[PHÂN TÍCH] Truy Tìm Tung Tích Ảo (Searching) – Có gì khác biệt so với những phim cùng đề tài giải cứu con cái?
Tin điện ảnh · Genis ·
Trái với những bộ phim mang đề tài giải cứu con cái, Truy Tìm Tung Tích Ảo (Searching) mang đến cho người xem những trải nghiệm mới lạ qua góc nhìn của một người cha trên hành trình tìm kiếm người con gái đột ngột mất tích.
Kéo xuống để xem tiếp
Trái với những bộ phim mang đề tài giải cứu con cái thường thấy, Truy Tìm Tung Tích Ảo (Searching) mang đến cho người xem những trải nghiệm mới lạ qua góc nhìn của một người cha trên hành trình tìm kiếm người con gái đột ngột mất tích. Không có bất kỳ một cảnh hành động đúng nghĩa nào trong suốt thời lượng 102 phút nhưng phim vẫn đem lại sự kịch tính và gây cấn đến tận cùng. Vậy điều gì khiến Truy Tìm Tung Tích Ảo khác biệt so với những bộ phim khác cùng chủ đề? Để biết rõ hơn, hãy cùng Moveek xem qua bài phân tích dưới đây nhé.
Điểm khác biệt lớn nhất chính là yếu tố hành động. Chúng ta đã từng chứng kiến Karla Dyson (Halle Berry) vượt qua hàng trăm cây số, rượt theo gã bắt cóc con gái trong Bắt Cóc (Kidnap) hay chị Phượng (Ngô Thanh Vân) ngược xuôi từ Cần Thơ lên tận Sài Gòn, đơn thân độc mã đương đầu với hàng loạt tên bắt cóc có vũ khí để giành lại con gái trong Hai Phượng (Furie). Nhưng trong trường hợp của David Kim (John Cho), anh không hề có bất kỳ một tin tức nào liên quan đến Margot kể từ sau 3 cuộc gọi nhỡ ấy. Anh không biết liệu con gái mình có phải bị bắt cóc, bỏ nhà ra đi, hoặc tệ hơn là có thể tự mình tìm đến cái chết. Như bất cứ phụ huynh nào mất liên lạc với con cái, Kim muốn lục tung mọi ngõ ngách cho đến khi tìm được cô bé, dù cho chỉ còn lại cái xác. Nhờ đến sự giúp đỡ từ phía cảnh sát là việc tất yếu nhưng bên cạnh đó, anh vẫn tự thân vận động, tìm kiếm từ những manh mối nhỏ nhất từ laptop của cô con gái.
Xét về khía cạnh thực tế, không phải phụ huynh nào cũng có thể cầm vũ khí để tự mình chiến đấu với những kẻ bắt cóc. Nhiều bộ phim như Prisoners (Lần Theo Dấu Vết), Taken (Cưỡng Đoạt) hay Skyscraper (Tòa Tháp Chọc Trời) đều xây dựng hình tượng những ông bố thật ngầu, thật dũng cảm qua những màn đấu súng nảy lửa hay những pha “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” ác liệt. Và vì là phim nên những ông bố này vẫn sống khỏe đến cuối cùng và trở thành người hùng trong mắt khán giả. Nhưng nếu lâm vào tình cảnh tương tự, mấy ai có thể làm được điều như thế? Chúng ta đã chứng kiến chị Hai Phượng võ công thượng thừa như thế, chị vẫn tận dụng dao, chảo, ống bô, dây lục bình hay thậm chí là nhang cắm bàn thờ để chiến đấu khi cần thiết. Dữ dằn, máu lửa là vậy nhưng không ít lần tính mạng của chị như "ngàn cân treo sợi tóc".
Truy Tìm Tung Tích Ảo cho người xem một cái nhìn trực quan hơn về hình ảnh người cha mang trong mình nỗi lo lắng dành cho con gái, nhưng hành động của anh ta lại có phần thực tế hơn. Nếu như trong những bộ phim trên, nhân vật chính phải chạy khắp nơi để tìm kiếm nạn nhân thì Kim gần như chỉ ngồi một chỗ và mọi manh mối đều được anh góp nhặt qua các trang mạng xã hội rộng lớn. Kim là không phải là người quá rành rọt về công nghệ, tất cả những gì anh có thể làm thì bất kỳ ai biết sử dụng máy tính cơ bản và biết truy cập mạng cũng đều làm được. Điều này tạo sự gần gũi cho hầu hết người xem và dễ dàng để họ dõi theo từng cái nhấp chuột của người cha bất hạnh.
Truy Tìm Tung Tích Ảo còn là lời cảnh tỉnh dành cho các bậc phụ huynh trong thời đại số. Quá dựa dẫm vào các thiết bị công nghệ cao sẽ càng kéo giãn khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Từ lúc người vợ qua đời vì ung thư, khán giả chỉ thấy Kim và Margot (Michelle La) liên lạc với nhau qua Facetime. Mặc dù 2 cha con trò chuyện có vẻ thân mật nhưng Kim chưa bao giờ thấu hiểu Margot. Anh đã không dành nhiều thời gian cho con gái nhưng lại luôn mang suy nghĩ bản thân biết cô bé nghĩ gì, cần gì và điều này cực kỳ nguy hiểm. Sau khi khám phá những dòng tin nhắn, những hoạt động của Margot trên mạng xã hội, Kim mới bàng hoàng nhận ra bấy lâu nay mình đã sai.
Nếu so với Bắt Cóc, Lần Theo Dấu Vết, Cưỡng Đoạt và Hai Phượng, các trường hợp con trẻ bị bắt cóc hoặc mất tích đều xuất phát từ nguyên nhân khách quan, nạn nhân bị khống chế và đem đi mà không có sự lựa chọn. Trường hợp của Margot lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Dẫu biết rằng cô bé mất tích suốt 3 ngày là do tai nạn nhưng xét đến nguyên nhân sâu xa hơn, mọi chuyện vẫn là bắt nguồn từ sự thiếu chia sẻ giữa Margot và cha mình, điều mà những người trong cuộc hoàn toàn có thể kiểm soát. Đây cũng là bài học hết sức gần gũi cho các bậc phụ huynh, chúng ta có thể quan sát con cái bằng mắt, giữ chúng tránh khỏi những hiểm hoạ từ môi trường xung quanh, hạn chế được bọn bắt cóc, buông người nhưng không phải bố mẹ nào cũng là bạn thân với con. Đặc biệt là trong độ tuổi dậy thì, con cái với bố mẹ thường gặp phải nhiều bất đồng quan điểm khiến cả hai ngày càng xa cách nhau, dẫn đến việc đứa con luôn mong muốn thoát khỏi sự kiểm soát của phụ huynh.
Cần phải nói rõ không phải Kim không quan tâm đến con gái mình hay không dành nhiều thời gian cho cô bé. Anh luôn cố gắng giữ liên lạc nhiều nhất có thể với Margot nhưng anh đã quên mất rằng tâm lí của cô ít nhiều bị ảnh hưởng sau khi người mẹ qua đời. Và sai lầm lớn nhất của Kim là đã không kề bên chia sẻ để giúp Margot vượt qua nỗi đau ấy. Thời gian sẽ chữa lành tất cả dường như không đúng trong trường hợp này. Kết quả là Margot đã tìm đến thế giới ảo, một nơi ẩn chứa những nguy hiểm tiềm tàng nhưng lại là nơi duy nhất mà cô bé có thể bộc bạch tâm sự của bản thân với những người xa lạ.
Chúng ta cũng không thể đổ toàn bộ tội lỗi lên đầu Kim. Hơn ai hết, anh là người hứng chịu đau đớn nhiều nhất về mặt tinh thần sau biến cố ấy. Đầu phim, khán giả đã thấy Kim là người rất thương vợ con, là người đặt gia đình lên trên tất cả và anh luôn muốn lưu lại những khoảnh khắc hạnh phúc của tổ ấm nhỏ này. Kim biết mình phải mạnh mẽ, biết mình phải giữ ấm ngọn lửa yếu ớt còn lại ấy nhưng Margot lại không được như cha mình. Một cô bé vốn đang phải trải qua độ tuổi dậy thì đầy khó khăn như thế gần như không thể tự mình vượt qua mất mát ấy, đặc biệt khi trong mắt cô, mẹ là người bạn thân nhất, đồng hành cùng cô trong mọi sở thích.
Truy Tìm Tung Tích Ảo thực tế là một bộ phim rất đời thường, nói lên thực trạng đáng buồn ở nhiều gia đình hiện nay. Những con người sống trong cùng một gia đình thay vì dành nhiều thời gian cho các thành viên khác thì họ lại quan tâm đến những con người thậm chí còn chưa gặp mặt. Không ai quan tâm chúng ta hơn gia đình thật sự, những kẻ xa lạ trên mạng ảo ấy chỉ hé lộ bộ mặt tốt của họ khi dành những lời khen hoặc động viên ta nhưng đằng sau những dòng tin nhắn, những lời bình luận ấy có thể là sự giả tạo, hoặc tệ hơn, những câu chuyện chúng ta chia sẻ vô tội vạ sẽ có thể biến thành một trò đùa ác ý của một ai đó và bị lan truyền khắp nơi.
Nếu như những bộ phim đã đề cập ở trên nhắc nhở cha mẹ cảnh giác trước những thế lực xấu đe dọa tính mạng những sinh linh bé bỏng thì Truy Tìm Tung Tích Ảo nhấn mạnh sự lưu tâm của phụ huynh đến cảm xúc con em mình. Bọn bắt cóc không phải lúc cũng có, nhưng tâm lí tiêu cực thì lại luôn dễ xảy ra.
Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Câu chuyện của Kim và Margot dù chỉ là nội dung của một bộ phim nhưng nó như là tấm gương để các gia đình rút ra bài học. Gần 50% số vụ mất tích (trong phim) chưa được giải quyết, con số chênh lệch cũng không nhiều so với thực tế và không phải ai cũng có thể tự mình hoặc thậm chí nhờ đến sự giúp đỡ của cảnh sát mà giải quyết được vấn đề. Hãy yêu thương và dành thời gian ở bên nhau nhiều nhất, chia sẻ với nhau những niềm vui cũng như bộn bề trong cuộc sống. Điều đó không chỉ giúp chúng ta giải tỏa những căng thẳng, áp lực mà còn thắt chặt tình cảm gia đình rất hiệu quả.
[PHÂN TÍCH] Us – Chúng Ta, phim kinh dị với những thông điệp không dễ gì giải mã (độc quyền)
Us - Chúng Ta thường xuyên nhắc đến Jeremiah 11:11, bạn có biết dòng chữ này có ý nghĩa gì?
[PHÂN TÍCH] Annihilation – Vòng luân hồi của sự sống và cái chết
Annihilation là bộ phim sci-fi, kinh dị không dễ nắm bắt.