xí của nó thì ắt nó sẽ sản sinh ra sự tà ác bên trong. Joker không phải thứ kỳ dị từ nơi nào đến, như lời giới thiệu của Arthur “là một công dân lâu năm của Gotham” – hắn chính là sản phẩm của xã hội tàn nhẫn đang băng hoại đạo đức, một nơi không còn sự tử tế, cảm thông và thấu hiểu. Gotham đã đánh mất chính nó.

Joker chính là sản phẩm của một xã hội tàn nhẫn
Joker chính là sản phẩm của một xã hội tàn nhẫn

Hãy nói về diễn xuất của Joaquin Phoenix. Lâu lắm rồi mới có một phim làm tôi vừa sợ hãi, vừa cảm thông đến như vậy. Nét cô độc, đau đớn và rồi tự buông mình vào tội ác một cách hoàn toàn sảng khoái thật sự gây cảm giác rợn gai ốc. Joaquin hay ở chỗ không chỉ bộc lộ cái ác thuần chất mà còn khiến ta cảm nhận được đằng sau cái ác đó còn có một tia hy vọng nhỏ nhoi mong được quan tâm và yêu thương, ánh sáng nhỏ đó dần dần tắt đi để lại một khoảng tối đen đặc như thuở hồng hoang khởi thủy. Ngẫm thì thiện ác không tồn tại trong tự nhiên và đời vốn là vậy. Nửa đầu phim là tiếng khóc uất nghẹn không thể bật ra, chỉ có tiếng cười cùng nước mắt vô hình tuôn trào. Một kẻ cả đời không có một giây phút hạnh phúc nào bị buộc phải luôn mỉm cười, còn gì bi kịch hơn thế, còn gì tàn nhẫn hơn thế. Những người “tốt” nghe và cười trước mấy mẩu chuyện cười tục tĩu nên Arthur không cười được, hắn cười những thứ không kẻ “tốt” nào thấy buồn cười. Arthur không cười chuyện cười hắn cười cuộc đời thật ngu ngốc và giả tạo. Những kẻ như Arthur – thấy được sự giả dối của xã hội hoặc sẽ trở thành Joker hoặc sẽ trở thành một người hùng để bảo vệ những điều tốt nhỏ nơi nhân loại. Hai con đường tùy cách ta chọn – đó chính là sự khác biệt.

(Từ trái sang phải) Robert De Niro (Murray Franklin), Zazie Beetz (Sophie Dumond), Frances Conroy (Penny Fleck), và Brett Cullen (Thomas Wayne)
(Từ trái sang phải) Robert De Niro (Murray Franklin), Zazie Beetz (Sophie Dumond), Frances Conroy (Penny Fleck), và Brett Cullen (Thomas Wayne)

Hình ảnh và quay phim đạt đến độ tuyệt diệu. Từng khuôn hình được quay với sự chăm chút, dụng công nhiều hàm ý nghệ thuật rõ ràng. Từ tàu điện mà Arthur ngồi chạy thẳng vào khu trung tâm Gotham đến con tàu điện ngầm bẩn thỉu đưa hắn thoát khỏi sự đè nén cuối cùng và sống thật với bản chất của mình. Từ điệu múa hân hoan sau cuộc tàn sát đến nụ cười máu nhìn đường phố bốc cháy hoang tàn. Từng thứ một như một mảnh ghép hoàn hảo để diễn tả nhân dạng lẫn sự băng hoại dần dần trong tâm hồn của Arthur. Âm nhạc trong phim được chọn và hòa âm rất đỉnh. Mỗi khi giai điệu của Smile do Jimmy Durante hay That’s life, Send In the Clowns (Frank Sinatra) ... cất lên đều tạo hiệu ứng cảm xúc đồng nhất với câu chuyện phim. “Mỉm cười dù trái tim ta đang đau. Mỉm cười mặc cho tim tan nát…”. Cuối cùng hắn đã thả con quái thú giam cầm từ lâu và sống với niềm hoan lạc tàn ác với nụ cười sảng khoái nhất.

Arthur khiêu vũ khi lần đầu tiên sống thật với bản chất của mình trọn vẹn
Arthur khiêu vũ khi lần đầu tiên sống thật với bản chất của mình trọn vẹn

Đây chắc chắn không phải là trải nghiệm điện ảnh dành cho số đông, có thể ta vẫn xem được nhưng để thích và hiểu nó không phải là dễ. Bức tranh hiện thực xã hội được phản ảnh trong Joker khiến nó như một cú tát vào mặt nhiều người. Lời tuyên bố của Thomas Wayne (Brett Cullen) rằng những kẻ đeo mặt hề ngoài kia do vấn đề của chính họ, họ cần được giúp. Nó làm ta liên tưởng đến lời phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi được hỏi về nạn thất nghiệp: hãy qua bên đường là kiếm được việc ngay. Ở đây không phán xét tính đúng sai của lời phát biểu từ Thomas và Macron. Điều làm người dân Gotham và phong trào áo vàng tại Pháp phẫn nộ chính là thái độ trịch thượng lẫn thiếu sự cảm thông. Hai ông ấy không hiểu rằng “La Mã không xây trong một ngày” những uất hận và phẫn nộ của những người nghèo không phải đến từ cuộc khủng hoảng rác hay tăng thuế vài xu tiền xăng dầu mà chính cảm giác bị bỏ rơi, gạt ra ngoài lề xã hội đã thổi bùng lên ngọn lửa bạo lực. Joker không phải là nguyên nhân tội ác ở Gotham, hắn chỉ là một biểu tượng mà những tội phạm dựng lên để phản kháng một cách tiêu cực từ sự tức giận đã được nuôi dưỡng từ lâu. 

Một số poster đẹp của phim
Một số poster đẹp của phim

Khi nhìn vào một tác phẩm nếu thấy nó nói được những thông điệp vượt ra khỏi chính nó thì ta nhận ra rồi đây nó sẽ trở thành một tác phẩm kinh điển. Joker (2019) chắc chắn sẽ còn được nhắc đến nhiều chục năm sau nữa. Một lần nữa xin ngả mũ kính phục tài năng, sự can đảm của đạo diễn Todd Phillips và màn hóa thân xuất thân của Joaquin Phoenix.

Nguồn ảnh: IMDb