[REVIEW] Ròm
Đánh giá phim · KNTT ·
Ròm cho thấy đạo diễn Trần Thanh Huy là cái tên đáng mong đợi của điện ảnh Việt Nam trong tương lai.
Ròm là bộ phim dài đầu tay được phát triển từ phim ngắn 16:30 của đạo diễn Trần Thanh Huy, gây được tiếng vang vào năm ngoái khi bộ phim đoạt giải New Currents tại Liên hoan phim Busan.
Vui mừng chưa được lâu thì Ròm lại nhận được tin phải tiêu hủy bản chiếu tại Busan, và phải mất tận gần một năm sau thì bộ phim mới được ra mắt với khán giả tại quê nhà. Việc Ròm bị buộc phải chỉnh sửa lại để được chiếu tại Việt Nam khiến không ít người mất niềm tin vào chất lượng của bộ phim, thế nhưng hành trình hơn 8 năm để tạo ra Ròm của đạo diễn Thanh Huy và ê-kíp làm phim đã không khiến người xem thất vọng khi nó để lại một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ và xúc động.
Ròm kể câu chuyện của nhân vật chính cùng tên, một cậu bé sinh sống tại một khu chung cư nghèo, được những người dân ở đó tin tưởng chọn ra những con số để thay đổi cuộc đời của họ qua việc chơi số đề. Thế nhưng miếng cơm ăn của Ròm (Trần Anh Khoa) lại bị tranh giành bởi Phúc (Nguyễn Phan Anh Tú), một chàng trai trẻ khác cũng đi bán vé dò. Sự cạnh tranh để mưu sinh giữa Ròm và Phúc xảy ra xuyên suốt bộ phim, dẫn đến những kết cục khác nhau cho cả hai và những người dân sinh sống tại khu chung cư đó.
Ròm mở đầu với lời dẫn truyện của Ròm, khi cậu tự sự về cuộc đời và “sự nghiệp” của mình, về những cách thức mà cậu dùng để tìm ra những con số may mắn. Đạo diễn Trần Thanh Huy lập tức cho thấy năng lượng mà anh muốn truyền tải vào bộ phim ngay từ những phân cảnh đầu tiên, với những bước chạy của Ròm qua những con hẻm và đường phố ở thành phố Sài Gòn tấp nập.
Đúng với tinh thần bài hát Chạy của rapper Wowy, các nhân vật trong bộ phim luôn chạy không ngừng để giành được miếng ăn, “không được đứng không được dừng”.
Tuy nhiên, việc sử dụng phần mở đầu để giới thiệu các nhân vật và bối cảnh khu chung cư nghèo trong phim có cảm giác hơi rời rạc, thiếu tính liên kết trong phần biên tập, cộng với việc nhịp phim được đẩy lên khá nhanh trong khi người xem còn đang làm quen với Ròm và Phúc.
Những câu thoại có thể khiến người xem cảm thấy chưa được tự nhiên, điều có thể thông cảm khi hai diễn viên chính (Anh Khoa và Thanh Tú) đều là những người mới bước chân vào nghiệp diễn, thế nhưng khi biến cố lớn đầu tiên xảy ra, thật không ngoa khi nói rằng cả hai chàng trai đã cống hiến hết mình cho vai diễn trong bộ phim lần này.
Đối với phim ngắn 16:30, đạo diễn Thanh Huy đã truyền tải và thể hiện những khía cạnh gai góc trong cuộc sống của những đứa trẻ đi bán vé dò qua những tình tiết rượt đuổi và bạo lực. Trong bộ phim dài Ròm lần này, Thanh Huy đã tận dụng cơ hội để đào sâu hơn vào những góc khuất, vào cuộc sống của những người nghèo khổ tại mảnh đất Sài Gòn.
Trong Ròm, những hình ảnh của những tòa nhà cao tầng hay sự phát triển của công nghệ rất ít khi xuất hiện, nhường chỗ cho những căn nhà xập xệ, dòng sông đầy rác, đều là chi tiết mà chúng ta không khó để tìm thấy ở thời điểm hiện tại.
Có rất nhiều khung cảnh trong phim được xây dựng từ góc nhìn hướng lên, cứ như rằng các nhân vật đang nhìn lên bầu trời và hy vọng vào một điều gì đó có thể giúp thay đổi cuộc sống nghèo khổ, cơ cực của họ, một con số may mắn chẳng hạn. “Vui là hạnh phúc, mà hạnh phúc là 41!” – Một câu thoại gây cười của Ròm, thế nhưng việc trông cậy rất nhiều thứ vào một con số như vậy cho thấy rõ tình trạng của những người dân nghèo, của Phúc, của Ròm.
Đối với Ròm, bạo lực là cách thức duy nhất để giải thuyết những mâu thuẫn xảy ra. Khi con người chúng ta không còn gì cả, chúng ta sử dụng bạo lực để tìm ra con đường sống. Thanh Huy dường như không muốn tiết chế lại bất kì tình tiết bạo lực nào trong phim, cho dù đó có là giữa Ròm và Phúc hay bất cứ ai khác. Một khi những nhân vật bắt đầu để những con số dẫn lối, Huy liên tiếp đẩy họ vào những hố sâu, dường như không có lối thoát, khiến người xem cảm thấy bí bách, để rồi những giọt nước mắt đã đổ từ lúc nào không hay.
Sự sáng tạo trong cách quay phim và phần nhạc nền hỗ trợ khiến trải nghiệm xem Ròm trở nên mới mẻ và ấn tượng. Với thời lượng chỉ 79 phút, Ròm dành phần lớn thời gian tập trung vào nhân vật Ròm, một điều hiển nhiên, thế nhưng phần kịch bản vẫn tìm được cách để thêm vào những chi tiết nhỏ về cuộc sống của những nhân vật liên quan, khiến động cơ và hành động của họ trở nên đáng tin và hợp lý, cho dù những chi tiết này không được khai thác kĩ hơn.
Trong khuôn khổ giới hạn của mình, Ròm truyền tải vừa đủ những gì mà bộ phim muốn mang đến cho người xem, dẫu cho có một vài tình tiết thừa khiến người xem cảm thấy không được thỏa mãn. Thế nhưng chính sự tài tình trong định hướng của đạo diễn Thanh Huy, sự quyết liệt, mạnh mẽ của anh trong việc chèo lái câu chuyện, mới khiến Ròm bật ra khỏi so với nhiều bộ phim Việt khác.
Việc xem Ròm thật không dễ dàng một chút nào khi bạn phải chứng kiến cuộc sống của những con người nghèo khổ này. “Ông thì biết cái gì!”, Ròm la lên. Đúng vậy, sao mà họ biết được trong khi mối quan tâm hàng đầu của họ là lợi ích cá nhân, làm sao để họ có được một cuộc sống tốt hơn.
Đối với Ròm, một câu hỏi lớn luôn hiện hữu đó là liệu các nhân vật trong phim, hay dường như là những số phận nghèo khổ ở ngoài đời, bằng một cách nào đó có thể tìm ra lối thoát, để họ có thể ngừng chạy? Chắc có lẽ, ngay cả Huy vẫn chưa tìm được cho mình một câu trả lời chính xác.