[REVIEW] Chiến Dịch Overlord - Chiến tranh, đại dịch zombie và câu chuyện về nhân tính

Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · tinlethanhnhan ·

Mặc cho nhiều “chuyên gia” đánh giá cao, tôi có thể nói thẳng là kịch bản Chiến Dịch Overlord này không có gì mới lạ.

Kéo xuống để xem tiếp

Trong những năm gần đây các bộ phim lấy đề tài chiến tranh hay kinh dị được làm khá nhiều nhưng một bộ phim gồm cả Thế Chiến II lẫn zombie kinh dị thì có vẻ là một điều “mới lạ” với khán giả. Nhà sản xuất lừng danh của Hollywood J.J. Abrams hợp tác cùng đạo diễn Julius Avery thực hiện bộ phim Chiến Dịch Overlord. Có thể nói đây là tác phẩm được khá nhiều khán giả mong đợi, không chỉ bởi danh tiếng của J.J. Abrams mà còn từ những chia sẻ về ý tưởng thú vị của dự án đầy tham vọng này.

Cảnh trong phần mở đầu
Cảnh trong phần mở đầu

Trước khi đi ra rạp xem bộ phim này tôi cũng tiện tay tìm kiếm chút thông tin về Chiến dịch Overlord để xem nó được đánh giá ra sao. Lướt sơ thấy nhiều nhận xét đây là bộ phim “có kịch bản lạ, độc đáo, nhiều yếu tố vui vẻ, cảm động, chủ nghĩa anh hùng, kinh dị, siêu nhiên…” nên tôi khá kỳ vọng sẽ có 109 phút thỏa mãn. Nhưng bộ phim dường như chỉ là một đống hổ lốn pha trộn quá nhiều thể loại. Mặc cho nhiều “chuyên gia” đánh giá cao, tôi có thể nói thẳng là kịch bản phim này không có gì mới lạ. Một nhóm binh sĩ Mỹ lao vào một nhiệm vụ bí mật, lạ không? Một phòng thí nghiệm làm ra thứ huyết thanh tạo siêu chiến binh, lạ không? Thế Chiến II, quân Đức Quốc xã tàn ác, quân Mỹ thì anh hùng tuyệt vời, lạ không? Quả thật các nhà biên kịch Hollywood dường như góp nhặt tất cả ý tưởng về các chủ đề thịnh hành rồi dồn vào bộ phim này với hy vọng rằng nó sẽ ăn khách.

Để chuẩn bị cho D-Day – ngày đổ bộ của liên quân mở mặt trận phía Tây chống phát-xít Đức – các binh sĩ Mỹ được lệnh nhảy dù xuống một ngôi làng ở Pháp để phá hủy tháp vô tuyến chỉ cho Không quân Đức nhằm giảm thiệt hại cho cuộc chiến. Chỉ có 5 người may mắn sống sót và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Trong lần đi do thám, một binh sĩ đã khám phá được bí mật kinh hoàng từ những thí nghiệm vô nhân tính của quân Đức. Cả nhóm lên kế hoạch tiêu hủy cả tháp vô tuyến và những thí nghiệm tàn ác kia. Có vẻ các nhà làm phim Mỹ vẫn sử dụng một công thức an toàn thường dùng ở Hollywood: một nhóm nhỏ quân Mỹ thực hiện một nhiệm vụ gần như bất-khả-thi để cứu giúp một đất nước hay cho nhân loại. Ta có cảm tưởng Saving Private Ryan được hòa trộn cùng Captain America: The First Avengers. Chỉ khác là lần này, Ryan được thế bằng đứa bé người Pháp, còn kẻ ác thì được tiêm huyết thanh tăng cường sinh lực.

Ford đối mặt với Wafner, liệu trong chiến tranh người ta còn nhân tính?
Ford đối mặt với Wafner, liệu trong chiến tranh người ta còn nhân tính?

Phần mở đầu phim thật sự làm rất tốt. Những người lính trẻ khác nhau về xuất thân, chủng tộc, tính cách, nghề nghiệp lao vào trận chiến với đủ mọi cung bậc cảm xúc. Những đoạn đối thoại đơn giản nhưng giới thiệu được những nét cơ bản nhất về những nhân vật trong bộ phim. Rồi đột ngột cuộc chiến lao vào họ như một con thú dữ vô hình ngấu nghiến sinh mạng của họ. Mạch phim dồn dập dần và trong màn đêm tối tăm đẫm máu, họ nhảy dù xuống dưới làn súng phòng không đỏ lửa đang xé nát bầu trời. Cảnh phim này thật sự đầy sức mạnh lay động nội tâm khán giả và rất giàu tính điện ảnh. Đó như lời mời chào tuyệt vời mà bất cứ nhà làm phim cũng mong muốn có được. Những tưởng bộ phim sẽ tiếp tục lấy đà đó để đẩy không khí rùng rợn của cuộc chiến tranh hơn nữa nhưng thật bất ngờ, đoạn mở đầu đó dường như dồn hết tinh hoa nên những đoạn còn lại hụt hơi một cách khó hiểu.

Phim đột ngột chuyển sang những trò hài hước và kinh dị, có vẻ các nhà làm phim muốn thêm nhiều gia vị cảm xúc nhưng đặt bên cạnh bối cảnh chiến tranh ác liệt thì lại quá lệch pha và khiến nó mất đi không khí đang được xây dựng tốt từ ban đầu. Một loạt hành động ngốc nghếch không thể nào có thể chấp nhận được với nhóm binh sĩ đang lẩn trốn và thực thi nhiệm vụ tuyệt mật trong vùng địch làm tôi cảm thấy rất khó chịu và tự hỏi dụng ý của đạo diễn là gì. Nếu chọn cách thể hiện kiểu dark-humor thì cũng khá hợp vì 5 binh lính được xây dựng từ đầu phim cũng khá thú vị và tính hài hước của một số nhân vật có thể được khai thác. Việc không xác định tông màu chủ đạo cho bộ phim làm người xem kỹ tính thấy vô cùng ức chế. Đoạn ở ngôi làng Pháp nên được dụng công tốt hơn thì có rất nhiều phân đoạn có thể đẩy cao trào và phơi bày bộ mặt trần trụi của chiến tranh nhưng hết lần này đến lần khác bị bỏ phí và cảm xúc cứ bị chặt nhỏ ra do sự đan xen của các phân cảnh hài hước, bi kịch lẫn kinh dị. Việc cho một nhân vật được mô tả là người lính tệ hại trong lúc huấn luyện lại hiền lành (không dám giết một con chuột) khám phá được bí mật khủng khiếp cũng là một ý kiến không tồi. Qua đó, tâm lý của nhân vật biến đổi và con người khi bị đẩy vào các tình huống ngặt nghèo phải thích nghi để sinh tồn, chiến tranh là nơi biến đổi con người tàn khốc nhất. Dù vậy, việc cho các tình huống diễn biến quá thuận lợi đến mức ngớ ngẩn cũng làm giảm rất nhiều cảm xúc và tính hợp lý cho câu chuyện.

Boyce khám phá ra phòng thí nghiệm kinh dị
Boyce khám phá ra phòng thí nghiệm kinh dị

Dễ dàng nhận ra nhân vật chính của bộ phim là Boyce (Jovan Adepo) nhưng 2 nhân vật ấn tượng nhất lại là Binh sĩ Ford (Wyatt Russell) và tên sĩ quan Đức Quốc xã Wafner (Pilou Asbæk). Một người lính gai góc thô bạo nhưng cá tính rất quyết đoán và mạnh mẽ, vào những thời khắc quyết định trong chiến tranh ta cần những con người như Ford. Mọi điều tàn ác, bệnh hoạn, đê hèn được dồn vào nhân vật Wafner. Đó không còn là một nhân vật đơn thuần mà trở thành hiện thân của tà ác, nơi con người để cho cái ác chiểm hữu và tha hóa đến cùng cực, phần thú tính còn lại khi lớp vỏ bộc của văn minh bị gỡ bỏ ra khỏi con người.

Phim có chất liệu từ các nhân vật được xây dựng tốt cùng tình tiết khám phá ra phòng thí nghiệm rất hấp dẫn nhưng lại được xử lý khá vụng về trong phần giải quyết. Nếu để phim theo hướng hoặc thuần “hài hước đen”, hoặc đẩy mạnh phần kinh dị kết hợp với sự hy sinh mang đậm chất anh hùng ca thì có thể phim sẽ hay hơn rất nhiều. Đoạn kết quá đơn giản, thiếu chất bi tráng hay tô đậm sự đối lập của nhân tính và sự tàn ác làm thông điệp của bộ phim không rõ ràng, thiếu thuyết phục. Kỹ xảo hình ảnh, quay phim và âm thanh của phim cũng ổn nhưng chưa thật sự ấn tượng. Nếu đoạn đầu phim làm rất tốt khắc họa sống động sự chết chóc của chiến tranh thì đoạn giữa khám phá phòng thí nghiệm lại quá sơ xài chưa đủ đẩy độ kinh dị gây ấn tượng sâu đậm cho khán giả. Màn chiến đấu cuối phim có thể xem là tạm ổn, chúng ta vẫn chứng kiến được cái kết tròn trịa theo kiểu happy ending.

Cảnh trong đoạn kết của phim
Cảnh trong đoạn kết của phim

Tổng kết lại, ta có một bộ phim khá ổn để xem giải trí. Phim sẽ đem đến đủ các sắc thái cảm xúc cho người xem từ căng thẳng, vui vẻ, sợ hãi, căm giận, thỏa mãn. Dẫu còn nhiều hạt sạn trong kịch bản nhưng khó có thể phủ nhận bộ phim vẫn có những khoảnh khắc đáng nhớ và ý tưởng về một đoàn quân Nazist zombies không phải quá tệ.

Nguồn: Ảnh IMDb